Chuyện về người thầy liệt tay chân, viết chữ bằng miệng vẫn dạy học cho trẻ em nghèo: Tôi không đi chữa bệnh vì có xu nào dành hết cho con ăn học
Thầy Trường cứ luôn miệng nói mình không phải là thầy giáo thực thụ vì không được đào tạo bài bản, thế nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy chữ “thầy” lại phù hợp và đáng trân trọng đến thế.
Là con cả trong một gia đình nghèo tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, thầy Phùng Văn Trường được sinh ra với bao kỳ vọng của bố mẹ. Thế nhưng, khi các bạn đến tuổi biết đi, biết chạy nhảy thì thầy Trường lại không thể làm được những điều đó, đôi tay và đôi chân của thầy cứ thế yếu dần và rồi không thể tự mình cử động.
Trong suy nghĩ của nhiều người, và cả của thầy Trường, đây là mở đầu bất hạnh của một cuộc đời. Tuy nhiên cách thầy chọn viết tiếp trang sách đời mình lại đưa nội dung câu chuyện đi theo một hướng khác hẳn, chẳng dám nói là hạnh phúc tột đỉnh nhưng chắc chắn không phí hoài năm tháng.
Tìm đến nhà thầy Trường vào một sáng Chủ nhật, trong tay không hề có địa chỉ cụ thể, với niềm hy vọng sẽ được người dân xung quanh chỉ dẫn giúp đỡ, và chúng tôi tìm được thật! Bước vào căn phòng không bật đèn, những gì hiện ra dưới ánh sáng tự nhiên tràn qua song cửa sổ là bóng lưng của một người đang ngồi trên chiếc xe lăn, lúi húi chỉ trỏ và nói gì đó với vài đứa nhỏ. Thầy ngạc nhiên nhưng vui vẻ chào đón chúng tôi, rồi bình tâm mở lòng kể câu chuyện của mình.
Câu chuyện cảm động về người thầy giáo làng viết chữ bằng miệng (Clip: Kingpro)
“Thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân, tay chân tôi không dùng được thì viết chữ bằng mồm thôi!”
Thầy Trường bị bệnh thoái hóa cơ, hồi nhỏ gia đình cũng cố công chạy chữa nhưng không thay đổi được gì nhiều. Cậu bé Trường ngày ấy vẫn cố gắng đến trường được 8 năm, hoàn toàn gắn liền với tấm lưng của cha mẹ và bạn bè cõng đi, thế nhưng tình hình sức khoẻ ngày càng không cho phép, niềm vui duy nhất này cũng đành phải gác lại. Từ đó, cuộc đời thầy đi đôi với chiếc xe lăn.
Thầy Phùng Văn Trường
Cứ thế sống qua ngày, rồi đến một hôm thầy Trường quyết tâm thực hiện một thay đổi lớn: xin bố mẹ ra ở riêng, mở một quầy hàng để tự nuôi sống bản thân mình. Người ủng hộ mua hàng cũng nhiều, thế nhưng thầy Trường vẫn trăn trở vì chẳng thể tự mình ghi chép sổ sách thu chi. Một lần xem tivi, thấy trong bộ phim Bao công có vị thư sinh viết chữ bằng mồm, thầy Trường nhận ra ngay điều mình muốn và phải làm, ấy là tập viết chữ.
“Người thường viết chữ bằng tay, thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân, tay chân tôi không dùng được thì viết chữ bằng mồm thôi!”, thầy Trường chia sẻ như lẽ đương nhiên phải vậy.
Những ngày đầu tập viết gian nan vô cùng. Bút chọc thẳng vào họng gây buồn nôn, thậm chí chảy cả máu. Cả ngày cúi sát xuống vở tập viết, đến khi ngẩng lên là đau vai mỏi cổ, hoa mày chóng mặt kinh khủng. Những trang giấy lúc ấy thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và nước miếng. Về sau, thầy Trường đổi cách “cầm” bút, đó là ngậm chéo trong miệng. Răng hàm, răng cửa giống như những ngón tay kẹp chặt lấy bút còn cổ dùng để điều khiển bút đi ngang, đi dọc trên trang giấy. Tập luyện ròng rã hơn một tháng trời, thầy Trường thành công viết được những chữ đầu tiên, tạm gọi là có thể đọc được.
Từ ngày có con chữ, thầy tranh thủ vừa bán hàng, vừa trông và dạy học cho đứa cháu 6 tuổi, con cô em gái. Hàng xóm xung quanh thấy thầy Trường chỉ dạy bài bản nên cũng mang con, mang cháu đến gửi nhờ trông nom dạy dỗ mỗi khi bận việc. Cứ thế căn nhà nhỏ trở thành lớp học lúc nào không hay. Tiếng lành đồn xa, người dân trong thôn Nhân Lý, rồi các thôn khác trong xã, người xã khác cũng dần biết đến, lớp học lúc đầu chỉ 3-4 người đã tăng dần lên đến 15-16 người.
Những dòng chữ được viết lên từ miệng khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục, xen lẫn cả xấu hổ.
Thầy Trường lúc nào cũng khuyên các cháu phải viết thật nắn nót và luyện chữ cho thật đẹp, bởi “nét chữ nết người”. Thế nhưng thầy thấy chưa ổn lắm, vì chữ thầy chưa được đẹp.
“Tôi luôn miệng dặn các cháu phải viết đẹp, chứ chẳng lẽ lại dạy viết xấu. Không được! Thế nên mình phải làm gương. Tôi xác định phải cố gắng tập viết sao cho đẹp nhất trong khả năng có thể thì các cháu nó mới phục, mới nghe mình.”
Nghĩ là làm, ngày đêm khổ luyện, không chỉ tập viết theo các chữ cái trong sách vở, tivi, thầy còn sáng tạo ra những cách viết sao cho đẹp và độc đáo. Để rồi những dòng chữ được viết lên từ miệng khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục, xen lẫn cả xấu hổ. Giữa thời đại công nghệ thông tin phát triển, người ta đã quá quen thuộc với việc bấm điện thoại, gõ máy tính, lâu lâu động đến chiếc bút thậm chí còn thấy gượng tay, thế nên chữ viết có khi còn chẳng đẹp bằng!
“Tôi tàn nhưng không phế. Tôi là người khuyết tật nhưng may mắn đầu óc còn tỉnh táo. Bởi vậy tôi phải có ý chí, phải vươn lên để sống sao cho có ích, không phụ lòng bố mẹ.”
“Có người bảo thầy tàn tật và không có bằng cấp, tôi thì chỉ thấy con tôi 2 đứa học thầy đều tiến bộ rất nhiều, thế là đủ!”
Suốt 3 năm liền dạy học, thầy giáo làng Phùng Văn Trường không lấy một đồng tiền công. Chỉ đến khi các phụ huynh học sinh dúi vào tận tay, bảo là chút chi phí trả tiền điện tiền nước, tiển mua sữa cho con, thầy Trường mới nhận 70-100 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Thầy Trường bảo rằng mình không phải là thầy giáo, không có trình độ, không được huấn luyện bài bản. Không viết được lên bảng để có thể chỉ dạy các cháu đồng đều, thầy Trường chỉ cố sức làm theo kinh nghiệm của mình, bám sát theo sách giáo khoa của Bộ giáo dục, sau đó dùng sự kiên nhẫn để rèn dũa học sinh qua từng ngày. Người thầy ấy ngày ngày đều viết sẵn các dòng chữ mẫu, những phép tính toán cơ bản vào từng quyển vở để mỗi khi tan học từ trường về, mấy đứa nhỏ lại ghé qua nắn nót luyện tính và viết theo. Chẳng cần phải nói, có lẽ chúng ta cũng tự tưởng tượng được việc viết mẫu cho từng học sinh phải tốn bao nhiêu mồ hôi, thời gian và công sức, ngay cả với người thường. Dù vậy, thầy Trường chỉ nghĩ, các cháu đến đây thương mến, yêu quý mình, giúp được chúng nó thì mình thấy cuộc đời nó ý nghĩa rồi.
Giữa mạch câu chuyện thì có một người phụ nữ ghé qua đón 2 con về nhà. Vì là chủ nhật nên chị chỉ gửi cháu ở đây một lúc để đi công chuyện. Tiện thể hỏi han, chị cũng không ngại ngần chia sẻ: “Tôi ở tận xã trên cơ. Ở vùng quê này chuyện học thêm học nếm chưa phổ biến lắm nhưng tôi cũng để cả 2 cháu theo học bác Trường khá lâu rồi. Có người bảo thầy tàn tật và không có bằng cấp, tôi thì chỉ thấy con tôi 2 đứa học thầy đều tiến bộ rất nhiều, thế là đủ! Thằng Sơn hồi trước viết chữ xấu với nghịch ngợm lắm, bây giờ khá hơn bao nhiêu. Học ở đâu thì cũng chỉ cần thế là đủ!”.
Vừa dạy học vừa trông con hộ mọi người, thầy Trường nghĩ các cháu cần phải có thêm sách để bồi bổ và giải trí những lúc rảnh rỗi. Khi chương trình “Điều ước thứ bảy” của đài truyền hình lên sóng câu chuyện của thầy Trường, đã có hỏi thầy về nguyện vọng muốn thực hiện. Thầy mới bảo thầy muốn có một tủ sách cho các cháu. Từ khi có tủ sách, thầy giữ gìn cẩn thận để lũ nhỏ có sách đọc sau giờ học hoặc mượn về nhà nghiền ngẫm. Được khoảng 3 năm thì một người em trong làng gợi ý dựa trên những gì đã có để thành lập một thư viện cho các cháu ở quê. Thầy Trường vui mừng nói thế thì tốt quá, thầy cũng muốn từ lâu nhưng một mình thì không làm được. Mọi người hay tin đều góp sức ủng hộ sách cũ. Thư viện Hallo World (Xin chào Thế giới) nhờ thế mà ra đời.
Căn nhà nhỏ của thầy Trường giờ đây không chỉ là nơi các em nhỏ đến học tập, mà còn là địa điểm để mượn sách miễn phí, và tổ chức những hoạt động ý nghĩa. Nhờ sự năng động của Tuấn (người em cùng mở thư viện), các em nhỏ được học thêm lớp Tiếng Anh do các sinh viên tình nguyện về dạy. Mỗi cuối năm, 2 anh em tổ chức hoạt động “Tết ấm yêu thương” cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mọi người được cùng nhau gói bánh chưng, rồi trao tặng những phần quà nho nhỏ, dù chỉ 100-200 nghìn nhưng nồng đượm tình thương. Làm được điều ấy, là nhờ tâm huyết của thầy Trường và Tuấn, cũng như tấm lòng tất cả những nhà hảo tâm. Có những cụ già ở trên thành phố xem tivi biết đến cũng gửi tiền quyên góp. Các cụ tự đi gom góp phế liệu rồi bán để lấy tiền chứ cũng không xin của con cháu. Khi lòng tốt gặp lòng tốt, tự nhiên ta thấy cuộc đời mới ý nghĩa và tràn đầy hy vọng đến nhường nào…
Thầy Trường không đi chữa bệnh vì có xu nào thầy muốn dành hết nuôi con ăn học thành người
Thầy Trường bảo mình may mắn lắm vì ông trời đã se duyên cho một người vợ yêu thương và quan tâm mình chân thành, thật lòng. Đứa con là kết tinh của 2 vợ chồng giờ đã 5 tuổi. Với thầy, con trai là đôi chân, cánh tay và là cả tương lai.
Năm nay thầy Trường vừa tròn 40 tuổi. Thầy tự cảm thấy sức khoẻ mình đã yếu đi rất nhiều. Nói chuyện một lúc là thầy cảm thấy rất mệt, tim đập nhanh và khó thở. Ngồi nhiều nên chân tay thầy đã teo gần hết, vậy nhưng máu vẫn dồn xuống chân gây phù nề khó chịu. Chương trình “Điều ước thứ 7″ từng đưa thầy đi khám, các bác sĩ bảo rằng căn bệnh này không dừng lại mà luôn có sự tiến triển, khuyên thầy nên chạy chữa nhưng thầy không làm theo.
“Tiền bạc có xu nào tôi muốn dành cho con đi học, để nó trưởng thành là người có tri thức. Sống đến giờ phút này, tôi mãn nguyện với cuộc đời của mình! Dù trời phật có đón đi tôi cũng không hối tiếc điều gì, cứ mỉm cười mà đi thôi!”, thầy Trường tâm sự.
Trong quá trình trò chuyện, thầy cứ luôn miệng nói mình không phải là thầy giáo thực thụ vì không được đào tạo bài bản, thế nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy chữ “thầy” lại phù hợp và đáng trân trọng đến thế. Giữa bao nhiêu bê bối xã hội đang bủa vây hàng ngày, câu chuyện của thầy Phùng Văn Trường làm nhiều người thấy ấm áp, dù chỉ là một trong vô số những mảnh đời và câu chuyện cảm động khác, tuy nhiên nó góp phần khiến ta có niềm tin vào cuộc sống, vào người tốt, và thôi thúc bản thân phải sống ý nghĩa hơn.
Theo Helino
Giáo viên sáng tạo mà bị kỷ luật cho thấy lãnh đạo đố kị
Kỉ luật giáo viên sáng tạo trong khi dạy đã ít nhiều làm nhục ý chí của không ít thầy cô "Nỗ lực mà làm gì? sáng tạo mà làm gì? để rồi tự chuốc họa vào thân...
Giáo viên gặp họa vì dạy học sáng tạo
Sân khấu hóa một hình thức dạy học sáng tạo đang được khá nhiều giáo viên áp dụng vào dạy học.
Học sinh được đóng vai các nhân vật trong tác phẩm văn học. Thông qua việc hóa thân vào các nhân vật, các em sẽ hiểu và cảm nhận tác phẩm một cách tốt nhất.
Thế nhưng việc sáng tạo này lại không nhận được sự ủng hộ của nhà trường.
Một tiết học sân khấu hóa (Ảnh minh họa VTV)
Sau tiết dạy, thầy giáo Phạm Quốc Đạt giáo viên Trường Trung học Võ Trường Toản, Quận 12, thành phố Hồ chí Minh đã bị nhà trường đình chỉ một năm đứng lớp để chuyển qua làm nhân viên văn phòng.
Cụ thể, một phân cảnh trong tiểu thuyết Bỉ vỏ của cố nhà văn Nguyên Hồng được học sinh lớp 11 sân khấu hóa.
Trong đó, có phân cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp cùng phân cảnh cô Tuyết và Xuân tóc đỏ ân ái trong tác phẩm Sổ đỏ của Vũ Trọng Phụng được học sinh tái hiện lại.
Thầy Phạm Quốc Đạt nhận hình thức kỉ luật cảnh cáo vì đưa cảnh nhạy cảm vượt quá giới hạn sáng tạo trong giảng dạy.
Trả lời phóng viên VTV 24, thầy Lương Văn Định Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản cho biết:
"Tôi không biết tôi có lạc hậu không nhưng việc đó (cảnh nhạy cảm) là không nên hãy để cho các em đủ 18 tuổi".
Người trong cuộc nói gì?
Thầy Đạt nói "Học sinh trực tiếp tham gia sân khấu hóa những trường đoạn này là cần thiết. Nếu cắt đi sẽ không lột tả được hết số phận của nhân vật".
Thầy Đạt cũng cho biết việc đóng vai cũng không có sự động chạm giữa nam và nữ.
Học sinh tái hiện các cảnh nhạy cảm bằng chiếu bóng (đứng sau tấm màn, diễn tả hành động).
Khi các em diễn, thầy giáo đứng cùng các em sau tấm màn thấy hoàn toàn trong sáng, rất bình thường.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy Văn Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) trả lời trên Báo Thanh Niên:
"Tôi không biết trực tiếp xem toàn bộ vở kịch thầy trò diễn để biết sự việc cụ thể thế nào, thầy đúng hay sai.
Nhưng nếu đánh giá thì chúng ta cần phải nhìn tổng thể. Theo những gì tôi biết được thì những cảnh này là cảnh chiếu bóng, thầy đứng sau giám sát, học sinh diễn không đụng chạm, có bạn nam đóng thế nữ.
Ngoài ra, ở đây chúng ta còn có thể thấy được sự sáng tạo của học trò ở việc tạo ra âm thanh, ánh sáng, diễn kịch... để hiểu về tác phẩm".
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Du (Quận 10) cũng nêu quan điểm:
Trong tác phẩm sân khấu hoá có sử dụng những công cụ che chắn như rèm, ánh sáng tức là có xử lý kỹ thuật một cách nghệ thuật và không có sự tương tác về thể xác.
Có thể khi tiếp cận với clip bài giảng này sẽ có nhiều lăng kính khác nhau. Trường học luôn khuyến khích thầy và trò cùng sáng tạo..[1]
Học sinh, phụ huynh nói gì?
Một số học sinh cho biết, dù là cảnh nhạy cảm nhưng giữa bạn nam và bạn nữ không hề đụng chạm về thể xác thì cũng thấy bình thường thôi.
Có em cho biết thầy đã dồn hết sức cho tụi em hiểu rõ về nhân vật nhưng lại bị kỉ luật nên chúng em buồn lắm.
Một phụ huynh chia sẻ đầy tâm huyết:
"Với biết bao sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, đang hết sức đẩy mạnh sự sáng tạo không chỉ ở phương pháp giảng dạy mà còn ở phương pháp học tập của học sinh.
Ở đây là bài học lớp 11 (học sinh đã ở độ tuổi cận trưởng thành) và có sự giám sát của giáo viên, vậy mà lại bắt lỗi ở sự sáng tạo thì có công bằng với thầy Đạt?
Học sinh nhiệt tình trong tổng thể tiết học tức là các em đã tự đổi mới bản thân để chiếm lĩnh tri thức một cách sáng tạo.
Những tác phẩm đó đưa vào giảng dạy, Bộ cũng đã tính đến độ tuổi của học sinh, sao còn phán là "không phù hợp với lứa tuổi"?
Theo tôi, đã sáng tạo là làm cho tới cùng, là bứt phá những lề thói ăn sâu vào tư duy người Việt.
Cho nên, cứ nhắc đến tình dục, là giới tính thì cho là nhạy cảm. Tư duy như kiểu con nít như vậy khi nào mới gọi là bứt phá trong giảng dạy?
Chúng ta đã thực sự lắng nghe, xem trọng sự sáng tạo cũng như nỗ lực trong chuyên môn của người thầy ở đây chưa?
Nhìn sự việc thì phải đa diện, đa chiều mới có tính toàn diện. Cứ có phụ huynh gửi đơn, cứ thiên hạ nói ra nói vào nào là nhạy cảm, nào là cảnh nóng lập tức áp dụng hình thức xử phạt liệu có thỏa đáng không?
Công bằng mà nói, ở độ tuổi lớp 11 đúng ra các em phải được dạy và tự hiểu từ lâu rồi".
Giết chết sự sáng tạo của giáo viên
Trường Trung học Võ Trường Toản, Quận 12, thành phố Hồ chí Minh đã áp dụng hình thức kỉ luật cảnh cáo và đình chỉ dạy 12 tháng đối với thầy giáo Phạm Quốc Đạt hiện đang nhận được nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt như thế là quá nặng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh "Việc sáng tạo cần khuyến khích, xử phạt thầy cô là giết chết sự sáng tạo của thầy cô, giết chết sự sinh động của lớp học, giết chết tất cả mầm mống sáng tạo của học trò".
Đáng chú ý rằng hiệu trưởng nhà trường trả lời về chuyện này còn cho rằng "Tiết học của giáo viên Quốc Đạt không nằm trong kế hoạch giảng dạy của nhà trường, của tổ ngữ văn và giáo viên này tự động thực hiện".1
Tiết học không nằm trong kế hoạch giảng dạy của nhà trường, của tổ ngữ văn mà giáo viên tự động thực hiện càng chứng tỏ một điều thầy Đạt là thầy giáo tâm huyết với từng giờ dạy của mình.
Điều này là đáng được biểu dương chứ hoàn toàn không phải thêm một nguyên nhân để kỉ luật.
Việc kỉ luật giáo viên mắc tội sáng tạo trong khi dạy của trường Võ Trường Toản đã ít nhiều làm nhục ý chí của không ít thầy cô.
Có giáo viên cho rằng"Nỗ lực mà làm gì, sáng tạo mà làm gì để rồi chuốc họa vào thân, hãy dạy bình thường cho nó lành, đừng đổi mới nữa, đừng sáng tạo nữa!".
Tài liệu tham khảo:
https://thanhnien.vn/giao-duc/giao-vien-day-hoc-sinh-dien-canh-nong-nen-hay-khong-1065136.html 1
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net.vn
Giáo viên nào phải siêu nhân, thầy cô kiêm nhiệm nhiều nghề, sao dạy tốt được? Khi thầy cô kiêm nhiệm nhiều vai từ giáo viên đến nhân viên môi giới bảo hiểm, bán hàng online sẽ ảnh hưởng ra sao đến chất lượng giáo dục? Ngay sau khi bài viết, nhiều bậc cha mẹ đồng cảnh ngộ cũng đã chia sẻ nỗi niềm của mình. Chị Nguyễn Phương Lan (Nam Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ, không...