Có gì trong kế hoạch định hình tương lai công nghệ của Trung Quốc?
Trung Quốc đang chuẩn bị công bố kế hoạch mới gọi là “ China Standards 2035″ (Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035) trong năm nay, với mục đích tăng sức ảnh hưởng đến hoạt động của thế hệ công nghệ kế tiếp trên toàn cầu.
Mạng 5G là một ví dụ nổi bật nhất về khả năng của các công ty Trung Quốc
Kế hoạch chi tiết 15 năm đầy tham vọng sẽ thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho thế hệ công nghệ kế tiếp, đồng thời tạo ý nghĩa to lớn cho sức mạnh mà Bắc Kinh nắm giữ trên sân khấu thế giới trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến mạng viễn thông và dữ liệu, theo các chuyên gia nói với CNBC.
Sau hai năm lập kế hoạch, “ China Standards 2035″ dự kiến sẽ được công bố trong năm nay. Kế hoạch chiến lược này được coi là bước tiếp theo của kế hoạch sản xuất toàn cầu “Made In China 2025″ đã được đưa ra cách đây gần 5 năm, nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào các công nghệ chủ chốt trong thập niên tới.
“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên được xác định bởi các mạng lưới hệ thống công nghệ mới mà ở đó người lãnh đạo vẫn chưa được định rõ, điều này mang lại cơ hội cho Trung Quốc. Và nó cũng có nghĩa là sức mạnh trên thế giới sẽ tùy thuộc vào khả năng tự giành lấy của mỗi người”, Emily de La Bruyere, người đồng sáng lập công ty tư vấn Horizon Advisory, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn.
Các tiêu chuẩn mới là gì?
Mọi công nghệ và ngành công nghiệp đều có bộ tiêu chuẩn để xác định cách thức hoạt động và khả năng tương tác trên khắp thế giới. Ví dụ về ngành viễn thông, sau nhiều năm lập kế hoạch và phát triển, tiêu chuẩn kỹ thuật được tạo ra thông qua sự hợp tác giữa các bộ phận công nghiệp, các chuyên gia và các công ty. Những thông số kỹ thuật được thông qua và tích hợp chính là tiêu chuẩn, với mục đích đảm bảo sự đồng nhất ở mức cao nhất có thể, cải thiện hiệu quả của việc triển khai mạng và đảm bảo chúng luôn hoạt động cho dù bạn đang ở đâu trên thế giới.
Các hãng công nghệ lớn của Mỹ và châu Âu như Qualcomm và Ericsson trước nay vốn là một phần trong việc thiết lập các tiêu chuẩn của các ngành công nghiệp khác nhau, nhưng trong vài năm qua Trung Quốc đã đóng vai trò ngày càng tích cực.
Có gì trong kế hoạch của Trung Quốc?
Video đang HOT
Tháng 3.2020, Trung Quốc đã phát hành một tài liệu gọi là “Những điểm chính của công tác tiêu chuẩn hóa quốc gia 2020″. Theo hai nhà đồng sáng lập Horizon Advisory Bruyere và Nathan Picarsic, tài liệu này cung cấp cái nhìn sâu sắc về những gì có thể thấy trong bản thiết kế cuối cùng cho “China Standards 2035″, đặc biệt khi xem xét các kế hoạch quốc tế của Bắc Kinh.
Cụ thể hơn, một số điểm trong tài liệu trên bao gồm nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn trong nước cho các ngành công nghiệp khác nhau, từ nông nghiệp đến sản xuất. Tuy nhiên, điều nhấn mạnh ở đây là sự cần thiết phải thiết lập “một hệ thống tiêu chuẩn thế hệ công nghệ thông tin và công nghệ sinh học mới”, tập trung phát triển tiêu chuẩn cho Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn, 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Tất cả đều được đánh giá là công nghệ tương lai quan trọng có thể làm nền tảng cho cơ sở hạ tầng quan trọng trên thế giới. Ngoài ra, tài liệu còn nêu rõ sự cần thiết phải “tham gia vào hoạt động xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế” và Trung Quốc nên đưa ra nhiều đề xuất hơn cho các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế.
Một chuyên gia đã nhận định động thái này của Trung Quốc là bước đi kép, vừa để tăng cường các tiêu chuẩn trong nước, thúc đẩy nền kinh tế, vừa tạo ảnh hưởng trên toàn cầu. “Trung Quốc đang cố gắng nâng cấp tiêu chuẩn nội địa của mình. “China Standards 2035″ là sự kết hợp giữa các vấn đề trong nước và nhu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế của nước này, cũng như mong muốn thiết lập các tiêu chuẩn của họ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, ở nước ngoài”, Andrew Polk, đối tác tại công ty tư vấn và nghiên cứu Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với CNBC.
Thúc đẩy tiêu chuẩn Trung Quốc
Có thể thấy “China Standards 2035″ đang mang lại cho Trung Quốc động lực mới, nhưng trong vài năm vừa qua ảnh hưởng của nước này cũng đã tăng lên không ít. “Mạng 5G là một ví dụ nổi bật nhất mà chúng ta thấy các công ty tích cực nhất Trung Quốc không chỉ tham gia thiết lập các tiêu chuẩn trong nước mà còn nỗ lực định hình các tiêu chuẩn trên toàn cầu”, theo bà Elsa Kania, trợ lý cao cấp về công nghệ và chương trình an ninh quốc gia tại Center for a New American Security (CNAS).
5G là mạng di động thế hệ kế tiếp rất quan trọng trong hỗ trợ cơ sở hạ tầng tương lai. Huawei Technologies là một trong những công ty hàng đầu về thiết bị mạng 5G, đồng thời cũng là một trong những nhân tố chính tham gia thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực này. Theo công ty phân tích tài sản trí tuệ IPlytics, hãng viễn thông Trung Quốc sở hữu số lượng bằng sáng chế liên quan đến 5G nhiều nhất, đi trước các đối thủ châu Âu là Nokia và Ericsson.
Để đẩy mạnh tiêu chuẩn quốc gia, Bắc Kinh còn thành lập một ủy ban mới tập trung vào việc xây dựng bộ quy tắc cho công nghệ blockchain. Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách vươn lên thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực non trẻ này sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi nên “nắm bắt cơ hội” mà công nghệ blockchain tạo ra. Hai đại gia công nghệ Trung Quốc là Huawei và Tencent là thành viên của ủy ban mới.
Luồng dữ liệu
Khi sức ảnh hưởng của Trung Quốc đến công nghệ toàn cầu ngày càng lớn, càng có nhiều câu hỏi về quyền truy cập dữ liệu của nước này. “Các tiêu chuẩn của Trung Quốc có thể chồng chéo lên nhau và có ý định mở rộng chiến lược truy cập dữ liệu không đối xứng. Càng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ được xác định bởi Bắc Kinh, càng nhiều dữ liệu liên quan sẽ trở thành đối tượng cho các chính sách truy cập dữ liệu của chính phủ Trung Quốc”, Nathan Picarsic, nhà đồng sáng lập Horizon Advisory, nói.
Một số cơ quan lập pháp ở Trung Quốc dường như bắt buộc các công ty trong nước tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc trợ giúp công việc tình báo vốn được định nghĩa rất mơ hồ. Đây là lý do Mỹ và các nước khác lo ngại về Huawei.
Thách thức phía trước
Trung Quốc có tham vọng lớn, nhưng việc giành vị trí thống trị của Mỹ và châu Âu sẽ không dễ dàng. “Mặc dù sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo ra một số thách thức về thủ tục, nhưng nó không có sức ảnh hưởng quá lớn hoặc vượt qua quy mô cạnh tranh để đem lại lợi ích cho Trung Quốc”, Naomi Wilson, giám đốc chính sách châu Á Hội đồng Công nghệ Thông tin (ITI) nói hồi tháng trước.
Trên thực tế, Mỹ và các công ty đa quốc gia vẫn chủ yếu là những người có ảnh hưởng mạnh nhất trong các cơ quan tiêu chuẩn về công nghệ thông tin, dựa trên khả năng lãnh đạo, chuyên môn kỹ thuật, sự hiểu biết sâu sắc về các quy trình, quy tắc tiêu chuẩn, chất lượng đóng góp và sự tham gia nhất quán theo thời gian.
Theo ông Andrew Polk, Trung Quốc sẽ cần phải tăng cường chất lượng các công ty tham gia đóng góp tiêu chuẩn toàn cầu. Nước này cần phát triển nhiều hơn nữa các công ty có khả năng làm những gì mà Huawei đang làm, nhưng trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau.
Phương Anh
Xu hướng mới của chuỗi cung cấp công nghệ toàn cầu: "Not Made in China"
Được khởi động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, xu hướng rời khỏi Trung Quốc của chuỗi cung cấp toàn cầu càng được đẩy nhanh hơn khi virus corona xuất hiện và lây lan.
Cho đến 3 năm trước, Trung Quốc vẫn là một món quà trời ban cho hoạt động sản xuất thiết bị. Thế nhưng điều đó đang thay đổi 180 độ trong kỷ nguyên của chiến tranh thương mại và virus corona.
Bước vào kỷ nguyên này, các nhà sản xuất thiết bị điện tử trên thế giới đang tích cực tìm kiếm những cách thức khác để đa dạng hóa chuỗi cung cấp của mình và tránh phải phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào, cho dù nó có hấp dẫn đến đâu đi nữa.
Chưa bao giờ các nhà cung cấp trên toàn cầu lại lo lắng đến vậy. Không có gì lạ với điều này, bởi vì bất chấp mọi tính toán, thế giới đang phải đối mặt với những cú sốc về sản xuất lớn nhất thế giới từ 30 năm trước đến nay - thời điểm những nhà sản xuất Đài Loan, những người lắp ráp phần lớn linh kiện điện tử trên toàn cầu, bắt đầu chuyển nhà máy của họ sang Trung Quốc.
Thế nhưng một xu hướng mới đã bắt đầu với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đạt đến đỉnh điểm vào năm ngoái. Giờ đây cuộc tấn công của đại dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch này được tăng tốc đáng kể và khuyến khích các nhà lãnh đạo cởi mở hơn về những nỗ lực rời khỏi Trung Quốc của mình.
Ngày càng nhiều hơn những cuộc đối thoại giữa giám đốc các công ty công nghệ Đài Loan xung quanh việc chọn lựa địa điểm sản xuất tốt nhất bên ngoài Trung Quốc. Họ ưa thích Việt Nam, bởi vị trí địa lý gần gũi của nơi này với Trung Quốc, cho dù chi phí lao động tại đây đang có xu hướng gia tăng. Cho dù Đài Loan là quê nhà họ, nhưng chi phí lương tại đây đang ngày càng đắt đỏ, buộc họ phải tìm đến những địa điểm khác.
Điều này khác hẳn với trước đây, khi ông Trump mới nhậm chức Tổng thống Mỹ. Khi đó các giám đốc điều hành thường tránh né những câu hỏi của các nhà phân tích về việc chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, do không muốn chọc giận Bắc Kinh. Nhưng gần đây, họ ngày càng cởi mở hơn về các kế hoạch này khi thấy điều đó là không thể tránh khỏi. Không ai muốn bị coi là người đi sau trong việc phòng ngừa rủi ro.
Simon Lin, chủ tịch công ty lắp ráp iPhone, Wistron Corp, thậm chí còn táo bạo nói với các nhà phân tích vào tuần trước rằng, đến năm 2021, công ty ông sẽ 50% công suất lắp ráp ở bên ngoài Trung Quốc. Cũng chỉ trong tuần vừa qua, hai nhà lắp ráp khác của Đài Loan cũng thông báo kế hoạch của riêng họ để tăng cường năng lực sản xuất ngoài Trung Quốc.
Covid-19 đang trở thành động lực thúc đẩy ngoài dự kiến cho những kế hoạch này. Eric Tseng, CEO của hãng nghiên cứu Isaiah Research tại Đài Loan, cho biết một số công ty vốn đang ngần ngại đưa ra các quyết định về chuyển đổi chuỗi cung cấp, nhằm chờ đợi xem liệu có giải pháp lâu dài nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay không. " Nhưng rồi virus corona mang lại ngay cơ cho gây bệnh cho mọi người. Giờ rất nhiều công ty sẽ tăng tốc việc rời đi của họ."
Ngay cả những nhà cung cấp của Apple cũng đang bắt đầu quá trình rời khỏi Trung Quốc, dù Apple không vội vàng với điều này.
Tất nhiên, sẽ không dễ dàng gì tái tạo lại một bản sao cả một mạng lưới phức tạp của các nhà cung cấp, các công nhân có trình độ, hệ thống phân phối hiệu quả và một thị trường nội địa khổng lồ như của Trung Quốc, nơi chính quyền địa phương cũng đang tìm mọi cách giữ chân họ ở lại.
Tại Trịnh Châu, nơi có khu siêu phức hợp khổng lồ "Thành phố iPhone", chính quyền đã chỉ định đặc biệt những quan chức giúp đỡ Foxconn, đối tác của Apple, để giải quyết các vấn đề về hậu cần và thiếu hụt lao động khi virus corona lan rộng.
Thế nhưng ngay cả Apple cũng không vội vàng tìm cách rời khỏi Trung Quốc chỉ vì những gián đoạn liên quan đến virus. " Chúng tôi đang nói về việc điều chỉnh một số điểm thắt, không phải các thay đổi cơ bản, toàn bộ." CEO Tim Cook cho biết vào cuối tháng Ba vừa qua.
Cho dù vậy, từ năm ngoái Foxconn cũng đã bắt đầu sản xuất một số iPhone phiên bản cũ tại Ấn Độ, một động thái cho thấy Apple cũng đang ngày càng quan tâm đến việc củng cố sự hiện diện của mình tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới sau Trung Quốc. Cho dù họ chọn Ấn Độ, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào đi nữa - một điều rõ ràng rằng các nhà sản xuất điện tử đã đến điểm không thể quay lại trong hành trình rời khỏi Trung Quốc.
Nguyễn Hải
Bất chấp áp lực từ Mỹ, Đức vẫn cho phép Huawei tham gia mạng 5G Đức không có kế hoạch ngăn chặn gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G của nước này, bất chấp những áp lực từ Mỹ... Trả lời CNBC vào ngày 16/10, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức đã xác nhận rằng ngày 15/10, Đức đã quyết định cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G...