Chuyện của thần đồng SOFM hay chàng trai “trót” theo đuổi giấc mơ vĩ đại nhất để mơ
Đó không chỉ là câu chuyện về tài năng thiên bẩm hay những đêm trắng “ cày game”, đó còn là câu chuyện về sự nỗ lực, quyết tâm của một cậu bé để theo đuổi giấc mơ vĩ đại nhất có thể mơ.
Nếu quan sát trên MXH những ngày gần đây, hẳn bạn sẽ thấy cái tên SOFM được nhắc đến đến liên tục: Game thủ vĩ đại nhất, người Việt đầu tiên thi đấu trong một trận chung kết thế giới, lương 5,5 tỷ/ tháng… Chỉ trong 1 tuần, từ một cái tên chỉ được biết đến trong giới game thủ, SOFM đã trở thành một hiện tượng nổi tiếng khắp Việt Nam và khiến người ta phải đặt nhiều câu hỏi, và dành cho cả sự ngưỡng mộ một sự nghiệp quá đỗi hiển hách của một chàng trai mới vỏn vẹn 22 tuổi.
Đó không phải là những gì mà người ta thường nghĩ đến game thủ, và có lẽ chính điều đó khiến SOFM trở thành cái tên khiến số đông đại chúng phải tò mò. Việt Nam đã có rất nhiều game thủ bước lên chuyên nghiệp và thành công, nhưng chưa từng có ai đạt được đến vị trí của SOFM, và điều đó khiến câu chuyện của chàng trai này trở nên đặc biệt. Đó không chỉ là câu chuyện về tài năng thiên bẩm hay những đêm trắng “cày game”, đó còn là câu chuyện về sự nỗ lực, quyết tâm của một cậu bé để theo đuổi giấc mơ vĩ đại nhất có thể mơ.
Từ “ Duy Cầu Giấy” cho đến “Game thủ vĩ đại nhất”
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tài năng của các game thủ Việt Nam hoàn toàn được công nhận trên đấu trường quốc tế. Những chức vô địch thế giới, hay sự xuất hiện của những tên tuổi lớn được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ là chuyện… bình thường. Thế nhưng, một game thủ thi đấu thành công ở thị trường nước ngoài lại là chuyện khác. Chúng ta chưa từng có một cái tên nào như vậy, cho đến khi SOFM xuất hiện.
Nổi tiếng từ năm 13 tuổi và với những ai chơi Liên Minh Huyền thoại từ đầu, hẳn sẽ biết đến cái tên “Duy Cầu Giấy”. Trưởng thành từ những team Liên Minh cộm cán thời bấy giờ ở Hà Nội, SOFM không chỉ là game thủ đầu tiên xuất ngoại và thi đấu cho một team chuyên nghiệp, mà còn là người thành công nhất. Trong màu áo Snake Sports, cậu tham dự LPL – Giải đấu Liên Minh Huyền Thoại cấp cao nhất của Trung Quốc và thậm chí thay đổi lối chơi của cả Đại lục. Với màn trình diễn chói sáng đầy thuyết phục, SOFM đã nhận danh hiệu “Tân binh xuất sắc nhất” chỉ trong mùa giải đầu tiên thi đấu.
Đầu năm 2020, SOFM giã từ Snake Sports để đầu quân cho Suning với lời hứa hẹn sẽ được xây dựng một đội hình xoay quanh lối chơi độc đáo của mình. Vào thời điểm ấy, Suning không phải là một cái tên sở hữu ngôi sao, thậm chí có đến 2 tuyển thủ chưa từng tham gia LPL trước đó. SOFM dù là một thương hiệu đáng gờm, nhưng lại chưa từng có thành tích. Cả hai tạo thành một sự kết hợp không mấy hấp dẫn. Nhưng chỉ đến mùa hè 2020, SOFM và Suning đã chứng minh cho mọi người thấy điều ngược lại. Không chỉ lọt vào top 3 chung cuộc LPL, Suning còn thi đấu xuất sắc trên mặt trận CKTG, đánh bại hạt giống số 2 JD Gaming để vào bán kết đối đầu với đương kim vô địch LPL Hè 2020 – TES.
Trước trận bán kết với Suning, Karsa của TES từng tự tin phát biểu: “Tại LPL, tôi chưa từng thua SOFM”. Karsa là ai? Một trong những người đi rừng xuất sắc và chắc tay nhất thế giới thời điểm hiện tại, SOFM dù xuất sắc và được tán dương liên tục nhưng vẫn dừng lại ở mức “ngôi sao mới nổi mà thôi”. Tuyên bố của Karsa cũng giống như nghi vấn của tất cả mọi người: Liệu SOFM và đồng đội có chịu được liều thuốc thử hạng nặng này hay không?
Video đang HOT
Kết quả thì sao? Suning thắng 3 – 1, Karsa khóc nức nở, SOFM là MVP (người chơi giá trị nhất) của trận đấu! Suning không những thắng, mà còn thắng một cách áp đảo bằng phong thái vô cùng tự tin pha lẫn chút… trêu đùa! Nếu không tìm hiểu về LoL, ai cũng sẽ nghĩ trong cặp đấu này, Suning mới là team “đàn anh” chứ không phải Tes.
Với số đông nhìn vào Suning, đây là giấc mơ của một lính mới, là câu chuyện người tí hon David đánh gục từng gã khổng lồ để chinh phục đỉnh cao. Còn với người Việt Nam nhìn vào SOFM, đây là câu chuyện của một game thủ vĩ đại, đưa cái tên Việt Nam ngang hàng với mọi tinh hoa khác của làng eSport, một niềm tự hào thiêng liêng chỉ có khi ta nhìn vào những chiến binh cống hiến cho màu cờ sắc áo, trên một mặt trận khắc nghiệt nhất.
Thiên tài của sự nỗ lực
eSport Việt Nam từ trước đến nay vốn không thiếu những gương mặt đáng gờm, thậm chí được trọng vọng ở đấu trường quốc tế. Khả năng của các game thủ Việt Nam luôn được đánh giá cao, thậm chí rất cao. Thế nhưng, chỉ duy nhất SOFM mới đạt được vị trí như hiện tại và trở thành vĩ đại trong mắt cả cộng đồng, thậm chí cả các game thủ DOTA 2 cũng phải dành cho cậu sự ngưỡng mộ đặc biệt.
SOFM khác với những game thủ khác. Dù cộng đồng game thủ ở Việt Nam đã lên chuyên nghiệp từ rất lâu, nhưng ít ai có được thái độ và sự quyết tâm như SOFM. Liên Minh Huyền thoại vốn là một bộ môn đồng đội, thế nên sự thành công không thể phụ thuộc vào chỉ 1 vài cá nhân xuất chúng, mà còn là cả các thành viên còn lại. Để phát triển, các game thủ cần phải vươn ra biển lớn và cọ xát trong cả môi trường nước ngoài.
Nhưng ngay cả khi ra nước ngoài rồi, đó vẫn sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác, những thử thách và áp lực khủng khiếp mà không phải ai cũng có thể chịu đựng được.Nó giống như việc bạn ra nước ngoài làm việc, và phải đối mặt hoàn toàn với những cú shock văn hóa, sự kết nối với những đồng đội xung quanh, cộng với tất cả những áp lực khổng lồ của một nền thi đấu khắc nghiệt. Con đường đó không trải hoa hồng, và để bước trên đó đòi hỏi một sự nỗ lực phi thường.
Bạn đã từng xem một game thi đấu của Liên Minh Huyền thoại chưa? Hoặc DotA, CS:GO… bất cứ một game đồng đội nào. Đó không chỉ là những giây phút giao chiến nghẹt thở, mà còn là một cuộc chiến thực sự của những con người đằng sau màn hình. Việc giao tiếp, trao đổi trở nên căng thẳng tột độ, thậm chí xung đột và cãi vã vì không hiểu ý nhau là bình thường. Rất khó để một game thủ Việt Nam có thể phát triển trong một môi trường nước ngoài. Sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất khiến họ không thể chinh phục được những thử thách này.
Điều làm nên sự vĩ đại của SOFM nằm ở đây. Năm 2016 khi chân ướt chân ráo tới Trung Quốc, SOFM vẫn còn là một cậu game thủ không rành tiếng, thậm chí luôn phải có phiên dịch ngồi cạnh để trả lời phỏng vấn. Đến năm 2020, SOFM đã tự tin sử dụng tiếng Trung một cách lưu loát. Trong suốt 4 năm, SOFM đã tự học tiếng Trung để hòa nhập vào môi trường thi đấu, để có thể phát huy tối đa khả năng của mình khi dễ dàng kết hợp và giao tiếp với đồng đội. Điều đó nói lên rằng, SOFM không chỉ khát khao trở thành một game thủ giỏi hơn mỗi ngày, mà cậu còn hiểu được làm thế nào để đạt được thành công, và cậu tìm giải pháp để thực hiện điều đó một cách tối ưu nhất.
Nickname SOFM là viết tắt của Style Of Me (Phong cách của tôi), cái tên đã đủ nói lên tính cách của cậu: khao khát chứng minh bản thân mình. Không phải ngoại binh nào cũng nhanh chóng thích nghi được với LPL khắc nghiệt, càng không nói đến việc kiến tạo lối chơi mới. Thế nhưng SOFM làm được, chàng trai sinh năm 1998 này đã khiến lối chơi rừng của cả LPL phải thay đổi, khiến Suning xây dựng cả một team mới xoay quanh lối chơi của mình. Để rồi hôm nay, từ vị trí cuối cùng trong 3 hạt giống của LPL, SOFM và Suning đầy kiêu hãnh tiến vào CKTG, sau khi tự tay gạt phăng hai đối thủ xếp trên, cùng với tỉ số 3 – 1. Từ quán net nhỏ ở Việt Nam ngày nào, thì hôm nay, cả thế giới cuối cùng cũng hiểu được thế nào là phong cách của Duy “Cầu Giấy”.
SOFM là một thần đồng, điều đấy không thể bàn cãi. Mọi thành công đến rất nhiều từ kỹ năng và đầu óc thiên bẩm của cậu. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là sự quyết tâm để hoàn thiện bản thân mình. SOFM là thần đồng về mọi kỹ năng chơi game, nhưng cũng là một thần đồng của sự nỗ lực. Thành công từ rất sớm và luôn là một trong những cái tên hàng đầu của Liên Minh Huyền Thoại, có lương chạm đến con số 5,5 tỷ/ tháng, nhưng SOFM lại có cuộc sống bình lặng đáng ngạc nhiên với tình yêu lâu năm là người bạn gái Lily. Cậu xác định con đường chuyên nghiệp mình muốn đi từ rất sớm, có một ước mơ cháy bỏng là tham dự CKTG, tập trung toàn bộ cho sự nghiệp và chấp nhận tất cả mọi thử thách để nỗ lực cho giấc mơ đó. Ăn, ngủ, tập luyện, uống trà sữa, thi đấu… cuộc sống của SOFM dường như chỉ gói gọn những hoạt động như vậy. Nghe có vẻ nhàm chán và lười biếng, nhưng đằng sau đó là cả một chu trình đầy áp lực và sự căng thẳng của một game thủ chuyên nghiệp, tại một trong những đấu trường khắc nghiệt nhất hành tinh.
Trải qua tất cả những nỗi cô đơn khi sống và làm việc lủi thủi 1 mình ở Trung Quốc, thậm chí, SOFM đã từng nghĩ đến việc gác lại tất cả và về nước, nơi có bạn bè, người thân và bạn gái Lily. Nhưng sau tất cả, SOFM vẫn ở lại. Vẫn lựa chọn con đường khó hơn vì đó là con đường dẫn đến ước mơ, vẫn lựa chọn sẽ vượt qua bản thân mình để chạm vào cái đỉnh vinh quang vốn không dành cho những người yếu đuối.
Bản thân tôi vốn là một game thủ Dota 2, có chơi chút LoL cùng bạn bè, đây có lẽ một trong những lần hiếm hoi tôi theo dõi một giải LoL chăm chú đến vậy. Không những thế, tôi thấy bạn bè mình, thấy trong những group tràn ngập game thủ Dota 2 Việt Nam – trò chơi vốn như nước với lửa cùng LoL, nay lại ngập tràn những bài post “gáy to” sau chiến thắng của Suning, những bình luận cổ vũ SOFM, những lời mời rủ nhau tổ chức xem trận chung kết cùng nhau… Thứ SOFM mang lại không đơn thuần chỉ giới hạn trong khuôn khổ một tựa game, hay sự phấn khích của khán giả khi chứng kiến kĩ năng thượng thừa của cậu nữa, mà đã trở thành niềm tự hào.
Cách đây hơn 10 năm, khi tôi chập chững bước chân vào eSport Việt Nam, tôi có cơ hội được gặp gỡ và làm việc với hầu như tất cả các “ông lớn”. Một nền eSport chuyên nghiệp và tiệm cận với thế giới là ước ao cháy bỏng của tất cả những người làm eSport thời bấy giờ. Ngày hôm nay, SOFM sẽ sống trong giấc mơ của mình là thi đấu tại một trận CKTG. Và đó cũng là một giấc mơ của hàng triệu game thủ Việt Nam khi lần đầu tiên, được thấy một cái tên người Việt trong trận chung kết của giải đấu danh giá nhất. 10 năm trước, tôi và thế hệ của mình đã mơ về điều này. Và bây giờ, cảm ơn SOFM, giấc mơ của chúng tôi đã thành hiện thực.
Và chúc cho giấc mơ ấy, ngày hôm nay sẽ hóa vinh quang.
Karsa nghẹn ngào sau trận thua trước SofM, bạn thân SwordArt đáp lời: Hãy để tớ thay cậu thực hiện giấc mơ vô địch
Karsa đã không hoàn thành được giấc mơ này trong năm nay khi không thể vượt qua được SofM và tập thể SN tại trận bán kết CKTG 2020.
Trước trận bán kết thứ 2 của CKTG 2020, người đi rừng của TES là Karsa đã có những phát biểu tự tin rằng ở LPL anh ấy chưa từng để thua Sofm.Tuy nhiên Karsa và những người đồng đội đã nhận một cú sốc cực lớn khi bị SofM và SN đánh bại với tỷ số 3-1, một trận thua tâm phục khẩu phục. Karsa thi đấu không hề tệ nếu như không muốn nói chính anh là người chơi tốt nhất của TES ở trận đấu này. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ để chiến thắng một SN đang có điểm rơi phong độ rất cao và tinh thần hừng hực khí thế tại CKTG 2020. SofM và các đồng đội càng đánh càng hay và càng khiến cho khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
SN đã vượt qua TES với tỷ số 3-1 (Nguồn VETV)
Sau trận đấu bán kết, người đi rừng của TES đã có những lời chúc dành cho SwordArt, người bạn thân của anh hiện đang thi đấu cho SN. Hẳn chúng ta còn nhớ thì Karsa và SwordArt đã từng là đồng đội tại Flash Wolves. Họ luôn giữ mối quan hệ tốt ngay kể cả khi họ là đối thủ của nhau tại LPL và CKTG 2020.
Cụ thể trong buổi họp báo sau trận bán kết Karsa đã phát biểu rằng: "Tôi hy vọng rằng SwordArt có thể đạt được giấc mơ mà anh ấy hằng mong ước khi là một tuyển thủ. Tôi mong anh ấy sẽ vô địch thế giới."
Karsa gửi lời chúc đến người đồng đội cũ SwordArt (Nguồn VETV)
Có thể thấy rằng qua những lời chúc của Karsa đến SwordArt là cả một sự tôn trọng mà anh dành cho người đồng đội cũ lớn như thế nào. Karsa chúc SwordArt vô địch CKTG 2020 và dường như cũng là lời gửi gắm khát vọng của chính bản thân anh vào những câu nói đó. Đã là một tuyển thủ LMHT chuyên nghiệp, chức vô địch 1 kì CKTG luôn là khát khao lớn nhất của họ. Karsa đã không hoàn thành được giấc mơ này trong năm nay khi không thể vượt qua được SofM và tập thể SN tại trận bán kết CKTG 2020.
Đáp lại tình cảm của người đồng đội cũ Karsa, trong buổi phỏng vấn sau trận đấu thì SwordArt, hỗ trợ của SN cũng đã gửi tới những lời nói vô cùng ý nghĩa dành tặng cho người đi rừng của TES. Anh đã nói rằng: "Tôi muốn nói với Karsa, năm nay tôi giúp cậu lấy cup, năm sau tới lượt cậu nhé."
SwordArt gửi lời tới Karsa trong cuộc phỏng vấn sau trận đấu (Nguồn Ku Esports News)
Quả đúng đã là bạn suốt đời là bạn phải không nào, ngay sau cuộc đối đầu nảy lửa, cả Karsa và SwordArt đã dành cho nhau những lời nói đầy ý nghĩa. Đây không chỉ là lời động viên kẻ thất bại hay người chiến thắng mà còn là lời nói của 2 tuyển thủ đã theo đuổi giấc mơ trong suốt 7 năm qua.
Giờ đây, SwordArt, SofM và tập thể SN đã rất gần với chức vô địch CKTG 2020 hơn bao giờ hết. Chỉ một trận đấu nữa thôi trước DWG, SofM và SN sẽ chạm tay đến đỉnh vinh quang và hoàn thành giấc mơ tại kỳ CKTG 2020 này. Khi đó SwordArt sẽ hoàn thành giấc mơ của chính bản thân mình và lời mong muốn của Karsa cũng sẽ trở thành hiện thực.
Hình ảnh đẹp nhất sau trận Bán kết vừa qua
Đánh 'out trình' Karsa, SofM và Suning CHÍNH THỨC tiến vào Chung kết CKTG 2020 SofM đã trở thành tuyển thủ Việt Nam đầu tiên góp mặt trong trận Chung kết của Chung kết thế giới Liên Minh Huyền Thoại! Sau Á quân LPL JD Gaming, đến lượt ông vua của LMHT Trung Quốc - TOP Esports chính thức trở thành bại tướng trước SofM và các đồng đội. Ván 1 Trong ván đấu đầu tiên, TOP Esports...