Chuyên gia giải mã hành động “xấc xược” của Facebook ở Australia: Mark Zuckerberg thực sự muốn gì?
Theo một chuyên gia, việc Facebook hạn chế các nhà xuất bản Australia là một “lựa chọn hạt nhân” được tính toán kỹ lưỡng.
Peter Lewis, giám đốc Trung tâm Responsible Technology tại Viện nghiên cứu Australia cho biết với động thái mới nhất ở Úc, Facebook đang cố gắng phát huy sức mạnh độc quyền của mình. Theo Lewis, gã khổng lồ mạng xã hội đã xây dựng được một nền tảng khổng lồ và cho phép người dùng truy cập nó miễn phí. Đổi lại, họ hạ thấp quyền riêng tư của người dùng thông qua việc thu thập dữ liệu và kiếm tiền từ những thông tin đó.
“Tôi nghĩ họ đang củng cố vị thế độc quyền của mình trong phần này của thế giới kỹ thuật số”, Lewis chia sẻ với CNBC.
Động thái của Mark Zuckerberg làm dấy lên một cuộc tranh luận ở Australia về những lựa chọn thay thế. Hiện tại, chưa có bất cứ sản phẩm nào của doanh nghiệp nào có thể thay thế được Facebook. “Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng là một cuộc chơi dài hơi, không phải điều ai đó có thể làm trong một sớm một chiều”, Lewis chia sẻ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg nói rằng ông đã có cuộc trò chuyện với CEO Facebook Mark Zuckerberg và họ sẽ tiếp tục nói chuyện vào cuối tuần này. Theo ông Frydenberg, Chính phủ và Facebook sẽ làm việc để giải quyết những vấn đề vẫn còn tồn tại.
Tuy nhiên, ông Frydenberg không nói hướng giải quyết sẽ ra sao. Trước đó, bản thân vị Bộ trưởng này và nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ Australia cũng đã lên tiếng phản đối hành vi ngạo mạn của Facebook. Thậm chí, Thủ tướng Australia cũng lên tiếng gọi Facebook là kẻ “xấc xược” đồng thời tuyên bố quốc gia này sẽ không nhượng bộ.
Video đang HOT
Thực tế, hành động này không chỉ thể hiện cho sự ngạo mạn của mạng xã hội lớn nhất thế giới mà ẩn sau đó là cả một toan tính chiến lược. Ông Lewis mô tả nó như một vụ tai nạn bởi một chiếc xe hơi đang di chuyển với tốc độ chậm chạp gây ra.
“Facebook đưa ra một lựa chọn hạt nhân và tôi đoán ý tưởng của họ chính là giết gà dọa khỉ”, Lewis nói.
Tuần trước, Google cũng đã đẩy tình hình lên cao trào khi đe dọa đóng cửa trang tìm kiếm của mình ở Úc. Tuy nhiên, họ đã thay đổi động thái của mình thông qua quyết định tìm kiếm sự hợp tác với những nhà xuất bản địa phương. Facebook thì khác, họ đã nhảy xuống hố. Câu hỏi duy nhất hiện nay là họ sẽ đạt kết quả như thế nào, Lewis nói.
Về phần mình, Facebook cho biết hành động của họ sẽ không gây nhiều tác động tới người dùng. Cụ thể, chưa tới 4% nội dung mà mọi người xem trên News Feed của họ là từ mảng tin tức và nó mang lại rất ít lợi nhuật cho công ty.
Suranga Seneviratne, một giảng viên tại Trường Khoa học Máy tính thuộc Đại học Sydney, tin rằng động thái này sẽ có ít tác động đối với người dùng trên khắp Australia. Tuy nhiên, những người khác cho rằng việc Facebook xóa những nguồn tin được kiểm chứng trên nền tảng của mình trong bối cảnh thông tin sai lệch lộng hành sẽ là hành vi vô cùng nghiêm trọng, chẳng khác gì tự bắn vào chân.
Google và Facebook là 2 công ty hàng đầu trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số ở Australia. Trong báo cáo tháng 9 năm ngoái, cứ 100 đô mà các nhà quảng cáo nước này chi tiêu thì có tới 77,26 đô rơi vào tay Google (53 đô) và Facebook (28 đô). Các trang truyền thống chỉ nhận 19 đô trong số còn lại.
Facebook, Google chấp nhận thua trận đánh ở Australia để giành chiến thắng trong cả cuộc chiến
Bằng cách bỏ qua một số vị trí thống trị ở Australia, Facebook và Google đang nỗ lực duy trì vị thế của mình ở phần còn lại của thế giới hay ít nhất là kéo dài nó tới khi nào có thể.
Khi các nhà thăm dò phát hiện ra lượng dầu lớn tại giếng dầu Spindletop của Texas vào năm 1901, nhà độc quyền dầu hàng đầu thế giới đã vắng bóng trong cuộc đua sở hữu này. Một thập kỷ trước khi bị chia tách trong vụ kiện chống độc quyền, Standard Oil Co., công ty dầu mỏ lớn nhất thời kỳ đó, đã bằng lòng ngồi lại và các đối thủ bản địa nhỏ hơn để cùng hợp tác.
Câu chuyện đó có vẻ tương đồng với những gì mà Google đang làm ở Australia trước thời điểm Quốc hội nước này thông qua một đạo luật mới liên quan đến thông tin trên Internet. Alphabet, công ty mẹ của Google, đã đạt thỏa thuận với News Corp, công ty truyền thông Australia, về việc chia sẻ doanh thu.
Trong khi đó, Facebook lại đang thực hiện một cách tiếp cận cực đoan hơn. Trong tuyên bố ngày 18/2, Facebook đã quyết định ngừng phân phối tin tức từ các nhà xuất bản Australia đồng thời ngăn chặn người dân nước này chia sẻ thông tin trên truyền thông trong và người nước. Thậm chí, nhiều trang của chính phủ cũng bị xóa bỏ.
Trở lại với câu chuyện của hơn 120 năm trước, John D. Rockefeller - nhà sáng lập Standard Oil đồng thời là người đàn ông được cho là giàu nhất lịch sử hiện đại của nước Mỹ - không quan tâm ai là người sản xuất dầu ở Mỹ. Miễn là ông có đường ống, các nhà máy tinh chế và hệ thống phân phối dầu để cầm trịch ngành công nghiệp này.
Google có một chút khác biệt. Bằng cách mang lại lợi ích cho các nhà xuất bản, những đối thủ hàng đầu của họ trong ngành quảng cáo trực tuyến, họ hy vọng sẽ nắm trong tay phần thưởng lớn hơn, việc kiểm soát và phân phối thông tin trực tuyến toàn cầu. Facebook, bằng cách từ chối thỏa hiệp ở Australia, cũng đang hướng tới mục tiêu tương tự.
Những con số chưa được xác nhận cho thấy con số 30 triệu đô la Australia sẽ là số tiền mà các nhà xuất bản nước này được nhận sau thỏa thuận với gã khổng lồ công nghệ. Nó quá nhỏ bé trong thị trường quảng cáo số trị giá 10 tỷ đô la Australia của quốc gia châu Đại dương này. Nó sẽ chẳng đáng gì so với doanh thu 183 tỷ USD của Alphabet và 86 tỷ USD của Facebook mỗi năm.
Cốt lõi của vấn đề, có lẽ cơ quan quản lý chống độc quyền của Úc muốn một sân chơi bình đẳng. Google và Facebook không chỉ là đối thủ cạnh tranh với mảng kinh doanh tin tức trên thị trường quảng cáo trực tuyến mà họ còn phải là những nhà phân phối quan trọng, chia sẻ doanh thu với các nhà xuất bản.
Không chỉ ở Australia, các vụ kiện chống độc quyền cũng đã được nhằm vào Google và Facebook trên toàn thế giới. Tiền phạt mà Liên minh châu Âu (EU) dành cho Google từ năm 2017 tới nay là 10 tỷ USD vì các hành vi phản cạnh tranh.
Google và Facebook đang nuốt chửng phần lớn ngân sách quảng cáo trực tuyến toàn cầu. Họ thu thập giữa liệu người dùng để phân phối những quảng cáo này tới đúng đối tượng. Những số liệu này là thứ mà những công ty mua quảng cáo hay cả những nhà xuất bản tin tức đều muốn có được. Luật sắp được thông qua ở Australia tạo ra một tiền lệ để mong muốn này trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, theo luật mới, các nhà xuất bản sẽ được phép thương lượng với tư cách là một nhóm với các nền tảng kỹ thuật số như Facebook hay Gooogle thay vì thương lượng riêng lẻ. Nếu không đạt được thỏa thuận chung, họ sẽ gửi kế hoạch của mình tới 1 ủy ban độc lập để phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra.
Kịch bản cuối cùng quá rủi ro để bất cứ bên nào lựa chọn. Cách để giành chiến thắng trong cuộc đàm phán chính là cởi mở và trung thực về việc mô hình kinh doanh đó đáng giá như thế nào. Tuy nhiên, điều này tạo ra mối đe dọa với Google và Facebook lớn đến mức gã khổng lồ mạng xã hội rút hoàn toàn khỏi mảng tin tức ở Australia. Google, sau khi đe dọa tiến hành động thái tương tự và tắt công cụ tìm kiếm của họ ở Australia, một biện pháp tốt hơn đã được lựa chọn.
Khi luật còn chưa được thông qua, Google đã tìm cách thỏa thuận với từng nhà xuất bản, trong đó News Corp là cái tên đầu tiên. Đổi lại, gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm chỉ phải trả một số tiền nhỏ. Những thỏa thuận như thế này đảm bảo rằng Google sẽ không bao giờ phải tham gia một cuộc đàm phán nghiêm túc với một đối thủ ngang ngửa hoặc phải tuân thủ thỏa thuận với mức giá không hề rẻ.
Chấp nhận thua trận đánh ở Australia, Facebook và Google dường như đang tính các bước đi khác để bảo vệ vị thế của họ ở những nơi khác trên toàn thế giới.
Bằng cách hy sinh một quân cờ ở Texas, Standard Oil đã có thể giữ bị trí độc quyền của mình trong một phần ngành công nghiệp dầu mỏ cả một thập kỷ. Bằng cách từ bỏ cuộc chiến tin tức ở Australia, Google và Facebook có thể tập trung nỗ lực vào việc duy trì vị thế độc quyền của họ tại các thị trường lớn hơn nhiều về thông tin trực tuyến và dữ liệu.
Tuy nhiên, thành công của nỗ lực này vẫn là một ẩn số. Trong quá khứ, Tòa Tối cao của Mỹ đã phá bỏ đế chế của ông trùm John D. Rockefeller (phán quyết vào năm 1911 yêu cầu Standard Oil phải giải thể). Các nền tảng kỹ thuật số này hy vọng họ có thể tránh được một kết cục tương tự. Tuy nhiên, với nhận thức chống độc quyền trong thế giới số ngày càng gia tăng mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, những ngày tháng êm đềm của Google và Facebook có lẽ đã qua.
Facebook không thay đổi được Australia Dù đã đưa ra nhiều động thái nhằm đáp trả lại đạo luật mới của Australia, Mark Zuckerberg vẫn không thuyết phục được nước này bãi bỏ luật. Vào tháng 4/2020, chính phủ Australia đã đưa ra một dự luật yêu cầu Facebook và Google phải trả tiền khi sử dụng tin tức trên báo chí, các hãng tin tại quốc gia này....