Chuyện đi học cho con trẻ, đừng lặp lại cảnh dở khóc dở cười
Đây là cách nói của các trường, phụ huynh về những lúng túng trong học kỳ 2 năm học vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và mong không xảy ra nữa.
Năm học vừa qua, do bị động trước dịch bệnh, mỗi trường phòng chống dịch khác nhau, dẫn đến tranh cãi, như trường hợp đeo kính chống giọt bắn trong lớp học – Ảnh: NHƯ HÙNG
- Chị Hà (TP.HCM): Cháu tôi học tiểu học tại một trường tư thục có dạy chương trình nước ngoài. Tuần đầu tiên nghỉ học vì dịch, trường “án binh bất động”. Tuần sau, giáo viên chủ nhiệm gửi bài tập qua Zalo yêu cầu học sinh hoàn thành rồi gửi lại cho cô. Tuần thứ ba nhà trường yêu cầu giáo viên và học sinh phải dạy – học trực tuyến.
Cháu tôi mới lớp 2, ngồi vào máy được 5-7 phút là lo ra, không tập trung được. Học phí thu như cũ nên em tôi xin cho con không học online thì nhà trường nói bắt buộc phải học. Nhà trường và phụ huynh không đạt được thỏa thuận nên xảy ra khiếu kiện dài hạn…
- Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – phụ huynh nhà ở Đắk Lắk, có 2 con học THCS tại một trường tư thục ở quận Tân Bình, TP.HCM: Sau tết, theo quy định ngày 2-2 tôi đưa con trở lại trường. Đọc tin về dịch bệnh, cả nhà lo lắng và sốt ruột, gọi điện cho nhà trường thì trường bảo: “Sở GD-ĐT chưa có thông báo gì nên vẫn nhập học bình thường”.
Hơn 17h ngày 2-2 tôi giao con cho giáo viên quản nhiệm rồi lên xe về nhà, đang trên đường về nhà thì trường gọi điện quay lại đón con vì “UBND TP.HCM cho học sinh nghỉ học 1 tuần”.
- Hiệu trưởng một trường phổ thông tư thục nội trú ở TP.HCM: Suốt giai đoạn hơn 3 tháng học sinh TP.HCM không đến trường, nhà trường rất bị động. Quyết định của UBND TP cho học sinh khối 12 nghỉ học đến hết ngày 8-3. Như vậy, học sinh nội trú phải nhập trường vào chiều hoặc tối 8-3.
Trong ngày 8-3, chúng tôi đọc được những tin tức về việc tăng ca bệnh COVID-19, phụ huynh lo lắng hỏi, không thấy cấp trên có thông báo mới, nhà trường vẫn yêu cầu học sinh nhập trường. Đến hơn 18h ngày 8-3 UBND TP mới có quyết định cho học sinh khối 12 nghỉ học tiếp. Chúng tôi yêu cầu phụ huynh đến đón con về, họ bức xúc lớn tiếng với nhà trường vì phiền phức quá, mới đưa con lên trường được vài tiếng lại phải quay lại đón con về ngay trong đêm.
- Chủ tịch hội đồng quản trị một trường tư tại Hà Nội: Rất nhiều trường tư lâm vào cảnh chờ đợi khi cuối tuần này mới quyết định việc đi học hay tiếp tục nghỉ học của tuần sau. Trường không thể cắt hợp đồng với giáo viên nước ngoài vì rất có thể tuần tới học sinh sẽ được đi học. Thế nên vẫn phải chi trả các chi phí ăn ở, lương theo hợp đồng cho số giáo viên này. Tương tự, các lực lượng gián tiếp phục vụ hoạt động của trường cũng vẫn phải duy trì trong suốt mấy tháng học sinh nghỉ dịch vì mọi kế hoạch đều bị động, đều có thể thay đổi đột ngột.
Sinh viên một số trường ĐH ở TP.HCM, Hà Nội cũng gặp tình cảnh dở khóc dở cười khi nhà trường kêu nhập học, ai nấy tức tốc tàu xe đi từ quê đến TP từ ngày hôm trước, đến sáng hôm sau thì nhận được tin nghỉ học tiếp.
Tựu trường mùa dịch sẽ ra sao?
Sáng 17-8, học sinh nhiều trường phổ thông tư thục ở TP.HCM đã tựu trường, chuẩn bị các thủ tục để bước vào năm học mới. Nhiều trường đã có kế hoạch cụ thể để phòng ngừa dịch COVID-19.
Video đang HOT
Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM) được đo thân nhiệt ngay cổng trường trong sáng 17-8 - Ảnh: T.V.MINH
Trong khi khối trường công lập vẫn chờ hướng dẫn từ Sở GD-ĐT TP.HCM.
Chưa nhận học sinh nội trú
Tại Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), ông Trần Văn Minh - phó hiệu trưởng - cho biết: "Đáng lẽ học sinh trường chúng tôi tựu trường ngày 3-8, nhưng dịch COVID-19 bùng phát nên dời ngày tựu trường đến 17-8. Dù vậy chúng tôi chưa nhận học sinh nội trú, chỉ nhận học sinh bán trú và học sinh học hai buổi/ngày ở TP.HCM.
Học sinh ở các tỉnh, thành khác tạm thời chưa tựu trường vì đa số các em ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk... Trường cũng gửi tin nhắn đến phụ huynh thông báo học sinh đi du lịch ở những vùng có dịch phải khai báo y tế tại địa phương, tự cách ly theo đúng quy định và không đến trường".
Về kế hoạch học tập, ông Minh nói: "Trong hai tuần cuối tháng 8, học sinh sẽ ôn tập chương trình của năm học trước, dự sinh hoạt chuyên đề và học kỹ năng sống. Dự kiến ngày 3-9 sẽ là ngày tựu trường của 100% học sinh các lớp. Những em ở ngoài TP.HCM sẽ được học bổ sung chương trình tháng 8 sau ngày khai giảng năm học mới".
Tương tự, tại Trường tiểu học, THCS-THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình), ông Lê Văn Linh - hiệu trưởng - nói: "Tất cả học sinh của trường đều tựu trường ngày
17-8. Những học sinh từ vùng tâm dịch phải tự cách ly đủ 21 ngày rồi mới đến trường. Trường cũng không tổ chức lễ dưới sân trường mà cho học sinh về lớp sinh hoạt với giáo viên. Học sinh chính thức vào năm học mới ngay ngày đầu tiên tới trường. Thời kỳ dịch bệnh nên tranh thủ được thời gian nào, trường tiến hành giảng dạy trực tiếp ngay, được ngày nào hay ngày đó".
Để phòng dịch COVID-19, ông Linh chia sẻ: "Chúng tôi đã có kinh nghiệm cũng như cơ sở vật chất theo quy định giãn cách chống dịch COVID-19 từ tháng 5-2020. Trong đó, sĩ số học sinh/lớp từ 35 em trở lại, giường ngủ của học sinh nội trú được xếp cách nhau 1m và học sinh nằm xoay đầu với nhau. Đội ngũ quản nhiệm sẽ nhắc nhở học sinh không tụ tập ngoài sân trường, khuyến khích học sinh mang khẩu trang trong thời gian đi học...
Ngoài ra học sinh cũng sẽ được đo thân nhiệt hai lần/ngày. Em nào có dấu hiệu nghi nhiễm sẽ được đưa xuống phòng cách ly để chờ bên y tế đến. Riêng phòng y tế của trường thì để lưu bệnh đối với những bệnh thông thường".
Đang chờ hướng dẫn
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học công lập ở Q.1 nói: "Trường đã có kế hoạch tựu trường và khai giảng, nhưng chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của sở và phòng
GD-ĐT xem có cho tập trung học sinh hay không. Nếu tình hình dịch bệnh ở TP.HCM được kiểm soát, chúng tôi sẽ cho học sinh các khối 2, 3, 4, 5 tựu trường ngày 1-9. Ngày 2-9 sẽ là ngày đón học sinh khối 1, giới thiệu cho các em biết về lịch sử - hoạt động của ngôi trường mà mình sẽ học trong 5 năm. Sau đó, các em sẽ được nghỉ. Ngày 5-9 đi dự lễ khai giảng và ngày 7-9 học sinh mới chính thức học chương trình của năm học 2020 - 2021".
Cũng theo hiệu trưởng trên, "bậc tiểu học không phải chịu áp lực thi cuối cấp nên không nhất thiết phải cho các em đi học trước ngày khai giảng. Các em đến trường trước ngày 5-9 thì cũng chỉ để rèn nề nếp, chế độ sinh hoạt, làm quen với giáo viên, trường lớp".
Tại Quảng Nam, tưu trường vào ngày 1-9, khai giảng vào ngày 5-9. Ông Hà Thanh Quốc - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam - cho biết tỉnh đang theo dõi tình hình dịch bệnh từng ngày, từng tuần và tỉnh đang cố gắng kiểm soát dịch. "Sở cũng đang theo dõi tình hình dịch bệnh ra sao, diễn biến như thế nào thì sẽ xin ý kiến UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT" - ông Quốc nói.
Rút gọn lễ khai giảng
Chiều 17-8, ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An - cho biết đến nay Nghệ An chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nên kế hoạch khai giảng năm học mới 2020 - 2021 vẫn diễn ra vào ngày 5-9 với 800.000 học sinh ở các bậc học đến trường.
Do lễ khai giảng trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sở sẽ hướng dẫn các phòng GD-ĐT, các trường đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên. Theo đó, khi dự lễ khai giảng, học sinh phải rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế. Nếu học sinh nào có biểu hiện ho, sốt sẽ được kiểm tra sức khỏe. Khai giảng sẽ có phần lễ và phần hội.
"Tuy nhiên căn cứ tình hình thực tế các trường sẽ có điều chỉnh, rút ngắn một số nội dung để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới" - ông Hoàn nói.
Cùng ngày, ông Nguyễn Tuấn Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết tỉnh vẫn chưa duyệt khung kế hoạch thời gian năm học mới 2020 - 2021 do thận trọng với COVID-19. Ông Thanh nói đến nay Bình Định chưa phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, từ nay đến ngày khai giảng năm học mới còn hai tuần nữa.
Do vậy tỉnh cần theo dõi thêm diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để quyết định về thời điểm, hình thức tổ chức lễ khai giảng năm học mới.
Đắk Lắk: Thận trọng với diễn biến COVID-19, bạch hầu
Giáo viên Trường mầm non Tuấn Vũ (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: TÂM AN
Ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk - cho biết đang chuẩn bị mọi mặt để tổ chức khai giảng năm học đúng ngày 5-9. Tuy nhiên, ông Khoa cho biết phải chờ chỉ đạo cuối cùng của Bộ GD-ĐT rồi mới có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh quyết định.
Ông Khoa cho rằng diễn biến dịch bệnh COVID-19, bạch hầu khiến việc tổ chức khai giảng phải hết sức thận trọng để đảm bảo mùa khai giảng vui tươi, ý nghĩa nhưng an toàn cho sức khỏe học sinh, thầy cô giáo. Vì vậy những ngày qua và sắp tới sở phối hợp với ngành y tế tiến hành khử khuẩn, tẩy trùng tất cả các trường học để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh đến trường, khai giảng.
Nhiều trường học đã huy động thầy cô giáo đến dọn dẹp trường, tẩy rửa lớp học để tạo môi trường sạch sẽ đón học sinh.
TRUNG TÂN
ĐBSCL: Khai giảng đúng kế hoạch
Học sinh Cần Thơ vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi đến trường trong năm học tới - Ảnh: T.TRANG
Ông Nguyễn Hữu Nhân - trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT Cần Thơ - cho biết học sinh các cấp ở Cần Thơ sẽ tập trung nhập học vào ngày 1-9. Ngày 5-9 sẽ tổ chức lễ khai giảng.
Cũng theo ông Nhân, Cần Thơ vẫn là một trong những địa phương nằm trong diện an toàn nhưng công tác phòng chống dịch vẫn tập trung hàng đầu. "Trước khi học sinh đến trường, giáo viên vẫn phải rà soát lịch trình của học sinh trong thời gian nghỉ hè, đồng thời vệ sinh trường lớp, học sinh đến trường phải được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn thường xuyên" - ông Nhân nói.
Tại Cà Mau, ngày tựu trường là 1-9, ngày khai giảng là 5-9.
T.TRANG
Vững niềm tin trước kỳ thi "đặc biệt" Nổi tiếng là miền đất hiếu học, người Hà Tĩnh luôn miệt mài ghi những dấu ấn mới trên con đường khoa cử. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay càng khơi dậy những tố chất tốt đẹp của con người nơi đây, để trong khó khăn, hoa vẫn nở trên "cánh đồng" chữ nghĩa... Học sinh khối 12, Trường THPT Nguyễn Văn...