Chuyện về những giáo viên thầm lặng dạy miễn phí cho học trò
Hơn 4 năm qua, đều đặn mỗi tuần, nhất là những dịp sát kỳ thi, học sinh Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) lại tíu tít rủ nhau đến lớp học miễn phí của các thầy cô tại trường để ôn tập và củng cố kiến thức.
Là một trong những giáo viên hơn 4 năm nay tham gia dạy Văn miễn phí tại Trường THCS Lĩnh Nam, cô Lê Thị Bình Minh – giáo viên chủ nhiệm lớp 8A2 chia sẻ: “Việc dạy học miễn phí là phong trào chung được Ban giám hiệu phát động và tạo điều kiện cho giáo viên có thể giúp đỡ học sinh ngoài giờ học chính. Các giáo viên trong trường chúng tôi dường như ai cũng tham gia phong trào này, có khi là dạy những nhóm nhỏ hoặc dạy cả lớp.”
“Khoảng 4-5 năm trở lại đây, hoạt động của các lớp học miễn phí diễn ra thường xuyên, trong các buổi học quan trọng là phải tạo được hứng thú cho các em muốn đến lớp mỗi ngày, đồng thời, phải làm sao để các em nỗ lực, thi đua học tập. Vì thế, giáo viên phải luôn luôn đổi mới phương pháp dạy học, nghĩ ra cách thưởng phạt dễ thương để học sinh không bị áp lực mà vẫn cố gắng học”, cô Minh chia sẻ.
Cô giáo Bình Minh và học sinh thân yêu
Cô Bình Minh kể: “Cách đây 2 năm tôi dạy lớp 9A4, các con rất lười học, dường như rất ác cảm với môn Văn. Tôi luôn luôn phải thay đổi cách thức để giải tỏa tâm lý cho các con, rất kiên nhẫn nhưng không có kết quả. Cuối cùng, tôi phải xin Ban giám hiệu cho tổ chức một cuộc họp phụ huynh với tư cách như một giáo viên chủ nhiệm.
Trong buổi đó, tôi để cho các con được chia sẻ, được bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình với cha mẹ, với thầy cô về việc học. Có những học sinh vỡ òa, nức nở ngay tại buổi họp phụ huynh đó và con chia sẻ rằng ‘lần đầu tiên con được nói với bố mẹ tiếng nói của lòng mình’. Cộng với việc kèm thêm cho các con miễn phí sau mỗi buổi học, tôi cảm thấy học sinh thực sự thay đổi.
Từ đó, kết quả kiểm tra khảo sát chung của các em có nhiều tiến bộ và có những khi đứng đầu khối. Tuy vất vả nhưng tôi rất hạnh phúc vì học sinh biết nhận ra tất cả sự khắt khe của cô đều là vì các con. Để duy trì được những lớp học miễn phí, thực sự là các thầy cô phải hy sinh việc gia đình, cá nhân”.
Thầy Đỗ Trọng Kiên – giáo viên chủ nhiệm lớp 8A6 cũng là giáo viên tham gia mô hình dạy Toán miễn phí tại Trường THCS Lĩnh Nam.
Thầy Kiên chia sẻ: “Năm ngoái, tôi dạy Toán cho lớp 9A4, bình thường 17h30 là tan trường, tôi tranh thủ về nhà trọ ăn uống rồi nhanh chóng quay lại trường kèm cho học sinh học đến khoảng 20h. Có thời kỳ cao điểm, tôi ở trường từ 7h sáng đến 21h, khi học sinh về hết tôi mới về.”
Video đang HOT
Thầy Kiên cần mẫn truyền tải kiến thức cho học sinh
“Để duy trì được những lớp học miễn phí, các thầy cô phải hy sinh thời gian dành cho gia đình và phải rất kiên trì…Như tôi, khi học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT, thì 5/7 ngày tôi ở trường đến hơn 21h tối mới về. Nhà tôi cách trường khoảng 40km, hôm nào không dạy tôi mới có thời gian về thăm vợ con. Hơn nữa, thầy cô lúc nào cũng phải nhẹ nhàng, dịu dàng với học sinh, đúng theo kiểu vừa dạy vừa dỗ vì ở lứa tuổi THCS, nhiều em rất cá tính, nếu thầy cô không có những phương pháp sư phạm chuẩn thì có khi lại có tác dụng ngược”.
Cô Trần Lệ Khanh – Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khi dạy miễn phí cho học sinh, giáo viên dạy với tâm thế rất thoải mái, bản thân các con cũng thấy trân trọng và cố gắng. Chính vì thế, phong trào ‘Nhà giáo Hoàng Mai với học sinh có hoàn cảnh khó khăn’ được nhiều giáo viên và học sinh hưởng ứng, hiệu quả rõ rệt, thực sự là “cho đi yêu thương và nhận lại”.
Cô Trần Lệ Khanh – Hiệu trưởng THCS Lĩnh Nam cùng học sinh
Khi giáo viên mong muốn được dạy miễn phí cho học trò, với vai trò là lãnh đạo nhà trường, cô Khanh cũng tạo điều kiện hết mức về cơ sở vật chất, điện nước, vấn đề an ninh, y tế, vệ sinh chung, quản lý xe cộ của các con…
“Khoảng tháng 5, tháng 6, khi học sinh lớp 7, 8 nghỉ Hè, chỉ còn những lớp học ôn thi cho học sinh thi vào 10 và nhiều buổi ôn miễn phí. Những dịp ôn thi, học sinh sẽ mệt mỏi nên giữa buổi học chiều, tôi thường nhờ các bác lao công mua đá, pha nước chanh cho học sinh, hoặc phụ huynh nào rảnh rỗi có thể đến hỗ trợ cùng các thầy cô giáo mang nước mát cho các con,” cô Khanh kể.
Thậm chí, giáo viên nhà trường sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua trà sữa, nước mía cho các con trong những lúc nghỉ giải lao.
Cô Khanh tin rằng khi các con thấy mình được yêu thương, được động viên, các con sẽ thực sự cố gắng hết mình trong học tập.
Ngoài việc dạy miễn phí ban ngày, giáo viên nhà trường còn kèm học sinh miễn phí cả buổi tối trong tháng ôn thi vào lớp 10.
Cô Khanh chia sẻ: “Tôi thường hay nói đùa với học sinh ‘không học được là cô cho đến nhà cô học đấy’ và thế là nhiều phụ huynh bận đi làm cả ngày, không quán xuyến được con bèn gửi con đến trường buổi tối để nhờ thầy, cô giáo viên kèm”.
Cận kề mùa thi, tối nào tại trường cũng sẵn sàng một giáo viên Toán, một giáo viên Văn, năm học vừa qua có thêm giáo viên Tiếng Anh, giáo viên Lịch sử ở lại trường buổi tối để hỗ trợ, kèm học sinh làm bài tập. Các con ngồi làm bài tập và chỗ nào không hiểu thì thầy cô giảng, hướng dẫn cho.
Nhờ mô hình dạy học miễn phí mà chất lượng giáo dục của Trường THCS Lĩnh Nam đi lên và ổn định so với 5 năm trước. Năm học 2018-2019, có 185/190 học sinh thi đỗ vào lớp 10 tại các trường công lập ở Hà Nội với 1 học sinh là á khoa của thành phố với tổng điểm 56,5; điểm trung bình mỗi học sinh của trường thi vào lớp 10 là 43,56 điểm.
Hiện tại, nhà trường đang xếp ở vị trí 41/651 trường THCS của thành phố. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực lớn của thầy và trò nhà trường.
“Điều mà tôi thấy ấm áp vô cùng là nhiều khi gặp tôi ở ngoài đường, phụ huynh gọi lại và nhất định ‘cô ơi, nay tôi có mớ rau sạch ngon lắm, cô mang về ăn’, hay dịp Tết, có phụ huynh mang đến biếu củ su hào, chùm quất về bày mâm ngũ quả. Vật chất không đáng là bao nhưng đó là tình cảm của phụ huynh và học sinh. Những tình cảm chân thành ấy chẳng gì có thể đo đếm được và tôi thực sự hạnh phúc vì được phụ huynh tin tưởng”, cô Khanh chia sẻ.
Theo infonet
Bà giáo gần 100 tuổi cần mẫn dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo
Bà Trần Thị Bê (phường Trường An, TP Huế) đều đặn hàng tuần dành 3 buổi dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo tại địa phương.
Theo báo Đồng hành Việt, những người hàng xóm cho biết, cụ bà Trần Thị Bê (97 tuổi, trú phường Trường An, TP Huế) với mái tóc bạc trắng, lưng đã còng nhưng mỗi tuần 3 buổi tối tại căn nhà cấp 4 của mình vẫn miệt mài dành hết tâm huyết dạy học cho các em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cứ vào tối thứ 3, 5, 7 mỗi tuần, ngôi nhà ấy lại rộn ràng tiếng nói cười, vui đùa của các em học sinh.
Bà Trần Thị Bê là con thứ hai trong một gia đình nghèo có 7 anh em. Bố mất sớm và chỉ mình mẹ sớm hôm tảo tần làm nghề may vá, thêu dệt kiếm tiền nuôi con.
Nhắc lại quãng đời mình, giọng bà có chút buồn nhẹ, bà bảo bà lớn lên vào làm trong ngành bưu điện với công việc đánh máy chữ nhưng đến năm 1985 thì nghỉ việc, lập gia đình không có con và chồng mất sớm nên hiện nay sống trong ngôi nhà cấp 4 xung quanh có các cháu quây quần quan tâm hàng ngày.
Tuy nhiên khi trở lại câu chuyện dạy học miễn phí bà Bê vui vẻ, cười hạnh phúc bà bắt đầu mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo vào năm 1995 về tiếng Việt và toán học" nhưng do nhu cầu của cuộc sống nên bà Trần Thị Bê đi học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp. Vì vậy, ngoài việc dạy cho các em nhỏ tập đọc, tập viết, làm phép tính, bà còn dạy ngoại ngữ cho cả học sinh, sinh viên và những người đã đi làm.
Những em nhỏ chăm chú lắng nghe, trong buổi học. Ảnh: Infonet
Sau buổi học, các em nhỏ lại được bà thưởng quà đã chuẩn bị trước buổi học như bánh kẹo, cam... đến giờ nghỉ thì trò cúi đầu chào cô và hồn nhiên ôm cặp bước ra về, bà Trần Thị Bê ra cửa nhìn theo âu yếm rồi quay lại lặng lẽ xếp sách vở, ghế bàn... trong căn nhà của mình.
Không chỉ dạy học miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà bà Trần Thị Bê còn dành 10 năm nấu cơm cho sinh viên nghèo đến trọ học ở Thừa Thiên - Huế. Qua đó, nhiều sinh viên được bà cưu mang nay đã thành đạt và thỉnh thoảng có dịp vẫn ghé thăm bằng tấm lòng biết ơn người mẹ, người bà nhân từ, nặng tình nặng nghĩa giúp đỡ lúc khó khăn.
Thông tin trên báo Dân Trí, tại lớp học cộng đồng tại trung tâm Từ thiện TP Đà Nẵng (12 Thanh Huy 2) là địa chỉ quen thuộc của nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến với lớp học này, các em được học các môn văn hóa, kỹ năng sống và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí.
Ông Đặng Hữu Bảo, Giám đốc Trung tâm Từ thiện TP Đà Nẵng cho biết, lớp học được hình thành gần 3 năm nay. Trước đây, Trung tâm thuê giáo viên về dạy thêm cho các em đang sinh sống tại đây. Thấy vậy, có một số em học sinh ở ngoài theo bạn về Trung tâm để học. Biết nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không có tiền để đi học thêm nên nhà tài trợ là tổ chức Trả lại tuổi thơ của Hoa Kỳ đã phối hợp với Trung tâm mở các lớp học tập cộng đồng.
Hiện tại Trung tâm có khoảng 100 em học sinh gồm nhiều cấp học đang theo học tại các lớp học cộng đồng. Mỗi lớp thường có khoảng 10 em, dạy các môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh... và kỹ năng sống. Đến hè còn có lớp học cho học sinh tiểu học...
Lớp học cộng đồng tại Trung tâm Từ thiện TP Đà Nẵng không chỉ giúp nâng cao thành tích học tập của các em học sinh, giúp các em có thêm kỹ năng sống mà hơn hết còn khơi dậy trong các em tình thương, lòng nhân ái, biết giúp đỡ người khác. Đó cũng là hành trang để các em mang theo trong cuộc sống của mình.
Kiều Trang (T/h)
Theo doisongphapluat
Gần 90 tuổi vẫn cần mẫn "trồng người"! Lớp học không bảng đen, phấn trắng, các học trò có nhiều lứa tuổi, trình độ. Ở đây, thầy giáo sẽ đi từng bàn, hướng dẫn cho từng học trò. Ngoài việc học chữ, thầy còn dạy cách làm người và hướng nghiệp cho học sinh của mình. Đó là lớp học của thầy giáo Nguyễn Trà, năm nay đã gần 90 tuổi...