Cô giáo Hà Nội dạy tiếng Anh cho con từ khi mới chào đời
Phụ huynh nên nắm bắt giai đoạn vàng để phát triển não bộ của trẻ, chứng kiến sự kỳ diệu về khả năng phát triển ngôn ngữ.
Cô giáo Phạm Hạnh có 20 năm dạy tiếng Anh, hiện phụ trách khoa Tiếng Anh của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chia sẻ về việc dạy tiếng Anh cho con từ sớm theo phương pháp tự nhiên.
Khi xem các diễn đàn về giáo dục, câu hỏi mà tôi thấy cha mẹ thường xuyên thắc mắc là “Con em nên học tiếng Anh từ mấy tuổi?”, “Con em có cần nói thạo tiếng Việt rồi mới học tiếng Anh hay không?”. Phần bình luận có nhiều quan điểm, người nói nên học từ ba tuổi, người nói học từ năm tuổi, người nói nên thạo tiếng Việt rồi mới học… Còn mình sẽ trả lời là “Con nên học tiếng Anh từ 0 tuổi”.
Đó là điều mình đã áp dụng cho hai bé nhà mình và chứng kiến sự kỳ diệu trong phát triển ngôn ngữ của trẻ. Vì thế, mình rất muốn được chia sẻ để các bố mẹ thấy rõ lợi ích của việc cho con tiếp cận với tiếng Anh sớm.
Chia sẻ này đặc biệt cần thiết cho các bố mẹ có con ở độ tuổi 0-6. Tuy nhiên, phụ huynh có con trên 6 tuổi cũng hoàn toàn có thể áp dụng và vẫn thấy hữu ích, bởi đây là nguyên tắc chung để học bất kỳ ngôn ngữ nào.
Con gái cô Phạm Hạnh lúc ba tháng tuổi, đang tập cổ và luyện mắt nhưng được mẹ đặt sẵn flash card để làm quen với từ vựng tiếng Anh. Ảnh: NVCC
Triết lý giáo dục sớm
Xin bắt đầu bằng câu chuyện mình tiếp cận và tin vào triết lý giáo dục sớm, nhất là giáo dục ngôn ngữ sớm như thế nào. Lần đầu tiên mình biết tới là năm 2006, khi phương pháp này mới bắt đầu ở Việt Nam.
Một người bạn trước khi du học Mỹ đã tặng mình cuốn sách “Em phải đến Havard học kinh tế”. Cuốn sách là nhật ký của một bà mẹ Trung Quốc áp dụng giáo dục con sớm và toàn diện, và con gái duy nhất đã nhận được học bổng toàn phần của Đại học Havard cùng nhiều thành tích nổi trội khác. Đây có thể coi là một trong những cuốn đầu tiên trên kệ sách về giáo dục sớm của Việt Nam. Sau này, một số cuốn khác xuất hiện như “Phương án 0 tuổi” của Phùng Đức Toàn, “Dạy trẻ thông minh sớm” của Glenn Doman… Tuy nhiên, tại thời điểm đó thì mình chỉ có và chỉ biết cuốn sách đó.
Nếu ai từng đọc sẽ thấy nể phục bà mẹ Trung Quốc vì toàn tâm toàn ý giáo dục con phát triển tốt như thế nào, lại vừa thấy cách giáo dục của bà mẹ ấy có gì đó quá khắc nghiệt. Cách giáo dục ấy đã một thời là phương châm của các bà mẹ Trung Quốc và bị phương Tây đả phá rất nhiều với cách gọi là các “mẹ hổ” (tiger mom). Cá nhân tôi, với “bản năng” của một nhà giáo và một giáo viên Tiếng Anh, ấn tượng và tâm đắc ở hai điều.
Thứ nhất là câu nói “Đẻ con ra mà không dạy thì chẳng khác gì gà mái”. Thứ hai, sự việc bà mẹ Trung Quốc đó không hề biết Tiếng Anh, chỉ biết mượn đĩa cassette tiếng Anh về bật cho con nghe một giờ mỗi ngày. Vài năm sau, đến lúc học tiểu học, lần đầu tiên được học giờ tiếng Anh trên lớp, cô gái đã về nói với mẹ là “Con nghe tiếng Anh mà thấy quen thuộc như nghe tiếng Trung ấy”.
Với điều thứ nhất, mình rất thích sự so sánh này, một sự so sánh khiến những người chưa chú ý đến giáo dục con có thể phải thấy xấu hổ và một so sánh cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục đối với một đứa trẻ. Chính xác, nếu chỉ chăm sóc thể chất thì một đứa trẻ chỉ phát triển được phần “con”, còn có giáo dục thì đứa trẻ mới phát triển được phần “người”.
Video đang HOT
Với điều hai, mình thật sự ngạc nhiên khi cô bé cảm thấy tiếng Anh quen thuộc như tiếng mẹ đẻ trong khi chỉ tiếp xúc một giờ mỗi ngày. Điều này cho thấy sức mạnh của sự tiếp xúc ngôn ngữ một cách thường xuyên và liên tục cũng như tác dụng to lớn của giáo dục sớm.
Từ sự việc này, mình liên hệ với các phương pháp giảng dạy Tiếng Anh, các nguyên tắc tiếp nhận ngôn ngữ, về sự tiếp thu ngôn ngữ trong quá trình mình tự học Tiếng Anh và quá trình một đứa trẻ tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ. Và mình đã kết luận rằng, trong tương lai, khi lập gia đình và có con, mình sẽ phải dạy tiếng Anh cho nó từ 0 tuổi.
Thành quả
Với con gái lớn, sinh năm 2009, mình bắt đầu áp dụng nói chuyện hoàn toàn tiếng Anh với con khi con bắt đầu được chín tháng tuổi. Con cũng được tiếp xúc với sách tiếng Anh rất nhiều từ độ tuổi này.
Năm hai tuổi, con đã có thể nói được khá nhiều Tiếng Anh và có phần hơi trội hơn Tiếng Việt một chút, sử dụng ngôn ngữ Anh hoặc Việt tùy đối tượng tiếp xúc và ngôn ngữ sử dụng trong câu chuyện. Một năm sau, con chuyển đổi hai ngôn ngữ linh hoạt để sử dụng cho các mục đích giao tiếp khác nhau.
Mình bắt đầu dạy chữ tiếng Anh (và tiếng Việt) cho con từ ba tuổi và đến bốn tuổi con có thể đọc các truyện ngắn bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, khoảng 10 trang. Đến 5-6 tuổi, bạn ấy đã có khả năng đọc từ truyện tranh cho trẻ em cho đến các quyển sách “nghiêm túc” dày vài trăm trang như Bách khoa toàn thư cho trẻ em hay World History (Lịch sử thế giới). Do được tiếp xúc với sách sớm và cũng do cá tính, sách trở thành niềm đam mê lớn của con, giúp con tiếp cận với rất nhiều kiến thức phong phú.
Tiếp nối thành công của bạn thứ nhất, với con thứ hai sinh năm 2016, mình áp dụng dạy sớm từ hai tuần tuổi, bao gồm cả việc giao tiếp tiếng Anh hoàn toàn với bé và cho bé tiếp cận với chữ tiếng Anh. Ở độ tuổi lên hai, bé có thể hiểu và giao tiếp bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt dù còn hạn chế, nhận biết được một số từ Tiếng Anh đã được học. Mình tin rằng, với sự kiên trì và phương pháp phù hợp, năm 3-4 tuổi bạn ấy sẽ có thể giao tiếp tự tin hơn bằng cả hai ngôn ngữ và bước đầu có thể đọc các sách ngắn cho trẻ em.
Chứng kiến sự kỳ diệu về khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của con, mình rất mong muốn có nhiều cha mẹ tin và áp dụng các phương pháp học từ sớm cho trẻ vì với trẻ đây là giai đoạn vàng để phát triển não bộ. Với trẻ, việc học là nhu cầu tự nhiên để khám phá thế giới, nhưng nên “học mà chơi, chơi mà học”.
Phạm Hạnh
Theo Vnexpress
Mẹ có con ở giai đoạn "hoàng kim" của não 3-7-10 tuổi cần học ngay cách dạy này!
Muốn con phát triển não bộ, khôn lớn tài giỏi, thông minh hơn người thì cha mẹ đừng bao giờ bỏ qua 3 giai đoạn vàng này.
Giai đoạn "hoàng kim" của não trẻ là gì?
Các chuyên gia khoa học cho rằng, sự phát triển của não trẻ là một quá trình không lặp lại, mang yếu tố hoàn thiện một lần. Cũng có thể nói, nếu trong quá trình hình thành và phát triển, đại não không thể có tác động hợp lý tới trẻ, thì sự phát triển trí tuệ sẽ gặp trở ngại, sau này nếu có cố gắng bù đắp cũng chỉ được phần nào thậm chí là vô tác dụng; ngược lại, nếu nắm bắt được giai đoạn quan trọng này, đem đến cho trẻ một sự phát triển hợp lý và đầy đủ thì não trẻ sẽ phát triển vượt trội.
Từ góc độ khoa học cho thấy, não bộ của một đứa trẻ 10 tuổi đã được định hình, kể từ lúc này mọi hành vi, suy nghĩ của trẻ về cơ bản sẽ không có gì thay đổi. Một nghiên cứu khoa học khác cho rằng: "3, 7, 10" tuổi là giai đoạn bước ngoặt trong quá trình phát triển não bộ của trẻ, cũng là giai đoạn hoàng kim để phát triển não bộ.
Vì vậy, các ông bố bà mẹ muốn con mình khôn lớn tài giỏi thì nhất định không được bỏ qua 3 giai đoạn hoàng kim này.
Mẹ nên dạy trẻ như thế nào trong giai đoạn "hoàng kim"?
Khi trẻ 3 tuổi
Trẻ 3 tuổi đã bắt đầu hình thành ý thức tự chủ mạnh mẽ, có ý thức về bản năng sinh tồn, yêu cầu, đòi hỏi và tìm bạn... Những bản năng này khiến cho trẻ có thể xuất hiện những biểu hiện: thích cạnh tranh, thích bắt chước, muốn tự mình làm mọi việc hoặc muốn làm bạn và chơi với những người xung quanh.
Tại giai đoạn này, chúng ta cần biết tận dụng có hiệu quả "ý thức cạnh tranh" của trẻ. Ví dụ: Khi chúng ta nói với con rằng: "Cất dọn đồ chơi vào", thế nhưng trẻ không hề có một động thái gì thì chúng ta có thể nói như sau: "Mẹ với con thi xem ai cất đồ chơi nhanh hơn nhé!", khi nghe thấy vậy chắc chắn trẻ sẽ hào hứng với việc cất dọn đồ chơi.
Khi bạn muốn trẻ chạy nhanh hơn nhưng trẻ vẫn cố tình đi chậm về phía sau, càng nói lại càng lề mề. Thế nhưng chỉ cần bạn nói với con rằng: "Chúng ta hãy chạy thi nhé!" thì ngay lập tức trẻ sẽ chạy thật nhanh về phía trước.
Trong giai đoạn này, có nhiều trẻ vẫn chưa biết thể hiện cảm xúc, tâm tư tình cảm, con vẫn chỉ biết khóc và ăn vạ để người lớn đáp ứng nhu cầu. Bố mẹ trước tiên phải hiểu được con mình muốn gì, sau đó có thể đưa ra những phương án để trẻ lựa chọn, tuyệt đối là không được dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Ví dụ như trẻ la hét và khóc lóc khi không được xem ti vi nữa, mẹ có thể đưa ra lựa chọn khác để đánh lạc hướng của trẻ như: đi tắm, dắt chó đi dạo hoặc chơi đồ chơi cùng bố mẹ... cách làm như vậy sẽ hiệu quả hơn việc bạn tự động tắt ti vi mà không thông qua sự thỏa hiệp với con.
Khi trẻ 7 tuổi
Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu đi học tiểu học, đây cũng chính là giai đoạn khó bảo lần 2. Trong độ tuổi này bất kể là làm việc gì thì cũng luôn lề mề và hình thành một thái quen xấu. Trẻ có thể sẽ nói: "Đợi tí nữa rồi con làm" hoặc những câu nói tương tự thể hiện suy nghĩ mình không muốn làm.
Những đứa trẻ hay nói "Đợi con một tí" thì không thể hình thành suy nghĩ tự chủ động làm một việc nào đó, trí nhớ và khả năng tư duy cũng sẽ không được phát huy.
Trong trường hợp này chúng ta có thể cho trẻ sự lựa chọn: "Giờ con hãy dọn dẹp phòng của mình, sau khi dọn xong thì con có thể tiếp tục chơi điện từ, con thấy thế nào?". Mẹ hãy tỏ ra thiện chí và không nên dùng ngữ điệu ra lệnh đối với trẻ, để con tự nguyện trả lời: "Con sẽ dọn phòng ngay bây giờ".
Trong trường hợp với một đứa trẻ không bao giờ thích dọn dẹp thì mẹ phải đầu tư thêm một chút công sức trong việc thuyết phục trẻ, bạn có thể thiết kế một trò chơi để cùng trẻ vừa làm vừa chơi, như vậy sẽ có hiệu quả hơn việc bạn ép buộc trẻ phải thực hiện yêu cầu của mình.
Khi trẻ 10 tuổi
Trong giai đoạn này, não bộ của trẻ đã bắt đầu tiếp nhận nhiều hơn những lời nói của cha mẹ. Nếu không muốn con luôn sẵn sàng chống đối, cãi lời mình, thì bố mẹ đừng bao giờ ra lệnh cho con mà nên định hướng cho con một lối đi rõ ràng. Thay vì ra lệnh cho con, mẹ hãy đưa ra các phương án để con có thể lựa chọn, ví dụ như thay vì nói: "Con phải làm thế này này" thì mẹ hãy nói: "Thế bây giờ con muốn làm thế nào nhỉ?".
Ví dụ con không giỏi môn toán, mẹ lại nói: "Con phải đầu tư thêm vào môn toán chứ" hoặc "Có gì không hiểu phải hỏi thầy giáo chứ", những câu như vậy sẽ không khiến trẻ có thêm động lực để học. Mẹ có thể tâm sự với con: "Thực ra thì ngày xưa mẹ cũng rất sợ môn toán, nhưng cứ khi có chỗ nào không hiểu mẹ liền hỏi thầy giáo, chỉ sau vài lần như vậy mẹ đã có tiến bộ, con nghĩ con nên làm gì để học toán tốt hơn?".
Trong giai đoạn này, điều quan trọng nhất là ba mẹ đừng nên áp đặt, ra lệnh cho con mà hãy hướng cho con để con tự nói ra "Con sẽ làm thế này" hay "Con muốn như thế này".
Bố mẹ hãy tạo cho con cảm giác con được tôn trọng và hãy dành cho con lời khen, lời khích lệ động viên khi con đã thực sự cố gắng. Khi gặp một vấn đề, nếu muốn cho con có thêm thời gian suy nghĩ thì mẹ có thể nói: "Con nghĩ xem, biết đâu con lại có phương án giải quyết tốt hơn mẹ, con hãy suy nghĩ đi nhé, ngày mai chúng ta sẽ lại tiếp tục".
Và, bố mẹ hãy nhớ rằng, đừng bao giờ chê bai con, so sánh con với những trẻ khác, tỏ sự thất vọng về con... Hãy dành cho con lời khen ngợi khi con có tiến bộ, để bé biết rằng mình phải cố gắng mỗi ngày. Khi bé đạt thành tích cao, bố mẹ cũng đừng quá khen con để con nghĩ mình là nhất, và tới đây mình sẽ dừng lại.
"Hôm nay con đã giỏi hơn ngày hôm qua rồi, mẹ biết ngày mai con sẽ cố gắng để giỏi hơn ngày hôm nay", nói với con điều này, mẹ nhé.
Trong 3 giai đoạn vàng bố mẹ đừng quên dành thời gian cho con, ở bên con nhiều hơn, giúp con phát triển não bộ bằng những hành động, những lời khích lệ thay vì la mắng hay chỉ trích. Đừng nóng vội, dạy con là cả một hành trình đó mẹ ơi!
Theo www.phunutoday.vn
Sao sách tiếng Anh lại đắt đến thế? Bộ sách của lớp 3 gồm 14 cuốn cũng chỉ có giá chỉ 106 ngàn đồng/bộ... nhưng sách Anh văn chỉ gồm 2 cuốn mà giá tiền đã gấp đôi bộ sách giáo khoa hiện hành. LTS: Trước việc giá thành sách tiếng anh quá cao so với giá nhiều loại sách giáo khoa khác, cô Phan Tuyết đã thẳng thắn đưa ra...