Cô bé nghèo nhặt phân bò vẫn học giỏi
Sau giờ học đi nhặt phân bò cho mẹ bán, đi thả lưới kiếm cá nuôi gia đình hoặc đi mót cà phê…là những công việc quen thuộc của những học sinh tiểu học được nhận học bổng “Đèn đom đóm”.
Trong chương trình tổng kết “Đèn đom đóm” vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó được giới thiệu làm xúc động người xem. Nhỏ thó với nước da đen nhẻm, nhưng đôi mắt lại rất sáng, Ksor Nuk khiến ai cũng phải chú ý.
Đang là học sinh điểm trường Plei Ksing C, trường tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), Nuk một buổi đến trường, một buổi làm việc nhà và đi nhặt phân bò để giúp mẹ kiếm thêm tiền. Em cho biết, cứ 10kg phân bò thì mẹ bán được khoảng 30.000 đồng cho người ta ủ rau. Số tiền này được dùng để mua bút, vở hoặc dồn lại mua quần áo.
“Em ước mơ sau này trở thành cô giáo vì ngày xưa bố mẹ khó khăn không được học, giờ em phải giúp đỡ bố mẹ và dạy các em nghèo”, Nuk cho hay.
Nuk đen nhẻm, nhỏ thó nhưng ngoài giờ học vẫn làm việc nhà và đi nhặt phân bò cho mẹ bán kiếm thêm tiền sinh hoạt. Ảnh: HT.
Cô bé tâm sự, nhà nghèo nên bố mẹ phải đi làm thuê, có khi đến vài tháng mới về. Mấy chị em Nuk ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau, Nuk cũng đi nhặt phân bò từ khi lên 6 tuổi. Thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, bữa cơm của cả gia đình em thường xuyên là cơm trắng độn lá mì, thịt cá là thứ xa xỉ. Thế nhưng Nuk vẫn luôn là học sinh đạt kết quả học tập cao trong lớp.
Sống trong gia đình có bố mất sớm, mẹ bệnh nặng, nhưng Nguyễn Ngọc Hiển (Lớp 5A1, trường tiểu học Lộc An C, Bảo Lâm, Lâm Đồng) vẫn luôn giành danh hiệu học sinh giỏi. Thương mẹ vất vả, hằng ngày ngoài giờ học, Hiển lại ra vườn cà phê. Trưa nắng, Hiển tranh thủ đi mót cà phê để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Cậu còn thay mẹ chăm sóc bà ngoại đau ốm. Bận bịu là thế nhưng học tập vẫn luôn là niềm đam mê với cậu trò nghèo. Yêu môn Toán và ước mơ thành bác sĩ, Hiển luôn làm tốt bài tập cô giao và kèm cặp các bạn cùng tiến bộ.
Video đang HOT
Giữa trưa, Hiển tranh thủ đi mót cà phê để kiếm thêm tiền giúp mẹ. Ảnh: ĐĐĐ.
“Đây là lần đầu tiên con được ra Hà Nội bằng máy bay, được đi thăm Lăng Bác, được đến nhà bạn Gia Minh (trường tiểu học Thực nghiệm) ăn tối. Bữa cơm ngon quá nên con ăn rất nhanh, cô hiệu trưởng phải nhắc ăn chậm lại”, Hiển hồn nhiên kể.
Đến trường trên con đường lầy lội nhưng Nguyễn Văn Hẳn (tiểu học Mỹ Bình 1 huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) luôn đi học đúng giờ. Bố bị tai nạn không còn khả năng lao động, chỉ có thể đi thuyền giăng câu kiếm cá. Những khi rảnh rỗi, Hẳn cũng đi thả lưới, giăng câu, trong lúc chờ cá mắc mồi, cậu lại lôi sách ra ôn bài.
Yêu môn tiếng Việt và chăm chỉ học tập nên Hẳn luôn dành điểm cao trong các bài kiểm tra. Cậu bé cho biết, đang phấn đấu để biến ước mơ là diễn viên điện ảnh thành hiện thực.
Hẳn mong ước trở thành một diễn viên điện ảnh. Ảnh: ĐĐĐ.
Trong đêm tổng kết chương trình “Đèn đom đóm”, Gia Minh (tiểu học thực nghiệm) đã đem đến một bộ cờ vua để tặng cho Ngọc Hiển. Doanh nhân Lê Mạnh Hùng cũng đã nhận bảo trợ cho Hiển học hết lớp 12. Ngoài ra, một công ty truyền thông tại Hà Nội dành quà tặng mỗi tháng 1 triệu đồng cho 5 gương mặt đèn đom đóm cho đến khi các em học hết lớp 12.
Những học sinh nghèo nhận học bổng đèn đom đóm còn nhận được nhiều hỗ trợ khác về tiền và vật chất từ quỹ khuyến học “Đèn đom đóm”.
Chương trình khuyến học “Đèn đom đóm” được lấy ý tưởng từ tấm gương hiếu học Mạc Đĩnh Chi, một trạng nguyên làm rạng danh đất nước có xuất thân nhà nghèo, phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng lấy ánh sáng học bài.
Theo VNE
Đắk Lắk: Cô bé nghèo vượt lên tật nguyền học giỏi
Gia cảnh khốn khó, mẹ mù lòa, bản thân Bảo Châu thì hễ trái gió trở trời là cái chân trái tật nguyền đau nhức ranh người. Vượt lên hoàn cảnh, suốt 4 năm qua, cô học sinh lớp 4D, Trường tiểu học Êa Trul, xã Êa Trul, huyện Krông Bông, Đắk Lắk đều là HS giỏi.
6 lần phẫu thuật bất thành
Đặng Ngọc Bảo Châu là con gái duy nhất của anh chị Đặng Văn Thủy và Võ Thị Nuôi (thôn 3, xã Êa Trul, huyện Krông Bông). Gia đình Châu là hộ đặc biệt khó khăn ở xã Êa Trul. Trong nhà 4 miệng ăn phụ thuộc vào hơn 1 sào ruộng nhưng chỉ gieo được một vụ. Không đủ sống, anh Thủy lam lũ làm thuê, làm mướn khắp vùng chỉ mong kiếm ngày vài chục nghìn đồng mua gạo nuôi con, nuôi mẹ già 78 tuổi và người vợ mù lòa hơn 10 năm nay. Nghèo thêm khổ, bé Bảo Châu lại mang tật nguyền không có xương cẳng chân, phần cẳng tay xưng phù khiếm khuyết khó chữa.
"Khi mới sinh cháu, gia đình không thấy biểu hiện tật nguyền, khoảng một tháng phát hiện cháu không có xương cẳng chân, cổ chân không thể co duỗi. Đưa đến bệnh viện bác sỹ cho uống thuốc, chân cháu mới ngay được và quơ quậy một lúc rồi co lại", chị Nuôi rầu rĩ nói trong mù lòa. "Biết bệnh tật của cháu nếu không chữa trị sớm sẽ di chứng suốt đời nhưng gia đình khó khăn không biết vay mượn ai, anh em chú bác đều hoàn cảnh...", mẹ Châu cho biết thêm.
Em Đặng Ngọc Bảo Châu bên người mẹ mù lòa và bà nội 78 tuổi.
Năm 2006, cơ hội chữa trị đến với Châu khi một người Úc đồng ý tài trợ đưa em đi phẫu thuật tại các bệnh viện chuyên môn về tật nguyền. "Năm đó vợ chồng tôi hy vọng nhiều lắm khi được một người Úc tài trợ đưa cháu chữa trị tuyến trên. Nhận thông báo tài trợ kinh phí chữa trị, ba cháu tất tả khăn gói đưa cháu ra Thừa Thiên Huế 6 tháng với 2 lần phẫu thuật nhưng không có kết quả. Còn nước còn tát, vào Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Đà Nẵng tiếp tục phẫu thuật thêm 4 lần nữa cũng không thành công", chị Nuôi cho biết.
6 lần phẫu thuật bất thành, thể trạng sức khỏe của bé Châu năm đó đuối đi rõ rệt, 2 chân khập khiễng bên cao bên thấp, di chuyển nhiều sẽ đau nhức bởi "phần cẳng chân của của cháu bác sỹ nói không có xương, tạm thời hỗ trợ bằng dụng cụ y tế giúp cháu đi lại. Sau một thời gian nếu xương tiếp tục không phát triển sẽ tháo phần đầu gối không thì nguy hiểm", người mẹ mù lòa cho hay.
Chạy chữa nhiều nơi không thành, gia đình đành để Châu chật vật "sống chung" với tật nguyền. "Mỗi lần đi lại nhiều cái chân trái lại đau nhức vì chỗ đó không có xương, muốn đi nhiều phải lò cò. Khổ sở nhất là lúc đi vệ sinh...", em Châu tâm sự.
Vượt lên tật nguyền học giỏi
Không đầu hàng trước cảnh ngộ éo le, 4 năm qua theo học tại Trường tiểu học Êa Trul, Bảo Châu đều đạt học lực giỏi. Học kỳ 1 vừa qua, Bảo Châu là HS giỏi, các môn định lượng như: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý đều đạt điểm 9, 10; các môn định tính như: Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công đều đạt điểm A.
Để đạt được thành tích học tập đáng khen trên, 4 năm qua Bảo Châu miệt mài "tranh đấu" với tật nguyền. Cái chân trái nhức nhối mỗi khi ngồi học quá lâu khiến Châu nhiều lúc nản chí, nhưng rồi nghĩ bệnh tật trời sinh em lại cố gắng chăm chỉ học tập để không thua kém chúng bạn. Bàn tay phải cầm bút bị khiếm khuyết, phập phù nhưng qua một thời gian kiên trì rèn luyện, nét chữ của Bảo Châu cực kỳ tròn trịa, xinh xắn.
"Ban đầu em viết chữ cực xấu vì bàn tay dị tật đau lắm viết không được, hí hoáy cả buổi nhiều khi chỉ viết chưa được trang giấy, sau thời gian cố gắng viết chậm để tạo khuôn chữ giờ thì thành quen", Bảo Châu kể về thời gian khó nhọc của mình.
Không đầu hàng số phận, Đặng Ngọc Bảo Châu đã vượt lên tật nguyền và luôn đạt danh hiệu HS giỏi.
4 năm qua Châu đến trường nhờ sự dìu dắt, đưa đón của bố trên chiếc xe đạp cũ kỹ. "Em chỉ mong muốn ba mẹ khỏe mạnh là mừng rồi, mẹ em ngã bệnh từ khi sinh em, mặt mũi em sao giờ mẹ cũng không thấy, chỉ muốn học giỏi để làm bố mẹ vui", Bảo Châu tâm sự về động lực học tập của mình.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Hồ Ngọc Minh - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Êa Trul cho biết: "Mặc dù tật nguyền, gia cảnh éo le, lại thua kém chúng bạn nhiều thứ nhưng với nghị lực vượt lên tật nguyền, 4 năm qua em Châu đều là HS giỏi. Đáng khen, đi lại khó khăn nhưng Châu lại tích cực trong phong trào ngoài giờ, tham gia thi vở sạch chữ đẹp, thi rung chuông vàng ở trường, thi HS giỏi toán ... và đều đạt thành tích cao. Em Châu xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực vượt lên tật nguyền, hoàn cảnh để học giỏi".
Được biết, sau khi kết thúc học kỳ 2 này, trong khoảng thời gian Châu nghỉ hè, gia đình sẽ đưa em xuống tái khám tại TP Đà Nẵng. Nếu kết quả xương không tiếp tục phát triển, các bác sỹ sẽ phải tháo đầu gối để đảm bảo sức khỏe cho em. Lúc ấy Châu sẽ phải làm quen với cuộc sống không có một bàn chân.
Theo DT
Gặp gia đình người lính biên phòng hiếu học trên vùng quê nghèo Ở một vùng quê nghèo khó lắm núi nhiều đồi, đời sống còn nhiều khó khăn như xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nhưng khi nhắc đến sự học thì ai cũng biết đến và không ngớt lời trầm trồ thán phục một gia đình hiếu học ở thôn gò đồi Văn Hà. Đó là gia đình ông Nguyễn Ngọc Chồi...