Chuyện về giáo sư và ngoại ngữ
Thông tư số 30 do Bộ GD – ĐT ban hành đã gây hiểu nhầm về việc bỏ quy định phải thạo một ngoại ngữ đối với các ứng cử viên chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, sau đó, Bộ GD-ĐT đã giải thích: Ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Xung quanh chủ đề này, PV có cuộc trò chuyện cùng TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD – ĐT) về thực trạng sử dụng tiếng Anh trong giới học thuật hiện nay.
Không “thạo ngoại ngữ” là một bước lùi
Thưa ông, ông có nhận xét gì về quy định sử dụng ngoại ngữ của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư hiện nay?
Trước đây, có quy định là phó giáo sư có thể sử dụng tiếng Anh trong nghiên cứu, nôm na là không nhất thiết phải nghe, nói thành thạo. Còn giáo sư thì phải trình bày được nội dung các vấn đề học thuật của mình bằng tiếng Anh, ai muốn làm giáo sư cần có một bản báo cáo tóm tắt bằng tiếng Anh về kết quả nghiên cứu của mình. Tôi cũng biết có nhiều người đăng ký xét giáo sư đã phải đi nhờ người khác dịch báo cáo này từ tiếng Việt qua tiếng Anh về những công việc chuyên môn đã thực hiện được, các vị ấy học thuộc lòng để lên trình bày cho trôi chảy. Gần đây, Bộ GD – ĐT cũng đã thúc đẩy việc đưa tiêu chuẩn ngoại ngữ vào các yêu cầu đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Nếu không yêu cầu giáo sư, phó giáo sư phải thành thạo ngoại ngữ thì sẽ là một bước lùi lớn. Theo tôi, cần phải tăng thêm yêu cầu đòi hỏi ứng viên phải có công trình công bố bằng tiếng nước ngoài, trên tạp chí khoa học, sách của các nhà xuất bản có uy tín của nước ngoài. Chứ như hiện nay, một số ứng viên cứ tìm mọi cách để có báo cáo tại hội nghị quốc tế nhưng khá mông lung: “Hội nghị quốc tế” nhưng phải là ở nước nào, tính chất học thuật đến đâu? Thậm chí, nhiều người còn không xuất hiện, mà chỉ gửi bài đăng (vì có hội nghị, hội thảo đăng tất những bài được gửi đến).
Ở các nước, người ta quy định việc thành thạo ngoại ngữ đối với ứng viên giáo sư, phó giáo sư như thế nào?
Tiếng Anh là một sự ngầm định của giới học thuật quốc tế. Khi đã là giảng viên hay làm nghiên cứu khoa học thì phải ở một ngưỡng trình độ nào đó, phải thể hiện được năng lực của mình khi làm việc với các đồng nghiệp ở nước ngoài. Ở Nhật Bản, đã là giáo sư thì phải có bài báo bằng tiếng nước ngoài, xuất bản ở một tạp chí có uy tín phải sử dụng được ngoại ngữ đó trong giao tiếp học thuật. Còn ở Đức hoặc là một số các nước châu Âu, người ta có một sự mặc định là bên cạnh tiếng mẹ đẻ anh còn phải làm việc được bằng tiếng Anh. Tất nhiên, ở Việt Nam thì ngoài lựa chọn bằng tiếng Anh cũng có thể dùng tiếng Đức, tiếng Pháp hay tiếng Trung… nhưng mà phải sử dụng thành thạo.
Video đang HOT
Nếu không có quy định phải thành thạo ngoại ngữ, liệu có dẫn đến “lạm phát” số lượng giáo sư, phó giáo sư?
Đúng, nó lạm phát là bởi nhiều lẽ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đã từng có thống kê cho biết: Có khoảng 1/2 số giáo sư, phó giáo sư không làm việc trong các cơ quan học thuật. Nghĩa là ở ta vẫn còn phổ biến căn bệnh sính bằng cấp. Nhiều người sau khi học tiến sĩ xong, thấy còn thiếu thiếu thế là cố để được công nhận là phó giáo sư, rồi giáo sư. Trong nhiều cơ quan, khi sử dụng người lao động, người ta cũng ngầm định phó giáo sư là hơn tiến sĩ, giáo sư hơn phó giáo sư. Nhưng trong quy ước của quốc tế thì giáo sư, phó giáo sư nó chỉ là chức danh của công việc. Ở nhiều nước thì người ta mặc định là khi anh đi dạy đại học, anh sẽ có một cái hàm gọi là phụ tá giáo sư, rồi phó giáo sư, giáo sư. Vì vậy, ở nước ngoài những người trẻ tốt nghiệp tiến sĩ một vài năm cũng có thể trở thành phó giáo sư, vì đấy là chức danh. Ở ta thì bị hiểu sai, và mọi người cứ nghĩ đó là thể hiện đẳng cấp khoa học: Cứ là anh được công nhận là giáo sư là phải hơn anh chỉ có bằng tiến sĩ.
Tuy vậy, về mặt số lượng, có lẽ chúng ta vẫn chưa đủ giáo sư, phó giáo sư. Nếu nói đã đủ (những người có cống hiến nhiều cho xã hội) thì chắc là chưa đủ. Nhưng mà có thừa hay không thì cũng có thể nói rất thừa vì những người mang danh là giáo sư, phó giáo sư nhưng không giảng dạy, nghiên cứu. Điều này chúng ta cũng nên đặt câu hỏi ngược trở lại: Tại sao chúng ta cứ nhất thiết phải phong giáo sư, phó giáo sư cho những người không làm công tác dạy học hay là nghiên cứu?
Nên trả lại cho trường
Vì sao giáo sư, phó giáo sư ở ta thì nhiều nhưng các công trình được thế giới biết đến thì hầu như chưa có? Phải chăng, yếu ngoại ngữ cũng là một nguyên nhân?
Ở đây có hai vấn đề là ngoại ngữ và động lực công bố. Khi yêu cầu về công bố quốc tế không được đặt ra nghiêm túc thì khó bắt được họ thực hiện. Mặt khác, yêu cầu học thuật của các nhà xuất bản, các tạp chí quốc tế có uy tín thường rất cao nên người Việt Nam ít có công bố quốc tế là vậy. Viết (bằng ngoại ngữ) đã vất vả, mà viết đúng định dạng, khuôn mẫu của họ lại càng khó nên học giả Việt Nam thường không qua nổi cửa phản biện. Ngay một chuyện tưởng như là nhỏ là trích dẫn tài liệu tham khảo đã là cả một vấn đề lớn. Mỗi nhà xuất bản, mỗi tạp chí có quy định riêng về trích dẫn tài liệu, mà các học giả Việt Nam lại ít khi trích dẫn đúng cách nên “chịu thua”, không công bố nữa. Ngoài ra, lệ phí để công bố cũng là điều các học giả Việt Nam không kham nổi khi kinh phí nghiên cứu không có mục chi cho việc đó.
Ở các nước, việc bổ nhiệm chức danh giáo sư là việc của các trường, vậy ở ta có nên để các trường làm việc đó?
Đã đến lúc phải để cho các trường thực hiện việc phong chức danh. Tuy nhiên, Nhà nước có thể kiểm soát được bằng các tiêu chuẩn và hạn ngạch đối với các trường, các ngành học. Có quốc gia đưa tổng hạn ngạch chức danh giáo sư vào luật giáo dục đại học của họ, các trường cứ thế mà thực hiện. Để tránh “lạm phát” chức danh cần có quy chế xác định chặt chẽ khi nào trường được bổ nhiệm chức danh giáo sư và chức danh đó có ý nghĩa gì với nhà trường, với ngành học đó. Và các chức danh giáo sư cần được bổ nhiệm theo cơ chế cạnh tranh công khai cho tất cả mọi người, bất kể trong hay ngoài nhà trường, miễn là đáp ứng được các yêu cầu về học thuật và hành chính. Yêu cầu của chức danh cũng phải đưa ra các yêu cầu về phát triển khoa học, tránh hiện tượng được chức danh rồi thì không làm gì nữa.
Theo ông, ở Việt Nam, các trường có đủ năng lực không, nếu được giao việc này?
Cái này tùy theo quyền hạn được giao. Nếu giao quyền quá thoáng thì e các trường không đủ sức, ngược lại, quá hạn chế thì chẳng còn gì để thực thi. Vấn đề là phải nắm bắt tình hình và có các điều chỉnh phù hợp để phát huy năng lực của các trường mà không làm hỏng ý nghĩa của chức danh. Như đã nói, vấn đề còn là ở chỗ ta hiểu chữ “giáo sư” như thế nào. Nếu theo thông lệ quốc tế thì vấn đề bổ nhiệm chức danh giáo sư không phải là vấn đề quá lớn và khi rời khỏi chức vụ (giảng dạy) đó, người ta cũng sẽ vui vẻ từ bỏ chức danh giáo sư của mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo SVVN
Harvard điều tra 125 sinh viên trong vụ gian lận gây chấn động
ĐH Harvard đang điều tra 125 sinh viên với cáo buộc không trung thực, giáo sư đứng lớp Platt chưa có bình luận về vụ này. Đây là vụ gian lận chưa có tiền lệ về vi mô và mức độ ở ĐH hàng đầu thế giới.
Trong tuần rồi, ĐH Harvard của Mỹ, trường danh tiếng nhất thế giới, bất ngờ đưa ra thông tin gây chấn động trong làng học thuật. Trường đang điều tra 125 sinh viên với cáo buộc "không trung thực trong học thuật, từ phối hợp trái phép cho đến đạo văn".
Ban lãnh đạo nhà trường chưa công bố tên khóa học nhằm bảo vệ danh tính của các sinh viên trong lúc điều tra. Tuy nhiên, báo Harvard Crimson đưa tin đây là lớp học quản lý công, khóa học mang tên "Trình bày trước quốc hội", có 279 sinh viên do Giáo sư Matthew B.Platt giảng dạy.
Khi kiểm tra lại điểm các bài thi cuối khóa vào tháng 5, một giáo sư phát hiện có nhiều điểm giống nhau trong các bài thi và lập tức báo cho ban quản lý nhà trường. Sau khi tiến hành xem xét lại bài thi của tất cả sinh viên tham dự khóa học nói trên, ban quản lý kết luận gần phân nửa số bài thi có dấu hiệu phối hợp.
ĐH Harvard của Mỹ đang điều tra việc các sinh viên phối hợp ý tưởng trong khi làm bài khóa luận
Quy định không rõ ràng?
Điểm cho khóa học nói trên hoàn toàn dựa vào các bài kiểm tra làm tại nhà. Sinh viên có nhiều ngày để hoàn tất bài làm và các nghiên cứu sinh chấm những bài kiểm tra này. Nhiều sinh viên than phiền các nghiên cứu sinh không thống nhất từ cách cho điểm đến khái niệm nguồn tham khảo. Do đó, theo sinh viên, họ phải thường chia sẻ ghi chú từ bài giảng của Giáo sư Platt, từ các đợt thảo luận trong lớp và các tài liệu mà họ tin mình được phép sử dụng.
"Tôi chỉ là người chia sẻ ghi chú, nhưng bây giờ lại mắc kẹt trong vụ này. Mọi người trong lớp đều chia sẻ ghi chú, nên khó tránh các câu trả lời trong bài kiểm tương tự nhau", một sinh viên đang đối mặt cáo buộc gian lận cho hay.
Quy định cho việc làm bài thi tại nhà nêu rõ: "Bài thi hoàn toàn mở, được tham khảo sách, ghi chú và internet... Tuy nhiên, vẫn phải tuân theo các hướng dẫn tương tự áp dụng cho các bài thi tại lớp. Đặc biệt, sinh viên không được thảo luận với người khác". Nhiều sinh viên cho hay việc trao đổi với nghiên cứu sinh về bài thi là chuyện phổ biến.
Một sinh viên kể rằng khi đến hỏi nghiên cứu sinh về bài thi cuối khóa thì thấy có một nhóm sinh viên ở đó hỏi về một câu hỏi trong bài thi có thuật ngữ lạ. Sinh viênnày cho hay nghiên cứu sinh đã định nghĩa thuật ngữ đó cho họ. Một số sinh viênthừa nhận có chia sẻ ý tưởng và tài liệu ngay trong tuần mà họ được giao làm bài thi. Tuy nhiên, tất cả sinh viên trả lời phỏng vấn báo The Boston Globe đều cho rằng các quy định cho bài thi nói trên không rõ ràng nên họ không nhận ra mình đang gian lận. Trong khi đó, một số giáo sư ĐH Harvard nhấn mạnh rằng sinh viênphải biết một bài thi cuối khóa có yêu cầu cao hơn so với các bài luận được giao trong khóa học.
Hình phạt
ĐH Harvard vẫn đang tiếp tục điều tra và giáo sư đứng lớp Platt cùng các nghiên cứu sinh chưa có bình luận về vụ này. Tuy nhiên, nếu có đầy đủ bằng chứng cho thấy những sinh viên bị nghi thật sự gian lận, họ có thể nhận nhiều hình phạt khác nhau từ cảnh cáo cho đến bị đình chỉ học một năm. Những người đã tốt nghiệp có thể bị tước văn bằng. "Đây là vụ chưa có tiền lệ về vi mô và mức độ", The New York Times dẫn lời Trưởng phòng Đào tạo ĐH Harvard Jay Harris.
Theo Thanh Niên
Bí quyết thành công du học Mỹ Trong năm đầu tiên ở Đại học Pennsylvania State, Mỹ tôi đã phải đọc gần 1.000 trang sách mỗi tuần; tham gia các buổi thảo luận mỗi ngày; viết từ 3-5 trang luận 2 tuần một lần; làm việc nhóm và thuyết trình trước hội trường lớn. Đó là những chia sẻ của Hal Merando, quản lý học vụ tại Language Link Việt...