Chuyên gia lý giải tại sao vaccine COVID-19 “lành” với trẻ nhỏ
Thực tế từ các quốc gia đã triển khai, tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vaccine này rất thấp.
Theo TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, những triệu chứng này sẽ biến mất sau một vài ngày, không có tác dụng phụ lâu dài.
Thời điểm này, số ca mắc COVID-19 trên cả nước vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, tại nhiều tỉnh thành, tỷ lệ mắc ở nhóm trẻ chưa tiêm vaccine chiếm khá cao.
Được biết, Bộ Y tế đang chuẩn bị về thủ tục để lô vaccine đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về Việt Nam đúng dự kiến vào cuối tháng 3 này. Trước khi vaccine được đưa ra tiêm chủng vào tháng 4, Bộ Y tế sẽ triển khai tập huấn lại cho hệ thống tiêm chủng do những đặc thù về theo dõi sau tiêm cho nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tuy nhiên, trước khi đợt tiêm chủng cho nhóm trẻ này được triển khai, hiện cũng có nhiều gia đình đang do dự, băn khoăn trước việc có nên hay không nên tiêm cho con em mình ở độ tuổi nhỏ. Nhiều người còn cho rằng, khi trẻ mắc Covid-19 như bệnh cúm thông thường, không có triệu chứng gì đặc biệt nên từ chối tiêm cho con.
TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Có ý kiến cho rằng, trẻ từ 5-11 tuổi là nhóm tuổi chưa dậy thì, do đó, việc tiêm vaccine có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến chức năng sinh sản, nội tiết, di truyền. Theo TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, virus có thể tích hợp vào hệ gene của người, bản thân trong quá trình virus nhiễm vào cơ thể, có quá trình tương tác với hệ thống gene của người. Điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vaccine vào người bởi virus thật khi tấn công vào cơ thể sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, các tế bào nhiễm virus. Điều này khiến hệ thống miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến những cơ quan đó dẫn đến việc tổn thương lâu dài về sau.
“Với vaccine thì khác, kể cả các vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector với cơ chế bắt chước virus đưa vào vật liệu di truyền của virus vào để sản xuất ra gai của con virus này, từ gai đó tạo ra miễn dịch. Quá trình này xảy ra trong một thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều) do đó cơ thể không bị quá tải và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA đó sẽ tự tiêu huỷ và hoàn toàn không tích hợp với hệ gene của người nên không để lại những di chứng dài”- TS Phạm Quang Thái phân tích.
TS Phạm Quang Thái cũng nêu rõ, dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng phụ của vaccine Pfizer (loại vaccine được nhiều nước chấp thuận tiêm cho trẻ nhỏ) cũng giống với các vaccine cơ bản mà trẻ tiêm vào những tháng đầu đời. Phản ứng phổ biến nhất là mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài.
Được biết, hiện đã có rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tại châu Âu bắt đầu cấp phép cho việc tiêm vaccine cho trẻ 12-15 tuổi là từ tháng 5/2021 và trẻ 5-11 tuổi là từ tháng 11/2021. Châu Á có Trung Quốc, Singapore, Indonesia cũng đã triển khai tiêm vaccine cho nhóm tuổi này. Các nước đều thấy việc cần thiết phải tiêm vaccine. Đại đa số các quốc gia đều tiêm vaccine Pfizer – loại vaccine đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng trên nhóm 5-11 tuổi và triển khai trên quy mô lớn. Vaccine Pfizer hiện đang được tiếp tục thử nghiệm lâm sàng cho trẻ dưới 5 tuổi.
Ghi nhận thực tế từ các quốc gia đã triển khai, tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vaccine này rất thấp, chưa nói đến phản ứng nặng. Thậm chí các phản ứng này còn thấp hơn nhiều so với các vaccine thông thường mà chúng ta đang dùng trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng (như cúm, sởi – quai bị – rublella hay não mô cầu).
Video đang HOT
“Vaccine này được đánh giá là “lành”, hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng, không cần quá căng thẳng lo lắng”- TS Phạm Quang Thái chia sẻ.
Trẻ đã mắc Covid-19 có cần tiêm vaccine?
TS. Phạm Quang Thái cho biết, xử lý tình huống này ở trẻ em không khác gì người lớn, dù trẻ đã mắc Covid-19 nhưng vẫn cần được tiêm vaccine phòng bệnh này.
“Việc nhiễm tự nhiên, nhất là trên những đối tượng chưa hề tiêm chủng thì miễn dịch có được không thật tốt do cơ chế né tránh miễn dịch của virus. Thêm nữa, chủng Omicron thường nhiễm tại đường hô hấp trên và tồn tại nhiều ở đây thay vì tấn công xuống dưới, vì thế miễn dịch sau Omicron thực tế chưa được hiểu biết đầy đủ. Chính vì vậy việc nhiễm hay chưa nhiễm đối với trẻ em thì việc tiêm vaccine ngay sau khi hồi phục hoàn toàn cũng sẽ tạo ra miễn dịch tốt hơn cho cơ thể để phòng tránh những đợt tái nhiễm sau này” – TS Thái cho hay.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhìn chung, tỷ lệ nhiễm trùng có triệu chứng và các trường hợp mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên thấp hơn so với các nhóm tuổi lớn hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh khác cao hơn với các biểu hiện lâm sàng trùng lặp với COVID-19, chẳng hạn như viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do các loại virus khác, vì thế có thể dẫn đến phân loại sai.
Tuy nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên có thể gặp các triệu chứng lâm sàng kéo dài (LONG COVID hay COVID-19 kéo dài). Đây là tình trạng sau COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn cấp tính của nhiễm virus SARS-CoV-2 dù tần suất và đặc điểm vẫn đang được nghiên cứu. Ngoài ra, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, mặc dù hiếm gặp, song cũng được ghi nhận trên khắp thế giới, làm phức tạp quá trình phục hồi sau COVID-19.
Các thử nghiệm đối với vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA cho thấy, hiệu quả và khả năng sinh miễn dịch tương tự hoặc cao hơn so với người lớn. Vấn đề an toàn và phản ứng ở thanh thiếu niên tương tự như thanh niên. Tình trạng viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim đã được báo cáo với vaccine mRNA COVID-19 tuy nhiên ở trẻ nhỏ phản ứng này là vô cùng hiếm chỉ ở mức 1/1 triệu mũi tiêm.
Theo WHO, vaccine đã được cơ quan quản lý nghiêm ngặt cho phép chỉ định theo độ tuổi của trẻ em và thanh thiếu niên là an toàn và hiệu quả trong việc giảm gánh nặng bệnh tật ở những nhóm tuổi này. Có những lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên vượt xa những lợi ích trực tiếp về sức khỏe. Tiêm vaccine làm giảm lây truyền COVID ở nhóm tuổi này, giảm lây truyền từ trẻ em và thanh thiếu niên sang người lớn tuổi…
Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine là việc làm ý nghĩa, giúp giảm đi gánh nặng bệnh tật liên quan đến COVID-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này.
Việc tiêm vaccine cho cộng đồng, cho trẻ nhỏ, đều dựa trên cơ sở nghiên cứu, kinh nghiệm triển khai của rất nhiều quốc gia, để mũi tiêm đạt mức tốt nhất và an toàn nhất, đảm bảo sức khoẻ cho trẻ và cộng đồng. Vì thế, mỗi người dân hãy cân nhắc, lắng nghe theo luồng thông tin chính thống, hiểu rõ việc tiêm vaccine chính là bảo vệ cho chính tương lai của con em chúng ta./.
Liên quan đến tiêm chủng cho trẻ từ 5- 12 tuổi, ngày 1/3, Bộ Y tế đã có quyết định về việc sửa đổi điều 1 Quyết định số 2908 ngày 12/6/2021 phê duyệt có điều kiện vaccine Pfizer cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, đối với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg vaccine mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Dạng bào chế của vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
Vaccine được sản xuất bởi Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ), BioNTech Manufacturing GmbH (Đức), Pharmacia and Upjohn Company LLC và Hospira Incorporated (Hoa Kỳ).
Việt Nam là 1 trong 11 quốc gia được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA
Công nghệ sản xuất vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch COVID-19 mà còn giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.
Tối ngày 23/2, tại Geneva, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của WHO cho Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Serbia.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì buổi công bố. Ảnh: Trần Minh
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì buổi công bố.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam dự theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Bộ Y tế và có bài phát biểu tại sự kiện này.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng sáng kiến của WHO về trung tâm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA với sự hình thành Trung tâm đầu tiên tại Cape Town, Nam Phi.
Bộ trưởng Bộ Y bày tỏ niềm vui mừng và cảm ơn WHO về việc Việt Nam được lựa chọn để tiếp nhận công nghệ mRNA.
"Điều này cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam để trở thành trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực"- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tại điểm cầu Bộ Y tế Ảnh: Trần Minh
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà sản xuất vaccine trong nước trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA.
Thông tin với các điểm cầu dự lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Việt Nam là nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia (NRA) của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận.
Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia sáng kiến này Việt Nam không những làm chủ được công nghệ vaccine mRNA để sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long:
Công nghệ vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch COVID-19 mà còn giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.
Các đại biểu dự buổi công bố tại điểm cầu trụ sở WHO Ảnh Trần Minh
"Với năng lực và sự nhiệt huyết của các nhà sản xuất cũng như quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO và các đối tác để có thể làm chủ và cập nhật công nghệ vaccine mRNA trong tương lai, qua đó sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vaccine ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Trước đó, ngày 18/2, tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Liên minh Châu Phi, Tổng Giám đốc WHO đã thông báo 6 nước đầu tiên đều ở châu Phi gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia được thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine công nghệ mRNA từ trung tâm vaccine mRNA toàn cầu của WHO nhằm đảm bảo khu vực này có thể tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác.
Như vậy, với việc WHO công bố thêm 5 nước ngày 23/2, đến nay đã có 11 nước được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của WHO.
Hà Nội cho phép rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội về việc rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi vaccine Covid-19. Cụ thể, theo công văn số 19242/SYT-NVY của Sở Y tế Hà Nội, cơ quan này đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà...