Chuyện “Việt Nam đứng thứ 25 thế giới về sức mạnh quân sự” là ảo
Hệ thống tiêu chí và kết quả đánh giá của “Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự quốc gia” này chỉ có giá trị giải trí và tham khảo chứ không hề được sự công nhận của các chuyên gia hoặc tổ chức quân sự trên thế giới.
Chỉ là nguồn tin có tính giải trí và tham khảo
Trong 3 ngày qua, một số trang tin điện tử và báo mạng Việt Nam đã đăng tải một thông tin nước ngoài về bản danh sách 68 nước có thực lực quân sự hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam xếp hạng thứ 25. Nguồn tin trích dẫn được giới thiệu là của GFP – “Tổ chức xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu”. Trên thực chất đây là một nguồn tin không đáng tin cậy, chỉ mang tính chất tham khảo, giống như một số trang tin quốc phòng do các cá nhân hoặc một nhóm yêu thích quân sự lập ra, các tiêu chí bình chọn do họ tự đặt ra, không đại diện cho một tổ chức quân sự hoặc một tạp chí quốc phòng có uy tín.
Lần theo nguồn gốc của thông tin, bảng xếp hạng của GFP có địa chỉ Website http://www.globalfirepower.com/. Ở phần giới thiệu trang có ghi rõ dòng chữ: “ Past of the MilitaryFactoryNetwork-Material presented throughtout this website is for historical and entertainment value“, tạm dịch là: “Thuộc một bộ phận trang MilitaryFactory – Tin, ảnh giới thiệu trên web này có giá trị lịch sử và giải trí”.
Như vậy, trang gốc của nó là MilitaryFactoryNetwork, địa chỉhttp://www.militaryfactory.com/. Trên trang này cũng được chú thích rất rõ bằng tiếng Anh: “ Material presented throughout this website is for historical and entertainment value and should not to be construed as usable for hardware restoration, maintenance or general operation. Please consult manufacturers for such information“. Câu này có ý nghĩa: “Các bài viết trình bày trên Web này có giá trị lịch sử, giải trí và không được coi là có giá trị cho việc sửa chữa, phục hồi, bảo dưỡng hoặc vận hành vũ khí trang bị. Hãy tham khảo nhà sản xuất về những thông tin này”.
Mặc dù tiềm lực quốc phòng của Việt Nam đã được nâng cao nhưng chúng ta không nên ảo tưởng về sức mạnh của mình
Những thông tin trên đã giải thích rõ ràng là 2 trang này không khẳng định thông tin của mình là nguồn chính thống để người đọc có thể trích dẫn, tham khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và biên soạn tài liệu, vì vậy thông tin trên đó không thể coi là nguồn tư liệu có giá trị tin cậy. Điều này có thể chứng minh qua việc chúng ta hầu như không thấy có một tờ báo hay trang mạng về quân sự có uy tín trên thế giới như Jane’ Defence Weekly của Anh hay tạp chí Kanwa Defence Review – Canada hoặc Defence News của Mỹ trích dẫn thông tin từ trang này cả.
Giới thiệu về tiêu chí bình chọn
GFP đã dựa trên 8 tiêu chí gồm 40 danh mục để đánh giá sức mạnh quân sự của 68 quốc gia mà họ thu thập được, cụ thể như sau:
1. Nguồn lực con người: Tổng dân số, dân số có thể huy động, dân số đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, nhân khẩu hàng năm đến tuổi nhập ngũ, số lượng quân nhân tại ngũ, số lượng quân dự bị.
2. Lực lượng lục quân: Số lượng xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành, pháo xe kéo, pháo hỏa tiễn (Rocket), pháo cối cá nhân, tên lửa chống tăng vác vai và xe vận tải.
3. Lực lượng không quân: Tổng số máy bay phản lực, trực thăng và số lượng sân bay.
Video đang HOT
4. Hải quân: Tổng số tàu thuyền, trong đó bao gồm: số lượng hàng không mẫu hạm, tàu hộ vệ (gồm cả tàu hộ vệ hạng nhẹ), tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu ngầm, tàu tuần tiễu ven bờ, tàu quét/rải lôi, tàu đổ bộ.
5. Nguồn lực dầu mỏ: Tổng sản lượng (nếu có khai thác), lượng nhập khẩu, lượng dự trữ.
6. Khả năng huy động hậu cần: Sức lao động, số lượng thương thuyền có thể huy động, số lượng cảng khẩu và eo biển, chiều dài đường quốc lộ và đường sắt.
7. Kinh tế: Ngân sách quốc phòng trong năm, nợ nước ngoài, dự trữ ngoại tệ, GDP tính theo sức mua bình quân.
8. Địa lí: Diện tích quốc gia, chiều dài bờ biển, chiều dài đường biên giới, chiều dài tuyến đường thủy.
Một mặt chúng ta mua sắm thêm trang thiết bị, mặt khác đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước
Những hạn chế trong tiêu chí đánh giá
Thoạt nhìn những thống kê trên có vẻ đầy đủ và chi tiết nhưng trên thực tế nó còn rất nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đánh giá.
Thứ nhất: Vơi các tiêu chí đánh giá như trên, bảng xếp hạng này không thể coi là “Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự quốc gia” mà phải gọi là “Bảng xếp hạng tiềm lực quốc phòng”. Tiềm lực quốc phòng là khái niệm dùng để chỉ sức mạnh quốc phòng của một quốc gia, bao hàm trong nó là sức mạnh quân sự (của quân đội) và nguồn lực tổng hợp của quốc gia có thể huy động cho chiến tranh. Điều đó thể hiện trong bảng xếp hạng trên ở các tiêu chí: Nguồn lực con người, nguồn lực dầu mỏ, khả năng huy động hậu cần, kinh tế, địa lí…
Thứ hai: Bảng xếp hạng chỉ tính tổng số mà không thống kê và phân tích nhiều danh mục đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sức mạnh quân sự của một quốc gia, bao gồm: số lượng vũ khí mang tính chiến lược (ví dụ như: máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo) số lượng tên lửa liên lục địa số lượng đầu đạn hạt nhân và vệ tinh quân sự. Đây là những yếu tố then chốt, có ảnh hưởng quyết định đến sức mạnh quân sự của 1 quốc gia, một nước sở hữu vũ khí hạt nhân chắc chắn là mạnh hơn rất nhiều so với nước có hàng ngàn loại vũ khí thông thường. Vì vậy, gọi nó là “Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự quốc gia theo vũ khí thông thường” cũng không đúng mà coi là “Bảng xếp hạng tiềm lực quốc phòng trong chiến tranh thông thường” cũng không được.
Thứ ba: Việc chỉ thống kê số lượng, mà trong thống kê cũng không quy định tiêu chuẩn giãn nước tối thiểu, gộp cả những tàu tác chiến ven bờ có lượng giãn nước 200-300 tấn, dẫn đến đánh giá rất thiếu chính xác, thiệt thòi cho những nước sở hữu ít tàu loại này. Đơn cử ví dụ: về tiêu chí hải quân, họ đánh giá Top 3 về số lượng tàu thuyền là Trung Quốc dẫn đầu với 972 tàu, Triều Tiên xếp thứ 2 với 708 tàu, Thái Lan đứng thứ 3 với 598 tàu, còn Mỹ đứng thứ 5 với 290 tàu? Điều đó xuất phát từ nguyên nhân Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan mỗi nước có hàng trăm tàu tuần tiễu, tàu quét lôi và tàu tên lửa vài trăm tấn (ví dụ: riêng tàu tên lửa lớp 022, lượng giãn nước 220 tấn, Trung Quốc đã có khoảng gần 100 chiếc, còn Mỹ chỉ có vài chục tàu tác chiến ven bờ nhưng mỗi tàu có lượng giãn nước tới 4000 tấn). Chỉ cần đưa thêm tiêu chuẩn tàu phải có lượng giãn nước từ 1000 tấn trở lên, kết quả bảng xếp hạng sẽ khác ngay.
Thứ tư: Nếu đã đưa ra tiêu chí đánh giá về tiềm lực quốc phòng, việc thiếu chỉ số năng lực công nghiệp quốc phòng đã khiến nhiều nước có thực lực quân sự kém xếp hạng trên nhiều cường quốc về quân sự. Không thể phi lý hơn khi các nước thực lực không mạnh, công nghiệp quốc phòng kém phát triển như: Ai Cập (hạng 14), Indonesia (15), Thái Lan (20), Mexico (21), Việt Nam (25) có thể xếp trên Thụy Điển (26), Saudi Arabia (27), Triều Tiên (28) và Tây Ban Nha (30). Đây là những nước đã chế tạo thành công vũ khí hạt nhân, hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (Triều Tiên), hoặc chế tạo được và đang sở hữu hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm hàng vạn tấn (Tây Ban Nha), đóng được tàu ngầm AIP tiên tiến nhất trên thế giới, chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Gripen như Thụy Điển.
Cần tỉnh táo nhận thức Việt Nam đang ở vị thế nào và cần phải làm gì để tăng cường tiềm lực quốc phòng, huy động nguồn lực tổng hợp của quốc gia để bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Kết luận:
Như vậy, chúng ta có thể thấy hệ thống tiêu chí và kết quả đánh giá của bảng xếp hạng này là như thế nào, nó chỉ có giá trị giải trí và tham khảo chứ không hề được sự công nhận của các chuyên gia hoặc tổ chức quân sự trên thế giới. Cần phải nhận thức đúng đắn về vấn đề này, tránh tuyên truyền không chính xác, “ru ngủ” người Việt Nam, tuyên truyền hộ hoặc thậm chí là tiếp tay cho địch.
Chúng ta cần làm rõ để người Việt Nam không ngộ nhận và ảo tưởng vào sức mạnh quân sự của mình, dẫn đến lơ là, mất cảnh giác. Qua những phân tích trên chúng ta phải tự nhận thấy, xét theo những tiêu chí đánh giá thực lực quân sự, Việt Nam ta đang ở vị trí nào và cần phải làm những gì để tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức mạnh quân sự, huy động nguồn lực tổng hợp của quốc gia để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Theo Dantri
Uy lực tấn công tàu ngầm Kilo vượt trội tàu ngầm AIP (2)
Về tính năng kỹ thuật, giữa tàu ngầm AIP và Kilo không loại nào chiếm ưu thế hơn hẳn nhưng xét về tính năng tác chiến thì rõ ràng là Kilo toàn diện và uy lực hơn nhiều.
Về tính năng tác chiến thì các tàu được đánh giá thông qua khả năng tấn công đa nhiệm và sức hủy diệt của hệ thống vũ khí. Tàu ngầm dù hiện đại đến đâu mà hỏa lực kém và khả năng tấn công đơn điệu thì cũng không có hiệu quả gì.
Trên lĩnh vực này thì rõ ràng Kilo có ưu thế hơn hẳn các tàu ngầm AIP, trong số này chỉ có tàu ngầm Amur của Nga là tiệm cận với Kilo
Xét trên cả 5 tiêu chí cơ bản, bao gồm 3 tiêu chí tính năng kỹ thuật là: phạm vi tác chiến và khả năng hoạt động dài ngày; độ ồn, mức độ bộc lộ radar và hệ thống sonar quan trắc, cùng 2 tiêu chí về tính năng tác chiến là hệ thống vũ khí và khả năng tác chiến đa nhiệm, thì tàu ngầm Kilo vẫn thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới.
nhưng nó cũng là sản phẩm của Nga, hơn nữa lại là phiên bản xuất khẩu cỡ nhỏ của tàu ngầm Lada, mà Lada chính là phiên bản nâng cấp của Kilo.
Các tàu ngầm thuộc dự án 636 đều được trang bị 6 ống phóng với 18 quả ngư lôi loại 533mm, 6 quả nạp sẵn trong ống phóng và 12 quả dự trữ trong hệ thống nạp tự động.
Ngoài ra, nó cũng được dùng để rải lôi với cơ số tối đa 24 quả thủy lôi DM-1. Các loại ngư lôi dành cho Kilo gồm: ngư lôi chống ngầm TEST-71MKE (lượng nổ 205kg), 53-65KE (đầu đạn nặng 200kg, tầm bắn 40km, xuyên sâu xuống mặt nước 500m) và có thể được trang bị thêm ngư lôi tốc độ nhanh nhất thế giới VA-111 Shkval.
Hiện chỉ duy nhất có tàu ngầm AIP là Amur 1650 của Nga
sánh được với Kilo về khả năng tấn công
Khả năng tấn công của Kilo được đánh giá cao nhờ hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm thế hệ Club-S, mỗi dự án xuất khẩu được trang bị các kiểu tên lửa khác nhau. Tàu ngầm kiểu 636MK của Trung Quốc và 877EKM của Ấn Độ (trước khi nâng cấp) sử dụng tên lửa hành trình đối hạm 3M-54E và không được trang bị tên lửa hành trình đối đất 3M-14E. Tàu ngầm Kilo Algieria, Việt Nam và Ấn Độ (sau nâng cấp) được trang bị tên lửa 3M-54E1 có tầm bắn xa hơn 3M-54E (300km so với 220km), nhưng điểm quan trọng nhất của nó là đầu đạn nặng gấp đôi (400kg), có khả năng đánh chìm hàng không mẫu hạm.
Hơn nữa, việc được trang bị tên lửa hành trình đối đất tiên tiến 3M-14E, là loại tên lửa đối đất cực kỳ lợi hại, một đòn tiến công tàng hình từ dưới mặt nước, rất khó bị phát hiện và đánh chặn đã khiến các tàu ngầm Kilo này trở thành loại tàu ngầm thông thường đầu tiên ở châu Á có khả năng tấn công mặt đất (đối với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược thì điều này là hiển nhiên). Ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, không một loại tàu ngầm của nước nào có khả năng tấn công đối đất như 877EKM và 636MV.
Tuy vậy, tàu ngầm AIP đời mới loại SMX-26 của DCNS có một điểm hơn Kilo là hệ thống pháo và tên lửa phòng không. Từ trước đến nay, các tàu ngầm trên thế giới không ngại các tàu hộ vệ chống ngầm mà đều e ngại sự lùng sục và hỏa lực của các máy bay trinh sát chống ngầm. Các tàu ngầm thường không có khả năng phòng không nên khi bị phát hiện nó chỉ có cách vừa lẩn trốn vừa gọi lực lượng hỗ trợ. Với hệ thống pháo Canon và tên lửa phòng không kiểu trục đẩy lên mặt nước của mình, tàu ngầm SMX-26 có thể hạ sát loại máy bay vốn bay chậm và không có khả năng bảo vệ này.
Với hệ thống vũ khí đối hải và đối đất, các tàu ngầm AIP không thể so sánh được Kilo. Về cơ bản các loại này đều chỉ được trang bị ngư lôi và tên lửa hạng nhẹ, tuy có khả năng tấn công đối hạm nhưng hiệu quả không cao. Trong số này duy nhất tàu ngầm Amur của Nga là có hệ thống vũ khí tương đương là các loại tên lửa Club-S còn lại đều kém hơn.
Tên lửa hành trình đối đất tiên tiến 3M-14E
Xét về xu thế tác chiến hiện đại của tàu ngầm, đây chính là những mục tiêu ưu tiên phát triển hàng đầu của tất cả các tàu ngầm trên thế giới. Vì vậy, tuy cũng có nhược điểm về khả năng phòng không nhưng xét về tổng thể, Kilo vượt trội các tàu ngầm AIP về tính năng tác chiến. Nếu Kilo hoàn thiện được khả năng phòng không, nó sẽ có khả năng tác chiến toàn diện nhất trong các tàu ngầm thông thường trên thế giới.
Điểm mạnh của các tàu ngầm AIP là độ ồn và khả năng bộc lộ bức xạ thấp cũng chính là điểm yếu của nó. Các hệ thống động lực dạng AIP có công suất kém, vì vậy không thể sử dụng để đóng các tàu ngầm cỡ lớn (Ví dụ như: SMX-26 tải trọng1000 tấn, Amur là 970 tấn..., chỉ duy nhất Soryu có tải trọng 2100 tấn). Chính vì vậy, tàu ngầm AIP thường có lượng giãn nước thấp thì mới bảo đảm công suất, dẫn đến phạm vi hoạt động gần, mang được ít vũ khí trang bị, chỉ có khả năng phòng thủ tốt ở phạm vi gần bờ chứ kém về tấn công ở tầm xa.
Khả năng tác chiến linh hoạt trên các vùng nước nông, địa hình phức tạp của tàu ngầm AIP sẽ là sự bổ sung hiệu quả cho Kilo
Tuy vậy, tàu ngầm AIP cũng là một sản phẩm ưu việt, là sự bổ sung hoàn hảo cho các tầu ngầm hạng trung có uy lực tấn công mạnh nhưng yếu về khả năng chống máy bay săn ngầm như Kilo. Kích thước nhỏ giúp tàu ngầm AIP có khả năng linh hoạt và cơ động cao trong các vùng biển nước nông, địa hình không bằng phẳng, nhiều luồng lạch hoặc dải đá ngầm (đây lại là điểm yếu của Kilo). Chính khả năng này đã biến nó thành loại tàu ngầm chiến thuật cỡ nhỏ tốt nhất hiện nay.
Qua phân tích các đặc điểm trên đây, có thể rút ra một kết luận, các tàu ngầm AIP không bao giờ thay thế được loại tàu ngầm như Kilo và ngược lại. Về thực chất chúng là 2 loại tàu ngầm có tính năng hoàn toàn khác nhau, cả 2 loại đều có những ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy, Kilo và tàu ngầm AIP đảm nhận những nhiệm vụ trái ngược nhau, một tấn công tầm xa và một thì phòng thủ ven bờ hoặc yểm hộ tấn công. Đây chính là 2 loại tàu ngầm có tính năng tương hỗ, là sự bổ sung hoàn hảo cho nhau, nên không thể bỏ cái này để sắm cái kia.
Theo Dantri
Tàu ngầm Kilo có tính năng vượt trội các tàu ngầm AIP (1) Hiện trên thế giới, xu hướng phát triển tàu ngầm AIP đang được ưa chuộng, các nước đua nhau mua sắm loại tàu ngầm này, thậm chí một số nước đã, đang và sắp sử dụng tàu ngầm Kilo cũng phân vân có nên theo trào lưu này, thay tàu ngầm Kilo bằng tàu ngầm AIP hay không? Về tính năng kỹ thuật:...