Chuyện một gia đình hiếu học
Về làng Kim Bôi, xã Đông Thanh (Đông Sơn) hỏi thăm nhà bà giáo Phương, hầu như ai cũng biết. Gia đình bà nổi tiếng với truyền thống hiếu học, là tấm gương trong nuôi dạy con cái nên người.
Nhà giáo La Văn Mùi chụp ảnh lưu niệm cùng vợ và các con, cháu khi còn sống. (Ảnh do gia đình cung cấp)
8 người con – 8 cử nhân
Năm nay, bà giáo Nguyễn Thị Phương đã bước sang tuổi 86. Thấy khách đến, bà cất hộp cau trầu sang một bên rồi lấy nước mời khách. Nhắc chuyện nghề, bà bỗng trầm ngâm, hướng mắt về nơi đặt di ảnh của chồng – nhà giáo La Văn Mùi, đã mất cách đây 2 năm.
Bà giáo Phương từng là giáo viên Trường Tiểu học Đông Thanh. Chồng bà nổi tiếng là một nhà giáo tâm huyết với nghề. 37 năm công tác trong ngành giáo dục thì gần 20 năm ông làm quản lý ở nhiều trường học trên địa bàn huyện Đông Sơn. Bà trải lòng: “Bố chồng tôi là thầy đồ nho. Gia đình chồng vốn nền nếp gia phong, ông nhà tôi cũng là nhà giáo nên về sau này chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giáo dục con cái”.
Trong ký ức, bà giáo Phương không quên những năm tháng khốn khó, khi ông bà nuôi 8 người con ăn học, chất chồng những thiếu thốn, cái ăn cái mặc còn chưa đủ. Giảng dạy trên lớp, về nhà bà Phương lại thêm việc chạy chợ để lo toan cuộc mưu sinh. Khó khăn là vậy nhưng hai ông bà vẫn động viên nhau, cố gắng, nỗ lực vượt qua để 8 người con không ai bị thiệt thòi. Quan trọng là các con phải được đến trường, học con chữ và học làm người. Về sau này, 8 người con của ông bà đều đỗ đạt, thành tài. 8 người con là 8 cử nhân ở các trường đại học lớn trong nước và quốc tế. Họ đều đã trưởng thành, có sự nghiệp vững vàng, trong đó có 1 đại tá, 3 thượng tá, 2 kỹ sư và 2 giảng viên đại học. Trong số 18 người cháu nội, ngoại, hiện có 9 người đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.
Chia sẻ về chuyện nghề, chuyện học của các con, bà giáo Phương không giấu được niềm tự hào. Ôn lại chuyện cũ là nhìn lại một cuộc hành trình gian khó, những tháng ngày chắt chiu, đùm bọc nuôi 8 người con ăn học, thành người. Vậy nên, dù là chuyện xưa nhắc lại, nhưng những thành quả mà gia đình bà đạt được, đến hôm nay, người dân ở làng Kim Bôi vẫn lấy đó làm gương để động viên con, cháu học hành.
Không tạo áp lực việc học cho con
Với người con thứ 7, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa, anh La Ngọc Tuấn, bố mẹ là tấm gương về đạo đức và tinh thần cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Anh nhớ lại: “Bố mẹ tôi là người nghiêm khắc nhưng chưa bao giờ đánh con. Có việc gì không vừa lòng, bố mẹ cũng gọi mấy anh em lại phân tích, nhắc nhở nhẹ nhàng. Đối với việc học, bố mẹ để chúng tôi chủ động, không tạo áp lực cho con cái. Nhưng anh em luôn tự ý thức và tự giác học. Không phải ôn nghèo kể khổ nhưng nhớ lại chuyện xưa, có quãng thời gian dài thiếu gạo chỉ ăn khoai, ăn sắn, nhưng lúc nào bố mẹ cũng động viên nghèo cho sạch, rách cho thơm, phải giữ gìn nền nếp gia phong”…
Anh Tuấn cho biết thêm, hiện trong đại gia đình anh có 11 người con theo nghề của bố mẹ. Trong 8 anh em thì 4 người công tác trong ngành giáo dục (2 giảng viên đại học, 2 người làm quản lý) còn lại là con dâu, rể cũng gắn bó với nghề giáo.
Xã Đông Thanh nổi tiếng là đất học. Thời phong kiến, Đông Thanh đã đóng góp 8 bậc đại khoa và hơn 30 cử nhân cho đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ năm 1975 đến nay, xã Đông Thanh có khoảng 50 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và hàng trăm cử nhân. Trong đó, dòng họ La có đóng góp lớn cho truyền thống hiếu học địa phương.
Ông Nguyễn Thành Môn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đông Sơn, cho biết: “Nhắc đến gia đình ông La Văn Mùi và bà Nguyễn Thị Phương là nói đến một gia đình văn hóa, trí thức, một tấm gương cho nhiều gia đình học tập. Cách giáo dục con của ông bà vẫn được nhắc đến trong các cuộc gặp mặt dòng họ đầu xuân, hội nghị khuyến học”… Gia đình bà giáo Phương cũng thường xuyên tích cực tham gia các phong trào của làng, xã. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình bà đã đóng góp hàng chục mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn.
Bố mẹ là tấm gương để con cái học tập. Con cái thành đạt là niềm tự hào của bố mẹ. Tôi nhớ đến chia sẻ của anh La Ngọc Tuấn: “Về sau này, chúng tôi dạy các con từ chính những kinh nghiệm của bố mẹ đã dạy mình. Cuộc sống hôm nay có những điều kiện thuận lợi hơn thì càng phải biết trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị đạo đức, tinh thần hiếu học…” .
Học nghề chương trình 9+: "Con đường tắt" giúp bạn trẻ có việc làm ổn định
Lựa chọn "đường tắt" bằng việc học nghề theo chương trình 9 cộng, nhiều học sinh ở Thanh Hóa sau khi ra trường, sớm có công việc ổn định với mức thu nhập khá.
"Con đường tắt" mang lại hiệu quả cho lựa chọn của giới trẻ
Mới ra trường đã có mức thu nhập khá
Hơn 3 năm trước, em Lê Đình Hiếu (SN 2000, quê xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vừa kết thúc chương trình học THCS tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi ở địa phương. Thay vì thi vào một trường THPT thì Hiếu đã quyết định lựa chọn "đường tắt" là học nghề theo chương trình 9 cộng (vừa học văn hóa vừa học nghề) tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa.
Nhờ theo học chương trình 9 cộng \ , em Lê Đình Hiếu đã có một công việc ổn định với mức lương 5 -7 triệu đồng khi vừa mới ra trường.
Sau 3 năm theo học hệ Trung cấp, Khoa công nghệ ô tô tại trường, năm 2020, Hiếu tốt nghiệp và ra trường với hai tấm bằng trong tay (tốt nghiệp THPT và bằng nghề). Sau khi tốt nghiệp, Hiếu được trường giới thiệu làm việc tại Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải với mức thu nhập từ 5 -7 triệu đồng.
Vừa ra trường lại có công việc ổn định khiến chàng trai trẻ cảm thấy rất hài lòng trước quyết định theo học chương trình 9 cộng.
"Mỗi người có một hướng đi và hoàn cảnh khác nhau. Đối với em, được học cả văn hóa và học nghề rất phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của gia đình em. Chỉ trong thời gian ngắn em có thể tốt nghiệp cả THPT và nghề. Đến giờ em thấy quyết định của mình như thế là phù hợp". Chàng trai trẻ Lê Đình Hiếu bộc bạch.
Theo học chương trình 9 cộng những năm trở lại đây đang được giới trẻ lựa chọn nhiều.
Tương tự, Nguyễn Văn Trúc (SN 2002, quê ở xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa) cũng vừa kết thúc kỳ thực tập và làm việc tại Công ty Canon (Hưng Yên) với mức lương gần 5 triệu đồng. Hiện em đang tiếp tục học liên thông hệ Cao đẳng ở Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa để có cơ hội nâng mức lương cơ bản cao hơn hiện nay.
Trúc là một trong số những học sinh vừa tốt nghiệp chương trình 9 cộng tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa. Trước đây, được sự định hướng từ gia đình, Trúc đã lựa chọn học chương trình 9 cộng, thay vì học THPT như các bạn cùng trang lứa.
"Cho đến bây giờ, em thấy quyết định của bố mẹ cho theo học chương trình 9 cộng là hoàn toàn đúng đắn. Việc học này sẽ giúp em rút ngắn được thời gian, sau khi tốt nghiệp, chúng em đã có thể ra ngoài đi làm với mức thu nhập ổn định. Em thấy rất hợp lý và hài lòng", Trúc chia sẻ.
"Lột xác" trong đào tạo nguồn nhân lực
Những năm qua, khi Bộ LĐ-TB&XH đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, đào tạo nghề chất lượng cao trong các trường Cao đẳng thông qua chương trình 9 cộng, sức hút của mô hình này đã và đang mang đến sự "lột xác" rất lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động.
Theo học chương trình 9 cộng những năm trở lại đây đang được giới trẻ lựa chọn nhiều. Việc học theo chương trình này cũng được Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm và hỗ trợ người học bằng nhiều chính sách như: miễn giảm học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, trao học bổng...
Các em học sinh sau khi học xong sẽ có một công việc ổn định và mức lương phù hợp.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp các em còn có công việc ổn định nhờ công tác giới thiệu việc làm của các cơ sở đào tạo, được làm công việc yêu thích với mức lương khá. Đặc biệt còn có thể liên thông lên các hệ Cao đẳng, Đại học nếu có nguyện vọng.
Hiện tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa có tổng 2.800 học sinh nhưng có tới 1.200 học sinh theo học chương trình 9 cộng. Chương trình 9 cộng của nhà trường cũng đã có lịch sử hơn 20 năm.
Với đội ngũ giáo viên chất lượng, trình độ chuyên môn tốt cùng cơ sở vật chất đầy đủ, những năm qua, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa là một trong những nơi đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực đáng kể cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Trung bình mỗi năm trường đào tạo và đáp ứng khoảng 800 lao động cho các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn...
Ông Nguyễn Văn Tuệ - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Việc làm thuộc Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, cho biết: "Việc học theo chương trình 9 cộng sẽ có rất nhiều ưu điểm đối với các em học sinh. Với bề dày lịch sử hơn 20 năm triển khai chương trình 9 cộng, trường đã đào tạo hàng nghìn nhân lực cho thị trường lao động khắp các tỉnh thành. Ngoài ra, các em còn có thể rút ngắn được thời gian, chi phí khi theo học chương trình này".
Với đội ngũ giáo viên chất lượng, trình độ cùng cơ sở vật chất tốt, đây là một trong những cơ sở đào tạo số 1 tại Thanh Hóa về chương trình 9 cộng.
"Chương trình 9 cộng còn giúp giải quyết khó khăn trong khâu phân luồng, giảm tải tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp vì thiếu kỹ năng, không đáp ứng được công việc thực tế...", ông Tuệ cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Tuệ, việc tuyển sinh học sinh theo chương trình 9 cộng còn phụ thuộc chủ yếu vào việc phân luồng học sinh từ các trường học. Hầu hết các trường vẫn chưa đảm bảo được việc phân luồng học sinh theo quy định (30% học nghề, 70% học văn hóa) dẫn đến việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Chương trình 'Vì mái trường xanh' lan tỏa đến 30 trường học Ngày 26/4, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với các đơn vị phát động chương trình "Vì mái trường xanh" lần thứ 2, năm học 2020 - 2021. Các em học sinh trường Tiểu học Cao Bá Quát (92 Phan Đăng Lưu, Phường 5, Q. Phú Nhuận, TP HCM) phân loại rác Chương trình "Vì mái trường xanh" được tổ chức với mục...