Cô gái trẻ khởi nghiệp với những người bạn 4 chân
Khởi nghiệp với số vốn nhỏ cùng sự giúp đỡ của gia đình, Tuyết Nhi tận dụng không gian nhà ở thành khách sạn thú cưng, đem lại thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng.
Tốt nghiệp chuyên ngành Thú y Đại học Cần Thơ, ngay khi vừa ra trường, Nguyễn Thị Tuyết Nhi (SN 2000, ngụ phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) quyết định mở cơ sở chăm sóc và lưu trú dành cho thú cưng ngay tại nhà riêng.
“Mình có nuôi một con chó hơn 10 năm. Từ ngày lên thành phố nhập học, em nó luôn theo mình cho tới ngày mình về nhà chồng. Trước đây, mỗi lần đi du lịch, mình rất vất vả tìm kiếm chỗ trông nom, chăm sóc hộ. Từ chính nhu cầu của bản thân, mình đã có ý tưởng làm khách sạn cho chó mèo”, Tuyết Nhi chia sẻ.
Với số vốn ít ỏi cùng sự trợ giúp của gia đình, Yến Nhi quyết định mở cơ sở khách sạn lưu trú cho thú cưng. Ảnh: Trần Tuyên
Với số vốn gần 80 triệu đồng, căn phòng tầng 2 được cô gái trẻ sửa sang, mua 15 ô chuồng và những vật dụng cơ bản đủ để hoạt động.
Thay vì lựa chọn vật liệu làm chuồng bằng sắt hay inox lạnh lẽo, Tuyết Nhi đầu tư chuồng gỗ, cửa kính bởi theo cô, chất liệu gỗ có công năng vô cùng tuyệt vời, các chi tiết đều được gia công đẹp, nhiều mẫu mã, kích thước, dễ vệ sinh; quan trọng nhất là hạn chế được bệnh và tránh lây nhiễm chéo.
Chuồng gỗ, cửa kính tuy tốn chi phí hơn nhưng đảm bảo an toàn cho thú cưng. Ảnh: Trần Tuyên
Đến nay, cơ sở lưu trú thú cưng của Tuyết Nhi đã hoạt động ổn định gần 1 năm, lượng khách ngày càng đông với nguồn chủ yếu từ khách quen giới thiệu.
Yến Nhi cùng chồng chăm sóc, chải lông cho mèo. Ảnh: Trần Tuyên
“Chúng tôi nhận nhiều thú cưng nhất vào cuối tuần. Riêng dịp lễ, Tết, nhiều người có nhu cầu gửi thú cưng để tiện về quê, đi du lịch.
Dịch vụ này thường bao gồm việc lưu trú, chăm sóc, vệ sinh, tắm rửa và phục vụ ăn uống. Giá dao động từ vài chục cho đến vài trăm nghìn, tùy thuộc vào kích thước của thú cưng và nhu cầu của gia chủ”, Nhi cho hay.
Cô gái trẻ Cần Thơ kể, trừ chi phí, mỗi tháng cơ sở cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Số tiền kiếm được, Nhi tiếp tục đầu tư mua thiết bị như quạt thông gió, máy hút mùi, điều hoà, máy sưởi ấm… để hoàn thiện dịch vụ hơn.
Quá trình tiếp xúc ban đầu với thú cưng, nếu không có kinh nghiệm, rất dễ bị cắn, tấn công. Ảnh: Trần Tuyên
Nhìn vào những vết cào xước trên bàn tay, chủ cơ sở này chia sẻ thêm, cho thu nhập cao nhưng nghề này cũng đòi hỏi phải có năng khiếu, sự kiên trì cùng tình yêu thương động vật.
Cạnh đó là kỹ năng tiếp xúc, làm quen ban đầu với con vật cũng không kém phần quan trọng. Chó, mèo đến đây nhiều con rất dữ, người chăm sóc phải đối mặt với rủi ro như bị cắn, tấn công, nguy cơ mắc bệnh dại.
Cô gái trẻ dự kiến tăng số chuồng, mở thêm cơ sở trong năm tới. Ảnh: Trần Tuyên
Video đang HOT
Khi được hỏi về kinh nghiệm cho người mới khởi nghiệp, Tuyết Nhi hào hứng tâm sự: “Thu nhập là một động lực nhưng khi có sự kiên trì mới có thể gắn bó lâu dài với nghề. Tình yêu thương với động vật mới là điều tiên quyết mang lại uy tín, thành công cho những ai theo nghề”.
Lượng khách ngày càng tăng, cô gái trẻ này dự tính sẽ tăng ô chuồng ở cơ sở hiện tại và trong năm tới sẽ mở thêm cơ sở mới.
Cô gái Tuyên Quang bỏ việc ngân hàng, đam mê làm điều chưa ai dám
Từng là nhân viên ngân hàng, Thùy Dương bỏ nghề để khởi nghiệp với đam mê từ thời sinh viên: sáng tạo những chiếc bánh độc lạ, trong đó có bánh trung thu nhìn giống tượng gỗ.
Cộng đồng người yêu bánh Trung thu 2 năm nay được chiêm ngưỡng bộ ảnh chụp những chiếc bánh nướng nhân đậu xanh có hình thù độc lạ.
Đó là những chiếc bánh được Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 1995) quê Tuyên Quang tạo nên. Những chiếc bánh trung thu sinh động khiến nhiều người trầm trồ không chỉ bởi sự cầu kỳ tới từng chi tiết mà còn tạo cảm giác như đang nhìn ngắm những bức tượng gỗ vậy.
"Lúc mới đăng ảnh bánh lên mạng, tôi chỉ sợ mọi người nghĩ đây là tác phẩm điêu khắc gỗ. Thật không ngờ được nhiều người yêu thích tới vậy", Thùy Dương hào hứng chia sẻ cảm xúc khi bánh trung thu của cô được nhiều người đón nhận.
Bay bổng, sáng tạo
Thùy Dương từng có công việc ổn định tại một ngân hàng ở Hà Nội. Vậy nhưng, chỉ sau 3 năm, cô quyết định xin nghỉ để khởi nghiệp với đam mê từ thời sinh viên.
"Tôi là người có tính cách bay bổng, thích công việc sáng tạo và đặc biệt mê làm bánh. Vì thế, khi làm việc trong môi trường công sở, tôi thấy không phù hợp", Thùy Dương tâm sự.
Thùy Dương là một trong những người tiên phong làm bánh kem theo phong cách hoa Hàn Quốc.
Đoán gia đình sẽ ngăn cản nên Thùy Dương không dám nói với ai về quyết định của mình. Vài tháng sau, khi công việc làm bánh tại Hà Nội theo phong cách hoa Hàn Quốc và hình thú 3D đã ổn định, cô mới thông báo cho bố mẹ. Cô may mắn có thu nhập khá ngay khi vừa khởi nghiệp. Nhiều người yêu thích phong cách bánh này đã trở thành học viên của cô.
Dòng bánh tạo hình thú 3D của 9X đến từ Tuyên Quang từng được nhiều người đón nhận.
Sáng tạo mẫu bánh trung thu độc đáo
Làm nhiều loại bánh khác nhau, nhưng bánh trung thu vẫn luôn là thử thách mà Thùy Dương muốn chinh phục.
Hai năm trước, Dương tình cờ nhìn thấy họa tiết trên đĩa hình tròn, ngay lập tức ý tưởng vẽ lên bánh trung thu lóe lên. Vậy là những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống... được Dương vẽ lên mặt bánh khiến nhiều người mê mẩn.
"Hai năm qua, tôi chăm chỉ cho ra đời những chiếc bánh vẽ hình tranh dân gian. Tôi muốn văn hóa truyền thống của Việt Nam được lan tỏa rộng hơn thông qua những chiếc bánh trung thu", 9X tâm sự.
Cô không ngần ngại chia sẻ bí quyết làm nên kiểu bánh độc đáo này cho cộng đồng yêu thích bánh trung thu.
Chuẩn bị cho mùa Trung thu năm nay, Thùy Dương tự đặt cho mình bài toán phải tạo hình mẫu bánh mới. "Tôi luôn nghĩ làm thế nào để mình có thể làm ra được sản phẩm có hình dáng khác lạ, đặc biệt hơn. Trước giờ mọi người thường chỉ nhìn thấy bánh trung thu tròn hoặc vuông. Nếu tôi có thể thay đổi làm cho nó sinh động và mang ý nghĩa đặc biệt thì chiếc bánh trung thu đó sẽ trở nên nổi bật và ấn tượng với mọi người", Dương tâm sự.
Cách đây vài tháng, 9X quyết tâm tìm cách thay đổi kiểu dáng cho chiếc bánh nướng truyền thống.
"Tôi tạo hình ngôi nhà, trâu, gà trống... những hình mẫu được điêu khắc trên gỗ rất nhiều. Rất mừng là sản phẩm được mọi người đón nhận ", Dương nói.
9X phải bỏ đi khá nhiều chiếc bánh tạo hình 3D vì bánh bị nứt vỡ, không đứng được... Sau nhiều lần thử nghiệm, cô mới rút ra bí quyết để cho ra lò những mẻ bánh hoàn chỉnh. Điều đặc biệt, nhiều người thích thú đặt mua bộ bánh họa tiết dân gian này nhưng Dương không bán.
"Bánh hình con gà và trâu khi vừa ra lò đã được nhiều người đặt mua. Nhưng tôi làm chỉ để thỏa mãn đam mê và sáng tạo của bản thân chứ chưa kinh doanh những tác phẩm này", Dương tâm sự.
Con gà xuất hiện rất nhiều trong tranh dân gian, vì thế Dương quyết tâm tạo hình chiếc bánh trung thu hình con gà Đông Tảo.
Sau khi nghiên cứu mẫu vật, quan sát từng chiếc lông đuôi, mào... căn chỉnh tỷ lệ chi tiết để đảm bảo độ chân thực, Dương bắt tay vào làm bánh.
Đầu tiên, cô dùng hạt sen, đậu xanh, trà xanh... làm nhân nhuyễn để dễ nặn thành khung chiếc bánh. Khi lõi nhân bánh tạo hình hoàn chỉnh, Dương bọc bên ngoài một lớp vỏ bằng bột của bánh nướng. Để làm được chiếc bánh hình con gà trống có bộ lông sống động, cô dùng giấy bạc đệm vào giữa các lớp lông đuôi để lớp lông cong lên, không gãy, vỡ hay dính vào nhau khi nướng. Khi nướng xong, Dương sẽ rút bỏ giấy bạc đi.
Một bí quyết khác khi nướng bánh trung thu 3D, đó là Dương dùng giấy bạc bọc các chi tiết nhỏ, mỏng để tránh bị cháy bánh. Có những chiếc bánh có nhiều chi tiết dày mỏng khác nhau, cô tỉ mỉ chia ra nướng nhiều lần rồi ghép lại để đảm bảo bánh chín đều, không sống không cháy.
Dương phải canh lò nướng, quan sát bánh để xử lý kịp thời nếu có sự cố. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cả đam mê của người đầu bếp. 9X Tuyên Quang phải làm liên tục 1 ngày để hoàn thiện tác phẩm này.
Những chiếc bánh trung thu độc đáo này cần bảo quản kín như đồ ăn, nếu không cho vào tủ lạnh có thể để được 1 tuần.
Lịch trình bận rộn của Thùy Dương hiện nay: Cách 1 tháng lại bay vào TP.HCM dạy làm bánh.
Bộ ảnh chụp mẫu bánh trung thu 3D độc đáo của Dương được mọi người nhiệt tình đón nhận, cô có thêm động lực để chinh phục các loại hình bánh mới trong tương lai.
Nhớ lại trước đây, khi biết tin Dương bỏ việc, gia đình cô ai cũng tiếc nuối và lo lắng. Gia đình vốn không có ai làm kinh doanh hay có bệ đỡ kinh tế để chia sẻ.
"Chỉ vài tháng sau, khi thấy tôi ổn định công việc, bố mẹ đã yên tâm về tôi. Tôi thấy mình may mắn khi quyết tâm và dám thay đổi, dám làm những công việc trước đây chưa bao giờ nghĩ tới. Và tôi cảm thấy rất may mắn vì được làm và sống với đam mê của mình. Tôi chỉ muốn sau này, bánh trung thu truyền thống của Việt Nam sẽ còn vươn xa hơn nữa", Thùy Dương chia sẻ.
Độc lạ bánh tráng quýt hồng của nữ sinh miền Tây Bằng sự sáng tạo và tâm huyết, hai nữ sinh Hà Thị Yến Thơ và Phan Hồng Ngân, cùng học lớp 10A1 Trường THPT Lai Vung 1 (H.Lai Vung, Đồng Tháp) đã làm nên sản phẩm bánh tráng quýt hồng, đoạt giải đặc biệt cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm học 2022 - 2023. Yến Thơ cho biết gia...