Chuyện chưa biết về cô giáo xây dựng phần mềm hỗ trợ trẻ tự kỷ
Đối với cô Nguyễn Thị Bích Diệp, trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội), 20 năm dạy trẻ tự kỷ đã chất chứa bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn cùng những trăn trở.
Vì vậy, cô đã tự nghiên cứu và xây dựng phần mềm chuyên hỗ trợ trẻ tăng động, trẻ tự kỷ để nâng cao nhận thức, hòa nhập với cộng đồng.
Con đường chông gai
Ít ai biết, từ ngày còn là sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp đã làm gia sư dạy kèm một trẻ tự kỷ. Khi ra trường, cô cũng dạy một trẻ tự kỷ khác.
Lúc này, nhiệm vụ hằng ngày của cô là dạy trẻ luyện viết và không để ảnh hưởng đến lớp học.
Cô Nguyễn Thị Bích Diệp.
Cô Diệp cho biết: Vì đam mê, lòng yêu trẻ nên tôi lựa chọn con đường chông gai hơn nhiều đồng nghiệp khác, đó là chăm sóc, dạy dỗ trẻ em tự kỷ, trẻ mắc chứng tăng động, giảm tập trung. Trong quá trình dạy học, tôi nhận thấy ngày càng nhiều trẻ khó hòa nhập, làm sao bản thân tìm ra phương pháp để giúp những học sinh (HS) này phát triển bình thường, sớm hòa nhập.
Ra trường vào dạy ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng và khi sang trường Tiểu học Tân Mai công tác, tôi luôn áp dụng nhiều cách như dạy học bằng tranh ảnh, bằng thẻ chữ, bằng trực quan sinh động… nhưng kết quả không được như mong muốn. Không thể bỏ mặc HS, tôi say mê tìm tòi, nghiên cứu và tự thiết kế một phần mềm dạy học cho trẻ khó hòa nhập. Khi xây dựng phần mềm, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ càng về tâm sinh lý và nhận thức của trẻ.
Video đang HOT
Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô Diệp thường xuyên đến các Trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các Tổ chức Phi Chính phủ để trò chuyện với trẻ; Tham gia nhiều khóa học về trẻ tự kỷ của Mỹ, Úc và Trung Quốc tập huấn tại Việt Nam nhằm bổ sung kiến thức về giáo dục trẻ đặc biệt.
Sau nhiều năm nghiên cứu, đến năm học 2018 – 2019, cô Diệp đã sáng tạo ra phần mềm Hỗ trợ trẻ khó hòa nhập, tập trung dạy môn Toán và môn Tự nhiên xã hội ở trình độ lớp 1, lớp 2 và lớp 3.
Cô Diệp cho rằng, phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập phải được chú trọng nhiều về mặt hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy để dễ tiếp thu. Khi sáng tạo phần mềm này, cô đã nghĩ rất nhiều đến sự khác biệt về nhận thức và tâm sinh lý của HS khó hòa nhập và HS bình thường.
Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần internet HS vẫn có thể sử dụng được. Càng dùng càng quen, những HS khó hòa nhập dần dần tự tin, tiến bộ. Hiện tại, ngoài thời gian dạy ở trường, cô Nguyễn Thị Bích Diệp còn đi dạy cho những em mắc chứng tự kỷ nặng.
Dạy học bằng tình yêu thương
Có lẽ việc dạy học chưa bao giờ là dễ dàng và càng nhiều chông gai hơn khi dạy trẻ khó hòa nhập. Nhiều lần, cô Diệp bật khóc vì dạy học 1 năm nhưng HS vẫn không biết nắm tay, chào hỏi… Tuy nhiên, không vì vậy mà bỏ cuộc, cô Diệp nhận thấy với tình yêu trẻ, yêu nghề thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
Dạy học chiếm phần lớn thời gian trong ngày, tuy nhiên, cô Diệp luôn nhận được sự thông cảm, ủng hộ từ gia đình.
Cô Bích Diệp kể: Tôi nhớ nhất vẫn là em Trương Thăng. Mỗi khi đến trường, Thăng không nói gì và cứ lẳng lặng một góc. Nhận thấy như vậy, cô Diệp cố gắg tiếp cận để trò chuyện và truyền đạt những kỹ năng cơ bản của một đứa trẻ bình thường.
Ngày nào cũng vậy, cô luôn cùng Thăng thực hiện những hoạt động dù là nhỏ nhất trong học tập và rèn luyện. Có lần, cô như vỡ òa trong hạnh phúc khi được Thăng nắm tay.
HS Trương Thăng đã từng bước thay đổi qua các năm học. Và sau khi kết thúc 5 năm học tiểu học, Thăng biết đọc, biết viết, biết làm toán, viết văn thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Đến thời điểm hiện tại, Thăng đã 18 tuổi và giúp đỡ mẹ được nhiều việc nhà.
Nhận xét về phần mềm của cô Diệp, ông Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, phải có sự nỗ lực và tâm huyết thực sự, đặc biệt là công việc giảng dạy cho trẻ em khó hòa nhập mới có thể nghiên cứu và tạo nên một phần mềm độc đáo và nhân văn như vậy.
Theo kinhtedothi
Cô giáo 20 năm đồng hành với trẻ tự kỷ
Trong 20 năm đồng hành trẻ tự kỷ, tăng động, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp, Trường Tiểu học Tân Mai, Hoàng Mai (Hà Nội), hiểu hơn ai hết khó khăn và tổn thương mà những đứa trẻ không may phải chịu đựng. Hiểu để yêu thương là lẽ sống mà cô mang theo trong hành trình dạy những học trò đặc biệt.
Cô Nguyễn Thị Bích Diệp trong một giờ dạy học trên lớp
Khi còn là sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Diệp nhận kèm một trẻ tự kỷ. Năm 2003, cô về dạy tại Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, được giao nhiệm vụ kèm một học sinh tự kỷ nặng. Em không thể ngồi tập trung học, không nghe lời cô. Vì thế, ngoài giờ học, cô dành thời gian để hướng dẫn em từng việc nhỏ, dần dần hướng em vào hoạt động học tập bình thường.
Cô nhớ mãi, học trò nhỏ mắc chứng tự kỷ và ung thư máu ở Trường Tiểu học Vĩnh Hưng. Ba năm liền cô đến nhà riêng dạy miễn phí cho học trò. Tình cảm cô trò gắn bó như ruột thịt, nhưng không may đến lớp 8, trò mất để lại trong cô khoảng trống và sự day dứt, thôi thúc cô phải trau dồi kiến thức, kỹ năng để dạy những đứa trẻ thiệt thòi.
Ngày thường đi dạy, cuối tuần cô đi học tại các lớp học, trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các tổ chức phi chính phủ... Buổi tối, tham gia CLB cha mẹ trẻ tự kỷ để nghe phụ huynh chia sẻ về biểu hiện, hành vi của trẻ. "Khi nghe phụ huynh tâm sự, đa số họ bất lực, không biết phải làm thế nào với những đứa trẻ lên 5-6 vẫn chỉ nói được vài từ ú ớ, sẵn sàng nổi cơn điên lên..., tôi thương họ vô cùng nên lao vào đọc tài liệu và kiên nhẫn với từng con ở lớp", cô Diệp nói.
Năm 2006, được biên chế về Trường Tiểu học Tân Mai, cô kiêm thêm dạy trẻ mắc chứng tăng động, tự kỷ. Có lớp có 1-2 bạn biểu hiện tự kỷ, tăng động, có lớp có 4-5 bạn.
Trương Thăng là học trò đồng hành lâu nhất với cô - 16 năm. Lớp 1, Thăng nói năng khó khăn, không muốn giao tiếp. Đều đặn mỗi ngày cô Diệp qua nhà dạy riêng cho em từng kỹ năng cơ bản, rèn cách phát âm. Đến nay, Thăng 22 tuổi, hằng tuần, cô Diệp vẫn đến nhà dạy Toán, Tiếng Việt. Thăng đã giải được các dạng Toán tiểu học và làm được việc nhà.
Làm phần mềm hỗ trợ trẻ
Sau nhiều năm gom nhặt kinh nghiệm và mày mò nghiên cứu, năm 2018-2019, cô Diệp thiết kế phần mềm hỗ trợ trẻ tự kỷ, tăng động, giảm tập trung học Toán, Tự nhiên xã hội lớp 1, 2, 3. Cô thiết kế bài học đơn giản, đưa nhiều hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy giúp trẻ dễ tiếp thu.
Phần mềm cũng giúp phụ huynh cho con tự học tại nhà, tự rèn luyện, có góc tương tác với giáo viên. Sản phẩm được Sở GD&ĐT đánh giá sáng tạo, mới mẻ của khối tiểu học và dịp 20/11 năm nay, cô Diệp được UBND TP Hà Nội vinh danh, tặng danh hiệu "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo".
Khi trẻ làm được, cô giáo và các bạn khen ngợi, trẻ rất hào hứng để thực hiện các bài học khác. Nhờ đó, học sinh rút ngắn thời gian tiếp thu bài học.
Năm 2004, cô Diệp lập gia đình. Con đầu lòng được 4 tháng tuổi cô đã đi dạy, bất kể mưa hay nắng, cứ tan học ở trường cô lại cần mẫn đến nhà học sinh để kèm từng em học, ngày nào cũng 9 giờ tối mới về nhà. Chồng cô ban đầu khó chịu, muốn vợ dành thời gian cho con nhưng khi thấy nhiều phụ huynh đến nhà tâm sự, gửi gắm, anh hiểu và thông cảm hơn với công việc của vợ.
HÀ LINH
Theo Tiền phong
Chuyện cô giáo tự xây dựng phần mềm Với kinh nghiệm của một giáo viên có gần 20 năm dạy trẻ khó hòa nhập, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai) đã tự nghiên cứu và xây dựng nên phần mềm chuyên hỗ trợ trẻ tăng động, giảm tập trung, trẻ tự kỷ nâng cao nhận thức, hòa nhập với cộng đồng Trăn trở...