Cô giáo kể chuyện: Buổi họp lớp ngọt ngào như mật
Mảnh đất thuần nông ven chân núi xa tít tắp ấy vẫn mãi là một góc ký ức lung linh đủ cung bậc cảm xúc trong tôi. Vui buồn. Thương nhớ. Mến yêu… Và cả tiếc nuối bao điều xưa cũ.
Ảnh minh họa
Nơi đó có ngôi trường cấp hai đã một thời nuôi lớn những bước chân tập tễnh làm quen bục giảng phấn trắng của cô giáo trẻ măng vừa rời giảng đường.
Hai mươi cây số mỗi lượt đi về chưa bao giờ vơi nhọc nhằn trên từng vòng xe lăn bánh. Trời nắng ướt đẫm mồ hôi. Mưa lâm thâm xuyên áo. Gió bão quật tay lái chao nghiêng… Bù lại tôi may mắn vun trồng, ươm mầm yêu thương cho những thế hệ học trò quá đỗi mộc mạc, chân chất, nghĩa tình.
Nhớ nhất là lớp học trò cuối cùng tôi bỏ các em lại bơ vơ khi chuyển trường mùa hè năm 2014. Bầy con nhỏ ấy đã theo tôi suốt ba năm lớp 6, 7 , 8. Vậy mà năm cuối cấp tôi lại rời xa, không lời từ biệt. Lúc ấy, tôi cũng không nghĩ gì nhiều về việc gặp lại các em để chỉ đơn giản là nói “Cô đi nghe, các em ở lại cố gắng học tập tốt…”.
Tôi nhận quyết định điều động công tác trong hè, cầm quyết định về trường mới và thỉnh thoảng hỏi thăm tin tức các em qua cô bé lớp phó học tập. Công việc mới ở ngôi trường mới cuốn tôi đi qua ngày qua tháng.
5 năm rồi. Bọn trẻ ngày ấy giờ là sinh viên năm nhất đại học. Sau nhiều lần học trò nì nèo đòi về thăm nhà cô bị chính tôi lần lượt khước từ vì đường xa, xe cộ đông đúc và vô vàn lí do không tên, Tết này các em lại “Cô ơi cô…”. Tự nhiên “ừ” cái rụp, thế là cô trò gặp nhau ở… quán cà phê.
Lại cũng lăn tăn có nên gặp bọn trẻ không, lo mình làm buổi họp lớp của các em mất vui, lại nghĩ vẩn vơ chẳng biết nên nói gì và làm gì… Cả ngày cứ quay vòng với bao ý nghĩ ấy, thỉnh thoảng lại ước gì mình chưa hứa, chưa hẹn với các em…
Và hôm nay gặp bọn trẻ rồi tôi mới thấy tiếc, cái tiếc lớn nhất là… sao không họp lớp với các em sớm hơn. Trò cũ – không ngọt lịm như đường mật mới nấu. Trò cũ – có đủ dư vị ngọt ngào, thơm lựng, rưng rưng của đường mật chưng cất lâu ngày.
Video đang HOT
May quá, không có giọt nước mắt nào rơi. Chỉ toàn tiếng cười đùa không dứt, tiếng nói chuyện xôm tụ một góc quán. Bao kỷ niệm cũ được ôn lại. Bao góc khuất ngày xưa được gọi về. Bóng hình kỷ niệm lung linh, ẩn hiện thấp thoáng trong màn hư ảo của ký ức.
Ở đó có hai cô cậu bị cô phạt vì giở tài liệu trong giờ kiểm tra môn Sinh, hóa ra là cãi nhau về số trang nên tức giận quăng sách lên bàn làm chứng: “Đúng trang này chưa? Cãi à?” và cùng vào sổ đầu bài.
Ở đó có cậu bé với đôi mắt to tròn mê game trốn học và giờ thú tội “Em không biết răng ngày đó em mê game rứa nữa…”. Giờ cũng chính em đúc kết “chân lý” rằng không ai giúp em thoát ra khỏi ma lực của game được mà phải là chính em tự chán, tự nản và tự bỏ game.
Ở đó có “cặp đôi oan gia” ngồi bên nhau chia bàn, chia ghế bằng vạch kẻ của phấn, cứ hễ cậu con trai trót quên mà lấn bàn là một cái gõ vào tay. Giờ nhìn mặt nhau cười lém lỉnh “Ngày đó, bạn gõ tay em như mẹ đánh con rứa cô, mỗi ngày…”. Nhờ vậy mới nhớ, nhớ hoài và thương nhau vô cùng.
Ở đó cũng có những rung động đầu đời mới chớm làm bố mẹ và thầy cô lo nháo nhào, có vô vàn trò tinh quái của “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, có đủ cả những lần biếng học, lười vệ sinh và hứa cuội “lần sau em sẽ học bài”…
Nhìn từng khuôn mặt, tìm từng đường nét quen thuộc ngày xưa, lòng tôi ấm áp đến lạ kỳ. Học trò – đàn con một thời tôi đã thương yêu, dìu dắt và không ít lần dùng sự nghiêm khắc của người thầy để rèn các em vào khuôn nếp nay đã dần khôn lớn, chững chạc hơn hẳn.
Cô bé “trò cưng” một thời của tôi giỏi toàn diện bị cô chủ nhiệm rủ rê theo Văn giờ là sinh viên năm nhất ngành Dược tự hào khoe vào trường dư 3 điểm. Lớp trưởng giờ học Công nghệ thông tin, lớp phó kỷ luật học trường Sĩ quan lục quân, lớp phó lao động học Nông lâm. Cô bé nhà sát trường chuyên giữ dụng cụ vệ sinh giúp lớp cũng đã bứt phá ngoạn mục vào Bách khoa.
Điều dưỡng, Mầm non, IT, Công nghệ thực phẩm, Du lịch… có đủ cả. Những bạn học yếu cũng đã tìm được nghề yêu thích. Ôi! Tự hào về lớp chúng ta quá! Chưa biết ngày sau thế nào, chưa biết tương lai thay đổi ra sao, bây giờ các em đang an nhiên đi trên con đường mình đã chọn, không phí hoài bao nỗ lực và phấn đấu suốt những năm phổ thông.
Trò cũ đó, vẫn nhắc về sự nghiêm khắc của cô giáo suốt ba năm xen lẫn nụ cười. Trò cũ đó, giờ ngồi đây nhắc lại cảm xúc ngày xưa: “Nghỉ hè xong vào năm học tự nhiên không thấy cô chủ nhiệm của mình nữa…”. Trò cũ đó, chuyền tay nhau xem bức ảnh ngô nghê năm lớp 6 được chụp lại qua màn hình điện thoại của cậu học trò nghiện game nhất lớp và luôn miệng bình luận: “Trời, cái mặt ngố không thể tưởng!”, “Kiểu tóc hai mái kinh khủng!”, “Dáng đứng kiêu sa quá!”…
Trò cũ – ngọt ngào như mật đến tận giây phút này và mãi về sau…
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Người thầy ấm lòng với tiếng "dạ thưa"
Hơn chục năm qua gặp gỡ và dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò với những tiếng ê a, tiếng thưa gửi cùng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau buồn vui lẫn lộn, nhưng chưa bao giờ lòng người thầy thấy hạnh phúc và sung sướng như tiếng "dạ, thưa" của những học sinh cũ đã rời trường.
Không biết từ bao giờ, mỗi khi băng qua con đường làng để đến với ngôi trường thân yêu, nơi đã gắn bó với cuộc đời tôi suốt 12 năm qua, tự nhiên trong lòng trào dâng cảm giác chờ đợi khó tả. Tôi chờ đợi nhiều điều trên con đường quen thuộc này. Tôi chờ một cơn gió đến, chờ một cánh đồng lúa chín vàng vào mùa thu hoạch, chờ đợi màu tím thương nhớ của hoa trinh nữ khi vào mùa, chờ đợi một tiếng xe quen thuộc của đồng nghiệp... Nhưng dường như tất cả đều không quan trọng.
Tự hỏi lòng mình, hóa ra, tôi đang chờ đợi một tiếng "dạ, thưa" từ lứa học trò cũ - những thế hệ đã bước qua cánh cổng trường THCS thân thương của tôi.
Một điều may mắn đối với ngôi nhà thứ hai của thầy và trò nơi đây đó là ngôi trường nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông, bạt ngàn quanh năm đầy ắp nắng, gió và hương lúa ngào ngạt. Con đường dẫn lên thành phố chạy băng qua ngôi trường tôi. Con đường này không biết đã in dấu bao nhiêu kỉ niệm buồn vui.
Những lứa học trò rời trường, dù tiếp tục học lên cấp ba hay đi học nghề đều băng qua con đường này mỗi ngày. Điều này, ít nhiều làm những người thầy như chúng tôi luôn được gặp gỡ những gương mặt thân quen mà đời "người lái đò" một lần chở các em "sang bến".
(Ảnh minh họa)
Nhưng một điều thật lạ kì! Hơn chục năm qua gặp gỡ và dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò với những tiếng ê a, tiếng thưa gửi cùng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau buồn vui lẫn lộn, nhưng chưa bao giờ lòng người thầy thấy hạnh phúc và sung sướng như tiếng "dạ, thưa" của những học sinh cũ đã rời trường.
Đang buổi trưa hè oi nóng, cả thầy và trò đều vội vã đi đến nơi cần đến, tất bật, thu mình trong bóng nắng. Bỗng một tiếng "dạ thưa thầy/dạ thưa cô" vang lên. Như có phép màu, lòng người thầy bỗng có một làn gió mát thoảng qua làm dịu tâm hồn. Tự nhiên trong lòng cảm xúc trào dâng.
Tiếng "dạ thưa" nhỏ thôi, chỉ hai tiếng thôi nhưng nó có sức mạnh đến kì lạ. Thì ra ước mong của người làm thầy đơn giản lắm, chỉ mong các thế hệ học sinh còn nhớ đến mình dù đã rời trường cũ, hạnh phúc hơn khi lại được nhìn thấy học sinh thân yêu của mình. Các em vẫn hồn nhiên, tươi vui như ngày nào. Nhìn thấy các em thoáng qua trên con đường dài và hẹp, nhìn các em qua ánh nắng chói chang của ngày hè, lòng người làm nghề "gõ đầu trẻ" tự nhiên thấy yêu nghề hơn, hạnh phúc căng tràn.
Tiếng "dạ thưa" mong manh trên con đường nhỏ nhưng nó có sức mạnh ghê ghớm. Nó giúp người thầy thấy nhẹ lòng và đi tiếp đoạn đường dài còn lại, nó giúp người thầy thấy mình hạnh phúc vì đã lựa chọn đúng nghề, nó giúp con người hiểu rằng "sống ở đời chỉ có cái tình là ở lại".
Tiếng "dạ thưa" to của cả một nhóm đi học cùng nhau có, tiếng "dạ thưa" của một em học sinh đi học đơn lẻ có... Nhưng lúc nào tiếng "dạ thưa" vang lên tràn đầy niềm vui, niêm tôn trọng, háo hức, hăm hở của người thưa lẫn người nhận.
Rồi sau tiếng "dạ thưa", bao nhiêu khuôn mặt hiện về trong đầu người thầy, họ tên từng em học sinh, sức học như thế nào, hoàn cảnh gia đình ra sao, đặc điểm về tính cách của em đó... cứ ùa về trong đầu mỗi thầy cô - những người đã nhận tiếng "dạ thưa" từ bao thế hệ học trò của mình.
Tiếng "dạ thưa" vẫn tiếp tục vang lên trên trên một đoạn đường dài, tiếng "dạ thưa" sẽ đồng hành cùng thầy và trò suốt cả năm học. Ai đã đang làm nghề "kĩ sư tâm hồn" đều rất yêu và rất muốn nghe hai tiếng "dạ thưa" này.
Thanh Thanh
(Thừa Thiên - Huế)
Theo Dân trí
"Dạy học lâu năm theo lối cũ, tôi thấy mình giống thợ dạy!" Đây là lời chia sẻ rất chân thành của thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM tại buổi chuyên đề "Dạy học 4.0" do trường tổ chức. Sáng 23-2, trường THPT Nguyễn Du đã tổ chức chuyên để "Dạy học 4.0" với sự tham gia của toàn thể giáo viên trong trường. Báo cáo chuyên đề là...