Chuyện lạ về cô giáo được phụ huynh tặng đất xây nhà
Bị ngăn cản nhưng cô Hằng nhất định không ở lại thành phố mà về dạy ở vùng quê nghèo. Bạn bè bỏ nghề gần hết, cô vẫn say sưa đi chân đất, đội nón lên lớp dạy trẻ những ngày mưa.
Không chịu ở nơi dễ sống
Gia đình không ai làm giáo viên nhưng tình yêu con trẻ luôn thường trực nên cô học trò Phan Lệ Hằng quyết tâm theo học ngành sư phạm.
Tốt nghiệp hệ Trung học sư phạm ở tỉnh Trà Vinh, cô Hằng được phân công về một trường thuộc thị xã Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long) nơi gia đình đang sinh sống.
Cô giáo Phan Lê Hằng là một trong những cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong lễ kỷ niệm 70 năm nền giáo dục VN. Ảnh: VietNamNet.
Nhưng cô lại lên cấp trên, viết đơn bày tỏ nguyện vọng muốn về một xã vùng khó ở huyện Tiểu Cần. Ngày mới học theo nghề giáo, gia đình đã phản đối nay cô càng khiến gia đình thêm “bực mình”.
Video đang HOT
Mặc cho bố mẹ ngăn cản, cô từ năn nỉ đến quyết tâm phải đến vùng khó giúp bọn trẻ còn đang thiếu đủ thứ cả về vật chất và tinh thần so với trẻ em nơi thành thị cô đang sống.
“Những lần về thăm trẻ em ở các huyện nghèo tôi càng nuôi ước mơ được giúp đỡ các em, nhất là những em khuyết tập gặp nhiều khó khăn. Tôi muốn nhen một chút lửa, chút ánh sáng cho con đường tương lai của các em” – cô Hằng chia sẻ.
Tháng 9/1983 cô được phân công về dạy tại Trường PTCS xã Tập Ngãi, dạy lớp ở một điểm lẻ xa điểm chính 4km với nền đất, mái lá tạm bợ, vách ngăn các phòng học là một tấm mê bồ tạm bợ, bàn ghế là những khúc cây và miếng ván sơ sài.
“Nhớ lắm những buổi trời mưa lớp dột như ngoài trời, tôi phải đi chân đất, đội nón lên lớp. Còn học sinh mặc áo mưa, đi chân trần, run run nghe cô giảng bài. Áo quần ướt hết nhưng cô lại động viên các em “trời mưa chút thôi sẽ tạnh, chúng ta cùng ca một bài rồi học bài nhé”. Rét buốt mà rất vui” – cô Hằng nhớ lại.
Ngày ấy điện chưa có, các thầy cô phải thắp đèn dầu miệt mài bên trang giáo án. Nhiều bạn bè trong lớp sư phạm ngày trước của cô đã chọn không theo nghề giáo. Chỉ còn cô và một người bạn nữa theo nghề….
Lớp học yêu thương
“Tân Ngãi là vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Mãi tháng 11/2013 nơi đây mới hết nghèo. Nhiều em học sinh 11-12 tuổi vẫn chưa vào lớp 1. Trẻ ở đây nhiều khi quần áo không có nói chi đến sách vở, dép giày.
Tôi đi vận động, phụ huynh chỉ nhìn cô nói nếu cháu đi học ai phụ tôi đi bắt cua, bắt ốc về cho bữa cơm, ai giúp tui giữ vịt, bế sắp nhỏ để tui ra đồng,…
Tôi cứ kiên trì, năn nỉ việc đó anh chị cứ từ từ tính. Việc học nếu để tụi trẻ nghỉ thì tội nghiệp lắm. Nói hoài, vận động mãi họ cũng thương tụi trẻ, thấy nếu không cho các con tới trường sẽ thiệt thòi nên sau cũng chấp thuận theo ý cô” – cô Hằng tâm sự.
Cô giáo Phan Lê Hằng phát biểu sáng 29/9. Ảnh: VietNamNet.
Được phân dạy khối lớp 1, với nhiều đối tượng học sinh từ trẻ em dân tộc Khơ-me, trẻ chậm phát triển, cô Hằng chia lớp học thành nhiều nhóm, giảng bài một lượt cô giao bài cho các bạn trong lớp rồi đi tới từng em để kèm cặp.
Có em chưa biết chữ cô đưa mẫu nét cơ bản để các em tập viết, em biết rồi cô trộn chữ và nêu 1 chữ cái bất kỳ cho các em tìm, học… Mỗi cố gắng của trò được cô động viên bằng lời khen kịp thời hay những cuốn vở nhỏ xinh.
Ngoài vận động trẻ học chậm, từ năm 2000 đến nay cô Hằng còn vận động khuyết tật, trẻ bị hội chứng down, cận hơn 30 độ đến lớp.
“Có em mắc hội chứng này hoàn cảnh rất đáng thương. Em không có mẹ, ở với bà ngoại, tính tình thất thường. Mất nhiều lần tâm sự, động viên cuối cùng tôi nói với bà nếu bà cho cháu đến lớp bà cũng có thể ngồi học luôn để kèm cặp thêm” – cô Hằng chia sẻ.
Đến nay cô Hằng đã vận động và tổ chức dậy hòa nhập cho trên 20 em khuyết tật đạt kết quả cao: 3 em đã hoàn thành chương trình tiểu học, 17 em còn lại đang học từ lớp 2 đến lớp 5 trong trường.
Chuyện tình không mai mối
Có một công việc yêu thích, phía sau cô Hằng là một gia đình hạnh phúc. Cô có một con trai duy nhất. Và con dâu cũng đang theo nghề giáo. Mối tình của cô với chồng cũng thật đặc biệt.
“Anh ấy là hiệu trưởng Trường Tiểu học Tập Ngãi B, huyện Tiểu Cần khi tôi về đây. Trong những lần sinh hoạt, họp hội đồng chúng tôi quen nhau. Rồi một ngày anh hỏi gia đình tôi ở đâu và lên có lời với bố mẹ tôi, sau mới về nói chuyện này với tôi. Anh em đã hiểu rõ về nhau nhưng anh vẫn làm tôi bất ngờ, cảm động. Tôi đồng ý” – cô Hằng bộc bạch.
Tự bao giờ, mảnh đất nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của cô Hằng. Bẵng cái đã có hơn 30 năm gắn bó với đất và người nơi này. Học trò, phụ huynh yêu quý cô. Có con cá lóc nhỏ, chút ốc, con cua bắt ở ngoài đồng, đi đường hái được chút rau muống cũng mang đến tặng cô. Năm 2010 vợ chồng cô dựng nhà gần trường. Điều đặc biệt là mảnh đất ấy cô được phụ huynh thương, như lời cô nói, tặng cho.
Với hơn 30 năm công tác, cô Hằng đã 25 lần được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 3 lần được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Trà Vinh, 2 lần được tặng Bằng khen của Bộ GD-ĐT. Năm 2011 cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2012 cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Theo Văn Chung/Vietnamnet