Chuyện “Quang Trung là Nguyễn Du” – Góc nhìn từ một giáo viên Tiểu học
(GDVN) – Chuyện học sinh không thuộc sử có lỗi do nội dung chương trình, sách giáo khoa và cả cách dạy – học lịch sử.
LTS: Chương trình chuyển động 24h của VTV1 ngày 11/7 có phát một clip phỏng vấn một số học sinh về kiến thức lịch sử, có học sinh hồn nhiên trả lời: “Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính ông Quang Trung”.
Là một giáo viên Tiểu học, thầy giáo Trần Sơn-từ Phú Thọ-thấy rất buồn lòng khi nghe học sinh trả lời như vậy, nhưng cũng không thể chỉ trách riêng các em được. Vậy lỗi ở đâu?
Nội dung chương trình, sách giáo khoa Lịch sử Tiểu học quá hàn lâm
Thời chúng tôi học Tiểu học (những năm 80 của thế kỉ trước) lịch sử được học dưới dạng những câu chuyện gọi là môn Truyện kể lịch sử.
Ở đó, học sinh được tiếp thu các kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng và hấp dẫn qua các câu chuyện kể về các nhân vật, sự kiện và các địa danh lịch sử.
Học sinh cũng chỉ cần nhớ tên danh nhân, các mốc lịch sử, các địa danh lịch sử, tên các sự kiện lịch sử quan trọng.
Mỗi bài của môn Truyện kể lịch sử được thiết kế ngắn gọn như một bài Tập đọc có nội dung lịch sử, ví dụ như “ Trần Quốc Toản bóp nát quả cam“, “ Dẹp loạn 12 sứ quân“; “ Chặt cánh tay phá đồn địch“, “ Người con trung hiếu“… Chính vì vậy mà tiết học thu hút được học sinh và học sinh nhớ lịch sử rất lâu.
Video đang HOT
Hiện nay, ở cấp Tiểu học, phân môn Lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý. Theo tôi, nội dung chương trình, sách giáo khoa phân môn Lịch sử còn quá hàn lâm.
Học sinh mới 10, 11 tuổi mà bắt các em nắm kiến thức lịch sử một cách hệ thống như người lớn. Nào là phải nắm kiến thức lịch sử theo từng thời kỳ, nào là phải nêu diễn biến các trận đánh, nào là phải nêu ý nghĩa của từng sự kiện lịch sử.
Nội dung các bài học môn Lịch sử lại khô khan, gần như chỉ thuần túy cung cấp kiến thức mà không có các chi tiết, các câu chuyện lịch sử hấp dẫn.
Chính vì thế mà học sinh không hứng thú khi học phân môn này, và các em cũng rất chóng quên các kiến thức mà các em đã được học.
Kiến thức và cách giảng dạy của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu
Kiến thức nói chung và kiến thức lịch sử nói riêng của một bộ phận giáo viên Tiểu học còn hạn chế.
Vì thế, có cô giáo viết: “Nguyễn Hiền là ông vua nhỏ tuổi ở nước ta”, có những thầy cô không biết thầy giáo Chu Văn An sống ở triều đại nào.
Thậm chí có thầy cô dạy học hàng chục năm ở một xã nọ nhưng không biết đền thờ nổi tiếng (được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia) ở xã đó thờ danh nhân nào và danh nhân đó có công lao gì.
Dạy Lịch sử bằng phương pháp nghe nhìn cho học sinh Tiểu học (Ảnh minh họa của: lequydonhanoi.edu.vn)
Trên Báo Bình Thuận Online, cô giáo Phan Tuyết cũng chia sẻ: “Dạy về các triều đại phong kiến nước ta, cô không thể kể được những câu chuyện về lịch sử hay những giai thoại nói về thời kỳ ấy.
Bài giảng của nhiều thầy cô chỉ gói gọn trong vài trang sách giáo khoa đã viết. Không ít cô thầy suy nghĩ: Đã vất vả cả quãng đời học sinh, sinh viên, khi đi dạy rồi không cần tốn nhiều công sức như thế nữa.
Vì thế, sự hiểu biết cứ ngày càng mai một và cạn dần. Kiến thức mới ít được cập nhật, kiến thức cũ bị bào mòn từ năm này qua năm khác, những bài dạy của thầy cô, đặc biệt là thầy cô dạy môn xã hội cứ nghèo nàn, đơn điệu, ít thu hút học trò say mê nghe giảng”.
Phương pháp giảng dạy phân môn Lịch sử của không ít thầy cô vẫn còn chưa đổi mới: thầy cô (hoặc một học sinh đọc tốt) đọc bài, sau đó thầy cô lần lượt hỏi và học sinh trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa, thầy cô chốt lại ý đúng, cuối cùng cho học sinh đọc lại phần tóm tắt kiến thức cuối bài để củng cố bài học.
Việc sử dụng đồ dùng dạy học trong phân môn này cũng còn hạn chế, nhất là các giờ các thầy cô “tự dạy” mà không “bị” ai kiểm tra, dự giờ.
Các tranh ảnh về các danh nhân lịch sử, các bản đồ, lược đồ về các trận đánh lịch sử cũng ít được sử dụng (kể cả nó có ngày trong tủ đựng thiết bị cuối lớp).
Sử dụng các thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, đài đĩa để dạy giáo án điện tử phân môn này lại càng hiếm hơn, trừ phi là các tiết dạy thực tập, tiết dự thi giáo viên dạy giỏi hay các tiết kiểm tra của các cấp quản lý.
Một lí do chủ quan nữa là, ở Tiểu học, các thầy cô giáo gần như chỉ tập trung thời gian, công sức cho việc dạy học hai môn Toán, Tiếng Việt nên phân môn Lịch sử cũng như các môn học khác không được quan tâm lắm, có tiết học thầy cô thực hiện theo tinh thần “dạy cho xong” nên kết quả còn hạn chế là điều tất nhiên.
Ý kiến đề xuất
Để nâng cao chất lượng dạy học phân môn Lịch sử ở Tiểu học, theo tôi, đầu tiên là phải đổi mới lại nội dung chương trình, sách giáo khoa; nội dung dạy học phải chắt lọc với các nhân vật, địa danh, sự kiện lịch sử tiêu biểu, hấp dẫn.
Cánh viết sách giáo khoa cũng phải dễ hiểu, dễ nhớ và gây được hứng thú cho học sinh tránh lối viết “hàn lâm”.
Rồi nữa, mỗi thầy giáo, cô giáo cũng phải tự học để nâng cao kiến thức nói chung và kiến thức Lịch sử nói riêng chứ không chỉ bó hẹp các kiến thức trong sách giáo khoa.
Ngoài ra, các thầy cô cũng phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các hình thức tổ chức dạy học tích cực hóa hoạt động của học sinh cũng như sử dụng hiệu quả các đồ dùng dạy học trong các tiết học để nâng cao chất lượng dạy học lịch sử.
Theo GDVN