Chương trình lớp 1 mới: Bố mẹ bó tay, một luật sư xin cô cho con đúp…
Những dòng tin cô giáo nhận xét con học chậm, học yếu… liên tục dù con vừa vào lớp 1 khiến nhiều bố mẹ như ngồi trên đống lửa. Thậm chí có luật sư đã xin cô cho con đúp nếu cô thấy con học yếu quá…
Những dòng tin nhắn cập nhật tình hình học của con khiến nhiều bố mẹ như ngồi trên đống lửa.
Trước đó, trả lời báo chí trong buổi họp báo ngày 1/10, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng phải qua một năm thực hiện mới có cơ sở thực tiễn đủ để đánh giá mức độ “nặng, nhẹ”.
Việc đánh giá chương trình học cần thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tránh nhận xét vội vã chỉ qua một số hiện tượng, vô hình trung sẽ gây thêm áp lực nặng nề cho những người đang thực hiện.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cũng nhấn mạnh, Chương trình tiếng Việt không quy định hết tháng 9 phải học xong tất cả các âm. Các môn học khác cũng không quy định khối lượng kiến thức phải dạy trong tuần, không quy định thời lượng cho từng bài mà chỉ quy định số tiết trong năm học. Việc thực hiện cụ thể như thế nào tương ứng với học sinh, điều kiện dạy học là do từng trường quy định.
Lặp đi lặp lại một thao tác, trẻ sẽ nảy sinh chán chường
Tiếp nhận những thông tin này từ cơ quan quản lý giáo dục, chị Lê Quỳnh Liên có con học lớp 1 ở Thanh Trì, Hà Nội bày tỏ quan điểm không đồng tình.
Chị Liên viện dẫn các yêu cầu cụ thể trong chương trình học của con: “Kết thúc tuần học thứ ba là các con phải “đọc hiểu” rồi! Phải trả lời những câu hỏi như là: “bể cá để ở đâu?”, “bể cá có gì?”, “con cò làm bằng gì?” “Le le làm bằng gì?”… Trong khi lớp Một năm ngoái đến giữa kì một mới phải học ghép câu (bài 28 – 29) và cuối học kì 1 mới đọc hiểu”.
Kể về quá trình “đánh vật” cùng con mỗi tối, chị bức xúc kể, từ hôm con đi học đến giờ, ngày nào cả nhà cũng căng như dây đàn. Một buổi tối, sau khi tẩy đi, viết lại mãi một chữ mà vẫn xiêu vẹo, không đúng dòng, con trai chị đã thốt lên mà như hét: “ Sao mà phải học nhiều thế?”…
Nhiều gia đình căng thẳng từ khi con bước vào lớp 1. (Ảnh minh họa)
“Cơ quan quản lý cho rằng chương trình đã giảm tải, rồi đi kiểm tra các địa phương không thấy ý kiến, nhưng cứ nhìn vào kế hoạch giáo dục của chương trình mới thì mới thấy…choáng.
Chỉ xét về bậc tiểu học thì số tiết Tiếng Việt ở lớp 1 cao nhất là 420 tiết so với 350 tiết ở lớp 2 và 245 tiết ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5.
Video đang HOT
Nhìn thời khoá biểu của con tôi học lớp 1 thì thấy có đến 12 tiết Tiếng Việt/tuần, trung bình có đến 2,4 tiết tiếng Việt trên tổng số 7 tiết một ngày (bao gồm cả những tiết như chào cờ, sinh hoạt lớp, hướng dẫn học, thể dục…); tức là phần lớn thời gian các bạn ấy ở trên lớp chỉ tập trung vào tiếng Việt. Con tôi vì chưa học chữ từ trước nên tối nào cũng phải luyện thêm “chữ” ở nhà, không “ngộp thở” mới là điều lạ”, chị Liên tiếp tục chứng minh quan điểm chương trình lớp 1 quá nặng, nhất là môn tiếng Việt….. Chị Liên liệt kê chương trình học chữ quá mệt mỏi của cậu con trai mới bước chân vào trường tiểu học chưa đầy 1 tháng.
Người mẹ trẻ buồn rầu tâm sự: “Tôi xót xa vì con đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Người lớn chỉ làm một việc cả ngày còn chán huống hồ những đứa trẻ.
Việc cứ phải “nhai đi, nhai lại” một công việc, một thao tác sẽ khiến các con dễ rơi vào tâm lý chán chường, tiêu cực dẫn đến sợ học, thậm chí chán ghét, chống đối việc học”.
Chương trình lớp 1 quá nặng
Anh Nguyễn Mạnh Cường (phụ huynh có con học lớp 1 ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng đánh giá chương trình môn tiếng Việt lớp 1 quá nặng.
Theo anh Cường, chương trình không chỉ tăng về số tiết mà “tốc độ” dạy môn học này cũng có tốc độ “tên bắn”. Nếu như năm trước học sinh được học thuộc hết bảng chữ cái, được viết nét sau mới dạy ghép vần và ghép câu… thì năm nay các con học chữ cái nào viết luôn chữ ấy, một tiết học hai, ba chữ cái, không chỉ chữ đơn và còn có cả chữ ghép như “kh, ghe, the…” thì ghép vần rồi ghép luôn câu…
“Việc học quá nhiều chữ trong một tiết học với tốc độ quá nhanh khiến con tôi dù đã được học trước 2 tháng nhưng không khỏi lúng túng. Cháu có thể đọc chậm được hôm nay, nhưng ngày sau mở sách bảo con đọc bài cũ… là ú ớ”, anh Cường thông tin.
Vợ anh Cường vốn nóng tính, mỗi lần dạy con không được là quát tháo khiến thằng bé sợ hãi, ức chế tâm lý. Công cuộc kèm con học được nhường cho ông bố luật sư, vốn đã quen với áp lực và thừa tính kiên nhẫn.
Thế nhưng sau 4 tuần kèm con, vị luật sư này đành bất lực, đầu hàng. Anh bảo “càng cố càng bế tắc”.
“Theo cách giải thích của Bộ thì tăng cường việc học tiếng Việt lớp 1 để học sinh sớm đọc thông viết thạo, sớm tiếp cận được với các môn học khác. Bộ cũng cho rằng việc tăng cường tiết học môn tiếng Việt như vậy lại không tăng lượng kiến thức so với chương trình cũ. Tuy nhiên, tôi không thể lý giải được, nếu không tăng thì tại sao lại đặt ra yêu cầu học xong lớp 1 phải đọc thông viết thạo với tốc độ 80 – 120 tiếng/phút? Đặc biệt ở môn chính tả, thay vì con tập chép như năm trước thì nay trong lớp 1 đã phải thực hiện bằng hình thức nghe – đọc.
Suốt ngày cô giáo nhắc nhở bố mẹ phối hợp với cô kèm thêm con. Nhưng học mãi cũng không vào.
Hôm trước tôi đã xin cô, nếu cháu yếu quá cho “đúp”, thế nhưng cô không hài lòng, cho rằng gia đình thiếu hợp tác. Tôi cũng muốn con học giỏi lắm chứ, nhưng cháu yếu quá thì phải chấp nhận, sao cô lại lo lớp có học sinh lưu ban?”, anh Cường thắc mắc.
Chương trình lớp 1 nặng: Tại phụ huynh áp lực cho con?
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Nhà nước cần tập hợp những người có tâm và có tầm về giáo dục để bàn cách, từ đó chỉ nên có một bộ sách chuẩn.
Trước việc nhiều phụ huynh than phiền chương trình lớp 1 đổi mới, đặc biệt là Tiếng Việt nặng khiến học sinh khổ sở, trao đổi trên báo chí, không ít chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý trong ngành cho rằng đó là do người lớn đặt ra áp lực khiến chuyện học hành trở nên nặng nề, học sinh căng thẳng.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thẳng thẳn phản đối ý kiến này, đồng thời khẳng định họ không hề áp lực với con cái.
Chị Mai Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình chị chỉ cần hết lớp 1 con mình biết đọc, biết viết là đủ, thế nên chị không hề ép buộc con. Mỗi tối con ngồi học, chị hoặc chồng vẫn ngồi cùng con, con có dấu hiệu mỏi tay, mất tập trung là cho nghỉ giải lao, thậm chí thấy cháu kêu mệt thì dẫu chưa hoàn thành bài tập luyện viết chị cũng cho con đi ngủ.
Vậy nhưng chỉ sau hai tuần đến trường, chính cậu con trai của chị lại khóc mếu nhất định không chịu đi học, dù lúc khai giảng cháu rất hào hứng và tự tin, vì ở mẫu giáo cũng đã được dạy nhận mặt chữ và số, thậm chí biết đọc trơn thành thạo.
"Cháu khóc bảo rằng chỉ thích học vần thôi chứ không thích viết, vì mãi hai tuần rồi mà chưa viết đẹp, viết nhanh được. Vợ chồng tôi rất ngạc nhiên khi con phản ứng như vậy. Hỏi ra mới biết, ở trên lớp con cầm bút chưa quen nên viết chậm và xấu, cô giáo lại chỉ cầm tay hướng dẫn con viết duy nhất ngày đầu tiên. Bị tụt lại so với các bạn khiến con thấy tự ti, chán nản.
Chúng tôi kiên nhẫn giải thích với con rằng không cần con viết đẹp, viết nhanh, thậm chí kể chuyện lớp 1 mình bị chê chữ "to như con gà mái" ra sao, bố cháu còn đem cả cuốn sổ mẹ viết ra để chứng minh với con rằng mẹ lớn như vậy mà chữ xấu... hơn con thì cháu mới nguôi ngoai và chịu đến trường", chị Mai Phương kể.
Cũng theo chị Phương, yêu cầu chỉ cần con hết lớp 1 biết đọc, biết viết, cộng trừ các số đơn giản là tâm lý chung của nhiều cha mẹ trong group dành cho phụ huynh của lớp con trai chị, thậm chí có mẹ chia sẻ cùng lắm là cho con... học lại lớp 1 chứ không muốn tạo áp lực cho con phải nhanh chóng biết đọc thông, viết thạo.
Chương trình học lớp 1 đang khiến nhiều học sinh và phụ huynh căng thẳng. Ảnh minh họa: Zing
Chị Thùy Linh (36 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cũng bị stress khi dạy con học. Chị cho biết, không bắt con phải đọc nhanh, viết đẹp như "con nhà người ta" nhưng rõ ràng chương trình học đang khiến cả học sinh và phụ huynh căng thẳng.
"Đọc sách giáo khoa và sách bài tập của con mà tôi thấy quá phức tạp. Người lớn đọc còn thấy khó rồi không hiểu các con học sẽ thế nào. Mới học 1 tháng mà ngón tay con trai tôi đã xuất hiện vết chai vì viết nhiều mà cầm bút lại không tư thế", chị Linh than thở.
Với kinh nghiệm đứng lớp 60 năm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, trẻ em đang phải chịu áp lực từ rất sớm, ngay từ khi bước chân vào tiểu học và bởi ở trong một guồng sống tranh đua của xã hội nên trẻ buộc phải chấp nhận.
Khẳng định trẻ không biết chữ trước không phải là cái tội, ông Ninh chỉ ra thực tế khi trẻ biết chữ trước thì thầy cô giáo nhẹ gánh hơn, đỡ phải sửa chữa cho học sinh.
"Ngày xưa, thời ông bà, cha mẹ của các cháu đến trường đều chưa biết gì, cô giáo dạy từng chữ a, b, c... mà cuối cùng vẫn trưởng thành, vẫn có đủ suy nghĩ, quan tâm tới sự tồn tại và quyền lợi của cộng đồng.
Trẻ chịu áp lực sớm như vậy, cha mẹ là người đau trước tiên. Ở đây có chuyện người lớn, cụ thể là những người làm trong ngành giáo dục thiếu tâm lý, chỉ muốn được việc trước mắt", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh bày tỏ quan điểm.
Đã có lời đề nghị Bộ GD-ĐT cần tổ chức ngay các cuộc khảo sát mang tính định tính, định lượng ở lớp học để đánh giá chương trình học để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng không cần thiết.
"Nếu những người quản lý ngành giáo dục có tâm thì tự họ sẽ tập hợp các chuyên gia có tấm lòng, có hiểu biết về giáo dục để thảo luận, đóng góp ý kiến xem đối với trẻ mới chập chững vào lớp 1 thì chương trình giáo dục nên như thế nào? Nên dạy cái gì và dạy ra sao?
Cách làm ấy đầy tình người và phù hợp hơn là chạy theo xử lý tình huống. Từ việc bàn thảo ấy, chỉ nên có một bộ sách giáo dục chuẩn, còn sách tham khảo là chuyện khác.
Sách tham khảo chỉ cần dùng ở bậc cao đẳng và đại học, còn đối với bậc phổ thông, chương trình phải thống nhất toàn quốc để đào tạo ra một công dân chuẩn mực.
Đương nhiên không phải ai cũng như ai vì phẩm chất, khả năng tiếp thu của mỗi cá nhân là khác nhau nhưng chương trình thì phải chuẩn hóa. Cái chuẩn ấy là cái chung, là tính người, chứ không phải cái gì đặc biệt", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nêu vấn đề.
TP.HCM sẽ điều chỉnh việc dạy chương trình lớp 1 mới
Trao đổi trên báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, qua báo chí phản ánh cũng như đi thực tế, Sở thừa nhận học sinh đang gặp khó trong việc tiếp cận chương trình, nổi cộm là môn Tiếng Việt.
Bởi vậy, trong các cuộc họp gần đây, Sở GD-ĐT TP.HCM luôn yêu cầu các phòng giáo dục, các trường cho giáo viên chủ động thực hiện chương trình theo điều kiện thực tế.
"Giáo viên phải triển khai kế hoạch bài dạy gắn liền với điều kiện cụ thể của lớp, với năng lực, khả năng tiếp thu kiến thức học sinh. Từ đó, giáo viên bố trí thời lượng phù hợp, không vượt quá khả năng của các em, không cần cứng nhắc theo khung chương trình", ông Hiếu thông tin.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị hiệu trưởng các trường phải quan tâm hỗ trợ giáo viên lớp 1, đặc biệt những lớp có số lượng học sinh vượt quá quy định.
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đối với các lớp có nhiều học sinh, giáo viên phải chia nhóm dạy, chia sẻ và hướng dẫn ba mẹ cách học cùng con.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng mong phụ huynh bình tĩnh, không nên quá sốt ruột. Nhà trường sẽ có giải pháp điều chỉnh thời lượng dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng, không gây quá tải, không nhận xét phê bình áp lực cho học sinh.
"Trong thời gian đầu, trẻ thường gặp khó khăn trong chữ viết và phát âm. Tuy nhiên hết học kỳ I, các em sẽ theo được chương trình", ông Hiếu cho biết.
Chương trình lớp 1 mới ra sao mà 'ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo'? 'Mấy bữa nay, ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo: Cô giáo chê con viết đã chậm còn sai ô li, đọc chữ thì cứ bị vấp hoài. Các bạn cũng chê con dở quá...' - chị Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 1 ở một quận nội thành TP.HCM, bày tỏ. Nhiều trường năm nay than phiền...