“Có cầu mới, các em sẽ an tâm đến trường hơn”
Đó là mong mỏi nhiều năm nay của hàng trăm em học sinh cùng giáo viên, người dân và chính quyền xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) khi cầu Cây Điệp bắc qua sông KH6 thường xuyên bị hư hại khiến các em lo sợ mỗi khi đi qua cầu để đến trường.
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi về xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) trong một buổi chiều trời sắp đổ mưa, chứng kiến cảnh người dân hối hả đi qua cầu Cây Điệp chông chênh khiến chúng tôi không khỏi lo lắng.
Nhiều người dân sống ở gần cầu Cây Điệp cho biết, cây cầu này đã có hàng chục năm nay, cầu bắc qua sông KH6, nối ấp 3 và ấp 8 của xã Thới Hưng, phục vụ việc đi lại của gần 1.000 hộ dân ấp 3, ấp 8 do đây là một trong những tuyến đường chính đi về trung tâm xã, trung tâm huyện. Bên cạnh đó, cây cầu cũng là đường đi về của hàng trăm em học sinh (HS) học tại điểm 3 Trường tiểu học Thới Hưng 2 và Trường Mẫu giáo Thới Hưng.
Do đã xuống cấp nghiêm trọng nên tạm thời xã vận động người dân góp cây sửa lại cả tháng nay nên nhìn từ xa cầu Cây Điệp trông có vẻ chắc chắn…(Ảnh: Huỳnh Hải)
Trò chuyện với PV Dân trí, ông Trần Văn Còn (60 tuổi, nhà ở gần cầu) kể, hàng chục năm trước đây đường đi lại rất khó khăn, chỉ có duy nhất một tuyến đường về trung tâm huyện nên cầu Cây Điệp là công trình phục vụ chính việc đi lại của dân.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, do kinh phí hạn hẹp nên chính quyền địa phương chỉ có thể vận động người dân bắc tạm bằng cây ván gỗ. Do đó, qua năm tháng mưa gió và lưu lượng xe cộ nhiều nên cây cầu thường xuyên bị hư hại khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. “Ước mơ có cầu mới chắc chắn của hàng ngàn người dân nơi đây đã ấp ủ từ lâu nhưng đến giờ vẫn chỉ là mơ ước mà thôi”, ông Còn bộc bạch.
Anh Trần Tấn Nhựt – Bí thư xã Đoàn Thới Hưng cho biết thêm, ông Còn đã chứng kiến hàng chục cảnh người dân té xuống sông khi đi qua cầu những khi cầu xuống cấp. Không chỉ thế, có nhiều em HS đi qua cũng bị té lúc trời mưa trơn trợt. Ông Còn đã nhiều lần phóng xuống sông để cứu các em.
Video đang HOT
…nhưng lại gần xem thấy cây cầu được lắp ghép từng đoạn rất mong manh. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Ngày chúng tôi đến khảo sát, cầu Cây Điệp đã được sửa chữa lại tạm thời vì đã quá xuống cấp, một phần vì sự an toàn của người qua lại và cũng để phục vụ năm học mới sắp tới. Do đó, nhìn từ xa trông cây cầu có vẻ chắn chắn nhưng lại gần quan sát hết toàn bộ cây cầu thì vẫn còn hết sức sơ sài, mỏng yếu.
Cầu Cây Điệp dài gần 40m, rộng khoảng 1m mặt cầu, trụ và những thanh đà chủ yếu làm bằng ván lắp ghép. Các trụ chính, đoạn dưới làm bằng trụ ximăng được lấy từ cột điện hỏng, đoạn trên nhiều miếng ván gỗ cũ, được nối với nhau bằng dây chì hoặc ốc vít rất mong manh lan can cầu chỉ là những sợi dây chì nhỏ căng hai bên chủ yếu để làm “kiểu” chứ không có tác dụng gì.
Khi thấy có PV cùng chính quyền địa phương đến khảo sát, nhiều người dân gần đó tụ tập đến và cùng cho biết ý kiến là đều tỏ ra rất lo sợ khi đi qua cầu. Nhóm người dân ở ấp 8 nhìn nhận, lưu lượng xe qua lại rất đông nhưng những mối lắp ghép lại quá yếu nên ai cũng hồi hộp mỗi khi chạy xe đi qua. “Chúng tôi cứ lo mấy cái ốc vít bị sứt, mấy sợi dây chì bị đứt lúc nào không biết thì hậu quả sẽ khó lường”, một người dân ấp 8 bày tỏ nỗi lo lắng của mình.
Để giữ vững các trụ cầu, nhiều mảnh ván xiên ngang dọc được chấp nối lại nhưng rất sơ sài, mỏng yếu…
…và lan can cầu là những sợi dây chì nhỏ tí chủ yếu để làm kiểu chứ không có tác dụng gì. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trong khi đó, phía bên ấp 8 có hai trường học với gần 250 em HS phải thường xuyên đi đến trường hàng ngày. Các em HS cho biết, mỗi khi đi xe đạp, thậm chí đi bộ những lúc trời mưa trơn trợt, cây cầu cao lại không có lan can nên các em lo sợ bị té xuống sông bất cứ lúc nào.
Theo cô Mai Thị Lan – Hiệu trưởng Trường TH Thới Hưng 2, cầu Cây Điệp là một trong những cây cầu chính phục vụ việc đi lại của các em HS thuộc ấp 3, ấp 8 ở xã. Riêng điểm 3 của Trường tiểu học Thới Hưng 2 và trường Mẫu giáo nằm bên ấp 8 đã có gần 250 em thường xuyên qua lại để đến trường hàng ngày.
Cô Lan cho hay, vào mùa mưa, cầu hư hại, chông chênh, trơn trợt khiến các em HS đi lại rất khó khăn. Chính vì thế, nhiều em đã nghỉ học vì sợ không dám đi qua cầu. Do đó, vào mùa mưa, nhà trường đã phải vận động phụ huynh đưa con em đến trường bằng xuồng ghe. “Dù có cây cầu nhưng cũng như không. Biết rằng đi xuồng rất bất tiện và tốn kém nhưng chúng tôi đành chấp nhận vì không thể để các em nghỉ học do sợ qua cầu, cũng vì tương lai của các em mà thôi”, cô Lan chia sẻ.
Cũng theo cô Lan, nếu cầu Cây Điệp được xây mới chắc chắn thì không chỉ giúp các em HS an tâm đến trường mà sẽ còn góp phần giữ sĩ số lớp học của các trường ở địa phương trong năm học mới. “Đây là sẽ là niềm vui lớn nhất của thầy trò chúng tôi”, cô Hiệu trưởng nói.
Có cầu bê tông mới vững chắc là ước mong của chính quyền địa phương, người dân, giáo viên và hàng em học sinh ở xã Thới Hưng từ nhiều năm nay. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Trung Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, cho biết: “Cầu Cây Điệp ngoài phục vụ hàng trăm em HS đến trường, còn phục vụ sinh hoạt đi lại của hàng ngàn người dân. Nhiều năm qua chính quyền địa phương cũng hiểu những nỗi lo lắng của người dân nhưng vẫn không biết phải làm thế nào. Do địa phương còn khó khăn, không có kinh phí để xây cầu mới nên chỉ làm tạm thời bằng ván gỗ, hư tới đâu lại vận động dân sửa tới đó”.
Theo ông Cảnh, qua tính toán của ngành chức năng thì chi phí để xây cầu mới bằng bêtông vững chắc chỉ khoảng trên dưới 150 triệu đồng, nhưng với một xã nghèo thì con số này là quá lớn. “Vì thế, chúng tôi mong muốn các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cùng chia sẻ, hỗ trợ địa phương làm một cây cầu mới để phục vụ bà con đi lại, phục vụ các em học sinh an toàn đến trường. Đây là ước mong lớn nhất của chính quyền địa phương, người dân, giáo viên cũng như của hàng trăm em học sinh từ nhiều năm qua”, ông phó chủ tịch xã bày tỏ.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, lãnh đạo chính quyền xã Thới Hưng cho hay, với chi phí trên dưới 150 triệu đồng, UBND xã mong muốn các mạnh thường quân có thể hỗ trợ toàn bộ kinh phí hoặc có thể hỗ trợ 70- 80%, còn lại lãnh đạo xã sẽ vận động bà con địa phương đóng góp thêm để sớm xây cây cầu mới thay cho cây cầu cũ thường xuyên hư hỏng này.
Huỳnh Hải
Theo dân trí
Đầu mùa mưa, về miền Tây thưởng thức món ốc bươu luộc mẻ
Vào hạ, khi nước trong đồng ngập mắt cá chân thì lũ ốc bươu, ốc lác kéo về. Đây là thời điểm ốc béo, ngọt, thơm nhất. Chỉ cần trang bị một cái giỏ lội xuống đồng, mò một lúc là đã được cả giỏ ốc đầy.
Ốc bươu là đồ ăn dân dã có thể chế biến thành những món ngon như: Ốc bươu luộc sả, nướng mọi, nướng tiêu, nấu cà-ry... nhưng dễ làm và hấp dẫn đối với tuổi thơ tôi hơn là ốc bươu luộc mẻ.
Ốc bươu luộc mẻ là món ăn
Chế biến món này rất nhanh gọn. Trước hết, ốc bươu bắt được về, cho vào thau ngâm qua đêm với nước gạo để ốc nhả bớt chất bẩn. Nếu muốn nhanh có thể cho ngay ốc vào thau nước cùng vài trái ớt sừng chín đập giập. Sau đó, dùng bàn chải cọ rong rêu, bùn đất cho sạch, để ráo nước.
Cho ốc vào nồi ngập xăm xắp nước cùng vài tép sả đập giập. Pha loãng một tô cơm mẻ cùng một ít gia vị (muối đường, bột ngọt sả, ớt bằm) cho vừa khẩu vị và bắc lên bếp đun sôi khoảng 15 phút. Khi thấy mùi thơm hấp dẫn của sả, cơm mẻ bốc lên, ốc hở mặt là chín.
Pha một chén nước mắm sả, ớt (hay chén cơm mẻ có pha sã, ớt tùy thích). Cầm gai quít nhọn (hoặc tăm tre) lẩy ốc ra rồi nhúng qua nước chấm, nhai chậm rãi.
Cái sần sật, beo béo của thịt ốc, the the của tinh dầu sả hòa lẫn hương vị đặc trưng của cơm mẻ sẽ khiến thực khách nhớ mãi một món ăn dân dã của quê hương miền Tây.
Theo VNE
Mùa mưa cũng coi chừng cháy Khi mưa lớn nên kiểm tra và tắt các thiết bị điện không cần thiết. 76 vụ cháy lớn đã xảy ra trong sáu tháng đầu năm tại TP.HCM làm sáu người chết, thiệt hại hơn 3,7 tỉ đồng. "Nhiều người thường nghĩ mùa mưa ít xảy ra cháy nên có tâm lý chủ quan trong việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Song...