Chuyện những đứa con nuôi biên phòng ở Quảng Ninh
Cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ biên giới cho đến hải đảo xa xôi luôn dành tất cả tình yêu thương, trách nhiệm cho các cháu là con nuôi của đồn, giúp các cháu vươn lên trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Mô hình con nuôi đồn biên phòng ở tỉnh Quảng Ninh thật sự mang lại hiệu quả tích cực, nhân lên những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Cán bộ Đồn Biên phòng Quảng Đức quan tâm đến từng bữa ăn của các cháu tại Trường PTDT bán trú – THCS Quảng Đức, huyện Hải Hà.
Điểm tựa cho những mảnh đời bất hạnh
Đúng hẹn, vào một buổi chiều áp Tết, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đến nhà em Phùn Thị Mai, ở thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, TP Móng Cái. Qua trò chuyện, chúng tôi biết được hoàn cảnh gia đình của em Mai rất đáng thương, mẹ mất sớm khi em còn nhỏ, đến năm 2018 bố cũng qua đời, ba chị em Mai mồ côi tự nuôi nhau. Thiếu vắng sự đùm bọc, yêu thương của bố mẹ đã làm cho ba chị em Mai không có cơ hội được đến trường như bao bạn khác.
Thiếu tá Mai Văn Thể, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn xúc động: Biết được hoàn cảnh gia đình của em Mai, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đã quyết định nhận Mai làm “con nuôi biên phòng”. Theo nguyện vọng của em, cũng như nơi em học tập có chỗ ở nội trú cho nên Đồn Biên phòng Pò Hèn đã để em ở lại trường. Mỗi tháng, Đồn hỗ trợ em hai trăm nghìn đồng và thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các thầy, cô giáo kèm cặp em học tập. Mai đang học lớp 7, Trường TH-THCS Hải Sơn, TP Móng Cái.
Sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đã giúp em Phùn Thị Mai mạnh dạn hơn trong giao tiếp và tham gia các hoạt động ở trường. Khi được hỏi chuyện, em Phùn Thị Mai khoe với chúng tôi: Ở trường, chúng cháu được các thầy, cô giáo rất yêu thương, quan tâm dạy bảo nhiều điều hay, lại được các “bố nuôi” thường xuyên đến thăm, động viên cháu yên tâm học tập. Cháu hứa sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ niềm tin yêu các chú bộ đội Đồn Biên phòng Pò Hèn đã dành cho cháu.
Cùng với việc nhận em Mai là con nuôi, Đồn Biên phòng Pò Hèn còn nhận đỡ đầu thường xuyên hai học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở xã biên giới Hải Sơn theo Chương trình “Nâng bước em đến trường”, với mức hỗ trợ năm trăm nghìn đồng/cháu/tháng.
Video đang HOT
Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Hải Sơn, TP Móng Cái chia sẻ: Trường có hai em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Đồn Biên phòng Pò Hèn nhận nuôi và đỡ đầu thường xuyên. Qua đó đã tiếp thêm nghị lực cho các em tới trường học chữ. Việc làm này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, nơi vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi mong muốn, sẽ có thêm nhiều sự giúp đỡ để các em được đến trường, thực hiện ước mơ của mình.
Tại địa bàn biên giới và hải đảo của tỉnh Quảng Ninh còn rất nhiều các cháu nhỏ mồ côi, hoặc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ thất học. Cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhiều gia đình mong muốn con em mình được các đơn vị bộ đội biên phòng quan tâm, chăm lo, giúp đỡ. Đến nay, tất cả các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhận 15 cháu tuổi từ 6 đến 15 làm con nuôi.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn Bế Văn Vinh chia sẻ: Cùng với hoạt động giúp đỡ người dân vùng biên phát triển kinh tế, mô hình nhận con nuôi, đỡ đầu thường xuyên cho các cháu học sinh của đồn biên phòng đã góp phần nâng cao dân trí, bảo đảm an ninh – chính trị xã hội của địa phương. Đồng thời, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ với đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc nơi cửa ngõ biên giới.
Cũng có hoàn cảnh gần giống như em Phùn Thị Mai ở xã Hải Sơn, em Nguyễn Thị Tuyết Mai, học sinh lớp 3A, Trường tiểu học thị trấn Cô Tô, huyện đảo Cô Tô đã mất đi người bố yêu thương của mình trong một lần đi biển. Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Khuy, mẹ của em Mai xúc động cảm ơn sự quan tâm, động viên của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Tô đã dành cho gia đình chị; đặc biệt hơn là, đã nhận cháu Mai làm con nuôi của Đồn và hằng tháng hỗ trợ cháu năm trăm nghìn đồng cho đến khi cháu tốt nghiệp lớp 12. Ông Nguyễn Văn Nghĩa là ông nội của cháu Mai, chia sẻ với chúng tôi chỉ mong sao sự quan tâm, giúp đỡ chân tình của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Tô sẽ là nguồn động viên để con dâu làm điểm tựa về tinh thần để nuôi dạy, chăm sóc các con nên người.
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Vũ Hồng Quân, cán bộ đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cô Tô cho biết: Hoàn cảnh cháu Mai rất đáng thương, bố mất trong vụ tai nạn đi biển, mẹ đi làm thuê, nhưng cả ba anh em Mai đều học giỏi, ngoan ngoãn và thương yêu mẹ. Đồn cũng thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ đến thăm hỏi, động viên và phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm quan tâm, kèm cặp cháu trong học tập.
Khi được hỏi về ước mơ sau này của mình, cháu Nguyễn Thị Tuyết Mai xúc động chia sẻ: được các chú bộ đội Đồn Biên phòng Cô Tô quan tâm, giúp đỡ, cháu hứa sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện và mong muốn sau này trở thành cô giáo.
Phát triển và nhân rộng mô hình
Trên địa bàn biên giới tỉnh Quảng Ninh, vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhiều cháu ăn chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, thiếu đồ dùng học tập. Nhiều cháu mồ côi không có nhà ở phải tham gia lao động sớm để kiếm sống, ít được tham gia các hoạt động cộng đồng nên tự ti, thiếu kỹ năng sống. Nhiều cháu đã đi học nhưng lại bỏ dở giữa chừng…
Cháu Chíu Quay Đại, ở bản Cấu Lìn, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, là học sinh lớp 7, Trường PTDT bán trú – THCS Quảng Đức, mồ côi bố, còn mẹ đi làm công nhân ở xa, hầu như không được nghỉ, vì vậy thời gian để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ cháu không được thường xuyên; cùng với đó là quãng đường từ nhà cháu đến trường dài gần tám cây số, đi lại rất khó khăn. Biết được hoàn cảnh của cháu, Đồn Biên phòng Quảng Đức đã quyết định nhận cháu làm con nuôi của Đồn và hỗ trợ cháu mỗi tháng năm trăm nghìn đồng; Đồn cũng phối hợp Trường PTDT bán trú – THCS Quảng Đức xin cho cháu được ở nội trú tại trường để tạo điều kiện cho cháu yên tâm học tập.
Trường gần Đồn nên việc cử cán bộ, chiến sĩ đến động viên, kèm cặp cháu được thường xuyên hơn. Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quảng Đức cho biết: Mới đây các cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã hỗ trợ vật liệu và ngày công giúp đỡ gia đình cháu Chíu Quay Đại xây công trình vệ sinh; những ngày nghỉ cuối tuần, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thay nhau xuống trường thăm hỏi, động viên cháu Đại để cháu yên tâm học tập, rèn luyện.
Còn cháu Minh Khuê, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Đào Phúc Lộc, TP Móng Cái cũng có hoàn cảnh rất đặc biệt: Mẹ mất sớm, bố cháu hiện đang chấp hành án phạt trong nhà tù; cháu ở với ông bà nội tuổi đã cao, sức đã yếu cho nên cháu thiếu vắng sự chăm sóc, nuôi dưỡng của bố, mẹ. Biết được hoàn cảnh của cháu Khuê, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã nhận cháu làm con nuôi của Đồn và hỗ trợ cháu mỗi tháng năm trăm nghìn đồng.
Cô Nguyễn Thị Lan Phương, Hiệu phó Trường tiểu học Đào Phúc Lộc cho biết: Nhà trường cũng hỗ trợ cháu không phải đóng học phí môn ngoại ngữ, liên đội nhà trường hỗ trợ cháu ba trăm nghìn đồng/tháng và hỗ trợ quần áo, sách vở vào dịp năm học mới. UBND phường Trần Phú luôn quan tâm, tặng quà cho cháu vào những dịp lễ, Tết, qua đó động viên cháu vươn lên trong học tập.
Thượng tá Vũ Văn Hưng, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy, bộ đội biên phòng Quảng Ninh cho biết: Thời gian tới, bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục duy trì mô hình con nuôi đồn biên phòng; giao nhiệm vụ cho cán bộ đồn trực tiếp quản lý các cháu được nhận làm con nuôi, thường xuyên phối hợp chính quyền và nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục các cháu. Đồng thời, hướng tới các đồn sẽ nhận một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi tại đồn; có giải pháp để nâng mức hỗ trợ các cháu cao hơn mức hỗ trợ hai trăm nghìn đồng/tháng như hiện nay.
Việc các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được các đồn Biên phòng nhận làm con nuôi bước đầu đã tạo cho các cháu có tình cảm yêu mến các chú bộ đội biên phòng, nhen nhóm tình yêu biên giới, tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều cháu có nguyện vọng sau này trở thành bộ đội biên phòng để cùng các “bố nuôi” bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ đặc biệt này đều có niềm tin sâu sắc rằng, việc nhận các cháu làm con nuôi đồn biên phòng cũng chính là việc chăm lo, đào tạo thế hệ tiếp bước cha anh trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đây cũng chính là mô hình “Ươm mầm bảo vệ biên cương” mà các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang nhân rộng để ngày càng có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cộng đồng xã hội chung tay, giúp đỡ vươn lên trở thành những người có ích cho xã hội.
BÀI VÀ ẢNH: QUANG THỌ
Theo nhandan
Quảng Ninh: Nhiều trường tiểu học quá tải học sinh
Bà Vi Thị Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: Hiện nay, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đều sẵn sàng tâm thế tốt nhất để chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT mới).
Giờ học tại Trường TH&THCS xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh
Thành phố tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, đáp ứng đủ về chất và lượng cho Chương trình mới, đảm bảo việc dạy - học đạt được những yêu cầu đề ra. Về phía Phòng GD&ĐT, đến nay đã tổ chức các cuộc tập huấn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng giáo viên, đảm bảo sao cho việc dạy học đáp ứng đúng theo yêu cầu chất lượng đổi mới của chương trình.
Cho dù có tâm thế rất tốt cho việc chuẩn bị triển khai CTGDPT mới, nhưng không phải Quảng Ninh không có những khó khăn. Theo bà Vũ Thị Thuý Hà - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Quảng Ninh, bên cạnh các cơ sở đáp ứng được yêu cầu đặt ra cũng còn những trường chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Những trường này tập trung ở khu vực miền núi và nơi có đông dân cư.
Cụ thể, các địa phương như thành phố Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái vẫn còn thiếu phòng học. Hiện nay, các trường phải trưng dụng các phòng chức năng, giáo dục nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật hoặc dồn ghép học sinh. Cho dù các cấp chính quyền tại các địa phương này rất cố gắng, nhưng do điều kiện khách quan nên vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục quá tải học sinh; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của tỉnh chưa cao. Đặc biệt là các địa phương như huyện Ba Chẽ và TP Móng Cái thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Thể dục.
Đến thời điểm này, việc triển khai CT GDPT mới đã cận kề. Giải pháp được tỉnh Quảng Ninh đưa ra là: Đối với đội ngũ GV, phải đảm bảo tuyển đúng, tuyển đủ. Các địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng bổ sung vị trí việc làm tương ứng với từng cơ sở để có kế hoạch tham mưu tuyển bổ sung biên chế theo lộ trình, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định; tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy môn chung, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Liên quan đến việc đảm bảo cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối với cấp tiểu học, đảm bảo quy định của CT GDPT mới.
Ngọc Dư
Theo giaoducthoidai
Hiệu quả bất ngờ của công nghệ thực tế ảo tăng cường trong nhà trường Công nghệ thực tế ảo tăng cường AR đặc biệt hiệu quả với các môn học đòi hỏi sự sáng tạo giúp học sinh chủ động tương tác với chính vật thể để khám phá và tìm hiểu sâu hơn, giúp giáo viên tăng thêm tương tác với nhau. Học sinh THCS Đông Triều ứng dụng công nghệ AR Lan toả sâu rộng...