Chuyên gia giáo dục “hiến kế” giúp bố mẹ “học mà chơi” cùng con những ngày tránh Covid-19
Nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, tùy theo từng lứa tuổi để phụ huynh có thể lên kế hoạch học cùng con, chơi cùng con và làm những việc mà con yêu thích trong đợt nghỉ để tránh Covid-19.
Có kế hoạch cho con theo từng độ tuổi
Trước những lo lắng về dịch bệnh Covid-19, đến ngày 15/2, đã có trên 54 tỉnh thành quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020 để phòng dịch bệnh. Việc con cái được nghỉ học cũng là mong muốn của không ít phụ huynh. Thế nhưng, nhiều gia đình bố mẹ vẫn phải đi làm nên sự khó khăn về việc quản lý con cái cũng như chăm con, chăm sóc con khiến không ít người đau đầu.
Vì thế, để có một kế hoạch dài hơn giúp bố mẹ yên tâm khi con nghỉ học tránh Covid-19, PV đã được lắng nghe ý kiến của một số chuyên gia giáo dục.
Khi hỏi về vấn đề đang khiến không ít phụ huynh đau đầu, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên “hiến kế”: “Trước hết, bố mẹ phải có kế hoạch cho con mình từng độ tuổi để giúp con những ngày nghỉ như thế này không bị lãng phí thời gian. Đối với học sinh THPT và THSC, phụ huynh hãy cùng con lên một danh mục trong ngày về những công việc con đã làm.
Trong danh mục đó cố gắng định hướng để con làm việc nhà cùng bố mẹ. Nhưng bố mẹ cũng cần rất tâm lý trong vấn đề này bởi không phải đứa trẻ nào cũng nghe lời. Từ những việc nhỏ con đã làm được như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa bố mẹ hãy nói câu cảm ơn con và từ đó lên kế hoạch trong hai tuần tiếp theo nên làm gì”.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, đối với học sinh THPT và THCS, ngoài việc học ở trường thì nên cho con học thêm những thứ khác. Nếu con gái thì hãy cắm hoa, thêu thùa, con trai chơi các môn thể thao hoặc mỗi sáng cả ra đình chạy bộ. Đây là những hoạt động khá tích cực vì trước đây con phải đi học từ 7h sáng. Tranh thủ cơ hội này bố mẹ cùng các con tập thể dục thể thao với nhau. Ít nhất là được thêm 2 tuần nữa, nếu như dài ngày chúng ta sẽ có kế hoạch chỉnh chu hơn để thay đổi thói quen lành mạnh trong gia đình.
Ở lứa tuổi tiểu học, bố mẹ nên có những điều dạy cho con, hướng dẫn cho con việc nhà, những công việc nhẹ nhàng. Cùng con lên lịch học và học cùng con, nhưng quan trọng là phải biết học cái gì cho con đỡ nhàm chán và cảm thấy áp lực.
Bố mẹ hãy mua sách cho con đọc và nói với con: “Bố mẹ thích đọc sách này nhưng không có thời gian, con hãy đọc và kể lại cho bố mẹ nghe”. Để làm được những điều đó bố mẹ cần phải có kỹ năng, tạo sự hứng thú cho con, khen thưởng con và mô tả rõ cảm xúc của mình chứ không chỉ là nói con giỏi quá, đừng bốc lời khen lên quá cao để trẻ ảo tưởng và nhàm lời khen.
Video đang HOT
Tùy theo từng lứa tuổi để lựa chọn công việc phù hợp với con.
Với mầm non, bố mẹ tăng cường sức đề kháng cho con bằng cách ăn uống, rèn luyện sức khỏe như tập thể dục, các trò chơi vận động. Dạy con những bài hát con yêu thích, nhưng nhớ bố mẹ phải luân phiên học cùng con. Nếu những gia đình quá bận rộn thì hãy nhờ người thân chăm sóc, trông con hoặc thuê người như cô giáo mầm non trông giúp.
“Đây là dịp để trẻ được học nhiều thứ thay vì học khối kiến thức khổng lồ trên lớp như học thêm ngoại ngữ trên mạng. Con thích xem phim thì hãy giúp con tìm những bộ phim thật bổ ích. Nhưng, bố mẹ cũng cần kín đáo kiểm tra lịch sử con đã xem những gì trên web. Cách tốt nhất bố mẹ hãy đăng ký bằng tài khoản của mình để nếu trẻ muốn xóa bố mẹ vẫn phục hồi được. Bố mẹ cũng cần phải có sự quản lý con thật chặt chẽ trong những ngày này để tránh khi con quay lại trường rơi vào tình trạng sa sút, lơ đãng”, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho hay.
Đừng đặt nặng vấn đề học
Đó là câu mở đầu của thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh khi bàn về vấn đề này. Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh bày tỏ quan điểm: “Nhiều phụ huynh trong thời gian con nghỉ vẫn đang đặt nặng vấn đề học mà không hề biết sau này con chúng ta sẽ được học bù. Hãy coi đây là kỳ nghỉ hè của các con để trẻ được chơi, tham gia các chương trình ngoại khóa. Trong đợt nghỉ này, nếu cha mẹ thấy con mình có vấn đề về lỗ hổng kiến thức ở kỳ một thì phụ huynh có thể kiếm gia sư phụ đạo để lấp lỗ hổng còn thiếu, sau đó cho bé nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ”.
Cho con chơi theo sở thích nhưng cũng cần có sử quản lý, giám sát chặt.
Để “ứng phó” khi con nghỉ học dài ngày tránh COVID-19, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho biết, cha mẹ hãy biến thời gian này để cùng con làm những công việc nhà như nấu ăn, lau dọn nhà cửa. Tìm những bài giảng về kỹ năng sống để trau dồi thêm cho con. Nếu con thích làm phim, chụp ảnh thì hãy chiều theo sở thích đó chứ đừng ép buộc, như vậy sẽ tạo thêm những điều thú vị cho trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên để con lạm dụng mạng xã hội, các thiết bị công nghệ. Hãy kiểm soát thời gian chơi của con. Tạo cho con sự thỏa mái chứ đừng tạo cho con sự áp lực để cả nhà được gắn kết hơn. Khi con quay lại trường học có sự tự tin, niềm vui và hứng khởi.
Mai Thu
Theo nguoiduatin
Học sinh nghỉ học phòng virus corona: Cơ hội để chấp thuận hình thức học tại nhà
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc học sinh nghỉ học do lo ngại lây nhiễm virus corona chủng mới (nCoV) là cơ hội để xem xét công nhận hình thức học tại nhà (homeschooling).
Học sinh tham gia học trực tuyến trong những ngày nghỉ phòng chống dịch - C.T.V
Xu hướng giáo dục thế giới đang thực hiện
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng tình thế "chẳng đặng đừng" này chính là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại xu hướng giáo dục mà thế giới đang thực hiện, đó là học tại nhà.
Trong thời đại thế giới công nghệ phát triển, thay đổi từng giờ thì giáo dục cũng phải thay đổi từ hình thức tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách tiếp cận kiến thức đối với học sinh (HS).
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp nói thêm, chúng ta thử hình dung từ ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên (GV) dễ dàng kết nối với HS, đưa ra các gợi ý, hướng dẫn học tập và HS có thể trả lời ngay, thể hiện năng lực ngay tức thì và có điều kiện mở rộng tư duy hơn việc tham gia một lớp học tập trung.
Thạc sĩ Điệp lấy dẫn chứng: Chẳng hạn, cũng là một chủ đề kiến thức về từ đồng nghĩa, trái nghĩa, sau khi GV đưa ra yêu cầu trong những lớp học kết nối tại nhà, tất cả HS cùng nhanh chóng đưa ra các từ vựng mà mình tìm được. Như vậy các em vẫn đảm bảo kiến thức kỹ năng mà còn có điều kiện mở rộng kiến thức, khám phá những vấn đề liên quan. Vậy cớ sao chúng ta không áp dụng xu hướng của giáo dục hiện đại ngay từ lúc này.
Chuyển đổi từ học thụ động sang học chủ động
Phụ huynh HS P.T.T.G, Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM), cho rằng giá như việc học tại nhà đã được thực hiện thì trong thời gian nghỉ không đến trường để phòng chống lây nhiễm nCoV, nhà trường, GV, HS không phải lo sợ không kịp chương trình. Cả ngành giáo dục không phải "bấn loạn" để tính toán có kéo dài thời điểm kết thúc năm học hay không, nên lùi thời gian thi cử, tuyển sinh thế nào... Trong trường hợp này, chỉ cần thông báo cho HS thực hiện những lớp học trực tuyến ra sao, ứng dụng phần mềm nào, nội dung bài giảng nào để đáp ứng đúng chuẩn kiến thức kỹ năng cho từng thời điểm cụ thể.
Vị phụ huynh này còn nói thêm, nếu đã có chủ trương đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy theo hướng hiện đại thì nên thẳng thắn nhìn nhận đây là dịp để thực hiện.
Bà Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh giáo dục tại Phần Lan, cho biết hiện nay công nghệ phát triển rất cao, có nhiều ứng dụng cho việc học tại nhà nên đây cũng là điều kiện tốt để chuyển đổi từ học thụ động sang học chủ động. Đây cũng là cơ hội để thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống, học trò là trung tâm thay cho thầy cô là trung tâm như trước đây. Chẳng hạn ở Phần Lan, GV đang thực hiện phương pháp có tên gọi "flipped classroom" (lớp học đảo ngược). Ở đó, GV cung cấp tài liệu học trực tuyến bằng cách quay một số video về chủ đề bài học. HS sẽ xem video bài giảng, đọc thêm các tài liệu GV đưa cho, sau đó cùng trực tuyến với GV. GV sẽ giải đáp thắc mắc và giúp HS tìm ra đáp án cho các bài toán khó mà HS chưa tìm ra phương pháp.
Theo bà Nhi, nếu áp dụng đúng, tài liệu học tập thú vị, phương pháp này sẽ giúp HS chủ động hơn trong học tập, làm chủ việc học, GV chỉ đóng vai trò hướng dẫn hỗ trợ. Ngoài ra, HS có cơ hội phát triển tư duy, chẳng hạn tư duy phản biện (critical thinking), tư duy phản chiếu (reflective thinking), và kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving)...; vì HS sau khi đọc tài liệu và xem bài giảng sẽ phải tư duy, tìm tòi phương pháp giải quyết vấn đề trước, sau đó mới gặp và thảo luận phương pháp giải quyết vấn đề đó với GV.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Liễu, Trưởng chương trình giáo dục phổ thông cơ sở Ba Tháng Hai và Hoàng Văn Thụ của hệ thống Trường quốc tế Việt Úc (VAS), cũng nói rằng đây là cơ hội để thay đổi hình thức tổ chức lớp học. "Chúng ta có thể tận dụng những thành quả từ các cuộc thi GV sáng tạo, thiết kế bài giảng trực tuyến đa dạng, phong phú để đưa vào ngân hàng bài giảng. Đặc biệt vào thời gian tới, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì đây là thời điểm vàng để chúng ta thực hiện việc làm này", bà Liễu nhận định.
Đến trường khi có nhu cầu sinh hoạt tập thể, còn học tập ngay tại nhà
Trước đây, khi thảo luận luật Giáo dục sửa đổi đã có những đề nghị đưa vào luật việc tự học ở nhà nhưng không thành. Nay mùa dịch nCoV đã cho chúng ta thấy một tình huống khác trong giáo dục.
Hiện nay, nhiều trường phổ thông đã cho học sinh học online. Một số trang web khác thì cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 học online miễn phí.
Học online đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Hình thức này giúp việc dạy và học được thực hiện mọi lúc mọi nơi, giảm mọi chi phí về thời gian, tiền bạc và nguồn lực con người. Rõ ràng, ở Việt Nam hình thức này càng cần phải sớm triển khai.
Chả lẽ dịch bệnh do nCoV lại mở ra một cơ hội mới cho ngành giáo dục? Thúc đẩy sử dụng thông tin truyền thông, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục phải là một công cụ hữu ích trong tương lai gần. Điều này chỉ có được không chỉ dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ mà còn là sự tham gia tích cực của thầy cô giáo.
Từ việc nghỉ học vì dịch bệnh do nCoV, có thể thấy giáo dục trong nhà trường cũng sẽ thay đổi. Trẻ em, sinh viên và người học sau này chỉ đến trường khi có nhu cầu sinh hoạt tập thể, vui chơi chung, còn có thể sẽ học tập ngay tại nhà.
Nguyễn Kim Hồng
Theo thanhnien
Cần Thơ: Có 28 HS đạt giải HS giỏi quốc gia THPT Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2019 - 2020 TP Cần Thơ có 28 thí sinh đạt giải. Kỳ thi chọn HS giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2019 - 2020. Theo đó, kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2019 - 2020, TP Cần Thơ có 1 giải...