Có cần ngày khai giảng nữa không?
Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng khai giảng không còn cần thiết khi nó không phải ngày đầu tiên trẻ đến trường và không có ý nghĩa thực sự như ngày xưa.
Hàng năm, 5/9 ở nước ta được quy định là ngày khai giảng, bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, việc đi học thường bắt đầu từ tháng 8. Nhà báo Trương Anh Ngọc đã nêu quan điểm về việc liệu có cần ngày khai giảng nữa không khi học sinh phải đến trường từ sớm.
Nữ sinh ngày tựu trường. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn.
Có còn cần ngày khai giảng nữa không khi học sinh ở nhiều nơi vào đầu tháng 8 đã đến trường, và nhiều nơi thực ra đã học ngay trước ngày 5/9?
Tôi nghĩ là không cần nữa, nên dẹp ngày khai giảng luôn, một khi bây giờ nó không còn có giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn có ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa.
Ai đó sẽ nói ngày đó vẫn cần thiết. Trước hết, đó là ngày toàn dân đưa trẻ đi học, và sau đó là dịp để bọn trẻ ăn mặc đẹp, các trường tổ chức hoành tráng, cha mẹ các cháu và chính các cháu cảm thấy sung sướng, vì được đến trường.
Thực ra nếu chỉ vì như thế, ngày 5/9 cũng chẳng còn giá trị thực tiễn nữa, một khi người ta có thể cho trẻ mặc đẹp hàng ngày, chụp ảnh chúng rồi post lên mạng khi nào mình thích.
Một lễ khai giảng đơn thuần là vì mục đích hình thức như bao lễ lạt chúng ta đã thấy nhan nhản hàng ngày trên báo hoặc tivi, để các lãnh đạo đọc diễn văn và hứa hẹn thành tích (luôn là thế), để quay phim chụp ảnh, thì thực ra lại càng không cần thiết nữa.
Sự ham mê với kiến thức của đám trẻ, tình yêu trường lớp của chúng không phải ở ngày khai giảng hoành tráng đến đâu, mà ở việc chúng được học thế nào, bạn bè và cô giáo chúng cũng như chương trình học ra sao.
Khai giảng sau khi bọn trẻ đã đến trường từ tháng 8 thực chất chỉ là câu chuyện hoàn toàn vô nghĩa mà người ta đã làm thành thói quen, khi kỳ nghỉ hè của bọn trẻ bị cắt ngắn, khi người ta tìm cách nhồi nhét cho trẻ chương trình mới từ sớm hoặc nghĩ đến trường là cách để ôn luyện bài cũ.
Video đang HOT
Tôi cũng không hiểu mấy suy nghĩ rằng cho trẻ đến lớp sớm là để chúng nhanh chóng quen bạn bè, thầy cô trước khi học thật (chúng không thể quen với điều đó sau ngày khai giảng 5/9 hay sao?).
Trừ những lý do đặc biệt buộc phải khai giảng sớm và học ngay, tôi nghĩ đã đến lúc phải nhìn lại một cách thiết thực về ngày khai trường.
Một khi người ta bắt con bạn phải đến trường nhiều tuần trước lễ khai giảng, đấy là lúc cái lễ đó chẳng có ý nghĩa gì nữa. Nếu cơ quan chủ quản về giáo dục cũng chỉ coi đấy là hình thức, phải tổ chức cho có, như một thói quen, chính họ cũng phải nhìn lại mình để thay đổi.
Bởi việc học không phải là hình thức, điểm số cao cũng không phải chỉ là những con số để khoe thành tích. Học là để thấm vào con người, để tạo ra những thế hệ tốt cho đất nước.
Tôi mong thế hệ ấy sau này sẽ làm thế nào đó để con cái chúng không phải khổ sở vì chuyện học, mà sẽ lấy việc đến trường làm vui. Chúng sẽ không còn bị bệnh hình thức và giáo điều như bây giờ. Khi ấy, chúng sẽ có những ngày hè trọn vẹn và chỉ đi học sau khi chính thức có khai trường.
Nhà báo Trương Anh Ngọc từng có thời gian dài sống và là việc tại Italy. Ông cho biết thêm ngày đầu tiên đi học chính là ngày khai giảng, không có diễn văn, lễ lạt rình rang.
Năm nào cũng vậy, dù không có diễn văn, khẩu hiệu nhưng trường luôn tràn ngập tiếng cười của học sinh trong ngày đầu năm mới. Phụ huynh cũng rất vui vẻ.
Nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết ông từng hỏi hiệu trưởng một trường tiểu học ở Italy tại sao các cháu từ mẫu giáo lên lớp 1 mà không phải học hành hay chuẩn kiến thức trong suốt ba tháng hè trước năm học mới.
Vị giáo viên đó trả lời trường không dạy trẻ con phải thành thiên tài bằng cách nhồi nhét chữ nghĩa và gây sức ép tối đa lên chúng bằng những chương trình học đến nghẹt thở. Họ mong muốn mỗi đứa trẻ đến trường thấy yêu trường và tìm được niềm vui.
Trong những năm đưa đón con đi học ở Italy, ông Ngọc cảm nhận được điều này sâu sắc.
Điều nhà báo Anh Ngọc ấn tượng mãi chính là cái cách nhân văn mà họ dạy bọn trẻ. Ngày đầu tiên con gái đi học lớp 1, vở của con ông chỉ có một dòng chữ duy nhất, còn trong trang giấy ấy là nguệch ngoạc những bức tranh mặt trời và ngôi trường mà cô cho chúng tự do sáng tạo. Dòng chữ ấy ghi vẻn vẹn một câu: “Tôi hạnh phúc”.
“Mấy năm đã qua kể từ ngày con tôi vào lớp 1 ở Ý, trong một ngôi trường không thực sự khang trang và hiện đại, nhưng lại không thiếu tình người và tính nhân văn trong giáo dục, nhân văn từ những chi tiết nhỏ nhất.
Con bé sẽ không bao giờ quên ngày khai giảng đầy ý nghĩa của nó. Không ai đọc diễn văn, không ai hứa hẹn, không có những màn ca nhạc ầm ỹ và thả bóng bay. Chỉ có cảnh cha mẹ các bé ngồi trong một sân khấu ở giữa sân trường có mái che, xúc động lắng nghe cô hiệu trưởng đọc tên từng bé một để cô giáo cầm tay bé ấy trao cho cô chủ nhiệm lớp 1.
Cô giáo mới sẽ dẫn từng bé vào lớp như thế trong tiếng vỗ tay của các vị phụ huynh và trong tiếng cười bẽn lẽn của lũ trẻ…”, ông kể về ngày khai giảng của con gái mình tại Italy.
Theo Zing
Học sinh Hà Nội tựu trường với những thay đổi mới gì?
Ngày 14/8, học sinh THCS và THPT của Hà Nội đã trở lại trường học, bước vào năm học mới 2017-2018. Năm học này sẽ có nhiều thay đổi về nội dung giáo dục.
Bước vào năm học mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết các bậc học đều có những giải pháp đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, với khối phổ thông, học sinh thủ đô sẽ được đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng.
Cùng với đó, việc dạy và học ngoại ngữ sẽ được nâng cao, đặc biệt là áp dụng mô hình hội nhập, đào tạo song bằng tú tài.
Áp dụng nhiều nội dung giáo dục mới
Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết năm học mới, Hà Nội đặc biệt quan tâm việc điều chỉnh nội dung dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đặc biệt, các trường sẽ được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp.
Hình thức giáo dục hướng nghiệp sẽ được tăng cường tính thực tiễn. Lần đầu tiên, trong năm học 2017-2018, đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý sẽ được chính thức đào tạo, bồi dưỡng bài bản, đến 100% các cơ sở giáo dục.
Năm nay, Hà Nội cũng chú trọng đến công tác trang bị kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt quan tâm tới giáo dục pháp luật, trong đó ưu tiên chính thức đưa vào chương trình chính khóa 4 tiết học về an toàn giao thông ở khối THPT. Đi kèm với đó là các thời lượng sinh hoạt chuyên đề bắt buộc về phòng chống tệ nạn ma túy, phòng chống cháy nổ...
Riêng với việc dạy và học ngoại ngữ, ngành giáo dục Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, năm học này là lần đầu tiên thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An; triển khai mở rộng chương trình giáo dục của Cambridge vào đào tạo tại một số trường như Hà Nội - Amsterdam và các trường khác.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn khoa học tự nhiên cấp THPT. Phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình liên kết với các công ty, trung tâm Ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài để tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông.
Niềm vui ngày tựu trường năm học mới 2017-2018. Ảnh: Hoàng Hà.
Chưa triển khai thi 3 môn trong kỳ tuyển sinh lớp 10
Một trong những nội dung được phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm trong năm học mới này là đổi mới trong các kỳ tuyển sinh đầu cấp. Hiện nay, nhiều phụ huynh đang truyền tai nhau về việc Hà Nội sẽ thi 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10, thay vì thi hai 2 môn Toán, Văn và kết hợp với điểm xét tuyển học bạ 4 năm THCS như lâu nay vẫn làm.
Điều này khiến các bậc phụ huynh, học sinh khá lo lắng khi mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực ngoại thành và nội thành.
Về thông tin này, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết năm 2018, chắc chắn Hà Nội sẽ chưa triển khai thi 3 môn để tuyển sinh vào lớp 10. Thực tế, thay đổi về thi và tuyển sinh tác động rất lớn đến tâm lý người dân.
Việc thi ngoại ngữ cũng đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó điều kiện đầu tiên là phải có một quá trình tương đối dài để học sinh chuẩn bị bởi môn học này không phải cứ "nhồi nhét" là có thể đạt điểm cao ngay dù là có cả một năm học sắp tới.
Theo ông Phạm Văn Đại, Hà Nội cũng đã đưa vấn đề này ra bàn bạc qua 2-3 hội thảo và tham vấn ý kiến chuyên gia, nhưng cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Vì vậy, việc đưa ra thay đổi sẽ không được tiến hành một cách đột ngột mà phải có sự chuẩn bị, thông báo sớm tới phụ huynh, học sinh.
Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn đang tiến hành lên phương án đổi mới tuyển sinh để xin ý kiến người dân và các cấp lãnh đạo thành phố. Hiện, Hà Nội mới chỉ áp dụng đưa ngoại ngữ là môn thi bắt buộc với học sinh đăng ký tuyển sinh hệ chuyên tại 4 trường chuyên: Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.
Ông Chử Xuân Dũng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Năm học mới, Hà Nội đặc biệt quan tâm việc điều chỉnh nội dung dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đặc biệt, các trường sẽ được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp. Hình thức giáo dục hướng nghiệp sẽ được tăng cường tính thực tiễn.
Theo Duy Anh / An Ninh Thủ Đô
Cậu bé chỉ có 2% não khi chào đời bắt đầu học mẫu giáo Chào đời chỉ với 2% não và được chẩn đoán không thể sống lâu, cậu bé người Anh khiến các bác sĩ ngạc nhiên khi não phát triển gần đầy đủ và bắt đầu đi học. Cách đây 4 năm, Noah Wall ở Abbeytown, Cumbria, Anh, chào đời chỉ với 2% não so với người bình thường. Trước đó, bác sĩ thậm chí...