‘Chuyện rồ’ ở Chư Đăng Ya
Hai thanh niên Jrai là Pyiu và Tai ở xã Chư Đăng Ya, H.Chư Pah ( Gia Lai) từ hai năm nay hễ hè về là kéo đám trẻ con trong làng ra suối tập bơi.
Tai (trái) và Pyiu dạy các em những động tác thể dục cơ bản trước khi tập bơi – Ảnh: Trần Hiếu
Người các làng ban đầu nghĩ hai đứa thanh niên làm “chuyện rồ”. Nhưng rồi kỹ năng này đã giúp nhiều em nhỏ bản địa biết bơi, thoát chết trong gang tấc khiến họ thán phục.
Cuộc sống của những cư dân bản địa Jrai dưới chân ngọn núi lửa triệu năm Chư Đăng Ya oằn gánh mưu sinh. Suốt ngày lăn lưng với đồng đất song cái nghèo vẫn đeo đẳng họ. Vậy nên việc rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho các em phần nhiều bị lơ là, trong khi quanh làng là những suối dữ, hồ sâu. Song, hai thanh niên ở làng đã trở thành những người “gõ đầu trẻ”, trang bị cho các em kỹ năng này.
Thầy dạy bơi… tay mơ
Tây nguyên đang độ mùa mưa. Sông suối cao nguyên hiền lành là thế bỗng trở thành bao con nước dữ. Những cơn mưa dằng dặc như thối đất, thối trời khiến con suối dưới ngọn núi lửa Chư Đăng Ya trở nên dữ hơn. Hồ Ia Nâm ngờm ngợp nước… Tất cả trở thành hiểm họa khôn lường, đặc biệt là mùa mưa cao nguyên cũng trùng với kỳ nghỉ hè của các em. Không có những trò chơi như phố thị, học sinh ở đây chỉ biết tụm lại theo lũ bò. Sáng mờ sương, đám trẻ cơm đùm cơm bới lùa bò ra đồng, lên núi rồi thơ thẩn với đất cát, bên những hồ, sông sâu, tối mới về lại làng. Hành trình ấy lặp lại từng ngày và cũng hàm chứa hiểm nguy khi các em vui chơi bên các dòng nước dữ.
Niềm vui được học bơi khi hè đến – Ảnh: Trần Hiếu
Chuyện lạ ở Chư Đăng Ya cũng từ những buổi chăn bò ấy. Bọn trẻ hỏi Pyiu và Tai rằng:
- Các anh có biết bơi không?
- Có chứ, không biết bơi đuối nước thì sao!
- Các anh dạy chúng em được không? Bọn em thèm học bơi mà không ai dạy cả.
Video đang HOT
- Được thôi, mấy hôm nữa nhé!
Từ lời hẹn của hai chàng trai bản địa buổi hôm ấy, lớp học bơi… dã chiến đã thành hình, tồn tại suốt hai năm qua.
Hai trai làng trở thành những ông thầy bất đắc dĩ. Pyiu kể: “Thấy các em hào hứng quá thì cũng hứa… liều! Tối về nghĩ lại thấy cũng lo. Học ở đâu, dạy ra sao? Lúc đầu cả hai hì hụi lục trên YouTube cách dạy bơi, các kỹ năng sinh tồn dưới nước. Trên ấy họ hướng dẫn kỹ, hay nhưng áp dụng sẽ khó bởi các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhận thức sẽ không như nhau, rồi phương tiện tập luyện hạn chế. Hai anh em bàn mãi cuối cùng cũng quyết định: Lúc đầu sẽ giúp các em nổi, thăng bằng trên nước bằng vật dụng gì đó, rồi sau mới tập động tác bơi dần dần”.
Dụng cụ cho lớp học bơi dã chiến này được hai “thầy giáo” tìm mua ở các cơ sở nhôm nhựa phế phẩm. Đó là những can nhựa chưa thủng lỗ, dùng thay phao. Con suối dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya là địa điểm của “lớp học”.
Buổi đầu hơn chục em. Rồi “lớp học” bơi tăng dần sĩ số lên 17, 20, 30… Lợi thế tiếng bản địa, động tác dễ hiểu cùng sự hứng thú đã thu hút các em.
Nhờ lớp học bơi miễn phí này, nhiều học sinh bản địa được trang bị kỹ năng sinh tồn – Ảnh: Trần Hiếu
Niềm vui dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya
Khách thập phương có lẽ nhiều người biết đến Chư Đăng Ya với miệng núi lửa hàng triệu năm, vươn lên sừng sững trong ngàn mây. Độ cuối năm, cả vùng núi tràn ngập sắc vàng của dã quỳ, sắc tím cỏ đuôi chồn. Cảnh sắc nên thơ là vậy nhưng xã cùng tên núi này, cuộc sống người dân với hơn 2.000 người, hơn 80% là đồng bào bản địa Jrai vẫn còn khó khăn. Số nhà gọi là tươm tất chút có lẽ chỉ đếm chưa đủ hai bàn tay.
Khoảng 500 học sinh ở xã đang ở bậc tiểu học, THCS hầu hết chưa biết bơi. Và lớp học bơi nghiệp dư này đã giúp cho hơn 100 học sinh biết bơi. Nay thì rất nhiều học sinh đã có những kỹ năng tương đối để sinh tồn khi xuống nước. Cũng từ hai năm qua, xã này không có học sinh bị đuối nước.
Nhiều học sinh trong xã đã tìm đến lớp dạy bơi này mỗi khi hè về. Anh Pyai ở làng Ia Gri khoe: “Cháu ruột của mình, thằng Phiên (12 tuổi) đã biết bơi từ lớp học bơi này đấy. Nó học về khoe biết bơi rồi, mình chẳng tin. Đến khi thấy nó nhảy xuống hồ Ia Nâm tắm với mấy đứa nhỏ trong làng thì mới hay. Mình cũng không biết bơi, hễ thấy nước lớn là sợ. Thanh niên làm hay hơn ông già rồi! Hay lắm”.
Người làng cũng thấy lạ, mấy buổi đầu họ đến tận nơi xem, có người lắc đầu thì thầm: “Hai thằng thanh niên đang làm “chuyện rồ” rồi!”. Song chỉ ngay tuần đầu, các em đã bơi được. Em chậm hơn thì mất cả chục ngày. Lúc ấy, người làng mới gật gù khen. Lứa “tốt nghiệp” đầu tiên được liên hoan bằng mấy gói kẹo mua vội ở tiệm tạp hóa đầu làng. Khích lệ thôi nhưng niềm vui tràn ánh mắt cả thầy lẫn trò.
Vậy là như lời hẹn ước định sẵn, cứ hè đến là hai chàng thanh niên Pyiu và Tai lại “chiêu sinh” học viên học bơi. Lớp học miễn phí này đã giúp cho các em những kỹ năng cơ bản, bổ ích. Tai nói: “Mình làm nông thôi, bận rộn nhưng thấy các em vậy cũng thương. Vậy là cùng Pyiu dạy bơi cho các em. Mình học mới đến lớp 4, khổ cũng nhiều rồi. Thấy các em vậy, mình mong giúp cho các em thêm kỹ năng sống, muốn các em học cao hơn mình nhiều nữa để bớt khổ. Làm gì cũng phải học nhiều mới biết”.
Đáng phục hơn là Pyiu, Tai cùng Hrưi, một thanh niên không biết chữ nhưng có tài diễn xuất đã lập nên một tài khoản có tên Rup TV trên YouTube, tải nhiều hình ảnh, clip về phong cảnh đẹp, phong tục tập quán người bản địa… thu hút khá đông người xem. Pyiu khoe: “Nghề chính của em là thiết kế nội thất cho các quán karaoke. Nhưng cái Rup TV của em có lượng xem đông lắm đấy, có clip đến vài triệu lượt view. Cứ mỗi tháng nhóm em được 13, 14 triệu đồng quảng cáo đó”.
Nói về việc làm của “hai thầy” dạy bơi cho các em, ông Me, già làng làng Xóa, xã Chư Đăng Ya nói: “Chúng được!”. Câu nói ngắn gọn nhưng chất chứa cả sự thán phục, ủng hộ và cả tình thương nữa đối với những người làm việc tốt cho làng, cho các em!
Cứu bạn thoát đuối nước
Cách đây chưa lâu, từ kỹ năng của lớp học bơi này đã giúp cho một học sinh trong xã thoát đuối nước. Số là em A Lai học lớp 7 cùng các bạn trong xã rủ nhau đi chơi ở gần một hồ nước trong xã. Em Bích (11 tuổi) đi chơi cùng nhóm không may trượt chân xuống chỗ nước sâu. Cả nhóm đứng chết lặng. Tiếng kêu người lớn đến cứu như lạc vào thinh không bởi khoảng cách từ các làng đến hồ quá xa. Rất nhanh trí cộng với kỹ năng bơi, cứu người được học từ lớp học của thầy Tai và Pyiu, A Lai nhảy ùm xuống nước cầm được tóc của Bích kéo lên bờ, cứu bạn thoát đuối nước trong gang tấc. “Bích uống nước vào bụng rồi nhưng không sao. Sau lần ấy, Bích xin đi học bơi cùng cháu. Giờ thì bạn bơi được rồi”, A Lai kể.
Theo thống kê của cơ quan chức năng ở Gia Lai, tính từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 140 vụ đuối nước khiến hơn 160 học sinh tử vong. Đây cũng là tỉnh có tỷ lệ học sinh đuối nước cao trên cả nước. Nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước như: phụ huynh thiếu quan tâm, nhắc nhở, giám sát con em mình; môi trường sống thiếu an toàn cho trẻ; đa số trẻ em chưa biết bơi; thiếu các khu vui chơi cho trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa; cơ sở vật chất để phổ cập môn bơi chưa được đầu tư thỏa đáng.
Theo Thanh niên
Càng sợ nước càng phải học bơi
Vào hè, các địa phương đồng loạt phát động phòng chống đuối nước, các phương tiện truyền thông ra rả cảnh báo, nhưng số vụ trẻ em bị đuối nước vẫn cứ diễn ra đều đều.
Một ngày sau khi trường THCS Trung Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) tổng kết năm học, sáng 30/5 tập thể lớp 8A tổ chức buổi liên hoan tại nhà riêng lớp trưởng để chia tay một bạn chuyển trường. Tàn tiệc, một số bạn trở về nhà, 15 em cả nam lẫn nữ đi dã ngoại tiếp. Nhóm học sinh háo hức đèo nhau tới khu vực đập Trại Xanh ở xã Bắc Thành để picnic. Trời nắng nóng, nhóm bạn nổi lửa nướng thịt, nhóm khác ra mép nước nô đùa... Một nữ sinh bất ngờ sảy chân chìm xuống hố. Đám nữ sinh gần đó nhào xuống cứu bạn nhưng rồi nằm luôn dưới đáy đập.
Một ngày tháng 6, nhóm học sinh khác ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), nghỉ hè rảnh rỗi rủ nhau ra sông Mã, đoạn qua địa bàn làng Vực xã Vĩnh Ninh tắm mát. Đoạn sông Mã lộng gió, tràn nắng nhưng chẳng có bóng người. Nhóm bạn nô đùa dưới nước không may bị nước cuốn khiến 4 học sinh chết đuối.
Trước kì thi THPT quốc gia, ngày 23/6, hai nam sinh lớp 12 vĩnh viễn nằm lại dưới đoạn sông Lam (đoạn qua huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong khi hơn 800.000 bạn đồng trang lứa khác bước vào phòng thi THPT quốc gia 2019.
Những cái chết thương tâm lặng lẽ dưới hồ, ao, sông... diễn ra liên tục và chưa bao giờ dừng lại. Có những vụ đuối nước tập thể khiến cả xã bao trùm một màu trắng tang thương, hiu hắt. Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng đuối nước thương tâm khi đang cùng con bơi lội. Đó là trường hợp của một cán bộ địa chính xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An mới tử vong tại hạ lưu đập Bara Đô lương. Trong lúc đưa con đi tắm mát ở khu vực hạ lưu đập- một nơi nguy hiểm không có biển cảnh báo, người bố ấy đã ra đi mãi mãi chỉ vì một phút sơ sẩy.
6 tháng đầu năm 2019, hàng loạt vụ đuối nước tập thể đã xảy ra, mặc cho những chiếc loa ở hàng trăm xã ngoại thành Hà Nội đã ráo riết phát động phong trào phòng chống đuối nước ngay từ đầu hè. Ông Nguyễn Trường Sơn , Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, Việt Nam là một trong những nước có hệ thống sông ngòi đa dạng, phong phú. Hệ thống sông, kênh rạch dày đặc cũng tăng nguy cơ, rủi ro cho trẻ nhỏ. Các em thường rủ nhau ra sông, ra hồ bơi lội. Vào mùa hè, các em được nghỉ, thiếu sự giám sát của thầy cô, bố mẹ nên tỷ lệ đuối nước trong mùa hè tăng cao.
Ngày nhỏ đã từng rất sợ nước, từng một lần suýt chết vì nước, Đoàn Văn Tùng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên dạy bơi tại Hà Nội. "Tôi đã từng rất sợ nước, nhìn thấy nước là sợ. Mỗi lần nghĩ đến giây phút chới với dưới nước, tôi đã thề sẽ không bao giờ cho chân xuống nước. Nhưng rồi lên đại học, tôi lại thích thể dục thể thao. Tôi đầu quân học Khoa Giáo dục thể chất, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Rồi tôi học bơi, học gym... thành ra nghiện những môn thể thao tăng cường sức khỏe".
Đoàn Văn Tùng hiện đang làm Quản lý điều hành bể bơi và Trung tâm dạy bơi tại CLB Bơi Diamond Đường bơi xanh, Khu đô thị Gold mark 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội. Là một thầy giáo dạy bơi có thâm niên gần chục năm, Tùng cho biết: "Từ khi học bơi, tôi bớt sợ nước hơn, tôi tiếp xúc với nước nhiều hơn. Khi biết bơi, tôi thấy mình tự tin hơn rất nhiều. Cũng vì một lần suýt đuối nước nên tôi đã theo và dạy bơi phổ cập cho các bạn nhỏ tại Hà Nội, Hưng Yên... với mong muốn không còn đứa trẻ nào sợ nước, gặp bất cứ bất trắc nào chúng cũng có thể xử lý, tự cứu mình... Cuộc sống cần rất nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng bơi là điều cần thiết. Phòng chống đuối nước quan trọng và liên hệ mật thiết đến sự phát triển sống còn của trẻ".
Theo anh Tùng, bơi lội là môn thể thao tốt cho sức khỏe, ít chấn thương nhất trong tất cả các môn thể thao vận động, vì thế bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể theo học: "Nhiều trẻ rất sợ nước và nhút nhát, chúng có thể sẽ khó khăn hơn khi tiếp cận môn bơi, sẽ học bơi lâu hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng là thầy giáo - tôi luôn cố gắng tâm huyết hơn với những trường hợp đó, động viên phụ huynh không bỏ cuộc. Cố gắng từng ngày từng ngày một, chỉ cần nhìn thấy các bé dám thò chân xuống nước, dám mặc đồ bơi, dám khua tay khua chân theo hướng dẫn của thầy... đã là quá hạnh phúc rồi. Đứa trẻ nào rồi cũng sẽ vượt qua được nỗi sợ nếu có người lớn đồng hành và theo sát".
Bơi là môn học thú vị cho trẻ em nhưng không được nhiều phụ huynh quan tâm đưa con đến bể bơi. Hiện tại số lượng học sinh của bên mình là khoảng hơn 50 cháu và số lượng đang tăng lên. Tùng nói thêm, mỗi ngày ở nơi Tùng quản lý có 4 ca, sáng 2 ca và chiều 2 ca, mỗi ca khoảng gần chục trẻ. Số lượng trẻ tập bơi mỗi ca chỉ dưới 10 cháu để HLV, có thể chuyên tâm dạy cho từng em. Tuy nhiên, số lượng trẻ học bơi hiện nay chưa thấm vào đâu so với số lượng trẻ đông đúc trên địa bàn.
"Bên cạnh nhiều phụ huynh đầu tư cho con học bơi, còn không ít phụ huynh vẫn coi học bơi là vui hè, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Nghĩa là con trẻ biết bơi hay không không quan trọng - đó là suy nghĩ sai lầm. Trẻ được học bơi vừa học được thêm được một kỹ năng quan trọng, vừa tự tin hơn, tăng cường sức khỏe dẻo dai. Cho con được cơ hội học bơi chính là trao cho con một cánh cửa khám phá thế giới ở một góc độ khác, rất thú vị. Trẻ từ 5-6 tuổi trở lên hoàn toàn có thể học bơi. Dưới tuổi ấy, phụ huynh có thể cho các con ra bể bơi làm quen với nước" - Tùng nói.
Đoàn Văn Tùng đưa lời khuyên, với những trẻ bị sợ nước hay tâm lý nhút nhát, phụ huynh đừng lo lắng khi dẫn con đến bể bơi. Điều phiền toái nhất chỉ là thời gian học của các con sẽ kéo dài hơn một chút thôi, chứ tất cả nỗi sợ sẽ qua đi nhanh chóng khi các con được thầy cô dạy khám phá nước, chơi dưới nước... "Giai đoạn đầu các thầy sẽ làm tâm lý với trẻ, để trẻ tự tin hơn khi tiếp xúc với nước. Với kinh nghiệm dạy bơi của mình, tôi thấy những cháu lúc đầu sợ nước sau khi qua giai đoạn làm quen với nước và nổi trên mặt nước, các con sẽ vô cùng thích thú, tự tin hơn rất nhiều. Các giai đoạn sau của môn bơi các con sẽ bơi rất giỏi và hoàn toàn có thể hoàn thành khóa bơi xuất sắc".
Thiết kế: Mẫn San
Việt Đan
Theo ngaynay
Giải pháp nào phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em? Hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra gần đây trên cả nước đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ thiếu kỹ năng mềm về phòng chống đuối nước và bơi lội. Cùng với nhiều giải pháp song hành thì đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất trong trường học sẽ là "chiếc...