Cô gái dân tộc thiểu số đổi đời nhờ du lịch
Từ khi đam mê làm du lịch, cô gái người Giáy cảm thấy có nhiều động lực và vui vẻ hơn trong cuộc sống.
Vũ Thị Ngọc Hướng (1999) sinh ra và lớn lên tại bản Tả Van, Sa Pa, là sinh viên khoa Quốc tế học tại ĐH Hà Nội, đồng thời làm du lịch tự do. Hiện tại, cô gái trẻ đang là chủ nhân của kênh Youtube “Hướng Giáy Sa Pa”, chuyên đăng tải các trải nghiệm du lịch cùng người bản địa Sa Pa và giới thiệu văn hoá của đồng bào dân tộc Giáy.
Hướng tại Séo Mý Tỷ, một địa điểm tại Sa Pa ít du khách biết.
Là người con của Sa Pa, cô gái từ bé đã ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh về du lịch tại đây, từ khi còn hoang sơ đến khi bắt đầu xuất hiện những thứ hiện đại như cáp treo, trung tâm thương mại… “Mình ngắm cảnh thiên nhiên Sa Pa từ bé đến giờ mà không chán. Lúc bé thì thấy đẹp vậy thôi, lớn rồi mới hình thành thêm suy nghĩ tại sao nơi khác cũng đẹp mà Sa Pa lại hút nhiều khách đến thế và bắt đầu tự mình tìm hiểu về du lịch một cách chuyên sâu”, Hướng tâm sự. Lớp 11, sau một lần theo chân thím dẫn một tour du lịch, Hướng hứng thú và bắt đầu định hình ước mơ trở thành hướng dẫn viên. Từ lần đó, cô bắt đầu tìm hiểu về du lịch chứ không đơn thuần là nhìn những người khách lần lượt đến rồi đi. Điều mà cô gái luôn trăn trở là cảm thấy du lịch Sa Pa bị “loãng”, không vận dụng tốt các văn hoá của người bản địa và đôi khi còn quảng bá sai. “Nhiều nơi làm du lịch nhưng không hiểu văn hoá, xảy ra tình trạng nhà người Giáy nhưng lại trang trí hoạ tiết của người Hmông, khiến du khách dễ bị nhầm lẫn và khó phân biệt các đặc sắc văn hoá của từng dân tộc”, Hướng chia sẻ.
Thi đại học ngành Du lịch nhưng không đủ điểm, Hướng không bỏ cuộc mà chuyển sang học ngành Quốc tế học, theo cô cũng phù hợp với định hướng, động lực đích đến của mình. Bên cạnh việc học trên trường, Hướng phát triển đồng thời kênh Youtube cá nhân để lan toả văn hoá người Giáy, cũng như thiết kế các tour trải nghiệm cùng người bản địa cho du khách đến Sa Pa. Lớn lên dưới nếp nhà và văn hoá của người Giáy, Hướng luôn yêu và mong muốn lan toả văn hoá của dân tộc mình tới nhiều người biết hơn, không muốn chúng bị mai một. Thay vì đến những địa điểm quen thuộc như bản Cát Cát, nhà thờ Đá, Hướng dẫn du khách đến những địa điểm mà chỉ dân bản địa mới biết như Séo Mý Tỷ, trải nghiệm văn hoá người Giáy, chăm sóc sức khoẻ kiểu địa phương, hướng dẫn phân biệt thịt trâu gác bếp thật và giả, ăn bánh chưng đen, ăn mận kiểu người Giáy… Cô gái trẻ cũng hay đăng tải những địa điểm ít người biết đến tại Sa Pa lên các trang cộng đồng du lịch, nhận được nhiều lượt thích, chia sẻ và ủng hộ.
Vũ Thị Ngọc Hướng trong trang phục dân tộc Giáy.
Du lịch là đam mê nhưng cũng là động lực khiến cô gái “đổi đời”. Từ khi đam mê làm du lịch, cô gái cảm thấy có nhiều động lực và vui vẻ hơn trong cuộc sống. Đi du lịch vui, nay làm du lịch còn khiến cô thấy vui hơn. Mỗi khi giới thiệu cho khách những vẻ đẹp về văn hoá, con người và thiên nhiên Sa Pa, cô gái trẻ luôn cảm thấy rất hào hứng, vui vẻ. Từ khi làm du lịch, cô gái cũng có thêm tài chính để tự trang trải học phí và phụ gia đình một phần, tuy “chưa nhiều và đều cho lắm”.
Ngọc Hướng từng nghĩ học cao không quan trọng. “Khi còn học lớp 12, mình đặt ra hai định hướng rõ ràng là nếu không học đại học thì sẽ học nghề hoặc đi làm luôn. Tuy nhiên, khi nghĩ về đam mê làm du lịch chuyên nghiệp, mình thấy việc đi học sẽ giúp cho mình nhiều hơn. Đầu óc mở mang, kỹ năng tốt hơn từ đó có nhiều cơ hội hơn và mình chọn đi học. Việc học đại học là giúp đổi đời. Gia đình không có sẵn điều kiện để mình thực hiện ước mơ làm du lịch nên việc học sẽ giúp mình có thêm nhiều kiến thức để tìm ra giải pháp, hướng đi”, Ngọc Hướng chia sẻ. Khi nói chuyện với nhiều bạn cùng thế hệ nhưng không học đại học, Hướng nhận ra mình may mắn hơn, làm được nhiều thứ thuận lợi hơn nhờ đã đi học.
Một góc Sa Pa qua bức ảnh mà Hướng chụp.
Video đang HOT
Trong tương lai, cô gái hy vọng có thể thành lập một doanh nghiệp về du lịch cộng đồng tại Sa Pa. Theo Hướng, việc mở doanh nghiệp vừa có thể giúp cho chính bản thân, vừa hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở Sa Pa song cũng giúp cho du khách có thêm trải nghiệm độc lạ, chất lượng.
Cô gái đam mê khám phá đại dương và thông điệp bảo vệ môi trường biển
Những hình ảnh cô gái Zen Le mặc bộ đồ lặn, đeo chân vịt thoải mái tạo dáng trong lòng đại dương khiến nhiều người thích thú, cộng đồng mạng còn ví cô như "nàng tiên cá".
Zen Le hiện đang vận hành một công ty tư nhân về thương mại xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở TP. Hồ Chí Minh. Cô gái trẻ này yêu thích thể thao, đặc biệt các môn thể thao ngoài trời nên hầu như các chuyến du lịch của cô đều là trở về với thiên nhiên.
Mỗi lần lặn cô có cảm giác như bước vào ngôi nhà của đại dương và các loài sinh vật biển.
Trong lần đi du lịch ở Philippines vào năm 2017, Zen được một người bạn ở đây hướng dẫn cho một vài khả năng nín thở và kỹ thuật lặn xuống dưới lòng đại dương để ngắm san hô. Khi được tận mắt nhìn vẻ đẹp lung linh của san hô dưới biển, cô bắt đầu cảm thấy yêu thích việc lặn nín hơi này.
"Mỗi lần lặn cảm giác như được về nhà"
Zen Le đã tự tìm hiểu trên mạng thì mới biết đây là bộ môn thể thao Lặn tự do - Freediving, bộ môn này khá nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt các nước có vùng biển, nhưng còn mới mẻ ở Việt nam vào thời điểm đó.
Cô tìm tòi các thông tin về tập luyện, kỹ thuật, các dive-gears (thiết bị lặn) trên các diễn đàn Freediving, kết bạn với các Freediver (người lặn biển tự do) ở nước ngoài và được họ chia sẻ tài liệu kiến thức lặn, hướng dẫn về các kỹ thuật, kỹ năng an toàn...
Zen Le - cô gái Sài Gòn đam mê khám phá dưới lòng đại dương.
"Cảm giác lần đầu tiên của Zen khi mang long-fins (chân vịt) vào và nhảy xuống biển đó là rất "sướng"
"Mình không thấy sợ, vì trước khi thực hiện một ca lặn biển thì mình phải luyện tập với dive-buddy (bạn lặn) cùng các thiết bị như phao nổi và dây định hướng trước đó rồi. Nên khi được tự do dưới nước thì cảm giác rất thư giãn và thoải mái", "cô gái đại dương" chia sẻ.
Mỗi lần lặn cô có cảm giác như bước vào ngôi nhà của đại dương và các loài sinh vật biển. Cảm giác được hòa mình với thế giới đại dương khác hẳn với khi mình ngắm nhìn chúng trong thủy cung. Ngoài ra, cơ thể như được làn nước nâng niu, được thoải mái tạo dáng, bay lượn tự do các hướng.
Zen cũng cho biết thêm, trước mỗi ca lặn phải thật sự thư giãn và tự tin thì mới nên xuống nước, còn khi thấy sợ hãi, lo lắng hoặc điều kiện sức khỏe không ổn thì không nên lặn, vì khá nguy hiểm cho bản thân.
Tất cả hành trình lặn biển của Zen Le đều có bạn đồng hành, vì nguyên tắc đầu tiên của bộ môn lặn tự do đó là "Never dive alone" (Không được đi lặn một mình).
Cô gái trẻ đã cùng nhóm bạn trải nghiệm lặn ở nhiều vùng biển của Việt Nam: Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Quý, Nha Trang, Vân Phong, Vũng Bồi (Bình Định), Hà Ra (Khánh Hòa), Quy Nhơn, Cù Lao Mái Nhà, Phú Yên, Đà Nẵng, Cù Lao Chàm, Nhật Lệ, Phong Nha, Quảng Bình,...
Trong đó, cô ấn tượng nhất là lặn ở vùng biển Côn Đảo do nơi đây được bảo tồn nên đời sống sinh vật dưới nước hầu như còn nguyên vẹn, rất đẹp.
Ngoài ra, cô cũng tham gia lặn ở một số vùng biển của Philippines: Như Coron, Roxa, Puerto Princesa, San Vicente, Port Baton, Cebu, Moalboal, Panglao, El Nido, Boracay...
Cô gái Sài thành không thể nào quên sự cố khi chạm phải loài sứa lửa trong lần lặn ở Nha Trang. Cú chạm đó khiến chân Zen bị tê rát, da chân bị bỏng nên cô phải dừng ngay ca lặn và bơi về thuyền bằng 1 chân còn lại.
"Cũng may là trời trong biển êm nên mình cũng bình tĩnh từ từ bơi trở về thuyền được và nhờ các bạn sơ cứu ngay sau đó", Zen Le nhớ lại.
Thông điệp bảo vệ môi trường biển
Nhìn ngắm những bức ảnh Zen chụp dưới lòng đại dương lung linh, cộng đồng mạng ví cô như "nàng tiên cá". Zen cũng tiết lộ, chụp ảnh dưới nước vừa khó vừa dễ. Khó là bởi, để có những dáng (pose) đẹp dưới nước, bạn phải thực sự thư giãn và thoải mái, phải cảm nhận cơ thể của mình. Dễ là bởi, bạn không cần phải make-up (trang điểm) hay quần áo trang phục phức tạp để có một tấm ảnh đẹp.
Ngoài ra, điều kiện thời tiết cũng rất quan trọng, để có một bức ảnh đẹp dưới nước thì nên đi vào những ngày trời nắng, nước trong, tầm nhìn xa tốt, không có dòng chảy hoặc dòng chảy nhẹ,...
Trước khi chụp, cô và bạn lặn phải trao đổi với nhau trước về góc chụp, tư thế, địa điểm và phải thử khá nhiều lần thì mới hiểu được ý nhau.
Lặn tự do được xếp vào một trong những bộ môn thể thao nguy hiểm. Vì vậy, người tham gia cần phải được học kiến thức cũng như luyện tập kỹ thuật và các kỹ năng an toàn với chuyên gia trước khi thực hiện một ca lặn tự do thực sự.
Đầu tiên cần phải có khả năng bơi lội tốt hoặc thực sự tự tin khi ở dưới nước, vì lỡ có trục trặc sơ suất gì thì không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà còn cho cả bạn lặn. Nếu mọi người yêu thích và muốn trải nghiệm lặn tự do thì hãy đăng ký các khóa học ở các trung tâm lặn trước.
Zen Le tạo dáng độc đáo dưới nước.
Là một người yêu thiên nhiên, đặc biệt là biển, cô gái trẻ lên án những hành động như chặt cây phá rừng, đến việc sử dụng phân bón trồng trọt không kiểm soát, cho tới việc đánh bắt thủy sản vô tội vạ, bỏ lại thiết bị ngư cụ hỏng trong lòng biển, tới những việc nhỏ hằng ngày như sử dụng túi nilon, chai nhựa, ống hút,... Tất cả đều ảnh hưởng đến "sức khỏe" của đại dương - "máy lọc không khí" và nguồn nước hỗ trợ sự sống cho cả hành tinh chúng ta.
Zen Le lặn ở vùng biển Quy Nhơn.
Qua đó, cô cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người thông điệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chúng ta: "Nếu yêu biển, xin bạn hãy bảo vệ biển. Nếu có cơ hội được lặn, xin bạn đừng chạm tay vào bất cứ thứ gì dưới biển, tất cả mọi thứ dưới nước chỉ nên nhìn bằng mắt mà thôi.
Xin đừng hái san hô, nhặt trứng rùa, hay mua, bán bất kỳ sinh vật biển nào về làm kỉ niệm. Nếu bạn muốn lấy thứ gì đó dưới đáy biển mang về làm kỉ niệm, thì đó nên là túi nilon, ống hút, lưới ma, vỏ chai, bao bì, ...
Bởi không có nước là không có sự sống".
Lễ hội ruộng bậc thang Hoàng Su Phì sẽ diễn ra từ ngày 4 - 30/9 Lễ hội ruộng bậc thang Hoàng Su Phì một trong những lễ hội văn hóa tiêu biểu, mang đậm bản sắc của các dân tộc phía Tây tỉnh Hà Giang sẽ diễn ra vào ngày 4 - 30/9. Tuần lễ văn hóa "Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì" lần thứ VI tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ diễn...