Cô bé ‘thần đồng’ người Việt có nguy cơ bị trục xuất khỏi New Zealand chỉ vì ‘quá giỏi khi đang quá nhỏ’
Cô bé Vicky Ngo Ngoc có nguy cơ bị buộc phải quay về Việt Nam vào năm 2022 vì không đủ tuổi đi làm sau tốt nghiệp đại học ở tuổi 15.
Cô bé Vicky Ngo Ngoc (tên tiếng Việt là Ngô Ngọc Châu) đang theo học bậc cử nhân hệ song bằng với hai chuyên ngành Toán ứng dụng và Kinh tế tại Viện Đại học Công nghệ Auckland (AUT University – thuộc top 1% đại học hàng đầu thế giới) nơi mà cô được nhận vào trường năm ngoái khi chỉ mới 13 tuổi.
Vicky Ngo Ngoc là sinh viên bậc cử nhân nhỏ tuổi nhất tại Viện Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) – Ảnh: Dean Purcell
Bộ Giáo dục New Zealand cho biết rằng, Bộ này có thể sẽ phải vận dụng Điều luật Giáo dục hiện hành để đề nghị khả năng “đặc cách” cho những sinh viên dưới 18 tuổi được theo học bậc đại học tại nước này.
“Vicky là sinh viên nhỏ tuổi nhất và xuất sắc nhất của chúng tôi. Thành tích học tập hiện tại của cô ấy là rất tốt và Vicky hoàn toàn có thể hoàn tất chương trình học để nhận bằng tốt nghiệp vào năm 2022 khi cô ấy bước sang tuổi 15″, người phát ngôn của AUT nói.
Trước đó, Bộ Di trú New Zealand đã có cảnh báo về việc Vicky không được phép lưu trú tại quốc gia này bằng thị thực học tập cũng như không đủ điều kiện để xin phép đi làm sau khi tốt nghiệp bởi vấn đề liên quan đến tuổi của mình. Luật của New Zealand quy định rằng, sinh viên quốc tế trên 18 tuổi mới có thể có được visa loại này.
Tuy nhiên, trường Đại học nơi Vicky đang theo học thì tin rằng, trường hợp cụ thể của Vicky “sẽ được xem xét như một ngoại lệ đặc biệt”.
“Mặc dù trường đại học không thể can thiệp vào quá trình xem xét và quyết định cấp quy chế lưu trú cho người nước ngoài đến New Zealand nhưng chúng tôi tin rằng Vicky là một trường hợp xứng đáng để được Bộ Di trú cân nhắc và tạo điều kiện”, người phát ngôn AUT bày tỏ.
Cô bé Vicky đang theo học chương trình song bằng ngay khi chỉ mới 13 tuổi – Ảnh: NZ Herald
Ông Simon Laurent, luật sư chuyên về lĩnh vực di trú cho hay, mẹ nuôi của Vicky đã tìm đến ông để yêu cầu trợ giúp pháp lý giải quyết vấn đề này.
“Luôn có một khoản mục với những hướng dẫn để xem xét những trường hợp ngoại lệ. Và chúng tôi đang cố gắng để hướng trường hợp này theo cách đó.
Tôi có nói với mẹ của Vicky rằng, tôi không dám khẳng định kết quả sẽ đạt được 100% như mong đợi. Nhưng nếu bà ấy muốn thì tôi sẽ cố gắng hết sức”, ông Laurent nói.
Luật sư Laurent tin rằng, có nhiều điều tích cực đối với trường hợp của Vicky bởi “câu chuyện về sự xuất sắc vượt trội của cô ấy được nhiều người biết đến, và hoàn cảnh của cô ấy cũng đã được the Herald – tờ nhật báo số 1 của New Zealand – viết bài phản ánh”.
Mẹ nuôi của Vicky, chính là người đã sang Việt Nam nhận cô bé làm con nuôi từ một gia đình nông dân quá nghèo đến nỗi không thể nuôi cô bé ăn học, đã nói với báo chí rằng: “Sẽ là không công bằng khi Vicky bị trừng phạt chỉ vì cô bé quá thông minh so với tuổi của mình”.
Mẹ nuôi của Vicky cho biết, bà vừa nhận được một số lời mời thực tập và làm việc từ một số công ty dành cho Vicky. Tuy nhiên, chúng cũng chỉ là những điều kiện cần để cô bé xin thị thực làm việc dành cho sinh viên đại học mà thôi.
“Tôi khóc hàng đêm khi nghĩ đến cảnh hai mẹ con phải chia lìa sau khi con bé tốt nghiệp đại học và bị buộc phải quay trở về nước”.
Hiện Vicky đang được cấp visa sinh viên, trong khi mẹ nuôi của cô bé đang trong quá trình nộp hồ sơ xin nhập tịch New Zealand theo diện kết hôn với người chồng có quốc tịch của xứ sở kiwi.
Nếu không được xem xét như là một trường hợp ngoại lệ thì Vicky có thể sẽ phải quay về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp đại học – Ảnh: Dean Purcell
“Ước mơ lớn nhất của em là được tham gia vào đội tuyển Olympic Toán học của New Zealand”, Vicky Ngo Ngoc nói, và cho biết thêm rằng, có thể đó sẽ mãi là giấc mơ nếu cô không được nhập tịch và trở thành công dân của New Zealand.
Vicky được mẹ nuôi đưa sang New Zealand năm 2018. Cô bé theo học tại trường St Thomas và hoàn thành chương trình lớp 7 với thành tích học tập quá xuất sắc khiến tất cả giáo viên trong trường phải ngạc nhiên. Sau đó, Vicky lập “cú đúp” khi học hết trung học cơ sở, hoàn thành chương trình lớp 12 và thi đại học chỉ trong một năm.
Ông Graeme Holden, một giáo viên ngành Toán học và Kinh tế cho biết rằng, năng lực và hiểu biết của Vicky “vượt quá xa so với kiến thức cần thiết của một học sinh bình thường”.
“Vicky có bộ não đặc biệt với khả năng phân tích cực tốt. Cô bé hoàn toàn xứng đáng trở thành sinh viên đại học bất chấp vấn đề tuổi tác”, ông Holden nói.
Cô bé Việt Nam được truyền thông New Zealand tôn vình là “ Thần đồng toán học” – Video: NZ Herald
Một ngày của nghiên cứu sinh tiến sĩ ở New Zealand
Với Nguyễn Văn Phúc những ngày tháng sống tại New Zealand không chỉ có học tập và nghiên cứu, mà còn là chuỗi hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để khám phá xứ sở kiwi xinh đẹp.
Tôi là Nguyễn Văn Phúc, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tài chính tại Đại học Massey, New Zealand. Tôi may mắn giành được học bổng tiến sĩ toàn phần, sau khi trở thành thủ khoa chương trình liên kết 1 1 bậc Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính giữa Đại học Massey và Đại học Kinh tế TP.HCM.
Đây là năm thứ 4 tôi sinh sống và học tập tại New Zealand. Đối với tôi, đất nước kiwi không chỉ mang đến trải nghiệm giáo dục chất lượng quốc tế, mà còn là mảnh đất bình yên, nơi những người con xa quê hương tìm thấy ngôi nhà thứ hai.
Một ngày của tôi thường bắt đầu lúc 6h sáng. Tôi có thói quen xuống siêu thị mua thực phẩm dùng trong ngày. Từ khi bắt đầu tự lập tại xứ kiwi, tôi học cách chăm sóc bản thân khi xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nhiều rau xanh và chất xơ.
8h sáng, tôi lái xe đến trường để bắt đầu một ngày học tập và nghiên cứu. Ngôi trường tôi học có hơn 80 năm tuổi, nằm trong top 300 đại học hàng đầu thế giới (theo QS World University Rankings). Trường nổi tiếng với đa dạng hình thức đào tạo kết hợp giữa giảng dạy trực tiếp, đào tạo từ xa và quốc tế.
Buổi sáng là thời điểm dễ tập trung nhất nên tôi dồn năng lượng cho việc phân tích dữ liệu và lập luận. Tôi dành phần lớn thời gian trong thư viện để tra cứu thông tin, lĩnh hội kiến thức từ những nhà khoa học trên thế giới, từ đó củng cố quan điểm hoặc tham khảo góc nhìn đa chiều.
Trên cơ sở tích lũy thông tin cần thiết, tôi bắt tay vào viết bài và phân tích dữ liệu. Vào buổi chiều, tôi sẽ tham gia hỗ trợ điều hành phòng đầu tư (Investment room) của trường. Đây là nơi tôi có thể gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè mới và tổ chức các hoạt động ngoại khóa thú vị.
Ngoài ra, sẽ có vài ngày trong tuần tôi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Tôi chọn làm trợ lý nghiên cứu và trợ lý giảng dạy trong trường. Công việc này giúp trau dồi kỹ năng sư phạm và kiến thức thực tiễn để đưa vào bài giảng, phù hợp ước mơ làm giảng viên đại học của tôi.
Nhưng chiều nay là một dịp đặc biệt khác vì tôi được tham gia lễ trao giải cuộc thi "New Zealand - Bật mí trăm điều thú vị" do Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức. Với bài thi "New Zealand - Những năm tháng thanh xuân rực rỡ", tôi may mắn giành giải nhì. Thật tiếc khi không thể tham dự sự kiện tại Việt Nam, nhưng tôi vẫn vô cùng hạnh phúc khi được theo dõi và giao lưu với mọi người tại sự kiện bằng hình thức livestream.
Nói về học tập, tôi cũng khá tự hào khi đạt 4 học bổng trong 2 năm học thạc sĩ, bao gồm học bổng cho sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất tại Đại học Kinh tế TP.HCM, học bổng tiến sĩ toàn phần và học bổng cho sinh viên quốc tế xuất sắc theo học bậc thạc sĩ của Đại học Massey. Cuối cùng là học bổng của Viện Chuyên gia Tài chính New Zealand (Institute of Finance Professionals New Zealand).
Qua đó, tôi tin rằng học bổng không chỉ dành cho những bạn mọt sách hay học ngày cày đêm. Điều quan trọng là hãy chủ động tìm kiếm học bổng, thường xuyên cập nhật thông tin và yêu cầu cụ thể từ trang web của trường, tham khảo người quản lý chương trình và các anh chị khóa trước.
Bên cạnh đó, bạn cần xác định chiến lược học tập ngay từ đầu. Bạn hãy chủ động hỏi giảng viên cách học từng môn, chọn lọc nội dung để tập trung, từ đó tiết kiệm thời gian và học hiệu quả hơn. Thầy cô New Zealand rất cởi mở, thân thiện nên tôi luôn hăng hái nhờ giải đáp thắc mắc hay xin tư vấn.
Bạn cũng cần ghi nhớ ví dụ thực tiễn mà giảng viên đề cập đến. Nhiều thầy cô đã có kinh nghiệm làm việc tại những tập đoàn hàng đầu trong ngành, giúp bạn hiểu rõ bức tranh toàn cảnh của thị trường. Đừng quên tận dụng nguồn đề những năm trước có miễn phí trên thư viện trường, chúng sẽ là công cụ đắc lực để bạn nhanh chóng làm quen với các dạng đề thi.
Ngay khi tìm được học bổng phù hợp, đừng ngần ngại nộp hồ sơ. Nhiều bạn vì lo lắng không cạnh tranh nổi nên dễ gặp tình trạng "đứt gánh giữa đường". Nhưng chỉ cần bạn đạt đủ tiêu chí, cánh cửa cơ hội luôn rộng mở.
Nhìn lại một năm trải nghiệm ở New Zealand, tôi nhận ra rằng điều tuyệt vời nhất khi du học không phải đạt thành tích cao, mà là cân bằng được mục tiêu học tập và theo đuổi sở thích cá nhân.
Để giải tỏa căng thẳng và vận động sau một ngày làm việc chăm chỉ, tôi dành tới 2-3 giờ để đánh cầu lông với bạn bè. Bộ môn thể thao này rèn luyện cho tôi cả thể lực, sức bền lẫn độ dẻo dai và minh mẫn. Năm 2020, tôi đạt được "chiến công" nho nhỏ khi giành giải nhất cầu lông cấp tỉnh Manawatu.
Một trong những đam mê khác của tôi là du lịch khắp New Zealand. Tôi không thể nào quên trải nghiệm thách thức giới hạn bản thân khi nhảy dù từ độ cao 15.000 feets. Rời khỏi máy bay, tôi như lạc vào một thế giới khác và cảm nhận các vấn đề của bản thân quá nhỏ bé, từ đó tôi dễ dàng xử lý chúng khi trở lại guồng quay thường nhật.
New Zealand trong mắt tôi không chỉ là nơi chắp cánh cho hoài bão chạm tới chân trời kiến thức quốc tế, mà còn mang đến cả tình yêu, niềm vui khi được khám phá thế giới bao la theo cách của riêng mình.
Tại Việt Nam, hiện có 15 chương trình đào tạo liên kết các trường đại học New Zealand với đa dạng lựa chọn ngành học như Kinh doanh, Dược, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh... Bạn cũng có thể có những trải nghiệm giống tôi tại New Zealand bằng cách đăng ký tìm hiểu thêm thông tin du học tại đất nước này, thông qua chuỗi webinar do ENZ tổ chức.
New Zealand: Làn sóng sinh viên mới "bủa vây" các trường ĐH Các trường đại học New Zealand đang mất đi lượng lớn sinh viên quốc tế, những người trả học phí cao gấp đôi sinh viên bản địa. Lượng tân sinh viên bản địa tại New Zealand tăng đột biến. Nhưng sau một năm, quốc gia này ghi nhận số lượng tuyển sinh trong nước tăng đột biến khiến các trường không kịp trở...