Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ‘ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo’?
‘Mấy bữa nay, ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo: Cô giáo chê con viết đã chậm còn sai ô li, đọc chữ thì cứ bị vấp hoài. Các bạn cũng chê con dở quá…’ – chị Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 1 ở một quận nội thành TP.HCM, bày tỏ.
Nhiều trường năm nay than phiền khó dạy chương trình lớp 1 – Ảnh: TỰ TRUNG
Không chỉ chị Tâm, nhiều phụ huynh và cả giáo viên cũng phản ánh đến Tuổi Trẻ rằng chương trình mới rất “nặng” dù trước đó, các trường đã chủ động chọn sách cho trường mình.
Vật vã dạy con
Chị Tâm chia sẻ rằng chương trình tiểu học trước đây đã có rất nhiều người phê bình là quá nặng đối với trẻ, nhiều người tưởng chương trình lớp 1 mới sẽ khắc phục được nhược điểm này nhưng vẫn thế.
Mới đầu năm học lớp 1 mà các cháu học sinh phải học 2 âm trong một buổi, sau đó ráp âm lại thành tiếng rồi đọc, viết. Tính ra, mỗi tuần học sinh phải học và phải nhớ, phải đọc được, viết được 10 âm.
“Trẻ lớp 1 đến các mặt chữ còn chưa nhớ hết thì làm sao ráp âm lại thành tiếng mà đúng hết được?” – chị Tâm bức xúc.
Theo lời kể của chị Tâm, con của chị thường xuyên bị nhầm lẫn các con chữ như p với q, d với đ, h với n…
“Bé nhà tôi bị căng thẳng nên cứ mỗi lần kêu con lấy sách Tiếng Việt ra để học bài là con khóc. Họp phụ huynh đầu năm, tôi còn bị cô giáo than phiền rằng bé yếu quá, chậm quá. Tôi có trình bày rằng con tôi không được học chữ trước khi vào lớp 1 như một số bạn trong lớp. Cô bảo nếu vậy thì ba mẹ phải dành thời gian để kèm bé học ở nhà” – chị Tâm nói thêm.
Một phụ huynh khác kể: từ đầu năm đến nay, cứ buổi tối là cả nhà cùng “đánh vật” với những con chữ. Sau mỗi buổi học, cô giáo sẽ chụp ảnh các chữ gửi trong group Zalo rồi yêu cầu phụ huynh cho con em rèn chữ ở nhà. Tức là phụ huynh phải viết chữ mẫu vào tập cho bé để bé nhìn vào đó viết tiếp cho đúng.
Việc này không dễ dàng chút nào khi phụ huynh không phải là giáo viên, không thể viết đẹp, viết đúng chiều cao, khoảng cách của các con chữ.
“Tôi viết đi xóa lại khá nhiều đến độ con tôi thắc mắc sao mẹ phải viết đi viết lại mấy lần mới đúng ô li mà cô giáo cứ bắt con phải viết đúng ngay lần đầu tiên hả mẹ?” – vị phụ huynh kể.
Đặc biệt, có phụ huynh email đến PV Tuổi Trẻ đặt câu hỏi sách giáo khoa lớp 1 vẫn còn dùng phương ngữ khá nhiều khiến phụ huynh cũng gặp khó khăn khi dạy con chứ không chỉ khó khăn về phía học sinh.
Ví dụ bài 15 phần tập đọc (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập một) có câu: “Ba Hà để bể cá ở hè”, con tôi bảo hè là mùa hè, tôi tra từ điển mới hiểu “hè” là phương ngữ miền Bắc, miền Nam và Trung thì gọi là “hiên”. Cách dùng từ cũng không thống nhất, vì xuất hiện từ “ba” là cách dùng khó đi đôi với “hè”.
Trong khi đó, chị Thu Hương (Q.Tân Phú) chia sẻ môn tiếng Việt, trẻ con mới vào lớp 1 không được học vỡ lòng như trước mà đi ngay vào đọc, viết rất căng. Tôi kèm cho con mà thấy rằng sách được thiết kế với tốc độ rất nhanh, cứ một buổi học 2 âm, sau đó ghép vần và viết chính tả luôn. Mới kết thúc tuần 1, các con phải đọc đoạn văn dài.
“Con trai tôi chưa nhận diện hết mặt chữ, cô giáo đã yêu cầu đọc suôn từng từ. Ngày trước cứ thong thả học vần, ghép chữ qua những bài thơ với câu từ đơn giản, dễ hiểu, khơi gợi trí tò mò, háo hức sự đọc. Tôi thấy khó để kèm dạy con, vì sách đã bỏ qua nhiều bước vỡ lòng rất quan trọng” – chị Hương nói.
Video đang HOT
Học sinh lớp 1 trong giờ học môn tiếng Việt – Ảnh: NHƯ HÙNG
Chương trình nặng, chủ yếu là tiếng Việt
Tương tự, tại Hà Nội, khá nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đã đưa lên Facebook những trang sách tiếng Việt được cho biết là học trong một buổi. Chưa nói về tính khoa học, độ khó phù hợp hay không với trẻ 6 tuổi trải qua 2-3 tuần học mà chỉ nhìn vào khối lượng âm/vần đã khiến cha mẹ bị choáng.
“Trẻ lớp 1 chỉ hơn “mẫu giáo lớn” một chút, có nghĩa vừa phải dạy, vừa phải dỗ, kèm từ cách cầm bút đến khả năng ngồi tập trung 20-30 phút. Vậy mà chương trình lại dạy quá nhanh. Không nói học sinh mà phụ huynh cũng thấy rối với các âm/vần quá nhiều” – chị Thu Hạnh, phụ huynh có con học lớp 1 ở Cầu Giấy, cho biết.
Nhiều phụ huynh cũng lo lắng về yêu cầu “đọc hiểu” được đặt ra khi trẻ còn đang học “i tờ”. “Gia đình tôi thường xuyên đọc truyện cho con để cháu tiếp cận với sách, nhưng khi phải làm các bài yêu cầu “đọc hiểu” con vẫn bị khó khăn. Càng giải thích, càng gặng hỏi thì con càng căng thẳng, sợ rồi khóc. Có bữa, con khóc mẹ khóc.
Tối nào cũng “đánh vật” với tiếng Việt cùng con trên dưới 2 tiếng” – chị Lý, một phụ huynh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, kể. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số ý kiến về việc chương trình “nặng” đều tập trung ở môn tiếng Việt.
Theo một chuyên gia giáo dục, việc “kêu ca” này dễ hiểu vì ở học kỳ 1 của chương trình lớp 1, thời lượng dành cho tiếng Việt nhiều hơn, với mục tiêu trẻ phải học chữ. Nhiều môn học khác trong chương trình học kỳ 1 đang phải hạn chế vì “chờ trẻ biết chữ”.
“Có thể vì thế mà những ý kiến đang chỉ tập trung vào tiếng Việt khiến dư luận hiểu sách tiếng Việt “có vấn đề” so với các môn học khác của lớp 1 khi triển khai chương trình giáo dục mới” – chuyên gia này nhận định. Một vài hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội cũng nhận định trẻ “học trước” thì thuận, trẻ hơi chậm gặp khó khăn.
“Tôi nhận lớp khi có tới 80% học sinh đã được cho học trước. Với những cháu “học trước”, việc tiếp thu nội dung chương trình học kỳ 1 có thuận lợi hơn nhưng cũng nhiều cái phải uốn nắn do mỗi cháu được dạy theo một kiểu. Trong khi yêu cầu của sách là “dạy phát triển năng lực”.
Còn đáng lo hơn là ở 20% số trẻ chưa hề học chữ trước khi vào lớp 1″ – cô L.H., một giáo viên tiểu học ở quận Đống Đa, thông tin.
Có nhiều ý kiến khác nhau về chương trình lớp 1- Ảnh: TỰ TRUNG
Giáo viên cũng than khó
Theo cô L.H., chương trình được phân bổ cho mỗi tiết học tiếng Việt rất nặng. Mặc dù học sinh có buổi 2 để dành thời gian luyện tập, nhưng “sẽ khó khăn nếu phụ huynh không cùng hỗ trợ dạy thêm con ở nhà”. Nhất là các cháu “chậm”, vì lớp quá đông, giáo viên không có thời gian để kèm từng học sinh.
Theo cô H., lãnh đạo trường phải động viên giáo viên dạy lớp 1 năm nay vừa dạy vừa điều chỉnh, vì “chương trình, yêu cầu dạy học đều quá mới”.
Một giáo viên ở Q.5, TP.HCM chia sẻ: “Chương trình sách giáo khoa lớp 1 với bộ sách mà trường đang dạy quá khó! Khi giáo viên đi tập huấn để làm quen, tất nhiên giáo viên ai cũng hiểu vấn đề nhưng để làm sao truyền tải cho trẻ lớp 1 chưa biết viết, đọc một nội dung bài học trong thời gian quá ngắn là điều… toát mồ hôi”.
Giáo viên này nêu ví dụ bài tập đọc “Trung thu”, các em phải học 3 vần “ang”, “ăng”, “âng” và đoạn văn ngắn gồm hai câu phức. Bài 1 vần học sinh có thể nhớ, bài đến 2 – 3 vần trong thời gian ngắn, sao học sinh nhớ hết?
“Suốt 4 tuần đầu năm học, tôi phát hiện các em rất vật vã… khi học con chữ. Theo phân phối chương trình, hết tuần 9 các em học 8 vần và âm đôi. Như thế không những nhiều mà thời gian học rất nhanh. Các em lẫn lộn, không nhớ hết” – giáo viên này nói.
Tương tự, cô T., khối trưởng khối 1 của một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM, phân tích: “Nếu so sánh với chương trình tiểu học năm 2000 thì môn tiếng Việt nặng nề hơn, đa số các bộ sách giáo khoa môn tiếng Việt đều “chạy” chương trình khá nhanh.
Đến tuần 13 học sinh đã phải viết chữ cỡ nhỏ trong khi chương trình cũ thì sang học kỳ 2 học sinh lớp 1 mới phải viết chữ cỡ nhỏ. Phần ứng dụng trong sách giáo khoa chương trình cũ chỉ có 2 – 3 câu đơn giản thì sách giáo khoa mới có khi học sinh lớp 1 phải đọc nguyên một bài thơ hoặc cả một văn bản dài”.
* “Có một số môn, vận động là chính, không phải dùng sách nhưng lại có sách như môn thể dục, phải dành thời gian mở sách giáo khoa thể dục để hướng dẫn. Trong khi phát âm, luyện vần, thời gian học lại có hạn và ngắn. Cân đối nội dung và các môn với chương trình lớp 1 khiến tôi căng thẳng theo. Tôi thật sự rất lo lắng”.
(Ý kiến một giáo viên)
* “Với môn toán, cộng, trừ hai chữ số các con chưa thành thạo, chữ số hàng chục còn nhầm lẫn nhưng được giới thiệu phép cộng 3 số với nhau. Các con khóc, mà cha mẹ chúng tôi cũng cực kỳ căng thẳng”.
(Ý kiến một phụ huynh)
Chương trình tiếng Việt “đi” hơi nhanh. Hết tháng 9 đã xong các âm, các câu ứng dụng đã có 2 – 3 câu. Học sinh tập chép lại các câu đó vất vả mà thời gian cho viết lại ít. Học sinh còn đang phải tập đánh vần, đọc còn chưa nhanh, chưa đúng nhưng đã có những nội dung yêu cầu học sinh đọc hiểu để trả lời.
Giáo viên dạy rất mệt, nhất là trong tình huống lớp học có sĩ số đông, trình độ tiếp thu của học sinh khác nhau nhiều quá.
(Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Không học trước, năm lớp 1 của con tôi thành cơn ác mộng
Chỉ vì không cho con học trước như lời khuyên của chuyên gia, năm lớp 1 của con tôi trở thành cơn ác mộng với cả nhà, tôi thậm chí phải chuyển việc để dạy con học.
Hơn một năm trước, khi con đầu lòng chuẩn bị vào lớp 1, tôi rất băn khoăn về việc có nên cho con học chữ trước hay không? Tất cả người thân của tôi, dù từng có con học lớp 1 hoặc chưa, đều nói phải cho bé đi học trước. " Nếu không, thằng bé sẽ không thể theo kịp các bạn", họ cảnh cáo.
Tôi lên mạng tìm hiểu và đọc được rất nhiều lời khuyên của các chuyên gia giáo dục. Họ bảo không nên cho con học trước. Nếu biết hết rồi, vào năm học con sẽ chủ quan, không còn sự hứng thú, không tập trung học tập; rằng chương trình lớp 1 không quá khó, cứ để con vui chơi, vào năm học chắc chắn sẽ nắm được kiến thức.
Tôi nhớ lại trước đây mình vào học lớp 1 thậm chí còn chưa biết cách cầm bút. Tôi cũng không phải là người quá quan trọng chuyện thành tích của con. Mục tiêu của tôi chỉ là cháu có một năm học vui, đáng nhớ và được lên lớp 2.
Nghĩ thế nên tôi không cho cháu học trước, không học hè. Và tôi đã sốc ngay buổi đầu tiên con vào lớp 1.
Trước khi vào lớp 1, nhiều bé đã phải biết đọc, biết viết và biết cộng trừ trong phạm vi 10.
Ngay sau ngày khai giảng, con không học các chữ cái như tôi tưởng mà đọc cả từ luôn. Thậm chí cô giáo yêu cầu con đọc trơn, không được đánh vần.
Phần lớn các bạn lớp con, nếu không muốn nói tất cả, đều đã có khả năng đọc tương đối tốt. Chỉ có con tôi mới bắt đầu tập ghép chữ, tập đánh vần. Bạn của con tôi thậm chí có thể đọc hết cả cuốn truyện, không sai một câu, một chữ. Hỏi cộng trừ trong phạm vi 10, nó ngay lập tức đưa ra đáp án. Nó cũng đã có thể viết tương đối thành thục.
Những ngày sau đó là cơn ác mộng của hai mẹ con tôi. Tối nào chúng tôi cũng vật vã cùng nhau tập đánh vật, tập viết, tập làm toán. Mới 6 tuổi nhưng cháu đã phải học liên tục từ 19h cho tới 22h mới xong bài; hết làm bài cô giao ở lớp đến đọc bài cho ngày hôm trước rồi làm toán nâng cao. Cuối tuần, cô giao các phiếu bài tập về nhà, nếu làm hết nghĩa là con không có một ngày nghỉ đúng nghĩa. Sáng thứ 7, con phải học thêm ở nhà cô nữa.
Về chuyện viết chữ, con tôi phải làm quen với chữ in thường, chữ in hoa, sẽ phải viết dạng chữ to, chữ nhỏ, rồi thi vở sạch chữ đẹp.
Tôi chỉ muốn con là cậu bé học bình thường mà vui vẻ, nhưng không được. Hôm nào con không tập trung, cô sẽ không chỉ nghiêm khắc nhắc nhở con mà còn nhắc nhở phụ huynh qua tin nhắn. Con bị điểm thấp cô cũng nhắn; con viết chưa ngay ngắn cô cũng nhắn. Xếp điểm thi đua vở sạch chữ đẹp, chỉ cần ở hạng B cô cũng nhắn.
Khi con tôi được 7 - 8 điểm, tôi xoa đầu khen con giỏi nhưng không ngờ, đó là điểm thuộc dạng thấp ở lớp.
Con tôi bị stress, tôi bị stress và cả gia đình tôi phải thay đổi lịch sinh hoạt để phù hợp với lịch học của con. Mỗi lần nhận được tin nhắn của cô giáo là tôi mất bình tĩnh, về trút lên người con. Thằng bé gặp áp lực trên lớp, về nhà lại chứng kiến những cơn giận lôi đình của mẹ, nó càng sợ hãi hơn.
Mỗi buổi học trở nên cực kỳ căng thẳng với hai mẹ con tôi. (Ảnh minh họa).
Hóa ra con tôi không phải trường hợp duy nhất. Nói chuyện với một phụ huynh khác, tôi được biết con họ cũng gặp tình trạng tương tự. Thằng bé ấy thậm chí sáng nào cũng khóc, xin bố mẹ đừng đưa tới lớp.
Sự việc này sẽ tiếp tục kéo dài nếu như không có một lần con được đón đi học về. Ánh mắt nó sợ sệt. Nó không dám bước vào nhà. Khi nhìn thấy tôi, nó co rúm lại sợ hãi. Không cần hỏi, tôi cũng biết lý do là gì. Và lúc đó, tôi thấy tim đau nhói. Chỉ vì nhận điểm thấp mà nó sợ hãi đến thế; chắc ở lớp nó đã bị cô dọa một trận rồi. Là mẹ, lẽ ra tôi phải là chỗ dựa cho nó, là chỗ nó tìm tới khi sợ hãi, khi hoang mang. Đằng này, tôi lại khiến nó sợ hãi thêm.
Tôi chợt nhớ lại, bao lâu rồi tôi không ôm con vào lòng, không hôn nó, không thủ thỉ khen "con của mẹ giỏi quá". Bao lâu rồi, tôi và nó không có một ngày nghỉ trọn vẹn, chỉ nằm bên nhau, rúc rích kể cho nhau những câu chuyện vu vơ rồi phá lên cười, hay đơn giản là cùng xem một bộ phim hoạt hình. Bao lâu rồi, con tôi chưa có một ngày nghỉ thực sự, không bị áp lực bởi bài vở.
Ngay tối hôm đó, tôi cho con nghỉ. Con được xem trọn một bộ phim hoạt hình yêu thích. Ngày chủ nhật, cả nhà đi chơi.; không tập đọc, không làm toán, không tập viết. Ngày hôm đó, con tôi nở nụ cười thật hạnh phúc.
Và cũng kể từ hôm đó, mỗi lần con tôi đi học về, tôi không hỏi con được mấy điểm. Tôi chỉ hỏi con đi học có vui không.
Tôi cũng nhắn tin trao đổi với cô chủ nhiệm. Tôi xin lỗi nếu như việc con tôi học không giỏi ảnh hưởng tới thành tích của lớp, nhưng tôi mong cô cho con thời gian để quen với bạn bè, quen dần với việc học.
Rồi tôi tạm phải gác lại tất cả những kế hoạch riêng của mình. Tôi phải chuyển sang chỗ làm mới lương ít hơn, không đúng với chuyên môn, cũng không phải là đam mê của mình để có thể dành nhiều thời gian cho con hơn, dạy con học.
Tôi phải lên mạng, lần tìm các phương pháp dạy học cho trẻ lớp 1. Con tôi dù không còn sợ hãi mỗi khi ngồi vào bàn nhưng vẫn phải nỗ lực gấp đôi để đuổi kịp những đứa trẻ được học trước khi vào lớp 1.
Cuối năm, thành tích học tập của con tôi không tệ nhưng quả thực, mỗi khi nhìn lại hành trình hai mẹ con đi qua, tôi đều thấy sợ hãi. Nếu con học trước, có lẽ mẹ con tôi đã đỡ vất vả hơn trong năm học đầu tiên của cuộc đời, năm mà lẽ ra con phải có nhiều nụ cười hơn là nước mắt. Nếu được học trước, con tôi đã không phải chịu áp lực tinh thần lớn đến mức ám ảnh như vậy.
Tôi biết mình không sai khi không cho con học trước. Các chuyên gia cũng đã khuyên đúng về điều này. Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là không dạy trước. Nhưng không hiểu tại sao các cô giáo lại coi những đứa trẻ chưa biết đọc biết viết, biết làm toán trong những ngày đầu tiên đến trường là cá biệt, yếu kém và khiến cả học trò lẫn phụ huynh phải khổ sở như vậy? Lẽ ra tất cả các cháu đều đứng ở vạch xuất phát khi năm học bắt đầu, các cô lại thất vọng với học sinh theo đúng quy định, chỉ vì đa số những trẻ khác đã "chạy trước hiệu lệnh".
Tôi thực sự không hiểu, nhưng nếu bây giờ ai đó có con vào lớp 1 xin lời khuyên, sẽ bảo, nếu cho con vào trường công, đừng mơ chuyện không dạy chữ trước khi năm học bắt đầu.
Thách thức từ chương trình, SGK mới: Đánh vật với Tiếng Việt 1 Nhiều phụ huynh, giáo viên lớp 1 kêu trời vì bài học thiết kế nặng, quá sức học sinh. Không ít học sinh phải học đến 22 giờ đêm để theo kịp chương trình. Học sinh một trường tiểu học ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Chế Diễm Trâm Bài học quá sức Bài 12, SGK Tiếng Việt...