Chuyện giờ mới kể: Thí sinh “đề pa” tinh thần cho phòng thi
Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi
GD&TĐ – Câu chuyện vui của một thí sinh đã tạo khởi đầu vô cùng khó quên trước giờ thi môn Ngữ văn. Đó cũng là kỷ niệm đẹp của cô Trần Thị Thủy – giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn, ĐắkHà, Kon Tum – khi tham gia coi thi THPT quốc gia cụm địa phương năm nay.
Câu chuyện “giải nhiệt”
Cô Trần Thị Thủy kể: Hôm ấy là buổi thi thứ 3 (sáng 2/7) của kì thi THPT quốc gia. Sau khi làm xong thủ tục gọi thí sinh vào phòng thi, nhìn xuống phòng, tôi thấy hầu hết các em đều uể oải, phần do trời nắng nóng, phần do ngấm mệt mỏi sau hai môn thi trước vẫn còn.
Chúng tôi đã chia sẻ, động viên, tìm cách giúp các em lấy lại tinh thần, thêm khí thế khi bước vào làm bài nhưng không cải thiện được không khí ấy là bao.
Bỗng cuối phòng thi, một giọng nam sinh vang lên:
Video đang HOT
- Thưa cô, em có ý kiến ạ!
Tôi nhìn về phía phát ra giọng nói, thấy một khuôn mặt dễ mến với ánh mắt lạc quan, hóm hỉnh:
- Cô cho phép em kể một câu chuyện cho các bạn được không ạ!
Cả phòng đều bị cuốn hút bởi lời đề nghị ấy. Thí sinh nam tiến lên phía trên phòng thi một cách tự nhiên, hài hước:
- Các bạn biết không? Ở vùng thôn quê hẻo lánh, toàn bộ hệ thống giao thông hoàn toàn không được chiếu sáng về đêm, nhất là vào những đêm không có trăng. Vào một đêm cuối tháng, anh A đi chơi về khuya. Xe anh đang bon bon chạy bỗng dưng khựng lại. Không thể nào khác, anh đành xuống xe.
Dừng lại, thí sinh nam hỏi:
- Các bạn có biết anh A sẽ làm gì sau khi khi xuống xe không?
Phía dưới có những lời phỏng đoán:
- Kiểm tra lốp xe, dắt bộ ….
Thí sinh nam mỉm cười, lắc đầu và tiếp lời:
- Anh A không dắt bộ, lốp xe của anh không thủng … Anh mở cốp, định bật lửa để xem xe làm sao, nhưng anh chợt nghĩ: Không không, bật lửa lên bây giờ thì sẽ thành câu chuyện: Xăng còn, anh A hưởng dương 30 tuổi!
Vậy nên anh dựng xe ngồi lại nghỉ một lúc, rồi mới… dắt bộ!
Vài giây ngẫm nghĩ. Cả phòng cười rần rần. Một lúc sau câu chuyện, hồi trống phát đề vang lên. Ngồi quan sát thí sinh tập trung suy nghĩ làm bài, đột nhiên trong lòng tôi thấy vui vui. Không chỉ có thêm bài học quý, đây còn là khoảnh khắc đẹp, là kỷ niệm khó quên nhất với tôi trong kì thi THPT quốc gia lần này.
Cẩn tắc vô áy náy!
Dù kì thi diễn ra trong thời tiết cực đoan bất thường – nóng như đổ lửa, nhưng tất cả cán bộ coi thi đều đến điểm thi sớm hơn quy định để tiếp thu chỉ đạo, nhắc nhở của Trưởng điểm, cán bộ giám sát, nhằm khắc phục và tránh những sai sót có thể sẽ phạm phải trong môn thi kế tiếp.
Hồi hộp, lo lắng là xúc cảm, tâm trạng chung của các cán bộ coi thi tại điểm thi số 001 (Trường THPT Kon Tum – thuộc cụm thi Sở GD&ĐT Kon Tum).
Cho đến thời điểm này, cô Thủy còn nhớ như in từng lời dặn dò, lưu ý của Trưởng điểm thi, trong đó nhấn mạnh đặc biệt vào những điểm đổi mới quan trọng mà cả thí sinh và cán bộ coi thi cần ghi nhớ, tuyệt đối không được sai phạm. Trong phòng thi, các thầy cô cần tránh gây áp lực, luôn sẵn sàng giúp đỡ thí sinh hết mức có thể, làm sao để các em tránh được sai sót, dù là nhỏ nhất.
Dưới sự điều hành của Trưởng điểm thi, sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ giám sát, trước mỗi buổi thi, các cán bộ coi thi thực hiện bốc thăm ngẫu nhiên cho phòng thi của mình; sắp xếp số báo danh của thí sinh theo đúng sơ đồ đối với mỗi môn thi; cán bộ coi thi ngồi đúng vị trí; cho thí sinh ra khỏi phòng thi theo quy định về thời gian…
Quả là “cẩn tắc vô áy náy”, điểm thi của cô Thủy có cả những thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên, đặc biệt có thí sinh đã làm bố, làm mẹ đi thi. Cũng có một số sai sót, như thí sinh điền số báo danh vào ô ghi số phách, gạch xóa nhiều khiến thông tin không được rõ ràng, … , nhưng do đã được tập huấn rất chu đáo, tất cả đều được phát hiện, xử lí kịp thời.
“Vất vả, căng thẳng, nhưng bù lại, trong bốn ngày diễn ra kì thi, điểm thi số 001 – Trường THPT Kon Tum đã không xảy ra bất cứ một sai phạm nào. Cho đến bây giờ, trong tôi vẫn văng vẳng ý kiến của đánh giá của ông Nguyễn Tiến Thành – cán bộ giám sát thuộc Trường ĐH Phú Yên – trong buổi tổng kết kì thi:
Tôi đã nhiều năm làm công tác thanh tra giám sát ở nhiều điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ. Song, lần này, tôi đã thực sự ấn tượng với cách tổ chức kỳ thi chuyên nghiệp và thực sự nghiêm túc. Điểm sáng này cần được duy trì tốt ở những kì thi sau và có thể nhân rộng cho những tỉnh thành khác trong cả nước” – cô Trần Thị Thủy chia sẻ.
Theo GD&TĐ