Có cần thiết phải ép con thi vào trường điểm?
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng sẽ cho con học đúng tuyến vì thực lực của con không đủ để thi, quan trọng hơn là con không bị áp lực học hành dẫn đến mệt mỏi, sợ học. Sau rất nhiều lần cân nhắc, tôi cũng nhận ra việc cố ép con thi vào những trường chất lượng cao là không cần thiết.
Ảnh minh họa
Mùa hè năm nay, con trai tôi không tỏ ra hào hứng đón đợi như mọi năm. Thay vào đó là những băn khoăn khi chuẩn bị bước vào một môi trường học tập mới bởi năm học cuối cấp tiểu học sắp kết thúc.
Một đứa trẻ lớp 5 có lẽ chưa biết lo lắng nhiều cho việc học tập của mình, bởi thành thật mà nói nhiều khi tôi vẫn phải nhắc con học bài môn này, ôn bài môn kia. Khái niệm tốt nghiệp, ra trường, nhập học trường mới với con còn khá mơ hồ, khiến con nhiều lúc thể hiện sự lo lắng. Đó là khi con hỏi: Mẹ ơi, sang năm con học trường nào? Học lớp 6 có giống như học ở trường cũ nữa không? Các bạn bảo phải thi được điểm cao mới được vào lớp 6, nếu con không thi được thì sao? Học lớp 6 có dễ như tiểu học nữa không?…
Theo con kể thì ở lớp các bạn thường nói chuyện với nhau về việc sang năm sẽ học trường nào. Một số bạn khoe sẽ thi vào trường chuyên, trường điểm là những trường nổi tiếng toàn học sinh giỏi. Có lẽ vì nhận thấy mình không học giỏi bằng các bạn, không đủ tự tin thi đỗ vào những trường chất lượng cao nên con tôi có vẻ buồn.
Trước những thắc mắc của con, tôi đều giải thích cụ thể và dễ hiểu để con không cảm thấy “choáng ngợp” khi rời xa mái trường tiểu học đã gắn bó suốt 5 năm. Song vấn đề học trường nào và chọn “trường điểm” hay “trường làng” là khó giải quyết nhất.
Năm nay ngành giáo dục Hà Nội có sự đổi mới trong phương thức tuyển sinh lớp 6 vào các trường chuyên, chất lượng cao song song với việc duy trì hình thức xét tuyển theo đúng tuyến cho học sinh. Khi một cánh cửa mở ra cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều hy vọng mới xuất hiện. Con được học tập ở những môi trường chất lượng cao, những cái nôi bồi dưỡng học sinh giỏi luôn là nỗi niềm mong mỏi chung của các phụ huynh. Trên địa bàn gia đình tôi sống có tới hai ngôi trường cấp 2 chất lượng cao, lại rất gần nhà nên nói thật tôi rất muốn con được học ở những trường này.
Khi biết một số trường chất lượng cao sẽ tổ chức thi để tuyển sinh học sinh, tôi đã động viên con cố gắng học bài, mua thêm sách vở để con làm bài tập thật nhiều. Lúc đầu con cũng hào hứng và tỏ ra nhiệt tình với việc ôn luyện, làm bài tập nâng cao. Nhưng sau khi mẹ cho làm thử mấy đề thi tuyển sinh vào lớp 6 của các trường điểm thì con tỏ ra đuối sức: “Nhiều bài khó quá, con chưa làm bao giờ nên không biết giải thế nào”; “Ôi, thi vào lớp 6 mà khó thế này thì sao con làm được”…
Bản thân tôi cũng nhận thấy nếu không theo học một khóa ôn luyện bài bản và được giáo viên hướng dẫn thì con sẽ không đủ kiến thức và kỹ năng để xử lý những bài tập nâng cao, hay dạng bài thi đánh giá năng lực tổng hợp mà các trường áp dụng. Bởi mặc dù kết quả học tập trên lớp của con là khá tốt, đều đạt điểm 9, 10 các môn nhưng đó chỉ là kết quả đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đại trà. Bây giờ học sinh tiểu học đạt điểm 9, 10 các môn học là chuyện hết sức bình thường. Ở lớp, con rất ít khi phải làm những bài tập khó, các dạng toán nâng cao.
Một số bạn bè của tôi biết cháu sắp vào lớp 6 cũng hỏi han tình hình thi cử, chọn trường lớp thế nào. Có cô bạn khuyên kiểu gì cũng phải cố cho con vào học trường điểm thì môi trường học mới tốt, học cấp 2 là quan trọng, có học giỏi thì mới thi được vào lớp 10 rồi đại học được. Nếu cảm thấy con học chưa tốt thì tìm lớp học thêm, luyện thi ngay cho kịp…
Video đang HOT
Tuần trước, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, tôi thấy nhiều phụ huynh cũng trao đổi với nhau về vấn đề này. Ai cũng muốn hỏi con chị, con em định học đúng tuyến hay thi vào trường điểm? Học trường đúng tuyến không biết chất lượng thế nào nhỉ? Muốn thi vào trường điểm thì ôn thi ở đâu?/ Con nhà chị đã đi ôn thi ở đâu chưa?… Có người lại tiếc vì thông báo thi tuyển sinh muộn quá nên không kịp cho con học thêm, ôn thi.
Nói chung vấn đề chọn cho con một ngôi trường cấp 2 như ý để sau này không “ân hận” khiến chúng tôi khá căng thẳng. Song nhiều phụ huynh chia sẻ rằng sẽ cho con học đúng tuyến vì thực lực của con không đủ để thi, quan trọng hơn là con không bị áp lực học hành dẫn đến mệt mỏi, sợ học.
Sau rất nhiều lần cân nhắc, đánh giá sức học của con và tìm hiểu môi trường học tập ở những trường điểm, tôi cũng nhận ra việc cố ép con thi vào những trường chất lượng cao là không cần thiết. Bởi việc thi được vào đã khó nhưng quá trình học tập sẽ còn khó hơn, áp lực hơn rất nhiều. Thay vì nhìn con ngồi thẫn thờ, vất vả tìm cách giải cho xong những bài toán nâng cao, tốt hơn là chúng ta trao cho con sự tự tin, niềm hứng khởi để bước vào môi trường học tập mới. Dù học “trường làng” nhưng nếu con có sự tự tin khi được là chính mình, và được cha mẹ chia sẻ, thấu hiểu thì chắc chắn mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Đỗ Quyên
Theo Dân trí
Tại sao con phải 9, 10 điểm cha mẹ mới an lòng?
Dù con giỏi hay chưa giỏi, các con vẫn là tài sản vô giá của cha mẹ. Tại sao cha mẹ cứ mặc định con phải giỏi, phải đạt 9, 10 thì mới an lòng?
Tranh minh họa: NOP
Hãy hiểu rằng nỗi cô đơn, hoang mang sợ hãi của đứa trẻ khi không làm vừa lòng cha mẹ thật khủng khiếp. Dù con giỏi hay chưa giỏi, các con vẫn là tài sản vô giá của cha mẹ. Tại sao cha mẹ cứ mặc định con phải giỏi, phải đạt 9, 10 thì mới an lòng?"
Thanh Mai
Tôi đọc báo và nhìn quanh thấy quá nhiều câu chuyện áp lực học hành đến ngay từ quý vị phụ huynh. Tôi thực sự đồng cảm với con em của chúng ta trong những hoàn cảnh đó.
Con cái sợ "bản trường ca than thở"
Quá nhiều bậc cha mẹ đã đặt kỳ vọng lớn vào con cái, mong muốn đến "cháy bỏng" là con phải giỏi, càng giỏi càng tốt, kiểm tra, thi cử luôn phải đạt điểm 9, 10 cha mẹ mới mãn nguyện.
Con em được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi các cấp trở thành niềm tự hào không những của cha mẹ mà còn cả thầy cô và nhà trường. Thế nên, con cái chỉ cần học giỏi là nhất.
Việc học hành, thi cử, điểm số trở thành cơn ác mộng của các con, sợ nhất là phải đối diện với "bản trường ca than thở", ủ dột, thất vọng từ cha mẹ: Vì sao con không được điểm 9, 10?
Đâu chỉ riêng những em học sinh cấp II, cấp III chạy đua với thi cử, với trường chuyên lớp chọn mà ngay cả các con chuẩn bị vào lớp 1 cũng đã phải ráo riết học chữ, học số, học tiếng Anh.
Cha mẹ khổ công tìm thầy cô "xịn" nhất trường để gửi gắm. Thành tích điểm số rực rỡ của con để cha mẹ nở mày nở mặt, sức khỏe và tâm trạng của các con chỉ là chuyện thứ yếu.
Học giỏi nhưng trượt đại học 2 lần
Tôi từng đạt được những thành tích thời đi học: giải nhất toàn tỉnh văn lớp 5, giải khuyến khích văn quốc gia lớp 9, được tuyển thẳng vào lớp 10 trường chuyên của tỉnh. Bạn bè ngưỡng mộ, thầy cô yêu mến, bố mẹ tự hào.
Nhưng cú sốc trong đời ập đến: ở cấp III, từ quê ra phố học tôi bị trầm cảm đến mức buông xuôi tất cả, không còn thiết tha gì chuyện học hành và lại xin chuyển về quê để học. Tôi đã có những tháng ngày khủng hoảng trầm trọng khi mọi người xa lánh, coi thường, thương hại vì không biết tại sao tôi lại ra nông nỗi này.
Tất nhiên là tôi trượt đại học hai năm liên tiếp và quyết định rẽ ngang học trung cấp nghề trong sự ngỡ ngàng, sửng sốt của bạn bè. Sách vở ôn thi đại học tôi đem đốt sạch, tôi sẽ đi con đường khác để lòng mình thanh thản.
Đã đi qua đủ cung bậc của thời học sinh, từ học sinh giỏi quốc gia đến học sinh vô địch vì thi lại khi đi học trung cấp, tôi thấu hiểu được tâm trạng của các con hiện nay. Khi có con, tôi xác định những bài học đau đớn trong cuộc đời đi học của mình sẽ không bao giờ lặp lại ở các con mình.
Tôi không muốn các con chỉ biết vùi đầu vào học như "mọt sách", ngơ ngác với mọi thứ xung quanh như "gà công nghiệp". Đó chính là hình ảnh tôi ngày xưa và chỉ học giỏi không thôi thì khi bạn bước vào cuộc sống xa nhà, bạn sẽ "sốc toàn tập".
Tôi giấu biệt chuyện ngày xưa mình từng là học sinh giỏi quốc gia với các con. Con tôi đứa lớn lớp 5, đứa nhỏ lớp 1 không hề đi học thêm, mẹ kèm học ở nhà, bài nào khó mẹ hướng dẫn. Thậm chí bài tập về nhà dạng nâng cao khó quá, tôi còn dặn con cứ việc bỏ qua, chờ đến lớp cô giảng.
Ngày nghỉ con chỉ cần học chừng 1-2 tiếng, còn lại thoải mái vui chơi, đọc truyện, chạy nhảy, nô đùa với bạn bè trong xóm. Quan trọng nhất với tôi chính là việc các con lớn lên mạnh khỏe, thích đến trường học, có nhiều bạn bè, biết làm việc nhà là ổn.
Con trai 10 tuổi có thể cầm giấy đi chợ
Con tôi học làng nhàng vẫn đạt học sinh giỏi mấy năm nhưng chưa bao giờ được đi thi thố gì, ngay cả thi giao lưu Rung chuông vàng trong khối. Tôi dạy con làm việc nhà, dạy con vào bếp và những kỹ năng thiết thực khác. Khi tôi ốm đã có thể yên tâm để con trai 10 tuổi cầm mảnh giấy đi chợ mua thực phẩm giúp mẹ.
Tôi chỉ mong muốn con có tuổi thơ hồn nhiên đúng nghĩa, không phải suốt ngày vùi đầu vào học hành. Có lẽ những vấp ngã đớn đau thời đi học đã giúp tôi hiểu rằng cha mẹ nên đồng hành cùng con cái, không nên ép các con học và học.
Hãy hiểu rằng nỗi cô đơn, hoang mang sợ hãi của đứa trẻ khi không làm vừa lòng cha mẹ thật khủng khiếp. Dù con giỏi hay chưa giỏi, các con vẫn là tài sản vô giá của cha mẹ. Tại sao cha mẹ cứ mặc định con phải giỏi, phải đạt 9, 10 thì mới an lòng?
Tôi luôn nhìn nhận vào thực lực của các con để hiểu con đạt đến ngưỡng này đã là rất cố gắng và xứng đáng được cha mẹ khen ngợi, động viên. Ngày mai con thi học kỳ cũng không được bớt việc đổ rác, rửa chén hằng ngày. Nếu con mệt nhờ mẹ giúp thì tôi giao hẹn, thi xong con phải làm bù gấp đôi.
Tôi nghĩ ngoài việc học tại trường thì quan trọng nhất con phải được rèn nếp sống tự lực, thành tích suông mà không có bạn bè, không biết làm việc nhà thì tai hại lắm...
Tôi chọn "bình yên" như thế và thấy hài lòng khi con được hồn nhiên.
Theo tuoitre.vn
Phát triển tiềm năng sáng tạo cho học sinh lớp 1 Để giúp học sinh lớp 1 sớm hòa nhập được với môi trường học tập mới và phát triển tiềm năng sáng tạo, theo kinh nghiệm của cô Nguyễn Thu Anh - Trường tiểu học Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội), giáo viên cần hòa đồng vui, học cùng với các em trong mọi hoạt động. Cô Nguyễn Thu Anh trong giờ dạy...