Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Đảm bảo liên thông, liên kết giữa các bậc học
(HQ Online)- Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) vừa trình Thủ trướng Chính phủ Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Ngày 13-1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Thưa Thứ trưởng, những điểm cơ bản trong Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ là gì?
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam đang dịch chuyển sang hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân.
Video đang HOT
Trên tinh thần đó, Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đảm bảo liên thông, liên kết giữa các bậc học, giữa các trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân và tương thích với hệ thống giáo dục quốc tế. Từ đó, người học có thể dễ dàng dịch chuyển giữa các hình thức học tập, giữa các kiến thức khác nhau. Cũng như việc công nhận bằng cấp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới được thuận lợi hơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân học tập trong nước và nước ngoài.
Những nét mới trong Đề án được thể hiện cụ thể ở từng cấp học.
Cấp THPT định hướng người học theo 3 hướng, bao gồm: Thứ nhất, học sinh học tập trung (hình thức học như hiện nay); thứ hai học sinh phát triển theo hướng khoa học công nghệ; thứ ba học sinh triển năng khiếu. Với định hướng ở cấp THPT, người học có thể tiếp cận nghề nghiệp sớm hơn và phục vụ cho việc đào tạo theo hướng chất lượng cao.
Trong Đề án cũng chủ tương kết hợp hai hệ thống giáo dục chuyên nghiệp với dạy nghề thành trung cấp nghề; cao đẳng và cao đẳng nghề thành cao đẳng nghề. Đối với giáo dục bậc cao gồm có: cao đẳng, đại học và nghiên cứu sinh được điều chỉnh thời gian học tập phù hợp với thực tế hơn. Như nghiên cứu sinh tăng thời gian từ 2 năm lên 3 đến 4 năm vì thực tế với 2 năm không có nghiên cứu sinh nào hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, Đề án cũng quy định trình độ đầu ra phải tương thích với khung năng lực quốc dân. Khung năng lực quốc dân này sẽ tương thích với khung năng lực UNESCO khuyến cáo và theo tham chiếu khung năng lực của ASEAN. Như vậy, Đề án này sẽ tạo điều kiện xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân chất lượng.
Hiện điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu của Đề án, vậy lộ trình xây dựng cơ sở vật chất đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Việc đổi mới giáo dục quốc dân nói chung và cơ cấu hệ thống giáo dục nói riêng dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác. Đội ngũ giáo viên cũng được cơ cấu lại. Những giáo viên đang giảng dạy như hiện nay sẽ được tập huấn thêm để có thể dạy theo chương trình mới.
Quan trọng khi thực hiện Đề án là xây dựng giáo trình, tài liệu sách giáo khoa… để tương thích với thời gian học tập của các cấp đã được đề ra, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Đồng thời, đổi mới quan niệm dạy và học theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương là chuyển từ trang bị kiến thức cho người học sang nâng cao phẩm chất năng lực người học.
Như vậy, kiến thức cơ bản sẽ được giảm tải và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức của người học trong thực tiễn. Đặc biệt, phải nâng cao năng lực học tập suốt đời cho người học. Để làm được điều này, các trường phải đổi mới phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu về kiểm tra đánh giá phẩm chất năng lực người học.
Trong Đề án đổi mới sách giáo khoa chưa đề cập việc xây dựng sách giáo khoa theo hướng phân luồng học sinh THPT. Vậy thời gian tới Bộ GD-ĐT có chỉnh sửa gì đề án chương trình sách giáo khoa và xây dựng hệ thống đội ngũ giáo viên không, thưa Thứ trưởng?
Điều này đã được Bộ GD-ĐT cân nhắc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đã chủ chương có nhiều môn học cho học sinh, trong đó có những môn học bắt buộc, môn học tự chọn và có những môn học cũng là bắt buộc nhưng có phân hóa. Nghĩa là trong chương trình giáo dục phổ thông mới có yêu cầu mức độ thấp và có yêu cầu mức độ cao.
Như vậy, những học sinh nào học theo định hướng chung các em sẽ học những chương trình định hướng chung, những em nào học theo định hướng kỹ thuật công nghệ các em chọn những môn theo định hướng công nghệ, những theo năng khiếu sẽ học nhiều môn năng khiếu. Việc này sẽ đảm bảo cho nhà trường đáp ứng yêu cầu phân loại học sinh một cách linh hoạt và không nhất thiết phải xây dựng mô hình trường học mới. Cùng với hệ thống trường phổ thông và trường năng khiếu như hiện nay, những doanh nghiệp cũng có thể xây dựng hệ thống trường học theo định hướng riêng của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Muốn xây dựng tòa nhà giáo dục phải có bản thiết kế, lúc đó sẽ xác định được lượng cần cấu kiện và ’sắt thép’ nào là cần thiết đối với tòa nhà. Nhưng Bộ GD-ĐT lại chuẩn bị ’sắt thép’ trước nên sẽ xảy ra tình trạng có chỗ thừa, chỗ thiếu. Hệ thống giáo dục chưa rõ, chương trình chưa rõ mà Bộ GD-ĐT đã tiến hành viết sách giáo khoa, như vậy, chương trình sẽ phải điều chỉnh theo sách giáo khoa mà không phải điều chỉnh theo mục tiêu của giáo dục”.
Theo HQ Online