Cô gái vàng Hóa học Nguyễn Lê Thảo Anh: Tuổi trẻ – Hành trình tìm kiếm chính mình
Là 1 trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021, Nguyễn Lê Thảo Anh ( Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2021) đã có bài tự sự về tuổi trẻ.
Nguyễn Lê Thảo Anh, Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2021
Gửi tớ của tuổi 13 – người đang bước những bước đầu tiên trên hành trình mang tên “Tuổi trẻ”,
Chẳng ai có thể đưa ra được một định nghĩa chung về tuổi trẻ. Mỗi người đều có một câu chuyện về tuổi trẻ của riêng mình. Có một tuổi trẻ bắt đầu trong những bồi hồi cơn mưa mùa hạ. Có một tuổi trẻ bắt đầu trong những xao xuyến ngọn gió đầu thu. Tuổi trẻ của tớ bắt đầu từ đâu, có lẽ câu trả lời chính là cậu.
Vì tuổi trẻ của tớ là cuộc hành trình tìm kiếm chính mình.
Toán học mang một ý nghĩa đặc biệt với cậu, tớ hiểu hơn ai hết. Đó là những bài học đầu tiên, là môn học vẫn luôn gắn bó và thân thương với cậu suốt bao năm tháng. Đó là kỳ thi đầu tiên, tấm huy chương đầu tiên, niềm tự hào đầu tiên của cậu. Toán học còn mang theo những kỷ niệm ấm áp với hai giáo viên đặc biệt là ba và mẹ, là những che chở, ấm áp mà cậu luôn có thể dựa vào nếu vấp ngã. Nhờ vậy, cậu vẫn luôn có thể kiên trì thử thách bản thân không màng khó khăn, thất bại. Giây phút cậu tự hỏi Toán học có thực sự là con đường của riêng cậu, không phải đơn thuần là nản lòng rồi bỏ cuộc, mà đó là giây phút cậu đặt bút viết lên những dòng đầu tiên của “Tuổi trẻ”.
Cậu rời bỏ vùng an toàn đã gắn bó từ thơ ấu để tìm kiếm đam mê của riêng mình: Hè học lập trình cùng ba, vào năm học vừa ôn Toán, Hóa, Anh chuyên rồi học tuyển Sử trên trường. Động lực gì khiến cậu cùng một lúc trau dồi, tìm tòi nhiều môn chuyên như vậy? “Tuổi trẻ”. Vì tuổi trẻ luôn khao khát một câu trả lời từ sâu thẳm bên trong, một câu trả lời chỉ có thể chạm đến khi cậu đã tự mình trải nghiệm và học hỏi. Động lực gì khiến cậu có thể kiên trì với những dòng code khó nhằn, hơn hai trăm trang tài liệu lịch sử nâng cao dù có lúc cố gắng mãi dường như vẫn dậm chân tại chỗ? “Tuổi trẻ”. Vì tuổi trẻ không bỏ cuộc khi chưa cố gắng hết sức mình, dù thất bại cũng phải đủ tư cách để nói với chính mình rằng: “Vất vả rồi!”. Động lực gì khiến cậu tự tin thử thách một môn học mà chưa từng được tiếp xúc trước đó? “Tuổi trẻ”. Vì trong từ điển của tuổi trẻ không có từ “muộn”, giây phút tuổi trẻ quyết tâm thực hiện luôn là thời điểm vừa vặn nhất.
Sau những thử nghiệm và thất bại, cuối cùng cậu đã có câu trả lời của riêng mình: Hóa học. Môn khoa học này đã gắn bó với cậu, với tớ, suốt những năm đầu tiên của Tuổi trẻ. Nhìn vào những dấu ấn của cậu với Hóa học, hẳn là cậu đã được nghe rất nhiều những lời khen ngợi, tuyên dương và tớ biết với cậu, chúng ấm áp và quý giá nhường nào, vì với tớ bây giờ, chúng vẫn luôn là động lực để phấn đấu trở thành phiên bản tốt nhất, để cậu nhẹ lòng nghỉ ngơi sau những lần thử thách chính mình tại các kỳ thi lớn. Nhưng trong lá thư đặc biệt ngày hôm nay, tớ muốn gửi tới cậu những lời cậu ít được nghe hơn, những lời một mai khi nghe lại bản giao hưởng mang tên “Tuổi trẻ” sẽ không phải thanh âm nổi bật nhất, những lời mà tớ ước cậu có thể nhắn nhủ chính mình nhiều hơn.
“Cậu đã vất vả rồi”.
“Cậu đã cố gắng hết sức mình rồi”.
Video đang HOT
“Cậu đã chăm chỉ rồi”.
Có người nói cậu thật may mắn vì việc học hành, thi cử với cậu luôn dễ dàng, kỳ thi lớn nào cũng đạt được kết quả tốt. Nhưng tớ biết cậu chỉ suýt soát qua được vòng loại trường để tham gia kỳ thi Hóa học đầu tiên. Đề thi hôm ấy, cậu đọc hiểu không quá một nửa nhưng vẫn cố gắng làm trọn vẹn những phần mình đã biết. Cậu cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn vì được vào đội tuyển trường nhưng đi kèm với đó là một nỗi bất an và nghi ngờ bản thân đang lớn dần. Nhưng cậu chưa một lần nói về nỗi bất an ấy với ai, tớ biết. Tuổi trẻ tiếp dũng khí để cậu tự tin tìm tòi, học hỏi nhưng nó cũng lây cho cậu một niềm kiêu hãnh khiến cậu vùi lấp những lo lắng vào bên trong, vì Tuổi trẻ có thể từ bỏ nhiều thứ nhưng tuyệt nhiên cố chấp với câu trả lời của riêng mình.
Thời gian đầu học tuyển cũng không lập tức bắt nhịp được với môi trường học, nản lòng có, thất vọng có nhưng cái cố chấp của Tuổi trẻ giữ cậu nỗ lực hơn nữa, tự nhủ nếu không tiến bộ thì nỗ lực gấp đôi, gấp ba… Càng về sau càng có nhiều thử thách lớn hơn, nhiều kỳ thi lớn mà cậu thậm chí còn chưa bao giờ tưởng tượng đến. Và có những lúc tớ phải đối mặt với thất bại, bất an, lo lắng, nhưng cố chấp của Tuổi trẻ ngày nào đã biến thành lòng kiên định với đam mê để tớ đứng dậy và tiếp tục bước về phía trước. Tớ luôn nói mình yêu thích Hóa học như “mưa dầm thấm lâu” nhưng sẽ chẳng thể có những giọt mưa lấp lánh nếu không có cậu trong những ngày đầu tiên ấy – cố chấp và đam mê, dũng cảm đến điên khùng, xông vào làn mưa không ngại gió lạnh, cũng không vì một lần bị cảm mà sợ hãi chạy khỏi cơn mưa. Vì vậy, cảm ơn cậu, cảm ơn Tuổi trẻ – chân thành nhất từ tớ của hôm nay.
Bước sang năm 2022, tức là tớ sẽ sang tuổi mười chín. Cậu đã luôn nghĩ trưởng thành là điều gì đó rất xa vời. Vậy mà tớ đã là “người lớn” được gần một năm rồi đó. Nhiều lúc tớ không cảm thấy điều đó nghe thật chút nào, nhưng tớ vẫn đang ngày ngày nỗ lực với tốc độ của riêng mình để trưởng thành, để hoàn thiện bản thân, để trở thành một nhà khoa học mà cả tớ và cậu có thể tự hào và yêu mến. Tuổi trẻ như một cán cân nghiêng về một phía. Vất vả, khó khăn vẫn chiếm nhiều trọng lượng hơn thành công, chiến thắng. Nhưng cũng chính phép màu của Tuổi trẻ khiến khi bình tâm nhìn lại hạnh phúc luôn lấn át đi những giọt nước mắt và nỗi cô đơn. Cậu không phải bước đi một mình, bởi phép màu của Tuổi trẻ sẽ luôn ở bên cậu, thứ phép màu bắt nguồn từ gia đình, bạn bè, thầy cô, những người ủng hộ, yêu thương và luôn sẵn sàng giang vòng tay để ôm lấy cậu, để nói cho cậu nghe những lời cậu quên nói với chính mình. Cầu chúc cho cả cậu, cả tớ, cho tất cả những người còn sống trong phép màu diệu kỳ của Tuổi trẻ, những người không ngừng nỗ lực chạy đến tương lai, rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
Tuổi trẻ của chúng ta chỉ mới bắt đầu. Vì ta còn trẻ, và lửa trong tâm hồn ta còn cháy.
'Cô gái vàng' Olympic Hóa học quốc tế: 'Không học sau 10h tối và trước 7h sáng'
Nguyễn Lê Thảo Anh - học sinh lớp 12 Hóa 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là cô gái duy nhất trong đoàn học sinh Việt Nam đạt Huy chương Vàng trong kì thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2021 (IChO2021) mới đây.
Nguyễn Lê Thảo Anh - cô gái duy nhất của Việt Nam đạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm nay. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, Thảo Anh vẫn không giấu nổi cảm xúc vui mừng, tự hào và hạnh phúc khi là cô gái duy nhất trong đoàn Việt Nam tham dự kì thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay giành được tấm Huy chương Vàng danh giá.
Thảo Anh cho biết, dù đã vài ngày trôi qua nhưng cảm xúc của em vẫn vẹn nguyên như ngày đầu biết tin Ban tổ chức thông báo kết quả.
Phòng học như "quán cà phê", sau 10h đêm "đóng cửa"
Niềm đam mê Hóa học cũng đến với Thảo Anh rất đỗi tự nhiên, theo đó, từ những năm học cấp 2, Thảo Anh đã tự ý thức được việc phải lựa chọn, định hướng môn chuyên vào cấp ba cho mình theo đuổi. Tuy nhiên, quãng thời gian lựa chọn đó không mấy dễ dàng với một cô bé mới chưa đầy 16 tuổi.
Em cho biết ban đầu đã dự định theo chuyên Toán nhưng lúc nào cũng đắn đo tự hỏi bản thân liệu đây có phải lựa chọn tốt nhất cho mình. Không chần chừ, Thảo Anh quyết tâm thử sức với tất cả các môn để tìm ra đam mê thực sự. Chỉ khi bắt đầu với môn Hóa học, em mới thực sự thấy nguồn cảm hứng trong mình được bùng nổ.
"Em học khá đều tất cả các môn, và với em môn học nào cũng đều thú vị và hấp dẫn cả. Trước khi quyết định theo chuyên Hóa, em cũng từng có thời gian thử sức với các môn chuyên khác. Tuy nhiên, em thích cách mà Hóa học cho em cảm giác được lập luận logic, cũng chỉ với Hóa học, em mới sẵn sàng bỏ cả vài tiếng đồng hồ chỉ để nghiền ngẫm, suy luận tìm ra đáp án...", Thảo Anh cho hay.
Nữ sinh có nguyên tắc học tập khá "dị", không học sau 10h tối và trước 7h sáng. Ảnh: NVCC.
Khác xa với những tưởng tượng ban đầu về một nữ sinh lúc nào cũng cặm cụi bên sách vở, "cô gái vàng" bộc bạch: "Em có một nguyên tắc là không học bài sau 10h tối và trước 7h sáng. Toàn bộ thời gian đó em dành vào việc nghỉ ngơi và giải trí. Cũng bởi vậy mà em tự đánh giá mình không được chăm lắm".
Không những vậy, cô nàng còn tự nhận mình là một người sống theo cảm hứng. Ngoài niềm đam mê Hóa học, Thảo Anh cũng thích viết lách, nghe nhạc... Tuy nhiên không có sở thích nào cố định vì luôn muốn trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống. "Playlist nhạc của em có cả vài ngàn gì đó bài thuộc tất cả các thể loại khác nhau. Thành ra phòng học của em chẳng khác nào quán cà phê vậy, thường xuyên thay nhạc, mà 10h thì đóng cửa...", Thảo Anh vui vẻ nói.
Chơi hết mình là vậy nhưng khi học, Thảo Anh trở thành một con người hoàn toàn khác, luôn luôn kỉ luật với bản thân, đặt kế hoạch và mục tiêu cụ thể: "Em không thích cảm giác bị deadline "dí", nước đến chân mới nhảy, như vậy mình sẽ không chủ động được trong công việc. Thay vào đó, em lập kế hoạch và hoàn thiện theo đúng tiến độ đặt ra. Ngay cả làm việc nhóm, em cũng khá cầu toàn, luôn muốn mọi thứ hoàn hảo nhất có thể". Cũng chính vì điều này mà Thảo Anh thường được bạn bè đánh giá như thể có hai tính cách đối lập trong một con người.
Dám thử, dám trải nghiệm điều mới
Hơn 5 năm gắn bó với Hóa học, cũng từng tham gia nhiều cuộc thi nhưng Thảo Anh cũng bật mí: "Số lần thất bại ngang ngửa số lần thành công", tuy nhiên không vì thế mà em bỏ cuộc. Bởi với Thảo Anh, chưa bao giờ em nghĩ kết quả là quan trọng hàng đầu.
"Em đặt trải nghiệm lên trên kết quả, và chỉ coi kết quả như phần thưởng trong suốt quá trình nỗ lực của mình. Ngay cả khi bước vào kì thi Olympic vừa rồi, khi cầm đề và làm bài, em chỉ nghĩ mình trong vai một người nghiên cứu, đang tìm hỏi và học hỏi chứ không phải đang làm một bài thi. Đấy cũng là cách em vượt qua các kì thi khác của cuộc đời", Thảo Anh cho hay.
Ngoài tấm Huy chương vàng Olympic quốc tế vừa rồi, Thảo Anh cũng được biết đến với nhiều thành tích khủng. Ảnh: NVCC.
Việc không đặt thành tích, không đặt nặng kết quả có vẻ đã giúp Thảo Anh lần lượt vượt qua các kì thi quan trọng. Theo đó, ngoài Huy chương Vàng Olympic Quốc tế vừa rồi, Thảo Anh còn sở hữu một "kho giải thưởng" khủng như: huy chương Vàng cá nhân kỳ thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế (IJSO) lần thứ 15 năm 2018; Giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, môn Hóa học năm học 2019-2020.
Em cũng giành Giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi Thành phố Hà Nội lớp 12 cấp THPT môn Hóa học năm học 2019-2020; huy chương Vàng cá nhân kỳ thi Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) lần thứ V năm 2020; giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT môn Hóa học năm học 2020-2021 và nhiều giải thưởng khác...
Ảnh chụp lưu niệm của Thảo Anh với thầy chủ nhiệm và gia đình. Ảnh: NVCC.
Mỗi lần tham dự một kì thi với Thảo Anh là những lần thêm cơ hội để thỏa sức tìm hiểu và học hỏi, mạnh dạn được thử và được sai: "Em nghĩ mình vẫn còn trẻ, vẫn còn nhiều cơ hội để có thể thử sức làm những điều mình thích. Không ai biết chắc một đứa trẻ 18 tuổi bây giờ sẽ làm gì trong tương lai, em cũng không nghĩ nhiều, chỉ luôn dặn mình rằng phải giữ vững tinh thần học hỏi và kiên trì học tập".
Thảo Anh cũng không quên nhắc đến Frances Hamilton Arnold, nữ khoa học gia người Mỹ đã từng đoạt giải Nobel Hóa học năm 2018, được coi là những thần tượng của mình.
"Em vô cùng ấn tượng bởi cách mà bà ấy đứng trước khán đài bao nhiêu con người để thuyết trình về những nghiên cứu khoa học của mình. Đó cũng là hình ảnh mà em luôn mơ ước trong tương lai, mạnh dạn xóa đi những định kiến rằng là con gái thì không thể đi xa trong quá trình nghiên cứu khoa học", Thảo Anh tự tin cho biết.
Với những thành tích trên, Thảo Anh đã được tuyển thẳng vào vào 3 trường Đại học gồm: Ngành Dược học của Đại học Dược Hà Nội; ngành Hóa học của Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; và khoa Răng - Hàm - Mặt của Đại học Y Hà Nội. Hiện, nữ sinh vẫn đang cân nhắc để lựa chọn môi trường học tập phù hợp.
Đại học Dược Hà Nội tăng chỉ tiêu, tuyển sinh thêm 3 ngành mới Năm 2022, Đại học Dược Hà Nội dự kiến tuyển 950 chỉ tiêu, mở thêm ngành mới là Công nghệ sinh học, Hóa học, Chất lượng cao Dược học. Đồng thời, Trường Dược Hà Nội bổ sung thêm phương thức xét điểm kiểm tra tư duy. Đại học Dược Hà Nội năm nay dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức là: Xét...