Cô giáo mầm non bật mí cách rèn trò ngoan và hứng thú học tập
Thực hiện phương pháp giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, cô giáo Ánh Tuyết đã dành hết tâm huyết giúp trẻ hứng thú với việc học và phát triển thế mạnh của mình.
Đến Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 (quận Lê Chân, Hải Phòng) ngắm nhìn những đôi mắt thơ ngây, lắng nghe tiếng cười nói trong trẻo, hồn nhiên của các em nhỏ, chúng tôi cảm nhận được trẻ em nơi đây thực sự được yêu thương, chăm sóc, giáo dục để phát triển toàn diện.
Đó là công sức của cả một tập thể, lãnh đạo, cán bộ và giáo viên nhà trường luôn không ngừng đổi mới, xây dựng môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm.
Trong đó, cô giáo Vũ Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1988) được các em học sinh coi như người mẹ thứ 2, được phụ huynh và đồng nghiệp tin tưởng, quý mến.
Cô giáo Vũ Thị Ánh Tuyết, giáo viên Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 (quận Lê Chân, Hải Phòng) (Ảnh: Lã Tiến)
Chúng tôi gặp cô giáo Ánh Tuyết khi cô cùng các đồng nghiệp đang tất bật chuẩn bị các hoạt động phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm thành lập nhà trường và 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Cô Ánh Tuyết gây ấn tượng với chúng tôi bởi khuôn mặt tròn xinh xắn, đôi mắt long lanh và nụ cười duyên luôn thường trực trên môi.
Với tác phong nhanh nhẹn, tháo vát cùng giọng nói rõ ràng, truyền cảm, mỗi tiết dạy của cô giáo Ánh Tuyết luôn trở nên thật sinh động, cuốn hút học sinh.
Theo chia sẻ của cô giáo Tuyết, sau khi tốt nghiệp Đại học Hải Phòng khoa Sư phạm mầm non, cô được nhận về công tác tại Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1.
Hiện nay, cô Ánh Tuyết đang là Tổ phó chuyên môn, Phó bí thư chi đoàn Thanh niên nhà trường và được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng, giao nhiệm vụ phụ trách khối 5 tuổi.
Theo cô giáo Ánh Tuyết, trẻ 5 tuổi rất nhút nhát, lười ăn uống, nhiều trẻ được gia đình chiều nên thường xuyên nghỉ học và không có nề nếp trong học tập.
Do đó, việc chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi đòi hỏi các giáo viên phải có những hoạt động sáng tạo, phù hợp tâm sinh lý và đáp ứng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
“Ngay từ đầu năm học, em thường xuyên trao đổi với các phụ huynh để nắm bắt tình hình sức khỏe, tính cách, thói quen và các hành vi mang tính đặc biệt của từng trẻ.
Từ những thông tin nắm được, em có những biện pháp để chăm sóc, giáo dục các con cho phù hợp như: tạo các hoạt động học mà chơi kích thích trẻ thích đến lớp;
Bên cạnh đó, em cũng thường xuyên gần gũi trẻ để trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo.
Vào các dịp lễ, tết, em thường dành cho các con những món quà; cuối tuần, cuối tháng tổ chức các hoạt động như: cắm cờ, biểu dương, đánh giá các con để chọn ra gương mặt tiêu biểu…
Video đang HOT
Đồng thời khích lệ các con mạnh dạn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thông qua các sân chơi: chiến sĩ tí hon, bé sáng tạo, thiết kế các tấm bưu thiếp về thầy cô…”, cô Ánh Tuyết nói.
Thực hiện phương pháp giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, cô Ánh Tuyết luôn cố gắng tạo điều kiện để giúp trẻ hứng thú với việc học và phát triển thế mạnh của mình.
Cô giáo Ánh Tuyết hướng dẫn các trẻ thực hành các hoạt động tại các góc học tập trong lớp (Ảnh: Lã Tiến)
Theo cô giáo Ánh Tuyết, hầu hết các trẻ rất thông minh, nhanh nhẹn nhưng còn thiếu và yếu các kĩ năng thực hành.
Chính vì vậy, trong mỗi lớp đều thiết kế góc “Thực hành cuộc sống” giúp trẻ có cơ hội được trải nhiệm những công việc vừa sức giúp mẹ việc nhà.
Ví dụ: nhặt nhau, tách hạt ngô, giã lạc, bóc vỏ trứng, làm các món ăn sáng nhanh; giúp mẹ, gấp quần áo, quét nhà, lau dọn và sắp xếp đồ đạc ngăn nắp gọn gàng…
Hoặc các cô giáo cho trẻ đi trải nghiệm hoặc tham quan dã ngoại với những hoạt động như: Làm bánh trung thu, vẽ tranh tặng bà, mẹ và cô giáo, khám phá cát nước, tham quan doanh trại quân đội, Trường tiểu học Minh Khai và dâng hương Đền Nghè…)
Các bài dạy mà các cô thường chọn dạy trẻ như: An toàn khi ở nhà một mình, không nhận quà của người lạ, Các số điện thoại khẩn cấp là gì?, ý nghĩa của lời nói thật, nói lời yêu thương…
Qua đó, không chỉ thu hút các con vào các hoạt động một cách tự nhiên, mà còn giúp bộc lộ tối đa khả năng, năng khiếu của bản thân.
Theo cô giáo Ánh Tuyết, bậc học mầm non chính là cánh cửa đầu tiên trong quá trình hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ.
Do đó, mỗi giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là cô giáo, mà còn phải là mẹ, là bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.
Vì vậy, trong mỗi trang giáo án, cô Ánh Tuyết luôn trăn trở, đầu tư tâm huyết xây dựng bài giảng, lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em qua mỗi tiết học.
Cô Tuyết cũng luôn quan tâm, sâu sát từng học sinh để nắm bắt tâm lý, tính cách, sở thích của mỗi em, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, hài hòa.
Hằng năm, cô giáo Vũ Thị Ánh Tuyết đều có những sáng kiến, kinh nghiệm trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
Đặc biệt, năm học 2018-2019, cô giáo Ánh Tuyết có sáng kiến “Giải pháp sử dụng các trò chơi, góc học tập cho trẻ 5-6 tuổi làm quen với chữ cái”.
Theo đó, với sáng kiến này, khi trẻ lên 5 tuổi, các cô giáo sẽ cho trẻ làm quen và nhận biết cách phát âm 29 chữ cái.
Các cô giáo sẽ sử dụng phương pháp như: tổ chức các trò chơi, góc học tập để giúp trẻ nhớ được các chữ cái gắn với các chủ đề, chủ điểm.
Điều đáng nói là, khi tổ chức các trò chơi, góc học tập, cô giáo phải thường xuyên thay đổi hoạt động chơi để tránh gây nhàm chán cho trẻ.
Bên cạnh đó, cô giáo thường xuyên trao đổi, tư vấn cho phụ huynh để tổ chức cho các con chơi những trò chơi tương tự.
Cô giáo Vũ Thị Ánh Tuyết, giáo viên Trường Mẫu giáo Kim Đồng 1 luôn được các bậc phụ huynh tin tưởng, học sinh và đồng nghiệp quý mến (Ảnh: Lã Tiến)
Cô Ánh Tuyết cũng dành lời khuyên cho các bậc phụ huynh, hay dành mỗi ngày ít nhất 30 phút để chơi với các con, giúp các con có được tuổi thơ theo đúng nghĩa và tạo hành trang cho con vào lớp 1.
Ngoài những sáng kiến kinh nghiệm, cô giáo Ánh Tuyết thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, qua việc trình chiếu hình ảnh, video, giúp học sinh được quan sát trực quan, sinh động.
Cô cùng các đồng nghiệp chủ động tìm hiểu, đọc thêm các tài liệu, phương pháp trên mạng internet để áp dụng sáng tạo làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho học sinh phục vụ tiết dạy hiệu quả hơn.
Bằng những cố gắng không ngừng trong công tác, nhiều năm liền cô giáo Vũ Thị Ánh Tuyết đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi các cấp.
Trong đó, cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố vào năm học 2013-2014 và năm học 2017-2018.
Nhận xét về giáo viên của mình, cô giáo Vũ Thị Thanh Uyên, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Kim Đồng 1 cho biết: “Cô giáo Ánh Tuyết là giáo viên trẻ rất nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề, luôn gương mẫu, đi đầu trong trong hoạt động chuyên môn, sáng tạo đổi mới, phương pháp dạy học.
Cô Ánh Tuyết luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tham gia tình các hoạt động chuyên môn của quận, thành phố.
Với tình yêu nghề, sự nhiệt huyết, tận tụy, cô Ánh Tuyết được các phụ huynh tin yêu, các đồng nghiệp và học sinh yêu mến”.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
1 ngày học điển hình của lớp học Montessori: Yếu tố tự do khám phá của trẻ được đặt lên hàng đầu
Lịch trình một ngày học của lớp Montessori khác xa so với lớp học truyền thống. Theo đó, trẻ được tự do chọn lựa hoạt động mình yêu thích.
Montessori là phương pháp giáo dục hiện đại được Tiến sĩ, nhà Giáo dục học người Ý Maria Montessori sáng lập vào thế kỷ 20. Đây là phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ lớn, loa, phim ảnh,...
Khác với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori lấy trẻ làm trọng tâm và chú trọng vào việc khai thác tiềm năng sẵn có. Phương pháp này đề cao sự tự học và tạo môi trường, không gian cho trẻ tự trải nghiệm, tự khám phá khả năng của bản thân.
Chính vì vậy mà các lớp học Montessori sẽ khác biệt nhiều so với các lớp học truyền thống. Vậy một lớp học Montessori căn bản diễn ra như nào? Hãy cùng chúng tôi khám phá một ngày của học sinh trường Children's House Montessori ở Luân Đôn, Anh để hiểu thêm nhé.
7.30 - 8.30 sáng: Trẻ sẽ được dành thời gian tham gia một số hoạt động nhẹ nhàng trước khi bắt đầu một ngày học.
8.30 sáng (đối với học sinh Mẫu giáo), 8.45 sáng (đối với học sinh Tiểu học): Trẻ đến lớp, cởi bỏ áo khoác, ba lô và cởi giày, sau đó chào hỏi bạn bè. Giáo viên sẽ cho học sinh tập hợp thành nhóm, hoặc tự học tập riêng lẻ tùy từng ngày.
8.45 - 11.15 sáng: Trẻ sẽ được cung cấp các bài học cá nhân, đồng thời khám phá lớp học và lặp lại công việc, mở rộng kiến thức và kỹ năng của bản thân. Trường học có sẵn bữa ăn nhẹ vào tất cả các buổi sáng và trẻ có thể ăn khi đói.
Trẻ sẽ tự phục vụ bữa ăn cho mình. Điều này rèn cho trẻ sự độc lập, tự chăm sóc bản thân cũng như cách cư xử và tự nhận thức xã hội.
Trong khoảng thời gian này, trẻ cũng được học tập ngoài trời. Các lớp học sẽ có thời gian nghỉ riêng vào buổi sáng hoặc buổi chiều.
11.15- 11.30 sáng: Trẻ bắt đầu dọn dẹp, cất các giáo cụ học tập về đúng vị trí và tham gia một số hoạt động như sinh hoạt vòng tròn, chia sẻ,... Các hoạt động sẽ thay đổi tùy từng ngày.
11.30- 12.30 trưa: Đây là thời gian ăn trưa của trẻ. Phụ huynh sẽ chuẩn bị bữa trưa lành mạnh cho trẻ mang đi từ nhà còn trường sẽ cung cấp sữa hữu cơ, nước ép hoa quả,... Sau khi ăn xong, trẻ có 30 phút để chơi.
Từ 12.30- 3.30 chiều: Trẻ được học các bài học cá nhân mới, cũng như dành thời gian khám phá lớp học và lặp lại công việc, mở rộng, nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân. Trường học có cung cấp bữa ăn nhẹ buổi chiều.
Từ 3.30 - 5.30: Trẻ được lựa chọn các hoạt động mà mình thấy thú vị. Trong khoảng thời gian này, trẻ được phép chơi đùa và thư giãn. Nếu trẻ chọn tiếp tục học Montessori hoặc thực hiện các công việc của mình thì giáo viên sẽ tiếp tục hỗ trợ. Các công việc học tập có thể kể đến như: vẽ tranh, game hay kể chuyện,...
Vào 4.00 chiều, các em sẽ có bữa ăn nhẹ và cả hoạt động ngoài trời nếu thời tiết cho phép.
Lớp học kết thúc vào 5.30 chiều.
Theo Helino
Cha mẹ ngồi kèm con học là thất bại của giáo dục? Cần tiếp cận phương pháp giáo dục mới mà để cha mẹ có thể bước lùi lại vài bước về sau, để con cái mình có thể phát triển tự do... Đó là một trong những quan điểm của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM tại hội thảo giáo dục Reggio Children và Bản...