Có 108 tổ hợp, các trường như ‘ngồi trên đống lửa’chờ hướng dẫn từ Bộ Giáo dục
Việc có đến 108 cách chọn tổ hợp môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10 sẽ khiến cho học sinh, giáo viên gặp nhiều rối rắm khi lựa chọn.
Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu áp dụng cho bậc trung học phổ thông đối với lớp 10.
Theo đó, thay vì phải học 13 môn như hiện nay, học sinh chỉ phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương.
Các môn học tự chọn là: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật), Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật).
Riêng môn Nghệ thuật sẽ bao gồm 2 phân môn là Âm nhạc, Mỹ thuật thì học sinh chỉ cần chọn học 1 trong 2 phân môn này (sẽ được tính là 1 môn).
Trừ ngoại ngữ thì tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề, cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.
Với việc tổ chức chương trình, phân phối các môn học như trên, sẽ có tới 108 cách lựa chọn tổ hợp để cho học sinh chọn. Do có quá nhiều lựa chọn nên các chuyên gia, thầy cô lo ngại có thể sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều môn/tổ hợp môn được nhiều học sinh lựa chọn và ngược lại.
Việc quá nhiều tổ hợp môn tự chọn sẽ gây khó khăn cho học sinh, giáo viên (ảnh minh họa: P.L)
Việc này cũng có thể sẽ dẫn đến tình trạng thừa/thiếu giáo viên tương ứng theo sự lựa chọn của học sinh đối với số môn/tổ hợp môn.
Khó đảm bảo nguồn nhân lực khi triển khai
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện chỉ còn khoảng 5 tháng nữa để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 10.
Các trường hiện nay như là “ngồi trên lửa” để chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, để triển khai thực hiện, còn phụ huynh và học sinh vẫn chưa thể hiểu mình sẽ chọn gì, học gì trong vòng 3 năm học cuối cấp bậc trung học phổ thông
Thầy Huỳnh Thanh Phú đã nói rằng, có quá nhiều tổ hợp môn tự chọn, nên phụ huynh, học sinh rối rắm là điều hiển nhiên, ngay cả đối với những người làm trong ngành đôi lúc còn cảm thấy hoang mang.
Video đang HOT
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du khẳng định, khó có thể đảm bảo nguồn nhân lực khi triển khai là điều có thể xảy ra.
“Học sinh được học các môn bắt buộc, được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn có thể dẫn đến tình trạng học sinh chọn nhiều môn khác nhau, tạo ra sự chênh lệch số lượng học sinh giữa các môn. Điều này sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong sắp xếp nhân sự, giáo viên của trường học.
Môn nào ít học sinh lựa chọn thì có thể dẫn đến tình trạng thừa giáo viên, không thể tránh khỏi chuyện một lớp học chỉ có vài học sinh, và cũng có những môn học sẽ có rất đông học sinh mà đội ngũ giáo viên lại có thể không đáp ứng. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng thừa – thiếu một cách cục bộ”, thầy Phú nói.
Ngoài ra, thầy Huỳnh Thanh Phú còn cho hay, nhiều môn học mới còn có thể xảy ra chuyện khó khăn khi tuyển giáo viên.
Một khía cạnh khác mà thầy Phú cũng đề cập đến, đó là vấn đề học sinh được lựa chọn hay bỏ môn học.
Theo thầy Phú, những nước trên thế giới luôn đề cao môn Lịch sử, nhưng ở chương trình mới thì lại đưa môn này vào lựa chọn. Vậy phải giáo dục lòng yêu nước, nguồn cội của dân tộc, lịch sử của đất nước, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của của ông cha ta như thế nào, nếu các em học sinh không chọn học môn này?
Muốn đẩy nhanh quá trình triển khai chương trình mới, thầy Huỳnh Thanh Phú đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố kho học liệu, bài giảng e-learning mẫu để các giáo viên nghiên cứu và học hỏi.
Việc chọn sách giáo khoa nên để cho các trường quyết định, thay vì như hiện nay. Bên cạnh đó, học sinh chọn môn học thì cũng cần gắn liền với định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, nên Bộ cũng cần sớm có định hướng làm nền tảng để phụ huynh, học sinh lựa chọn.
Không có chuyện một môn cả 3 năm không học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Hảo – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đào Sơn Tây, thành phố Thủ Đức cho biết, hiện giáo viên của trường đang nghe giới thiệu sách giáo khoa, sau đó mới có đề xuất sử dụng bộ sách giáo khoa nào, rồi Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ có định hướng.
Theo cô Hoàng Thị Hảo, việc lựa chọn tổ hợp môn dựa trên nguyện vọng của học sinh lớp 10 khi trúng tuyển vào trường, dựa trên cơ cấu và năng lực của giáo viên từng trường.
Nếu đáp ứng hết theo nguyện vọng và sự lựa chọn của học sinh, thì có thể xảy ra tình trạng dư giáo viên ở một số môn.
Ngoài việc học các môn bắt buộc, môn tự chọn thì trong chương trình còn có học theo các chuyên đề, dạy theo những môn còn lại.
Cô Hoàng Thị Hảo khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện một môn nào đó mà trong suốt 3 năm trung học phổ thông học sinh không phải học, vì giáo dục là phải toàn diện”.
Trong khi đó, cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, quận 1 thì lại không phải băn khoăn việc học sinh sẽ chọn quá nhiều tổ hợp môn, gây xáo trộn, mà là lo lắng việc có thể học sinh sẽ chọn quá nhiều môn Tin học, bỏ rơi môn Công nghệ.
Song song đó, cô Dung cho biết, sẽ có thêm một khó khăn nữa là tìm giáo viên dạy Mỹ thuật và Âm nhạc là không dễ có.
Người đứng đầu trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân nói, trong năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, trường dự định sẽ chỉ thực hiện việc dạy Mỹ thuật.
“Còn với giáo viên dạy Âm nhạc, trường cũng đã tính đến phương án mời giáo viên tiểu học nhưng giáo viên phải có bằng đại học để về dạy Âm nhạc, để có sự bài bản, chuyên nghiệp, nhưng phải một năm học sau đó nữa mới thực hiện việc này” – cô Vũ Thị Ngọc Dung chia sẻ.
Vỡ trận 108 tổ hợp, có nên quay lại chương trình phân ban?
Vấn đề tổ hợp môn tự chọn cho học sinh ở bậc trung học phổ thông là một vấn đề gây nhiều tranh luận, gây đau đầu cho những nhà quản lý trong thời gian qua.
Học sinh được chọn tổ hợp môn tự chọn hay chọn theo định hướng của nhà trường?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối học sinh lớp 10 trong năm học 2022 - 2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.
Nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương).
Hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Nếu cho học sinh được tự do lựa chọn tổ hợp môn theo sở trường, yêu thích của mình thì có đến hàng trăm cách lựa chọn khác nhau theo phân tích của các tác giả trong thời gian qua trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Không thể ngụy biện lý do này hay lý do khác mà tước đoạt quyền được chọn môn của học sinh, nhưng nếu cho học sinh được tự do được chọn môn chắc chắn "vỡ trận", có đến hàng trăm cách lựa chọn khác nhau thì không thể nào cho học sinh tự do lựa chọn tổ hợp môn được.
Nếu định hướng chọn tổ hợp môn cho học sinh được học theo đó tức là "ép" học theo tổ hợp môn đã lựa chọn là trái với quan điểm về chương trình mới, tức là thừa nhận thất bại trong việc chọn tổ hợp môn.
Ảnh minh họa: Lã Tiến
Trong bài viết "Chương trình mới "đẻ" hơn 80 tổ hợp môn, các trường ở Hải Phòng chuẩn bị ra sao?" của tác giả Phạm Linh, thầy Phạm Huy Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết:
"Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn dự kiến phân phối chương trình theo từng học kỳ của 11 lớp được chia thành 6 khối tổ hợp.
Nhóm Khoa học tự nhiên có 3 sự lựa chọn: Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Tin, chuyên đề môn Toán, Lý, Hóa (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Tin, chuyên đề môn Toán, Hóa, Sinh (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, chuyên đề Toán, Lý, Anh (2 lớp).
Nhóm Khoa học xã hội có 2 sự lựa chọn: Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lý, Tin, chuyên đề môn Văn, Sử, Địa (2 lớp); Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa, Tin, chuyên đề Toán, Văn, Anh (3 lớp)" (*)
Có thể thấy nếu theo định hướng của Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn thì chỉ có 5 cách cho học sinh lựa chọn trong hàng trăm cách, có thể là nhà trường vẫn cho học sinh chọn nhưng chọn theo định hướng sẵn và chọn theo chỉ tiêu (số lớp).
Trao đổi với một số giáo viên ở các trường trung học phổ thông thì việc chọn tổ hợp môn của các trường khác cũng sẽ thực hiện theo hình thức tương tự, tức là cho các lớp sẵn cho học sinh lựa chọn và hầu như nhiều đơn vị không đưa vào chọn môn Âm nhạc, Mĩ thuật do không tuyển dụng được giáo viên 2 môn trên.
Nếu trường định hướng cho học sinh chọn tổ hợp môn thì Bộ nên định hướng cho đồng bộ, thống nhất
Nếu theo các phương án mà các trường chuẩn bị triển khai gần như sẽ là định hướng sẵn tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn, điều này không đúng với quan điểm, định hướng khi xây dựng chương trình mới hay có thể nói bước đầu quan điểm cho học sinh được lựa chọn môn theo chương trình mới đã thất bại.
Việc cho học sinh chọn tổ hợp môn có thể sẽ thất bại vì không còn cách nào khác, nếu không sẽ "vỡ trận" nên đành phải "chữa cháy" bằng cách định hướng sẵn các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn.
Tuy nhiên, nếu theo cách dự kiến hiện nay là cho các trường lựa chọn sẵn tổ hợp môn cho học sinh theo điều kiện thực tế của trường thì sẽ gặp nhiều vấn đề phức tạp phát sinh như: học sinh không yêu thích môn học đó nhưng phải chọn học tổ hợp có môn học đó, học sinh khi lựa chọn sai sẽ không được lựa chọn lại, học sinh khi chuyển trường, ở lại sẽ không có cơ hội đi học trường khác (do khó có trùng với tổ hợp môn đã lựa chọn), khó khăn dự báo nhân sự giáo viên, đào tạo giáo viên,... vô cùng rắc rối và phức tạp.
Việc cho các trường định hướng chọn tổ hợp môn như trên vô cùng rắc rối, phức tạp khi tiến hành triển khai trong thời gian tới hay có thể nói mỗi nơi sẽ mỗi kiểu khác nhau, trăm hoa đua nở.
Do đó, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thừa nhận việc dự định cho học sinh chọn tổ hợp môn là không phù hợp, không khả thi trong tình hình hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức các hội thảo với các nhà chuyên gia giáo dục uy tín trong và ngoài nước để tìm cách tháo gỡ vấn đề chọn tổ hợp môn ở lớp 10 trong thời gian rất gấp ở phía trước.
Nếu học sinh không thể được tự do chọn môn thì người viết cho rằng thay vì cho các trường định sẳn tổ hợp môn cho học sinh chọn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên định hướng tổ hợp cho học sinh lựa chọn để có tính thống nhất cả nước, đồng bộ trong việc triển khai dạy học, trong việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng giáo viên, trang thiết bị phục vụ học tập, giảng dạy. Có thể có từ 5-10 phương án cho các địa phương lựa chọn.
Điều gì tốt của chương trình mới thì tiếp thì tiếp thu, phát huy điều gì còn chưa phù hợp, cần thay thế thì mạnh dạn thay đổi để hướng đến tính đồng bộ, khoa học và thống nhất cả nước đáp ứng mục tiêu đổi mới, phù hợp với xu thế của thế giới xin đứng "ném lao thì phải theo lao", "chữa cháy" bằng cách này hay cách khác làm khổ giáo viên và học sinh.
Uyển chuyển lựa chọn tổ hợp môn học Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, với lớp 10, ngoài các môn học bắt buộc chung, có môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn. GD&TĐ - Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, với lớp 10, ngoài các môn học bắt buộc chung, có môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự...