Chuyện về hai món quà của Đại tướng tại Ngã Ba Đồng Lộc
Đến Ngã ba Đồng Lộc những ngày tháng 10, thoảng trong cái gió chuyển mùa là mùi hương ngọc lan ngào ngạt. Cả không gian rộng lớn duy còn một cây đậu hoa. Đó là một trong hai món quà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng Ngã ba Đồng Lộc.
Cùng với cây ngọc lan, tại Khu di tích Ngã ba anh hùng này còn có cây đa.Hai cây đó là hai món quà này được lấy từ chính khu vườn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đúng vào dịp Hà Tĩnh chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968- 24/7/2008), tưởng niệm 40 năm ngày 10 nữ anh hùng liệt sỹ TNXP anh dũng hy sinh tại mảnh đất này. Bên cạnh cây đa có một bảng lưu niệm khắc lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ngã ba Đồng Lộc, một chiến công chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng của đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác, mãi mãi trường tồn với non sông đất nước”.
Cây đa được chuyển đến từ vườn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đầu năm 2003 khi địa danh Ngã ba Đồng Lộc trở thành Khu di tích thanh niên xung phong, khu di tích đang được gấp rút xây dựng để tưởng nhớ những chiến sỹ trẻ đã hy sinh anh dũng đảm bảo thông suốt tuyến đường giao thông, ông Nguyễn Văn Thắng (Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Thạch Hà) – nguyên Trưởng ban khu di tích Ngã ba Đồng Lộc – cùng một số cán bộ trong khu tích và tỉnh đoàn ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin thêm ý kiến.
Thời gian gặp tuy ngắn ngủi nhưng để lại những kỷ niệm không bao giờ quên. Ông Thắng xúc động nhớ lại: “Trước khi gặp Đại tướng, chúng tôi ai cũng hồi hộp và xúc động. Cứ suy nghĩ không biết sẽ phải nói chuyện với Đại tướng như thế nào. Nhưng thực sự khi gặp rồi chúng tôi càng bất ngờ hơn khi đại tướng hỏi những câu hỏi rất bình dị, quan tâm những chuyện rất nhỏ của anh em, địa phương”. Câu chuyện gặp gỡ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 10 cô gái thanh niên xung phong như khiến không gian lắng lại. Đại tướng kể lại cho chúng tôi bằng giọng rất xúc động “Tôi nhớ mãi một lần đi qua Ngã ba Đồng Lộc gặp chị em TNXP đang hăng say làm việc trong đêm. Khi biết có tôi đến, chị em ôm chầm lấy tôi khóc nức nở: “Bác ơi! Mời bác đi nhanh lên, kẻo máy bay địch đến thả bom, ở đây nguy hiểm lắm”. Chia tay các cô, lòng tôi ngậm ngùi. Và không ngờ ít ngày sau tôi nhận được tin chính thức, các cháu gái hôm đó đã hy sinh trong trận đánh ngày 24/7/1968. Tấm gương nghĩa liệt của 10 nữ TNXP làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công”.
Đại tướng còn có lời ghi tặng vào bảng vàng gửi Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong đó có đoạn: “…Việc xây dựng Ngã ba Đồng Lộc thành Khu di tích Thanh niên xung phong cả nước có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân ta, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…”.
Lời của Đại tướng được phóng to in trên một tấm bảng treo trang nghiêm trong phòng truyền thống tại khu di tích này.
Video đang HOT
Tấm bảng đề lời nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Năm 2008, nhân dịp 60 năm ngày Bác Hồ phong quân hàm Đại tướng cho vị Tổng chỉ huy lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam (28/5/1948 – 28/5/2008), Đoàn cán bộ Hà Tĩnh ra Hà Nội chúc mừng và mong muốn mời Đại tướng về thăm khu di tích nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 – 24/7/2008). Nhưng thời gian này, sức khỏe Đại tướng không tốt, không đi xa được. Để tri ân những công lao của 10 cô gái TNXP, Đại tướng đã chuẩn bị một cây đa và một cây ngọc lan gửi trồng ở Ngã ba Đồng Lộc.
Nhớ lại kỷ niệm này, ông Thắng xúc động: “Đó là vào khoảng chiều 29/5/2008, thời tiết nắng nóng và oi bức kéo dài trong nhiều ngày. Đoàn chúng tôi gồm hơn 10 người, một số cán bộ lãnh đạo trực tiếp vào bên trong để tiếp nhận cây. Số anh em còn lại thì đứng phía ngoài số nhà 30 đường Hoàng Diệu đợi. Có một đồng chí người Hà Tĩnh công tác tại Thủ đô, biết tin cũng xin tham gia vào trong đoàn để được chạm tay vào món quà Đại tướng gửi quê hương Hà Tĩnh. Sau khi tặng hoa Đại tướng, một cán bộ trong đoàn đã đọc câu đối của nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh tặng Đại tướng:”Cầm bút, cầm quân đều viết sử. Làm thầy làm tướng cũng vì dân”.
Khi cánh cửa mở, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân đi ra, nhiều phóng viên đã vây quanh. Đại tướng bước đến tay cầm lên một cành đa và cây ngọc lan nói: “Tôi và chị Hà (Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Pv) cùng gia đình tặng Ngã ba Đồng Lộc cây đa và cây ngọc lan này mong các đồng chí đem về trồng và chăm sóc hai cây mãi mãi xanh tươi nảy lộc ở Ngã ba di tích Lịch sử để tỏ lòng của bản thân và gia đình đối với các liệt sỹ nơi đây. Một lần nữa tôi gửi tất cả tấm lòng thương yêu đối với các anh chị em đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, mong mãi mãi trường tồn với non sông đất nước”.
Ông Nguyễn Văn Thắng (người ngồi cạnh Đại tướng bên trái) cùng đoàn cán bộ Hà Tĩnh ra Hà Nội nhận cây của Đại tướng
Kỳ lạ thay, mặc dù bên ngoài đang nắng gắt, nhưng khi cây đa và ngọc lan bắt đầu được chuyển ra để tặng cho Ngã ba Đồng Lộc, trời bất ngờ đổ mưa rất to, khiến mọi người có mặt đều bất ngờ.
Cũng trong dịp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn trao cho đoàn cán bộ Hà Tĩnh lời khắc ghi cùng cây lưu niệm tại Ngã ba Đồng Lộc với lời tựa:”Ngã ba Đồng Lộc một chiến công chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng, trên đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác mãi trường tồn với non sông đất nước”.
Hai cây này được lãnh đạo tỉnh và bà con nơi đây chung tay vun trồng ngay trong ngày 30/5/2008. Sau khi tiếp nhận cây, thời tiết đang oi bức bỗng chiều ấy có gió mùa đông bắc bổ sung, nhiều cơn mưa trong đêm rải rác kéo dài đến sáng. Suốt một tuần sau đó, thời tiết Hà Tĩnh luôn dịu mát, buổi chiều nào cũng có một trận mưa. “Khi trao tặng cây, Đại tướng mong muốn cây đa sẽ tỏa bóng mát che cho người người tới thăm di tích này, và cây ngọc lan trồng trên khu mộ sẽ luôn tỏa hương thơm nhớ ơn mười nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc…” – ông Thắng cho biết thêm.
Cây ngọc lan được trồng khu mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong
Sau 5 năm, hai món quà này đã bén rễ và ngày càng xanh tốt như tâm nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Bùi Văn Hùng – hướng dẫn viên tại khu di tích – cho biết: “Cây ngọc lan của Đại tướng là cây nở hoa thơm nhất vùng ở đây. Cây cũng nở hoa sớm nhất và kết thúc muộn nhất, thường là muộn hơn 2 tháng so với các cây còn lại”.
Hàng năm, hàng ngàn du khách thập phương thường xuyên ghé thăm nơi này mỗi khi đến Ngã Ba Đồng Lộc. Đó cũng chính là hai món quà quý giá mà Đại tướng gửi lại trên mảnh đất Đồng Lộc anh hùng.
Phượng Vũ
Theo Dantri
Kiến nghị lập Bảo tàng Đại tướng
Trung tướng Lê Nam Phong, Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TPHCM, cho biết, Ban liên lạc đang bàn bạc để kiến nghị cho thành lập Bảo tàng quốc gia Võ Nguyên Giáp. Đây sẽ là nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến Đại tướng.
Trung tướng Lê Nam Phong cho biết: "Khi chúng tôi đến thăm Đại tướng tại nhà thì thấy những vật kỷ niệm, những tài liệu liên quan để đầy nhà, thậm chí nhiều thứ phải để ngoài hàng lang vì không đủ chỗ. Theo tôi, cần phải có một bảo tàng mang tên Đại tướng để quy tập và giữ gìn những tài liệu, kỷ vật liên quan đến Đại tướng. Đó là điều cần thiết để tôn vinh một con người với nhiều đóng góp, chiến công vĩ đại như Đại tướng".
Trung tướng Lê Nam Phong (rìa trái) cùng các đồng đội cũ bàn về việc kiến nghị thành lập Bảo tàng Đại tướng
Đại tá Trần Thịnh Tần, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, thành viên Ban liên lạc Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TPHCM cho biết: "Ngay từ khi Đại tướng chưa mất, Ban liên lạc đã có 2 kiến nghị là khi Đại tướng mất phải tổ chức Quốc tang và lập Bảo tàng Đại tướng. Nay sau Quốc tang, chúng tôi mong sẽ sớm có Bảo tàng Đại tướng để lưu giữ những kỷ vật quý giá về Đại tướng. Tôi tin là khi bảo tàng được thành lập, sẽ có thêm nhiều kỷ vật liên quan đến Đại tướng được chiến sĩ, nhân dân cả nước gửi về".
Đại tá Nguyễn Văn Thái, nguyên Cục trưởng Cục Tài vụ, cựu chiến Binh Trường Sơn cũng rất đồng tình với ý kiến trên. Ông cũng đã đứng đơn với tư cách cá nhân gửi thỉnh nguyện lên Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Hội Cựu chiến binh Việt Nam mong được thành lập Bảo tàng quốc gia Võ Nguyên Giáp.
Ông nói: "Nhà số 30 Hoàng Diệu ở Ba Đình, Hà Nội đầy ắp những kỷ vật quý báu nhất của nhân dân Việt Nam và thế giới trao tặng Đại tướng. Những báu vật ấy không chỉ riêng của gia đình Đại tướng mà còn là tài sản vô giá của quốc gia. Vì lẽ đó, với tấm lòng ngưỡng mộ vô bờ bến đối với Đại tướng, tôi tha thiết đề nghị Bộ Chính trị quyết định cho lập Bảo tàng quốc gia Võ Nguyên Giáp với quy mô tương xứng và địa điểm thuận lợi nhất ở thủ đô Hà Nội. Để từ nay và mãi mãi về sau, nhân dân Việt Nam và thế giới có điều kiện chiêm ngưỡng một thiên tài kiệt xuất của thời đại".
Về kinh phí, theo Đại tá Nguyễn Văn Thái, nếu Trung ương không đủ kinh phí thì có thể vận động toàn thể cựu chiến binh cả nước đóng góp. Ông cho rằng: "Tôi nghĩ chỉ với đóng góp của các cựu chiến binh cũng đủ xây một bảo tàng tương xứng với tên tuổi Đại tướng".
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Những hình ảnh đầy xúc động ngày đại tang Một em nhỏ vẻ nghiêm trang mang di ảnh đi viếng Đại tướng. Nữ cảnh sát giao thông quay mặt giấu giọt nước mắt lăn dài. Người lính già, ngực treo nặng huân chương kính cẩn tư thế chào của nhà binh. Không tiếng nức nở mà vẫn nghe cay xè sống mũi... Từ những hàng nước mắt trào dâng trước căn nhà...