Cô giáo dạy giỏi môn Hóa làm giàu từ nghề… “dọn nhà”
Dù bị bệnh tim bẩm sinh nhưng cô Trương Thị Thu Hà (SN 1982), hiện là giáo viên dạy môn Hóa học-Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã vượt qua nghịch cảnh của bản thân bằng nghị lực, ý chí phi thường.
Cô vừa dạy giỏi, vừa có nghề “tay trái” hợp thời thế, nhu cầu, mang lại hiệu quả cao, tạo công việc, thu nhập cho nhiều người khác.
Người dân tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk không mấy ai không biết đến cô Trương Thị Thu Hà, giáo viên dạy môn Hóa học tại Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Pơng Drang. Cô Hà nổi tiếng khắp vùng không phải vì giàu có, cũng không vì quyền thế mà vì cô là người phụ nữ giỏi giang, đảm đang, có nghị lực và ý chi phi thường.
Cô Hà (ở giữa) hướng dẫn 2 nhân viên của trung tâm cách vệ sinh đồ đạc
Tìm đến nhà cô Hà tại thôn Tân Lập 4, xã Pơng Drang, trò chuyện với nữ giáo viên này, PV mới thấu hiểu những thăng thầm trong cuộc đời, những nỗ lực không biết mệt mỏi để vượt qua nghịch cảnh của cô. Trong suốt buổi nói chuyện, cô luôn nở nụ cười hiền và thái độ ôn hòa, thân thiện khiến người đối diện cảm thấy rất gần gũi.
Cô Hà cho biết, thuở nhỏ, gia đình mình thuộc diện khó khăn. Tuy nhiên, bố mẹ cô đã nỗ lực hết mình để nuôi đứa con gái cưng của già đình ăn học đến nơi đến chốn. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học ngành sư phạm Hóa học, cô Hà về nhận công tác tại trường THCS Lý Tự Trọng cho đến nay.
Trên bục giảng, cô Hà được đánh giá là giáo viên có chuyên môn tốt, phương pháp giảng dạy hiện đại, dễ hiểu, giúp học sinh dể tiếp thu, nắm vững kiến thức. Vào năm học 2005-2006, cô Hà được cử đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong năm học đó, cô trở thành giáo viên trẻ tuổi nhất của bộ môn Hóa học trong trường đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tâm huyết với nghề, lại có năng lực chuyên môn nên cô Hà được phân công vai trò tổ Trưởng tổ Sinh-Hóa-Thể của trường.
Xinh đẹp, giỏi giang, có năng lực nhưng cuộc sống của cô Hà không được may mắn như những người bình thường khác. Mấy năm trước, cuộc sống hôn nhân của cô tan vỡ, nữ giáo viên này một mình nuôi hai đứa con nhỏ.
Đáng lo hơn, thời gian gần đây, cô hay đau ốm, khi đi khám, cô mới biết mình bị bệnh tim bẩm sinh. Bác sĩ còn chỉ định, cô Hà phải mổ tim gấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. May sao, ca mổ thành công tốt đẹp, sức khỏe cô Hà dần ổn định.
Đến nghề tay trái hiệu quả
Nghề giáo viên tuy ổn định, được nhiều người nể trọng nhưng đồng lương chỉ đủ để trang trải cho sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, cô Hà luôn trăn trở, muốn tìm nghề “tay trái” để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và lo cho các con.
Trong một lần phải đi khám bệnh dài ngày trở về, cô Hà thấy nhà cửa của mình bề bộn nhưng cơ thể mệt mỏi, tay chân rã rời, nữ giáo viên chẳng dọn dẹp được. Lúc đó, cô đã nghĩ đến dịch vụ dọn nhà, một công việc thiết thực, ý nghĩa và hữu ích đối với những gia đình bận rộn tại địa phương.
Video đang HOT
Các nhân viên của cô Hà trong một buổi dọn dẹp nhà cửa.
Nhận thấy ở địa bàn mình sinh sống chưa phát triển loại dịch vụ này, cô Hà đã lên mạng Internet để tìm hiểu, học hỏi các quy trình dọn nhà khoa học, các mẹo vặt trong dọn dẹp nhà cửa. Tháng 6/2018, cô bắt đầu triển khai, áp dụng ý tưởng của mình vào thực tế. Rất may cho cô, ngày từ những ngày đầu mới triển khai công việc, dịch vụ dọn nhà của cô Hà đã có nhiều người gọi điện đặt lịch. Khi thấy công việc có hiệu quả, khách hàng đông, cô Hà đã rủ thêm một người bạn thân là giáo viên trong trường để đi làm.
Cô Hà kể: “Khi mới biết tôi làm công việc dọn nhà, bố mẹ tôi phản đối rất nhiều. Bố mẹ sợ sức khỏe của tôi không đảm bảo. Hơn thế, tôi là giáo viên mà lại đi lau dọn nhà cửa cho người khác thì rất khó coi. Lúc mới mắt tay vào công việc, thi thoảng gặp người quen hay phụ huynh học sinh, tôi cũng hơi ngại. Tuy nhiên, dần dần mọi thứ cũng thành quen, mình làm việc chân chính, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống thì rất bình thường”.
Dù là nghề “tay trái”, chỉ tranh thủ thời gian những lúc rảnh rỗi nhưng cô Hà luôn tâm niệm rằng, đã làm thì phải có “tâm”, có “tín” mới tồn tại lâu dài được. Do đó, mỗi lần dọn nhà, cô luôn tự mình dọn dẹp mọi thứ ngăn nắp nhất và luôn nhận được sự hài lòng từ gia chủ.
Sau một thời gian tích cực làm việc, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, cô Hà đã đứng ra thành lập Trung tâm dịch vụ dọn nhà Tây Nguyên Xanh với các dịch vụ chính như: dọn nhà, dọn dẹp đám cưới, dọn công trình sau xây dựng… Đối với dịch vụ dọn nhà, thông thường trung tâm của cô Hà nhận dọn dẹp theo giờ, với các công việc chủ yếu là lau chùi đồ đạc, đánh rửa chén bát, xoong nồi, làm sạch sàn nhà, cửa sổ, các phòng ở, dọn dẹp đồ lặt vặt… Đối với dọn dẹp công trình sau xây dựng, công việc nặng nề hơn nên phải có thêm nhân viên là nam giới tham gia.
Nhờ được khách hàng tin yêu, trung tâm của cô Hà ngày một phát triển, phục vụ nhu cầu của người dân tại các địa bàn như huyện Krông Búk, thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’gar, TP.Buôn Ma Thuột… Hiện nay, mỗi tháng có hơn 100 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ của trung tâm. Trong đó, có hơn 10 hộ gia đình đăng ký hợp đồng cố định, dọn nhà định kỳ hàng tuần.
Hiện trung tâm dọn nhà của cô Hà đã tạo việc làm thêm cho nhiều người. Trong đó, có cả những người làm giáo viên và một số học trò cũ chưa có việc làm ổn định. Họ đến với trung tâm với mong muốn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập, lo cho cuộc sống.
Mỗi nhân viên ở trung tâm đều được cô Hà tận tình hướng dẫn, chỉ dạy các kỹ năng cơ bản, khoa học trong việc sắp xếp đồ đạc, dọn nhà. Đặc biệt, cô yêu cầu nhân viên trong trung tâm phải tuân thủ các quy định làm việc một cách nghiêm ngặt để mang đến sự an tâm, hài lòng đối với khách hàng.
Cô Hà chia sẻ: “Thật sự, tôi rất tâm huyết với công việc mới này. Dù thu nhập không cao nhưng công việc phụ giúp tôi thoải mái hơn, năng động hơn. Đồng thời, khi làm việc, tôi cũng giúp cho gia chủ có được không gian sạch sẽ, gọn gàng”.
Nhờ nhanh nhẹn, hoạt bát, cô Hà đã cân đối được quỹ thời gian, vừa dạy giỏi, vừa có những hướng phát triển hợp lý cho dịch vụ dọn nhà của trung tâm, hoàn thành mọi thứ một cách xuất sắc.
Nhận xét về cô Hà, anh Vũ Minh Cường, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Krông Búk cho biết: “Cô Hà là một giáo viên tận tụy, yêu nghề. Ngoài ra, cô còn là thành viên của câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Krông Búk. Trong quá trình tham gia với câu lạc bộ, cô Hà luôn có những ý tưởng mới, sáng tạo trong kinh doanh để trao đổi với anh em trong nhóm. Hiện dịch vụ dọn nhà của cô Hà đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người. Hy vọng, trong thời gian tới, dịch vụ dọn nhà của cô sẽ tiếp tục phát triển, tạo việc làm thêm cho nhiều thanh niên trên địa bàn huyện”.
Theo infonet
Thanh Hóa: Cậu học trò xứ Thanh quyết tâm đổi màu huy chương Olympic Hóa học Quốc tế
Với Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế 2019, Nguyễn Văn Chí Nguyên (Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) đã thực hiện được ước mơ đổi màu huy chương của mình.
Trước đó, vào năm 2018, cũng với môn Hóa học, dù đang là học sinh lớp 11, Nguyên đã đoạt Huy chương Bạc khi tham gia đấu trường quốc tế tại Cộng hòa Séc.
Quyết tâm đổi màu huy chương
Nguyễn Văn Chí Nguyên, học sinh lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Lam Sơn đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại kỳ thi lần thứ 51 (2019) được tổ chức tại Cộng hòa Pháp với sự tham gia của hơn 300 thí sinh đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Như vậy, sau 1 năm kể từ khi đoạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 50 tại Cộng hòa Séc, cậu học trò xứ Thanh đã biến ước mơ đổi màu huy chương thành hiện thực.
Ước mơ đổi màu huy chương của cậu học trò Nguyễn Văn Chí Nguyên đã thành hiện thực. Trong ảnh: Em Nguyễn Văn Chí Nguyên và cô giáo Mai Châu Phương - người trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt em đến với thành công tại kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế.
Vừa trở về từ kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế, dù khá mệt mỏi, bị sút mất 3kg do quãng đường di chuyển khá xa và thời tiết bên Pháp thay đổi thất thường, thế nhưng Chí Nguyên vẫn trò chuyện rất thân mật với chúng tôi.
Em bộc bạch: "Thời tiết tại Pháp mấy ngày thi rất khắc nghiệt và thay đổi thất thường, em và các bạn trong đoàn cũng bị ảnh hưởng. Khi vừa xuống sân bay, đất nước Pháp đón đoàn bằng cái nắng đổ lửa 42 độ C. Do thay đổi thời tiết đột ngột, trong phòng ở không có điều hòa, em và các bạn đều không ngủ và nghỉ ngơi được. Đến ngày bước vào thi chính thức, thời tiết lại đột ngột chuyển lạnh xuống 17, 18 độ C. Mặc dù có một chút ảnh hưởng từ thời tiết, nhưng với quyết tâm sẽ đổi màu huy chương nên em đã nỗ lực hết sức mình".
Huy chương Vàng là món quà mà Nguyên muốn dành cho bố mẹ và thầy cô giáo.
Nguyên cũng tâm sự rằng, ngay từ năm trước em đã kỳ vọng việc sẽ giành Huy chương Vàng rồi, nhưng đó là năm đầu tiên thử sức ở đấu trường quốc tế, em có chút bỡ ngỡ, cũng là nhân tố ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi. Và phần thực hành của kỳ thi trước có phần khó hơn năm nay.
"Để đạt được kết quả như kỳ vọng, em phải ôn luyện rất nhiều, phải xa nhà ra Hà Nội để ôn. Đôi lúc cảm giác mệt mỏi, áp lực, có những giây phút em đã nghĩ mình khó mà tiếp tục nhưng rồi với mơ ước sẽ thay đổi được màu huy chương, em lại cố gắng.
Từ kinh nghiệm của năm ngoái, năm nay em đã khắc phục những điểm yếu của mình để hoàn thiện hơn. Sau khi làm bài xong em cũng ang áng được kết quả mình làm được thế nhưng khi nghe bản thân giành được Huy chương Vàng em vẫn cảm thấy bất ngờ, sung sướng, cảm xúc vỡ òa không diễn tả được" - Chí Nguyên chia sẻ.
Cậu học trò cũng cho biết, khi nghe tên mình đoạt Huy chương Vàng, người đầu tiên em nghĩ đến là bố mẹ và thầy cô giáo. Đó là món quà mà em dành cho bố mẹ, thầy cô giáo - những người mà em vô cùng biết ơn.
"Bố mẹ dù nghèo khó vẫn luôn tạo điều kiện để em được học tập, luôn động viên, cổ vũ em. Các thầy cô giáo của Trường Chuyên Lam Sơn, đặc biệt là cô giáo Châu Phương đã truyền lửa đam mê cho em. Từ khi đậu vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, được cô dìu dắt, em từ yêu thích môn Hóa học đến đam mê..." - Cậu học trò tâm sự.
Nguyên cũng bày tỏ: "Em rất may mắn khi được nhà trường và Sở GD-ĐT Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác đào tạo học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Nhờ rất nhiều sự trợ giúp này mà em có thêm động lực để đạt kết quả tốt nhất".
Ước mơ du học!
Nguyên là con út, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo ở xã Quảng Tâm (TP. Thanh Hóa). Từ những năm học Tiểu học, Nguyên đã học hành rất chăm chỉ, nỗ lực.
Chí Nguyên mơ ước sẽ được du học sang đất nước Nhật Bản hoặc Singapore.
Lên cấp 2, Chí Nguyên bắt đầu yêu thích môn Hóa học. Em đã tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi Hóa học và đạt nhiều thành tích nổi bật. Năm lớp 9, em đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp thành phố môn Hóa học, giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh. Dự thi vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, em đỗ thủ khoa chuyên Hóa học với 41,75 điểm.
Năm lớp 10, em đoạt Huy chương Đồng Hóa học trong kỳ thi Olympic khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc bộ. Đến năm lớp 11, Chí Nguyên bổ sung vào bảng thành tích học tập với giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học và đoạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học Quốc tế năm 2018 được tổ chức tại Cộng hòa Séc.
Anh Nguyễn Văn Cường - bố của Chí Nguyên rất tự hào khi nói về con: "Gia đình tôi không có điều kiện nên ngay từ nhỏ cháu chỉ học trên trường rồi về nhà tự học chứ không có tiền đi học thêm bên ngoài. Bố mẹ đều là nông dân nên chẳng giảng bài được cho con. Nguyên chăm học nên chẳng cần bố mẹ nhắc, luôn tự giác trong mọi chuyện học hành".
Bố Chí Nguyên hạnh phúc khi đón con trai trở về sau những ngày thi ở nước Pháp.
Với Chí Nguyên, em không dành quá nhiều thời gian cho việc học. Em vẫn cân bằng giữa học và giải trí. Buổi tối, Nguyên chỉ học khoảng 2-3 tiếng, chủ yếu đọc và làm những tài liệu cô giáo giới thiệu. Ngoài ra, em tìm đọc thêm những bài báo khoa học nước ngoài trên mạng để bổ sung kiến thức.
Cậu học trò cũng chia sẻ rất thật rằng, dù bận học, nhưng em vẫn dành thời gian nghe nhạc và chơi game.
"Để học Hóa tốt phải học tốt cả Lý và Sinh. Hóa là môn khoa học, mình phải học từ bản chất của vấn đề, nắm vững vấn đề, chỉ khi nắm vững vấn đề mới làm tốt được... Nếu bạn nào thật sự đam mê, hãy nỗ lực và cố gắng ắt sẽ thành công vì học Hóa không đòi hỏi tài năng phải vượt trội" - Chí Nguyên chia sẻ.
Nguyễn Văn Chí Nguyên cho biết, ước mơ của em là được làm trong lĩnh vực nghiên cứu về Hóa học. Dự định trong tương lai là củng cố vốn tiếng Anh để xin học bổng du học Nhật hoặc Singapore. Đó là dự định cũng là quyết tâm, mơ ước của "cậu học trò vàng" này.
Cô Mai Châu Phương là người từng có 4 học trò đoạt giải Olympic quốc tế trong các năm liên tục. Nhưng với Nguyên, cô vẫn dành cho cậu học trò một ấn tượng đặc biệt. Cô Phương cho biết, ngay khi nhìn thấy nét chữ của Nguyên viết lên tờ khai sơ yếu lý lịch do cô soạn, cô đã thầm nghĩ: "Quốc tế lại có đây rồi".
Theo cô Châu Phương, kết quả của Nguyên là nhờ vào hai yếu tố: tài năng - vốn là điều bản thân Nguyên sẵn có, kết hợp với đam mê luôn luôn đầy ắp ở cậu học trò này.
Bình Minh
Theo Dân trí
Nữ sinh nói không với học thêm, giành điểm 10 môn Hóa Nữ sinh Đỗ Thị Ngân đạt điểm khối A cao nhất tỉnh Bắc Ninh chọn học kinh tế, em mong muốn thành doanh nhân giàu có để giúp đỡ người nghèo, người yếu thế. Nguyên tắc không đi học thêm Với tổng điểm 3 môn khối A 28,35 kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, nữ sinh Đỗ Thị Ngân, Lớp...