Chuyện bên lề tình nguyện tiếp sức mùa thi
Sát cánh cùng sĩ tử, giúp đỡ các thí sinh và người nhà của họ với tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ nhưng nhiều tình nguyện viên cũng mang trong lòng những nỗi niềm trong biết ngỏ cùng ai.
Đội xe lai miễn phí đưa đón thí sinh.
Những ngày đầu tháng 7, khi không khí kỳ thi tuyển sinh đại học đang nóng lên từng giờ, thành Vinh thoắt mưa, thoắt nắng, những bóng áo xanh tình nguyện vẫn cần mẫn trên các trục đường, các bến xe và trước các điểm thi. Hơn 2.200 sinh viên – thanh niên tình nguyện với 130 đội tiếp sức mùa thi sẵn sàng “chia lửa” cho thí sinh và người nhà thí sinh.
Cùng với các đội hỗ trợ, tư vấn mùa thi, Nghệ An đã hình thành 24 đội giữ đồ, xe lai miễn phí phục vụ cho các thí sinh. Với 8 năm hình thành và hoạt động có hiệu quả, đội xe lai đã phục vụ hàng nghìn chuyến đi miễn phí cho các thí sinh. Đội hoạt động hoàn toàn trên tình thần tình nguyện, nghĩa là từ xăng, xe phục vụ thí sinh đến cơm, nước cho đội đều do các thành viên tự trang trải. “Để đội hoạt động tốt hơn, ngoài phần hỗ trọ ít ỏi mà Đoàn trường và Tỉnh đoàn hỗ trợ, các thành viên đóng góp thêm mỗi người 100.000 đồng”, Nguyễn Trọng Hải – đội xe lai miễn phí ĐH Vinh cho biết.
Tư vấn cho thí sinh và người nhà để tìm được chỗ trọ giá rẻ, an toàn.
Những chuyến xe lai miễn phí đã thực sự giải quyết một phần khó khăn cho các sĩ tử trong việc đi lại. “Thậm chí, khi các phụ huynh và thí sinh sau khi được bọn em chở đến địa điểm thi đã nhất định đòi được trả tiền, khi bọn em không nhận liền được mời đi uống nước cảm ơn nhưng đành từ chối vì phải làm nhiệm vụ”, Cao Mạnh – đội trưởng đội xe lai miễn phí chia sẻ.
Có những câu chuyện về tình bạn đẹp cũng đã nảy sinh từ những chuyến xe như thế này. Mùa thi tuyển sinh ĐH năm 2011, khi biết bố mẹ của Nguyễn Trung Thắng – chàng trai bị khuyết tật vận động – không thể nghỉ buổi phụ hồ để đưa con đi thi, Đậu Minh Thông – Đội xe lai miễn phí ĐH Vinh đã tình nguyện đưa đón Thắng đi thi trong suốt 3 ngày. Cảm động trước sự giúp đỡ của Thông và các anh chị trong đội tình nguyện tiếp sức mùa thi, ngay sau khi thi đỗ vào Khoa ngữ văn Trường ĐH Vinh, Nguyễn Trung Thắng đã vận động thành lập một câu lạc bộ tình nguyện riêng của những người khuyết tật. Trong những ngày này, đội tình nguyện 18/4 của Thắng cũng đang miệt mài với những công việc tiếp sức mùa thi. Hiện tại, Thông và Thắng đã trở thành 2 anh em thân thiết, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong học tập cũng như trong các hoạt động tình nguyện.
Cô bạn Đậu Thị Mai – Đội giữ đồ miễn phí đã nhường cả phòng trọ của mình cho 3 mẹ con thí sinh người Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) sang TP Vinh dự thi đại học, còn mình thì đi ở nhờ nhà bạn. Mẹ của thí sinh nọ đề nghị được trả một phần tiền phòng nhưng Mai nhất định không nhận. Không những thế, cô bạn này còn lĩnh luôn nhiệm vụ đưa em thí sinh ở nhờ phòng trọ của mình đi thi.
Làm việc vô tư, nhiệt tình nhưng nhiều khi các tình nguyện viên cũng phải chịu nhiều ấm ức hay cả những tình huống dở khóc, dở cười. Nguyễn Trọng Hải kể: “Sáng ngày 2/7, em chở một thí sinh tới xem địa điểm thi tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh. Xem xong em ấy lại ngỏ ý muốn được chở tới gia đình người quen cách đó cả chục km. Lúc này từ chối cũng không nỡ nên dù biết như thế này là không đúng với quy định hoạt động của đội nên em đành chở em ấy đi”. Kể xong, cậu chàng lém lỉnh: “Giá như là một em thí sinh nữ thì hay biết mấy”.
Video đang HOT
Tình nguyện viên không quản mưa nắng đưa đón sĩ tử.
Theo quy định thì đội xe lai chỉ phục vụ các thí sinh nên các phụ huynh phải đi xe ôm theo, điều này khiến nhiều phụ huynh không bằng lòng và đề nghị, chở con, chở cả bố mẹ, phụ huynh sẽ trả thêm tiền. Hoặc có phụ huynh đề nghị thành viên của đội xe lai đưa đón con của họ đến trường thi trong suốt 3 ngày diễn ra kỳ thi. Khi các tình nguyện viên giải thích điều đó là không thể được thì bị buông một lời “Hóa ra tình nguyện cũng cần tiền”.
“Chúng em không ngại khó, không ngại vất vả nhưng khi bị hiểu nhầm thì thực sự rất buồn. Đó là chưa kể nhiều khi chúng em bị các bác xe lai thật dọa dẫm, dằn mặt vì nghĩ bọn em giành mất khách của các bác ấy”, Mạnh chia sẻ thêm.
Còn đội giữ đồ miễn phí trong sáng ngày 3/7, bên cạnh giữ các vật dụng của thí sinh còn kiêm luôn giữ gạo, lạc, rau và cả mấy quả mướp. Tình nguyện viên Nguyễn Thị Tuyết giải thích: “Đây là đồ của các thí sinh vừa xuống xe ngay trong đêm, chưa tìm được phòng trọ nên bọn em nhận giữ giúp”.
Bên cạnh giữ các vật dụng của thí sinh, Đội giữ đồ còn giữ luôn cả gạo, rau.
Hay như vào mùa thi tuyển sinh ĐH năm ngoái, một thí sinh đã đưa điện thoại đến rồi để quên điện thoại tại chiếc bàn phía sau khu vực đội giữ đồ đóng quân. “Hết giờ thi, em ấy cứ nằng nặc đòi trả lại điện thoại, bọn em yêu cầu có phiếu gửi đồ thì em ấy không có nhưng luôn khẳng định là đã gửi ở đây. Gọi vào số của em ấy thì thấy vẫn còn tín hiệu nhưng do máy để chế độ im lặng nên không xác định được vị trí của điện thoại. Phải huy động toàn bộ đội lục tung đống đồ đạc lên, cuối cùng chúng em mới phát hiện ra điện thoại được gói kỹ trong chiếc túi đặt ở trên bàn phía sau. Sau khi kiểm tra đúng là điện thoại của mình, em ấy lặng lặng bỏ đi mà không nói năng gì cả”, Huyền Trang kể lại.
Các đội tiếp sức mùa thi xứ Nghệ “chia lửa” cùng các sĩ tử.
Còn cô bạn Nguyễn Thị Phương Dung lại có câu chuyện hài hước hơn và đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại, Dung đều bị các bạn trên là “dại trai nên bị hot boy dụ dỗ”. Số là năm ngoái, dù không thuộc đội chỉ dẫn đường nhưng có một bạn nam đề nghị chỉ đường tới Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, Dung nhiệt tình chỉ. Chỉ mãi là cậu bạn không hình dung ra nên Dung đành lóc cóc đạp xe dẫn bạn ấy tới tận nơi, trên đường đi còn nhiệt tình giới thiệu đường cho bạn dễ nhớ. Đến cổng trường, cậu bạn đành thật thà khai: “Tại ấy xinh quá nên tớ đùa thôi. Tớ là sinh viên năm thứ 2 của trường này”, rồi mời cô bạn vào phòng trọ chơi. Qua lần ấy, để tránh mất thời gian vào những trò đùa, Dung và các đồng đội của mình rút ra một kinh nghiệm: chỉ giúp đỡ những thí sinh có giấy báo dự thi.
Mỗi mùa thi ĐH đi qua, những áo xanh tình nguyện vẫn âm thầm đóng góp vào sự thành công của kỳ thi quan trọng này. Nhiều niềm vui những không ít nỗi buồn nhưng không có gì ngăn cản được trái tim tình nguyện và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Hoàng Lam
Theo dân trí
Chàng trai khuyết tật tiếp sức mùa thi
"Đừng vì khiếm khuyết của cơ thể mà trở nên tự ti, hãy biến những khiếm khuyết đó thành sức mạnh", đó là thông điệp mà chàng trai tật nguyễn Nguyễn Trung Thắng - Đội trưởng Đội tiếp sức mùa thi 18/4 muốn gửi tới những ai không may chịu thiệt thòi.
Nguyễn Trung Thắng (bên trái) trò chuyện với phóng viên.
Những ngày này, gặp Nguyễn Trung Thắng (SN 1991, lớp K51B1 Ngữ văn, ĐH Vinh) thật khó bởi Thắng đang phụ trách đội tiếp sức mùa thi 18/4 tại điểm trường Tiểu học Trung Đô (TP Vinh, Nghệ An). Trải qua khá nhiều khó khăn, đội tiếp sức mùa thi của CLB tình nguyện của những người khuyết tật mang tên 18/4 mới được chung tay cùng các đội tình nguyện khác trong việc giúp đỡ, hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh tại đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Thắng là một chàng trai có khuôn mặt sáng sủa và đôi mắt ánh lên vẻ tự tin mặc dù phải tập trung hết sức tôi mới có thể hiểu được những gì Thắng muốn nói.
Hồi mẹ Thắng chuyển dạ, các bác sỹ đã không nghe được tim thai của Thắng. Bởi vậy, để cứu mẹ, bác sỹ đã phải quyết định hút thai nhi ra ngoài. Không ai nghĩ cậu bé này còn sống nhưng như một phép màu, sau một thời gian nỗ lực của bác sỹ và hy vọng của cha mẹ, Thắng đã cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng, di chứng của việc bị hút ra là phía sau đầu của Thắng có một vệt lõm lớn ảnh hưởng tới tiểu não. Bị liệt dây thần kinh số 7 khiến Thắng phát âm rất khó khăn, chân tay lèo khèo nhiều khi không chịu tuân theo ý mình.
Thắng đã trải qua những ngày tháng tuổi thơ trong cô độc và tự ti về những khiếm khuyết của bản thân mình. Thắng co mình lại trong thế giới riêng của mình. Thế nhưng chính những ngày tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011 đã làm thay đổi cuộc đời cậu. Bố mẹ là công nhân xây dựng, không thể xin nghỉ dài ngày để đưa con đi thi nên Thắng được Đậu Minh Thông - Đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi Trường ĐH Vinh đưa đi đón về trong suốt 3 ngày diễn ra kỳ thi. Với sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, Thắng đã trở thành tân sinh viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Vinh. Môi trường mới, bạn mới và đặc biệt là được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các anh chị trong các đội tình nguyện Trường ĐH Vinh đã biến Thắng từ nhút nhát thành một người hoạt bát, hòa đồng.
Rồi tình cờ Thắng quen một bạn ở Làng trẻ SOS Vinh. Do bị tật nguyền nên khi biết bạn ấy có ý định dự thi vào một trường ĐH ở Hà Nội, sợ con mình không được chăm sóc cẩn thận và sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi trọ học xa nhà nên các mẹ trong trường động viên bạn thay đổi ý định, dự thi tại Trường ĐH Vinh. Mặc dù các mẹ đã phân tích mọi điều thiệt hơn nhưng không lay chuyển được ý định của bạn. Biết chuyện, Thắng và một số người bạn đã tìm đến, chia sẻ, động viên bạn thay đổi ý định của mình. Sau một buổi thuyết phục, cậu bạn kia đã thay đối quyết định, vui vẻ dự thi và Trường ĐH Vinh.
Nguyễn Trung Thắng (giữa) cùng các thành viên trong Đội tiếp sức mùa thi 18/4.
Từ thành công của vụ "thương thuyết" đầu tiên này, Thắng nghĩ "Tại sao mình không thành lập một câu lạc bộ của những người khuyết tật để hỗ trợ cho những SV khuyết tật khác?". Trường ĐH Vinh có 13 SV khuyết tật, bởi vậy, khi Thắng đăng tải ý tưởng của mình lên trang web của trường, nhiều SV đã lên tiếng ủng hộ và đề nghị được tham gia. Ngày 6/11/2011, những người ủng hộ ý tưởng thành lập CLB tình nguyện của những người khuyết tập đã gặp nhau và chỉ gần 1 tuần sau đó, CLB 18/4 (Đội lấy ngày Người khuyết tật Việt Nam làm tên của mình) đã được thành lập với sự tham gia của 60 thành viên, trong đó có 7 thành viên là người khuyết tật hiện là sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn. "Chính sự nhiệt tình, sôi nổi của Thắng đã "kéo" em tham gia vào hoạt động của CLB", Nguyễn Văn Công cho biết.
Với khẩu hiệu "Chúng ta sẽ giúp chính chúng ta", lấy sự khiếm khuyết về cơ thể làm sức manh", các thành viên của đội đã có các hoạt động giúp đỡ học sinh ở các Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật và một số sinh viên có hoản cảnh khó khăn trong trường. "Nhiều khi chính các bạn, các em khuyết tật lại là người giúp đỡ bọn em. Chính sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của các bạn là động lực và là nguồn động viên để chúng em hoạt động tốt hơn", Nguyễn Trung Thắng chia sẻ.
Nói về hoạt động tiếp sức mùa thi, Thắng tâm sự: "Trong không khí sôi động của mùa thi tuyển sinh 2012, bọn em thấy mình không thể đứng ngoài được. Bởi vậy, chúng em đã xin được tham gia hoạt động tiếp sức mùa thi. Tuy gặp một số trở ngại nhưng cuối cùng, với sự giúp đỡ của các anh bên Tỉnh đoàn Nghệ An, đội đã được phân công tiếp sức tại điểm thi Trường tiểu học Trung Đô".
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động của đội tiếp sức mùa thi 18/4 cũng đảm trách nhiều công việc như các đội tình nguyện khác: dán tờ rơi, chỉ dẫn đường, tìm phòng trọ, giữ đồ cho các thí sinh và hình thành cả tổ xe máy lai, xe đạp lai miễn phí phục vụ các sỹ tử. Thấy nhiệt tình, xông xáo, nhiều phụ huynh, thí sinh nhất định yêu cầu các tình nguyện viên phải cầm một ít đồng gọi là để cảm ơn.
"Chúng em không nhận tiền thì bác ấy giận dỗi, cuối cùng, đề nghị ủng hộ đội 20.000 đồng. Chính điều đó, đã gây nên sự hiểu nhầm đối với một số người khác khiến đội gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Đối với những người khuyết tật như chúng em, được đóng góp một phần vào việc giúp đỡ, hỗ trợ các sỹ tử là cả một hạnh phúc. Chúng em chỉ mong mọi người hãy nhìn nhận chúng em như những người bình thường và hãy tin tưởng rằng những người khuyết tật cũng có trái tim, có nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần tình nguyện như tất cả những người bình thường khác", Thắng chia sẻ.
Hoàng Lam
Theo dân trí
Hùng hậu đội xe ôm chở sĩ tử miễn phí Sáng nay, tại điểm thi ĐH Quy Nhơn (Bình Định), không ít người vẻ ngạc nhiên khi chứng kiến hình ảnh những chàng trai mặc áo đồng phục ngắn tay màu xanh thẫm đứng giữa trời nắng nóng, tình nguyện làm xe ôm miễn phí đón sĩ tử và người nhà về Quy Nhơn dự thi. Đó là các thành viên thuộc CLB...