Chuyên gia giáo dục người Việt tại Pháp và quan điểm gây “sốc”: Xin chị đừng cho con đi du học!
“Tưởng cô ở nước ngoài thế nào, ai lại đi khuyên cháu thế bao giờ”, phụ huynh này ngạc nhiên khi được tư vấn rằng đừng cho con trai đi du học.
Chị N.K, một tiến sỹ người Việt hiện là chuyên gia nghiên cứu tại trường Excelia – Pháp. Với kinh nghiệm nhiều năm học hành và làm việc tại nước ngoài, chị có nhiều bài viết về các vấn đề giáo dục và những chia sẻ về kinh nghiệm du học, kỹ năng học tập và phát triển bản thân cho các em học sinh, sinh viên.
Ngày cuối tuần, tôi nhận được cuộc gọi từ một người bạn ở Việt Nam. Con trai chị đang học lớp 11, chị muốn chuẩn bị cho con du học sau khi kết thúc lớp 12. Chị hỏi tôi nên cho con đi đâu, học trường nào?
Chị cứ ngỡ rằng sống lâu ở châu Âu, lại làm việc trong ngành giáo dục, hẳn tôi “cái gì cũng biết”. Câu trả lời của tôi khiến chị ngỡ ngàng:
- Em làm sao biết được, chị phải hỏi con trai chị chứ.
Không muốn phụ lòng bạn tôi, tôi cố gắng hỏi thêm vài câu hỏi để biết rõ thông tin, hy vọng có thể đưa ra lời khuyên chính xác. Nhưng đáng tiếc là, cuối buổi nói chuyện, tôi lại khuyên chị nên cho cháu ở nhà.
Du học cũng cần có LÝ DO
Trong suốt 10 năm sống ở nước ngoài, tôi thường xuyên được các bạn trong nước xin lời khuyên về việc du học. Có thể thấy, nhu cầu được du học là rất lớn và lý do mong muốn đi du học cũng rất đa dạng.
Đối với các bé cấp 3, phần lớn lý do các cháu đi du học là “bạn bè trong lớp đều đi cả, cháu cũng muốn đi”. Đáng tiếc là không chỉ các cháu mà nhiều phụ huynh cũng có suy nghĩ như vậy. Vì nhìn thấy bạn bè xung quanh đều đã cho con du học cả, mà con mình lại học ở Việt Nam thì bỗng nhiên cảm thấy thiệt thòi cho con quá.
Nếu các cháu học cấp 3 ở trường tư hay quốc tế thì con đường du học gần như hiển nhiên. Một số khác học ở trường chuyên, lớp chọn, nếu điều kiện kinh tế của cha mẹ không quá dồi dào thì các cháu sẽ dốc sức để tìm học bổng. Ngày này, cơ hội tiếp cận thông tin rất lớn, chưa kể các trung tâm tư vấn mọc lên nhan nhản nên việc tìm hiểu khoá học, trường học dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vì nhiều khi để đi cho bằng bạn bằng bè, nên vội vã nhắm mắt chọn đại 1 chương trình nào đó.
Một bộ phận phụ huynh khác cũng suy nghĩ rằng cho con ra nước ngoài để con đỡ hư, vì sợ rằng ở môi trường đại học trong nước, các con sẽ dễ tiếp xúc với nhiều bạn hư. Nhất là giờ đã lớn, suy nghĩ đã tự do hơn, cha mẹ không quản được.
Có lẽ phụ huynh không biết rằng, du học thì các con vẫn có thể “hư”, theo một cách nào đó. Nhốt mình trong phòng chơi điện tử suốt đêm, có hư không? Ăn uống thì toàn dùng đồ có sẵn, có hư không? Bỏ học đi chơi, có hư không? Vào bar, hút cần, bia bọt tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, có hư không? Ở Việt Nam có gì thì ở Tây cũng có đủ, muốn hư là hư được ngay.
Chuyên Gia Nghiên Cứu Giáo Dục N.K
Có lẽ phụ huynh không biết rằng, du học thì các con vẫn có thể “hư”, theo một cách nào đó. Ở Việt Nam có gì thì ở Tây cũng có đủ, muốn hư là hư được ngay.
Một nhóm khác, hầu hết là những người đã tốt nghiệp đại học và đi làm được vài năm, bỗng chốc bùng lên mong muốn được đi nước ngoài. Một mặt cũng là vì bạn bè cùng lứa đã đi du học (và cuộc sống qua MXH của họ mới đáng mơ ước làm sao chứ!); mặt khác, cũng là vì cảm thấy bế tắc, chán nản với công việc, cuộc sống hiện tại ở Việt Nam nên muốn ra nước ngoài để trải nghiệm cuộc sống mới. Cho nên khi tôi hỏi họ muốn học gì, ở đâu khi ra nước ngoài thì các bạn đều trả lời rất mông lung, vì chính họ cũng không thể xác định được mình muốn gì.
Thực ra, mong muốn “trải nghiệm cuộc sống mới” cũng không có gì sai trái cả, có điều, đó lại không phải là một lý do thuyết phục đối với việc HỌC. Trong những người tôi đã từng trò chuyện, rất ít người hiểu rõ họ muốn học gì, tại sao, và lộ trình sau khi học xong sẽ thế nào.
Rất có thể, chính vì không tìm hiểu kỹ ngay từ đầu mà nhiều người đã phung phí rất nhiều tiền bạc lẫn thời gian ở một nơi mình không thuộc về, thậm chí là tổn hại đến cả sức khoẻ lẫn tinh thần.
Du học không chỉ là màu hồng như chúng ta thường thấy
Trên thực tế, cuộc sống ở nước ngoài không phải là màu hồng như chúng ta vẫn thường thấy trên mạng xã hội.
Một người mới ra nước ngoài lần đầu tiên sẽ thường phải đối mặt với những rào cản về ngôn ngữ (kể cả khi chúng ta đã đạt chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu), rào cản văn hoá, lối sống, luật lệ. Đó là còn chưa kể đến những xa cách, thiếu thốn về mặt tình cảm. Nhiều du học sinh Việt Nam cũng thiếu kỹ năng sống một cách đáng kể, đặc biệt ở bậc đại học.
Chuyên Gia Nghiên Cứu Giáo Dục N.K
Một người mới ra nước ngoài lần đầu tiên sẽ thường phải đối mặt với những rào cản về ngôn ngữ, rào cản văn hoá, lối sống, luật lệ. Đó là còn chưa kể đến những xa cách, thiếu thốn về mặt tình cảm. Nhiều du học sinh Việt Nam cũng thiếu kỹ năng sống một cách đáng kể, đặc biệt ở bậc đại học.
Tôi còn nhớ một mùa hè năm nọ tôi đưa bố mẹ tới Bordeaux, một thành phố thuộc phía tây nam nước Pháp, chơi. Để tiết kiệm, chúng tôi mượn căn hộ của một du học sinh Việt Nam để ở tạm vài ngày, trong khi em ấy về nghỉ hè thì căn hộ cũng để trống.
Nhưng khi bước vào phòng chúng tôi không tin nổi vào mắt mình. Khắp căn phòng quần áo ném vương vãi, đồ dùng vứt lung tung. Bước vào bếp, tôi choáng váng vì thậm chí thức ăn thừa đã mốc lên trong nồi và lũ gián đang hăng say tung hoành gian bếp. Cứ như thể, em sinh viên bỏ chạy về Việt Nam trong vội vã và không kịp dọn dẹp gì.
Mẹ tôi đã phải thốt lên: “Nếu cha mẹ biết con cái đi Tây mà sống thế này, hẳn sẽ phải đau lòng lắm!”.
Chúng tôi không còn cách nào khác, đành phải trả lại căn hộ và ra ngoài thuê khách sạn.
Việc học tập ở nước cũng đòi hỏi khả năng tự học rất lớn, nghĩa là giáo viên thường không đi theo sau để đốc thúc, giục giã mà người học cần phải tự chủ hoàn toàn. Vì thế, ban đầu sinh viên cứ tưởng rằng thầy cô ở Tây dễ tính, việc học bên Tây cũng thoải mái, nhẹ như lông hồng, nhưng đến gần cuối kỳ thì mới “sáng mắt ra”.
Đừng chỉ nhìn cuộc sống màu hồng trên mạng xã hội.
Ngoài ra, không chỉ tự chủ mà còn đòi hỏi người học cần phải biết tự học, tự nghiên cứu, chứ không chỉ thầy giảng trò ghi một cách thụ động ở trên lớp. Tài liệu phải biết cách tự tìm kiếm, tự tổng hợp, phải đọc, viết rất nhiều để tự tích luỹ kiến thức. Thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn trên lớp và trả lời các thắc mắc của sinh viên.
Khốn nỗi, sinh viên Việt Nam, nhiều khi vì bản tính nhút nhát, tự ti, lại vướng rào cản ngôn ngữ nên hầu như rất ít khi dám phát biểu hay đặt câu hỏi trên lớp. Rào cản ngôn ngữ đã khiến nhiều du học sinh không thể hoàn thành khoá học, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm. Nếu lượn qua một vòng các Hội sinh viên Việt Nam các nước, không nơi nào là thiếu vắng những câu hỏi này.
Bên cạnh đó, rào cản về văn hoá cũng khiến nhiều du học sinh không thể hoà nhập với cuộc sống ở nước bạn, chỉ sống khép kín và thu mình trong cộng đồng Việt Nam. Chính vì vậy, đến khi đi làm cũng rất khó hoà hợp với đồng nghiệp và tạo được mối gắn kết với người bản xứ. Với tình trạng như vậy thì dù mang tiếng là đi du học nhưng du học sinh lại không học hỏi được cái hay, cái khác biệt ở nơi mình đến.
Đây là quyết định sẽ thay đổi cuộc đời, hãy để con là người chủ động
Tôi đã khuyên người bạn của tôi để con học ở Việt Nam vì cho tới giờ phút này, chị vẫn không biết rõ con trai muốn học ngành gì và ở đâu. Nơi con muốn đến thì chị lại không muốn để con đi, nơi chị chọn thì con trai chị không muốn.
Đây là quyết định sẽ thay đổi cuộc đời cháu, hãy để cháu là người chủ động trong dự án này, bằng không, anh chị chỉ phí tiền vô ích mà có khi còn bị cháu trách móc đấy. Cháu còn cả cuộc đời phía trước, đừng ép cháu làm việc cháu không muốn hay không sẵn sàng.
Hãy tưởng tượng thế này, việc đăng ký vào một chương trình học cũng giống như tìm hiểu mà mua một đôi giày vậy. Bạn phải mua được đôi giày đúng cỡ của bạn, nếu không đi sẽ rất đau chân. Bạn cần chọn kiểu giày phù hợp với vóc dáng, nếu không đi vào trông kệch cỡm. Chưa hết, đôi giày đó dù bạn thích chết đi được, cũng cần phù hợp với túi tiền.
Mua giày, đôi khi bạn còn có cơ hội đổi hay trả lại, nhưng đăng ký một chương trình thì lại khác. Mà kể cả khi bạn quyết định mua đôi giày khác, thì chân bạn cũng đã đau, tiền bạn đã mất, và bạn tốn thêm thời gian để chọn lựa.
Bởi vì du học sẽ là một quyết định thay đổi cuộc đời, phụ huynh cũng như học sinh hãy dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu trước khi quyết định, để tránh phí phạm những ngày tháng tươi đẹp của cuộc đời ở một nơi xa lạ.
Nam sinh giành học bổng bốn đại học danh tiếng ở Mỹ
Trượt tất cả đại học Mỹ trong kỳ tuyển sinh sớm, Hà Tuấn Hùng áp lực nhưng không bỏ cuộc, tiếp tục nộp hồ sơ và giành bốn học bổng toàn phần.
Tháng 3/2021 là khoảng thời gian đáng nhớ với Hà Tuấn Hùng, học sinh lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Em liên tiếp nhận thư chúc mừng trúng tuyển từ bốn đại học Mỹ với các gói học bổng toàn phần cho bốn năm, mỗi năm từ 75.000 đến 78.000 USD.
Những đại học Hùng trúng tuyển đều danh tiếng, bao gồm Đại học Dartmouth thuộc nhóm Ivy League (top 13 National Universities - NU, theo US News and World Report ), Vanderbilt (top 14 NU), Williams và Vassar (top 1 và top 13 National Liberal Arts Colleges).
Chỉ bắt đầu chuẩn bị du học từ đầu kỳ II lớp 11, cũng là thời điểm Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị đảo lộn, Hùng có khoảng thời gian nộp hồ sơ (apply) đầy thử thách nhưng đáng nhớ.
Hà Tuấn Hùng đang là học sinh lớp 12 chuyên Anh trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Ảnh: Dương Tâm.
Hùng ấp ủ giấc mơ du học từ lớp 7-8, khi chị gái học trường chuyên nhiều lần ra nước ngoài giao lưu. Trúng tuyển trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Hùng cho phép bản thân xả hơi bằng cách tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào mình thích. Trong khi đó, nhiều bạn xung quanh đã có kế hoạch du học rõ ràng, một số bạn thi xong SAT.
Hết kỳ I lớp 11, Hùng giật mình khi hỏi bạn nào cũng bảo "đã chuẩn bị du học hòm hòm". Em nói với bố mẹ tìm chỗ học SAT. Nhà không có điều kiện, Hùng tính cách tiết kiệm bằng việc chỉ học SAT phần Toán chứ không học Tiếng Anh. Em cũng đi phiên dịch và điều phối các sự kiện cho một trung tâm du học để học hỏi, nâng cao kỹ năng và có tiền tiêu vặt.
Đến tháng 3/2020, Covid-19 diễn biến phức tạp, lớp SAT đóng cửa, Hùng dự định thi luôn để không trôi kiến thức, nhưng kỳ thi bị hủy đến hai lần. Mãi đến tháng 8/2020, khi dịch lắng xuống, kỳ thi tổ chức lại, em mới đăng ký dự thi. Tự ôn lại khoảng một tháng, Hùng đạt 1.580/1.600 - số điểm rất ít học sinh đạt được.
Thời điểm chuẩn bị SAT cũng là lúc Hùng tham dự một kỳ thi tranh biện do trường THPT chuyên Sư phạm tổ chức. Nếu giành giải nhất, em sẽ được học bổng từ một trung tâm tư vấn du học. Điều này sẽ giúp nam sinh có định hướng rõ ràng hơn nên rất mong đợi.
"Gia đình không đủ điều kiện để chi trả cho các dịch vụ tư vấn nên em rất quyết tâm giành giải thưởng đó. Nhưng rồi em chỉ đạt giải nhì", Hùng nhớ lại. Bạn đoạt giải nhất không có nhu cầu du học, suất học bổng được chuyển sang em. Từ đó, Hùng có người hướng dẫn và biết phải làm gì tiếp theo.
Hà Tuấn Hùng chia sẻ về quá trình apply du học Mỹ. Video: Dương Tâm.
Thời gian còn lại quá ngắn, chỉ khoảng 4 tháng là đến thời điểm nộp hồ sơ, Hùng không thể xây dựng các hoạt động ngoại khóa từ đầu. Em còn phải lo làm rất nhiều bài luận. Điểm mặt những hoạt động tham gia trong lớp 10 và 11, Hùng nhận thấy chúng xoay quanh ba chủ đề chính: Viết lách, tranh biện và nghệ thuật. Em viết khá nhiều và tự nhận viết tốt bởi có làm báo trường và cũng đi làm thêm công việc truyền thông cho một tổ chức giáo dục hồi hè lớp 10.
Về tranh biện, nam sinh chuyên Anh đạt nhiều giải thưởng lớn như giải nhất cuộc thi The Debaters mùa 1 của VTV7 và Hanoi Debate Tournament 2020. Em còn là một trong năm học sinh trong đội tuyển tranh biện Việt Nam tham gia giải Vô địch tranh biện thế giới cho học sinh năm 2020 (WSDC) và giành giải người nói xuất sắc thứ 4 trong hạng người nói tiếng Anh như ngoại ngữ. "Cuộc thi có 370 học sinh đến từ 74 quốc gia, kết quả đó khá tuyệt với em", Hùng nói.
Hùng cũng tham gia nhiều hoạt động liên quan đến nghệ thuật như diễn kịch hay làm đạo diễn cho các chương trình ở trường. Em đi học làm phim tài liệu và diễn xuất, từng có phim tài liệu ngắn đoạt giải ba tại liên hoan phim Búp sen vàng dành cho những người làm phim không chuyên. Sân khấu điện ảnh cũng là ngành Hùng mong muốn được học ở Mỹ.
Rất nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng Hùng vẫn lo lắng vì chúng khá lộn xộn, không liên quan đến nhau do em không tính toán chuyện tham gia để làm đẹp hồ sơ du học. Sau nhiều thời gian suy nghĩ, Hùng nhận ra điểm chung là các hoạt động đều thể hiện em hướng ngoại, thích kết nối và hiểu mọi người xung quanh, thích được thể hiện bản thân và khẳng định mình. Thông điệp này được Hùng đưa vào bài luận chính, tạo thành sợi dây kết nối hoạt động ngoại khóa và bài luận.
Hùng chia sẻ bài luận chính của em mang chủ đề "Chiếc váy của chị tôi". Em bắt đầu bài luận bằng câu chuyện gia đình có truyền thống mặc lại đồ của nhau, chẳng hạn mẹ mặc váy cưới của bà, bố mặc quân phục của anh trai. Hùng có chị gái là người chuyển giới từ nam sang nữ. Trước khi chị thay đổi giới tính, em cũng rất hay mặc lại quần áo của chị.
Sự thay đổi của chị khiến gia đình không chấp nhận, chính Hùng cũng không hiểu vì sao trước đây chị ăn mặc giống mình mà giờ thì khác hẳn. Trong giây phút muốn hiểu chị mình, muốn biết việc sống trong hình hài không đúng là mình thì sẽ ra sao, em đã lấy váy của chị ra mặc. "Em cảm nhận rõ sự khó chịu và em hiểu rằng việc không được sống là chính mình thực sự tồi tệ", Hùng nói.
Từ câu chuyện trên, Hùng kết thúc bài luận với việc khẳng định bản thân rất muốn thấu hiểu người khác. Sau này lớn lên, các hoạt động em làm cũng nhằm để hiểu mọi người và khẳng định mình.
Mất ba tuần hoàn thành bài luận chính, Hùng vui vì gần như tự làm tất cả dưới sự hướng dẫn và gợi ý chỉnh sửa của một cố vấn. Sau khi hoàn thành, em phải làm các bài luận phụ để apply vào 5 trường trong đợt tuyển sinh sớm tháng 11/2020.
Thời gian apply gấp rút nhưng Hùng khá kỳ vọng được nhận ngay trong đợt sớm. Thế nhưng kết quả lại đi ngược. Gần một tháng sau khi apply, những thư từ chối từ các trường lần lượt được gửi tới Hùng. Trường em thích và kỳ vọng nhất là Đại học Williams cũng không nhận ngay mà quyết định để lại hồ sơ của em để xét với các bạn nộp đợt sau.
"Em rất căng thẳng. Bố mẹ bảo không sao vì đã cố hết sức rồi nhưng em rất buồn. Việc bố mẹ chi khá nhiều tiền để em đi học, đi thi chuẩn hóa khiến em cảm thấy tội lỗi. Hơn nữa, em là người đã đặt mục tiêu thì muốn phải đạt được", Hùng nói.
Hà Tuấn Hùng trong cuộc thi Vô địch tranh biện thế giới dành cho học sinh năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Mất một tuần stress, Hùng lấy lại động lực để tiếp tục viết bài luận phụ và apply đợt tháng 1. Lần này, để tăng cơ hội trúng tuyển, em nộp vào hơn 10 trường. Liền sau đó, Covid-19 trở nên phức tạp. Em phải học ở trường để bắt kịp chương trình, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi kỳ I đã tập trung cho việc apply sớm và thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh. Em cũng phải chuẩn bị để tiếp tục đại diện Việt Nam dự cuộc thi Vô địch tranh biện thế giới vào tháng 7.
Quá nhiều việc dồn đến một lúc khiến Hùng bị cuốn đi, không còn để ý thời gian các đại học Mỹ công bố kết quả tuyển sinh. Bỗng đến ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 3, Hùng nhận được thư chúc mừng trúng tuyển từ Đại học Vanderbilt kèm thông báo nhận được học bổng học thuật Cornelius từ trường. Học bổng này chỉ 1% học sinh toàn thế giới giành được.
Sau đó, Hùng vẫn nhận được một loạt thư báo trượt nhưng không thấy tệ như đợt trước nữa. Đến giữa tháng 3, trường em mơ ước là Williams báo đỗ. Hai trường còn lại là Vassar và Dartmouth cũng gọi tên. Trong đó, Dartmouth là trường Ivy League duy nhất Hùng nộp và không dám kỳ vọng.
Vũ Thị Linh Chi, 26 tuổi, cố vấn của Hùng, đánh giá Hùng xứng đáng nhận được học bổng toàn phần từ các đại học lớn của Mỹ. Gặp Hùng trong cuộc thi tranh biện, Chi được biết dù muốn du học, Hùng có phần e dè khi gia đình không có điều kiện. Chi đã gặp Hùng và mẹ để nói chuyện, mong gia đình cho em thử sức.
"Khi đó, mình cũng không nghĩ nhiều, chỉ cảm thấy nếu không làm thì sau này có thể phải tiếc. Đến khi Hùng thành học sinh Việt Nam duy nhất nhận học bổng Cornelius danh giá của Đại học Vanderbilt cùng học bổng toàn phần của ba đại học khác, mình biết đã không sai", Chi nói, đánh giá Hùng luôn cố gắng, chủ động. Em tạo ra nhiều giá trị và truyền cảm hứng cho mọi người.
Hiện, Hùng tích cực chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và cuộc thi WSDC 2021 diễn ra vào tháng 7. Em mở lớp tranh biện online cho học sinh lớp 10 và dạy gia sư tranh biện cho các em lớp 3-5. Hùng dự định "gap year" một năm để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi sang Mỹ.
"Em chưa từng nghĩ sẽ đỗ trường Ivy League như Dartmouth nên trước đó đã nghĩ sẽ nhập học Williams. Giờ thì em có chút phân vân", Hùng nói.
Nữ sinh Hà Nội giành học bổng trường top 4 của Mỹ 11Chàng trai giành học bổng 6 tỷ đồng của đại học số 1 thế giới 62
Đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm cho học sinh Thời gian qua, Trường Tiểu học Minh Khai B (quận Bắc Từ Liêm) đã chú trọng, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, từ đó, giúp các em phát triển kỹ năng học tập, kích thích hứng thú trong nhận thức, góp phần nâng chất lượng giáo dục toàn diện. Một ngày học của các học sinh lớp 1A7 Trường...