Chuyển đổi số – Cơ hội nâng ‘chất’ giáo dục vùng cao
Chuyển đổi số được ngành GD&ĐT Lào Cai xem như nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục…
Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai.
Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai đã trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục.
Động lực chuyển đổi số
Ông có thể cho biết thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT Lào Cai hiện nay ra sao?
Ông Nguyễn Minh Thuận: Về quy mô trường, lớp, học sinh và trẻ em được tiếp cận, học môn Tin học toàn tỉnh có 509 trường/612 trường với 145.550/222.850 học sinh và trẻ em được tiếp cận, học tập môn Tin học. Có 626 phòng Tin học/509 trường/612 trường có phòng Tin học; 4.563 máy chiếu, màn hình ti vi; 144 bảng tương tác thông minh;
Các phòng Tin học đều được kết nối mạng internet phục vụ công tác dạy học. 612/612 cơ sở giáo dục có kết nối internet; trong đó 602 trường sử dụng mạng cáp quang internet băng rộng cố định; 10 trường sử dụng mạng 3G, 4G.
Cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành được quan tâm, đầu tư hàng năm; các công ty viễn thông đã có nhiều giải pháp đầu tư để các nhà trường ở vùng cao có đường truyền internet ổn định.
Đội ngũ giáo viên cơ bản có trình độ, tiếp cận nhanh với các ứng dụng CNTT và sáng tạo trong chuyển đổi số, đặc biệt là các ứng dụng trong dạy học. Số giáo viên có thể ứng dụng CNTT cơ bản để hỗ trợ dạy học đạt 95%; số giáo viên có thể sử dụng thành thạo các công cụ e-learning soạn bài giảng đạt 30,0. Cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản có trình độ, thích ứng và tiếp cận nhanh với các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy học; cơ bản đáp ứng và sẵn sàng cho những yêu cầu mới của Chuyển đổi số…
Các trường khu vực thuận lợi đã cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; học sinh phổ thông đều có học bạ điện tử. Ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục đã chủ động trong việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong giảng dạy, đặc biệt trong thời gian tạm nghỉ học phòng Covid… để tương tác với học sinh.
Song bên cạnh ưu điểm còn những tồn tại cần tháo gỡ về cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT… khi chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục. Mặt khác tư duy một số cán bộ quản lý về quản lý số, kỹ năng xử lý số còn khó khăn để đưa ra các quyết định quản lý; một số giáo viên còn hạn chế kỹ năng sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy và học.
Các phần mềm, nền tảng trong quản lý nhà trường, tổ chức dạy và học chưa đồng bộ, liên thông giữa các cấp học và giữa các phần mềm, nền tảng. Dữ liệu của các cơ sở giáo dục đang lưu trữ phân tán, tồn tại nhiều rủi ro trong quá trình lưu trữ. Dữ liệu số thu thập từ các hoạt động giáo dục chưa đầy đủ, chưa được sử dụng nhiều trong đánh giá, tư vấn học sinh và các hoạt động giao tiếp với phụ huynh học sinh trên nền tảng số…
Chuyển đổi số là cơ hội để giáo dục vùng khó nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học.
Đâu là động lực để ngành GD&ĐT Lào Cai chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian tới?
Video đang HOT
Chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quốc gia; làm nền tảng cho tỉnh phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, tận dụng tốt thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp ngành Giáo dục thay đổi những giá trị cốt lõi như: Cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng đến cách thức quản lý công việc trên nền tảng số. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ trên nền tảng dữ liệu số; thúc đẩy đầu tư vào số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) một cách mạnh mẽ.
Phát triển dựa trên nền tảng dữ liệu và cách thức làm việc với ứng dụng CNTT&TT gắn liền với khả năng ứng dụng, kết nối, trao đổi và chia sẻ dữ liệu. Tác động trực tiếp đến đối tượng và các dịch vụ cung cấp của các cơ sở giáo dục; qua đó thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ giáo dục truyền thống sang các dịch vụ giáo dục số trên nền tảng dữ liệu số.
Đặc biệt sẽ đa dạng được các hình thức, giải pháp tiếp cận nhu cầu “cần gì học nấy”, “học mọi lúc – mọi nơi” của người học, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục bảo đảm mọi công dân được học tập suốt đời, hướng đến xây dựng xã hội học tập.
Chuyển đổi số giúp dạy và học tăng hiệu quả.
Mục tiêu mới, kỳ vọng mới
Ông có thể cho biết Ngành giáo dục Lào Cai đã đặt ra kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số ra sao?
Ngày 24/10/2022, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số Ngành GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ các cơ sở giáo dục.
Về quản trị nhà trường phấn đấu 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu dùng chung và công nghệ số; 100% cơ sở giáo dục có nền tảng và hệ thống lưu trữ dữ liệu riêng để khai thác, phục vụ điều hành, quản lý, liên thông với Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT. 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục được quản lý bằng hồ sơ số. 100% học sinh phổ thông có học bạ điện tử.
Về quản lý giáo dục: Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý giáo dục…
Đến năm 2025: 100% trường học có kết nối cáp quang băng thông rộng để nhà giáo và người học được tiếp cận hiệu quả chương trình GDPT 2018 và các hoạt động dạy học trực tuyến; 90% các điểm trường có kết nối Internet tốc độ cao cho phép toàn bộ số máy tính trong nhà trường kết nối Internet cùng một lúc…
Tiết học ứng dụng CNTT tại Trường THPT chuyên Lào Cai.
Với mục tiêu đặt ra, Ngành sẽ thực hiện những giải pháp cơ bản nào để đảm bảo chuyển đổi số trong giáo dục về “đích” đúng kế hoạch?
Ngành đặt ra các giải pháp cơ bản như: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, đào tạo đội ngũ để nâng cao năng lực số, học sinh trở thành công dân số.
Xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ Nền tảng quản lý thông tin tổng thể ngành GD&ĐT Lào Cai (Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành tổng thể và các dịch vụ quản lý, điều hành từ trường đến sở; dạy-học trên nền tảng số; tuyển sinh đầu cấp; kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng chứng chỉ…);
Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT.
Mặt khác, huy động các nguồn lực để nâng cao cơ sở vật chất tham gia ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT;
Triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; các cơ chế, chính sách đặc thù (thiết kế, thẩm định bài giảng điện tử dùng chung) nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai…
Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu đến năm 2030, ngành GD&ĐT Lào Cai có 100% cơ sở giáo dục và điểm trường được sử dụng dịch vụ mạng internet với cáp quang băng rộng; cơ bản đủ thiết bị công nghệ thông minh để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường mạng.
100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục được quản lý trên môi trường số, được kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.
Hoàn thiện các kho học liệu trực tuyến hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình GDPT…
Điểm tựa chất lượng giáo dục trường vùng cao
Giữ văn hóa truyền thống trong các trường có học sinh dân tộc được xem như giải pháp quan trọng để bảo tồn và nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao
Mặc trang phục truyền thống cũng là cách để giữ gìn nét văn hóa dân tộc.
Giữ "hồn" văn hóa trong trường học
Thực tế cho thấy hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT là môi trường lý tưởng để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống bởi ở đó các giá trị văn hóa có thể đưa vào giảng dạy lồng ghép trong các môn học, trở thành hoạt động trải nghiệm bổ ích lý thú.
Mặt khác, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã giúp học sinh thêm tự tin, nhận thức sâu sắc văn hóa dân tộc mình, tăng cơ hội giao lưu, học tập, nâng cao ý thức, sự trân trọng với văn hóa dân tộc.
Tại trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (huyện Yên Minh, Hà Giang) với 100% học sinh dân tộc (Mông, Tày, Nùng...) học tập và sinh hoạt. Do đó việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống được nhà trường xác định quan trọng và thông qua nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng trao đổi: Trường đã nghiên cứu và đưa các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc vào các tiết học và thời gian ngoài giờ lên lớp.
Ví như, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu trang phục, phong tục tập quán từng dân tộc; tổ chức cho học sinh trải nghiệm làm món ăn truyền thống; mời nghệ nhân văn hóa dạy múa hát, trò chơi dân tộc... Những hoạt động này giúp học sinh được thể hiện, hòa nhập với bạn bè, hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, lối sống từng dân tộc.
Trường PTDTBT TH số 1 Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) có học sinh thuộc 3 thành phần dân tộc (trên 80% Mông, gần 20% dân tộc Nùng, số ít dân tộc Kinh). Do đó việc giữ gìn bản sắc được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả.
Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng cho biết: Trường đã kết hợp giáo dục văn hóa truyền thống lồng ghép trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu văn hóa các dân tộc bằng thi viết, trắc nghiệm; Thi trang phục dân tộc cấp trường; Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ 2, 6 hàng tuần.
Giáo cụ trực quan tại lớp học có học sinh dân tộc.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ như múa khèn ô, múa gậy Sênh tiền, nấu xôi bảy màu của người Nùng, làm bánh trôi người Mông, gói bánh chưng người Nùng... cũng được tổ chức trong hầu hết các hoạt động của trường.
Đặc biệt, trường còn thành lập được câu lạc bộ hoạch hoạt động theo tuần với nội dung học tập, sinh hoạt như: Khâu thêu váy áo Mông, Làm khèn Mông, Múa khèn Mông, Múa Sênh tiền. Ban giám hiệu trực tiếp đưa ra vấn đề cùng bàn bạc với cộng đồng người dân để mời nghệ nhân, thống nhất nội dung dạy cho học sinh từ cơ bản đến kĩ thuật...
Không những thế, để giúp học sinh cảm nhận văn hóa dân tộc ngay khi học tập trên lớp, giáo viên và phụ huynh đã trang trí trường lớp bằng hai ngôn ngữ Tiếng Việt và Mông. Lựa chọn những câu khẩu hiệu dễ đọc, dễ hiểu và thể hiện bằng hai ngôn ngữ mà học sinh được học để trang trí trường lớp...
Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) cũng với 100% học sinh dân tộc nên nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc được nhà trường đẩy mạnh như: thành lập câu lạc bộ múa Sênh tiền và mời nghệ nhân truyền dạy trực tiếp cho giáo viên, học sinh; Trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, khách tới tham quan trường thì học sinh đều mặc trang phục dân tộc, biểu diễn múa Sênh tiền.
Việc giữ gìn bản sắc dân tộc còn được thể hiện rõ nét trong từng lớp học. Cuối mỗi lớp đều đặt và trang trí góc bản sắc văn hóa dân tộc. Giáo viên, học sinh cùng sưu tầm và trưng bày các loại trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, tài liệu, mô hình về con người, văn hóa đồng bào dân tộc. Góc bản sắc văn hóa đã trở thành mô hình dạy học trực quan, sinh động cho giáo viên trong quá trình giảng dạy các mảng nội dung liên quan.
Điểm tựa chất lượng
Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH số 1 Sín Chéng (Lào Cai) khẳng định: Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường có học sinh dân tộc đã đưa cộng đồng vùng cao lại gần nhà trường; góp phần xây dựng phong trào giáo dục cho người dân tộc thiểu số vùng cao. Mặt khác, chính quyền địa phương, người dân sẽ thấy rõ và nâng cao trách nhiệm đối với giáo dục...
Hơn thế, học sinh có cơ hội tìm hiểu, giáo dục tri thức văn hóa địa phương một cách sâu sắc. Từ đó biết gìn giữ bản sắc văn hóa, tự hào dân tộc, mạnh dạn hơn trong giao tiếp hàng ngày.
Thầy Nguyễn Văn Lục, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) cũng ghi nhận sự tích cực từ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường theo góc độ khác: "Học sinh rất vui, hứng thú khi đến trường, lớp học tập. Các em dù khác lớp, khác dân tộc nhưng đoàn kết trong học tập, vui chơi, sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng kỳ thị giữa học sinh khác dân tộc đã được giải quyết hoàn toàn. Chất lượng giáo dục nâng lên đáng kể, học sinh không còn bỏ học giữa chừng...".
Góc dân tộc giúp giáo viên thêm hiểu và gần gũi học trò.
Cô giáo Nguyễn Ánh Phương, Trường PTDTBT TH Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà, Lào Cai) cũng chia sẻ: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường không chỉ hữu ích với học sinh mà bản thân giáo viên có cơ hội tích lũy kiến thức, tìm kiếm, sưu tầm bổ sung các tư liệu văn hóa vào các bài giảng của mình cho phong phú hơn, sát hợp với học sinh...
"Nếu không tìm hiểu tích lũy văn hóa dân tộc để đưa vào bài giảng thì không chỉ giáo viên thiếu kiến thức văn hóa phong tục tập quán, nét đẹp, bản sắc văn hóa các dân tộc trong kho tri thức của mình. Giáo viên còn bị hạn chế trong quá trình lồng ghép kiến thức vào bài giảng; việc giao lưu, thấu hiểu giữa giữa giáo viên và học sinh, phụ huynh là người dân tộc có khoảng cách. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình dạy và học ở trường có học sinh dân tộc, trường nội trú, bán trú...", cô Phượng khẳng định.
Chuyển đổi số trong giáo dục - tất yếu để 'học tập suốt đời' Chuyển đổi số mang lại những lợi ích rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Công nghệ big data (dữ liệu lớn) giúp phân tích hành vi học tập của người học để có hỗ trợ, tư vấn phù hợp. Bên cạnh đó, Tài nguyên học liệu mở giúp kiến thức được lan tỏa nhanh chóng và người học chủ...