Cô giáo khiến học trò mê địa lý bằng trò chơi
Học địa lý qua trò chơi là phương pháp được cô Võ Thị Kim Hiệp, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM, áp dụng để học trò thích thú với tiết học.
LTS: Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi giáo viên không ngừng sáng tạo để “dụ dỗ” học sinh tiếp cận kỹ năng, kiến thức. Không ít thầy cô đã có những chuyển biến tích cực, mang lại thích thú cho học sinh.
Tiết ôn tập địa lý để chuẩn bị kiểm tra 1 tiết của lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa diễn ra thật khác lạ. Thay vì học trò ngồi ôn lại các kiến thức đã học thì cả lớp được tham gia một trò chơi mang tên “Ai là người thắng cuộc?”.
Lớp học được chia thành năm nhóm. Mỗi nhóm sẽ được giáo viên phát một bộ phiếu kiến thức liên quan đến những nội dung đã học. Các nhóm sẽ chơi ghép các mẫu phiếu có kiến thức địa lý với nhau sao cho đúng. Và đặc biệt nhóm nào chơi đúng nhất, nhanh nhất thì được cộng điểm.
Không khí lớp học trở nên sôi nổi hẳn lên. Các em bàn luận, trao đổi hăng say. Tiết học cứ thế trôi qua nhẹ nhàng, tràn ngập tiếng cười.
Vừa vui nhộn vừa thấm kiến thức
Phương Linh, một học sinh của lớp này, hào hứng kể: “Cô Hiệp áp dụng nhiều phương pháp mới trong tiết dạy. Nhờ vậy, tiết học bớt nhàm chán và trở nên vui nhộn. Qua trò chơi, kiến thức địa lý lại được khắc sâu hơn vì chỉ có nhớ nội dung, tụi em mới tìm được mối liên hệ giữa các phiếu với nhau”.
Kim Ngân, một nữ sinh cùng lớp, cho biết thêm: “Cô còn cho tụi em ôn tập bài theo phương pháp kỹ thuật phòng tranh. Trong chương trình lớp 12 có những kiến thức về ngập lụt, hạn hán, bão và lũ quét. Cô sẽ chia lớp thành bốn nhóm. Bốn nhóm sẽ tóm tắt nội dung trên bằng sơ đồ tư duy giống như một bức tranh. Bốn bức tranh được dán ở các vị trí khác nhau trong lớp. Sau đó, cô trộn bốn nhóm ban đầu thành bốn nhóm khác, trong đó các nhóm đều bao gồm thành viên của các nhóm. Các bạn sẽ lần lượt đi tham quan bốn bức tranh. Tới bức tranh nào, các thành viên đã thực hiện sẽ đứng ra thuyết trình”.
Trong khi đó, em Hữu Quý lại nói: “Em thích nhất khi nhận được những lời phê có một không hai của cô khi làm bài kiểm tra”. Khi đó, cô Hiệp nhận xét bài kiểm tra của học sinh bằng tên những bài hát. “Có bạn vẽ bản đồ quên quần đảo Trường Sa, cô sẽ phê “Gần lắm Trường Sa ơi” và yêu cầu bạn phải đứng trước lớp hát bài này. Còn với những bạn đạt điểm tối đa, cô ghi nhận xét: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá” hay “Tổ quốc ơi ta đã nghe lời kêu gọi” hoặc “Tự hào Việt Nam”. Nhận những lời phê từ cô, dù điểm thấp nhưng sẽ không ai cảm thấy buồn mà lại có thêm động lực để cố gắng.
Cô Võ Thị Kim Hiệp bên các học trò của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Video đang HOT
Không quản vất vả để đổi mới
Chia sẻ về mình, cô Hiệp cho biết những phương pháp trên được cô áp dụng để phát triển năng lực của học sinh.
Cô nhận thấy việc học địa lý qua trò chơi trong các tiết ôn tập rất hiệu quả. “Phương pháp này tạo sự mới mẻ, hoạt động vui nhộn thu hút học trò, giảm tâm lý nhàm chán” – cô Hiệp nói.
Không đổi mới thì khó đáp ứng học sinh
Cô Hiệp cho biết nếu dạy theo cách cũ, giáo viên sẽ khỏe hơn. Còn một khi đã chấp nhận đổi mới, giáo viên sẽ cực gấp nhiều lần. “Nhưng hiện nay nếu giáo viên không chịu đổi mới sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh” – cô Hiệp nói.
Còn việc áp dụng phương pháp kỹ thuật phòng tranh theo cô Hiệp là để rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông cho tất cả học sinh trong lớp. “Để thực hiện phương pháp này, giáo viên phải năng động và biết quản lý lớp. Đối với những lớp có sĩ số quá đông thay vì học trò di chuyển theo các bức tranh, hãy để các em ngồi tại chỗ và cho bức tranh di chuyển” – cô Hiệp cho biết.
Đề cập đến những lời phê trong các bài kiểm tra, cô Hiệp khẳng định: “Những lời nhận xét rất quan trọng. Nếu giáo viên phê thiếu cẩn trọng sẽ khiến trò tổn thương. Vì thế, tôi nghĩ phải làm sao dù điểm thấp hay cao nhưng khi đọc lời phê, các em sẽ không buồn và thấy được khích lệ”.
“Để nghĩ ra những phương pháp trên, bản thân tôi phải học hỏi từ đồng nghiệp. Tôi cũng đọc nhiều phương pháp từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình đó, tôi cũng chọn lọc những phương pháp phù hợp. Nó có thể áp dụng cho nhiều lớp, lại có thể sử dụng nhiều năm và không mất nhiều chi phí” – cô Hiệp nói.
Cô Hiệp thừa nhận đổi mới là tốt nhưng cũng phải có điểm dừng để nhìn lại. “Tùy nội dung, tôi mới tổ chức trò chơi. Tùy theo bài học, tôi sẽ áp dụng phương pháp phù hợp” – cô Hiệp cho hay.
Trước câu hỏi điều gì khiến cô hạnh phúc khi làm giáo viên, cô cười bảo: “Đó là khi tôi được nghe học trò thủ thỉ: “Tại sao năm nay con không được học cô nữa? Con thích những tiết địa cô dạy”. Chỉ vậy thôi là đủ vui rồi”.
Một giáo viên năng động, luôn sáng tạo
Đó là một giáo viên giàu kinh nghiệm. Cô rất năng động và đặc biệt luôn tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng các phương pháp học tập tích cực, sáng tạo trong tiết học địa lý như dạy học dự án, ứng dụng thiết kế sơ đồ tư duy, phương pháp trạm – góc, thuyết trình nhóm… Chính điều đó đã làm cho tiết học trở nên sinh động, cuốn hút và hiệu quả; đặc biệt là phát triển các kỹ năng quan trọng cho học sinh trong thời đại công nghệ 4.0.
Đối với đồng nghiệp, cô luôn hòa đồng, vui vẻ; đặc biệt với giáo viên trẻ, cô luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, các phương pháp dạy học tích cực, các bài hay nội dung khó trong bộ môn và phương án ứng xử sư phạm khi giảng dạy bộ môn.
Thầy NGỌC ANH, giáo viên môn địa lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Thầy giáo gây 'nghiện' môn địa lý nhờ sáng tạo trong cách dạy
Là một giáo viên dạy môn địa lý của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, gần 10 năm theo nghề, thầy giáo Bùi Quang Huy (sinh năm 1986) luôn phấn đấu rèn luyện trở thành một nhà giáo mẫu mực, nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, tận tụy với nghề, tâm huyết, sáng tạo trong từng tiết học, hết lòng vì công việc và tập thể.
Trong công tác chuyên môn, thầy Huy luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo ra các phương pháp để có những bài dạy hay cho học sinh. Thầy luôn chú trọng đến việc đổi mới và linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học theo đặc thù bộ môn địa lý, sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh từng lớp, nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tự học, nghiên cứu khoa học của học sinh.
Thầy Bùi Quang Huy trong tiết dạy trên lớp.
Thầy Huy mong muốn với phương pháp dạy học sáng tạo của mình, giúp học sinh phát huy năng lực, hứng thú hơn trong việc tìm tòi kiến thức, tài liệu, các mối liên hệ địa lý của Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới.
Là một giáo viên với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, thầy Huy luôn biết cách đổi mới những phương pháp dạy học làm cho tiết học thêm sinh động. Những buổi hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thầy đã cùng học sinh của mình du lịch qua những dãy phố cổ của Hà Nội, viện bảo tàng lịch sử, những khu du lịch sinh thái của Thủ đô... Từ đó, giúp học sinh thêm yêu môn học, hình thành được lý tưởng và thế giới quan địa lý.
Hơn nữa, thầy cùng các học sinh tự làm những đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy và học tập từ những vật liệu thủ công đơn giản, dễ tìm, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, thầy Huy cũng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn địa lý của trường. Nhiều năm liền học sinh trong đội tuyển môn địa lý đi thi đều đạt giải Thành phố, giải học sinh nghiên cứu khoa học.
Bản thân thầy Huy cũng gặt hái được nhiều thành tích về chuyên môn nổi bật như: Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, đạt giải cao trong triển lãm đồ dùng dạy học tự làm cấp Thành phố, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp Ngành.
Đặc biệt, trong năm học 2018 - 2019, thầy Huy đã nghiên cứu sử dụng thành công bảng tương tác thông minh áp dụng vào bài giảng "Môi trường hoang mạc - Địa lý 7" và tiếp tục áp dụng thành công sang một số bài dạy khác như "Thiên nhiên Châu Âu - Địa lý lớp 7".
Thầy Huy luôn biết cách đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh hứng thú trong giờ địa lý.
Điều quan trọng đây là phương tiện dạy học mới, thầy đã tự nghiên cứu, tìm tòi cách sử dụng, vận hành bảng, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ với tính năng phù hợp, có thể tự truy cập tài liệu giảng dạy. Điều đó, đã làm cho bài giảng trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, nội dung sinh động.
Nhờ sử dụng hiệu quả bảng tương tác thông minh, thầy giáo đã đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố và được Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô tặng giấy khen "Đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố".
Trong công tác chủ nhiệm, thầy Huy luôn là tấm gương mẫu mực, nhiệt tình, gần gũi, yêu thương học sinh. Thầy luôn tìm hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của từng học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Thầy luôn hướng học sinh trong lớp chủ nhiệm tới các hoạt động để có thể hoàn thiện năng lực của các em. Do đó, các em học sinh luôn nhiệt tình và có trách nhiệm trong mỗi công việc chung của nhà trường và của lớp, chăm ngoan, thi đua học tốt.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du là một "điểm sáng" trong ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm nói riêng và ngành giáo dục Thủ đô nói chung. Với bề dày truyền thống 50 năm dạy tốt - học tốt, năm học 2018-2019 trường Trung học cơ sở Nguyễn Du đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.
Nguyễn Minh
Theo laodongthudo
Phụ huynh dự giờ, thấy thương thầy cô quản 'nguyên đàn con nghịch ngợm' 'Tôi không ngờ con mình lại năng động như thế. Nhưng dự giờ lớp học của con rồi mới thấy thương thầy cô giáo quá, vừa dạy vừa quản gần 50 học sinh, em nào cũng nghịch ngợm, cá tính...' Phụ huynh lớp 5/7 dự giờ học của con - Ảnh: H.HG. Chị Thu Vân, phụ huynh học sinh lớp 5 Trường tiểu...