Chương trình lớp 1 có quá áp lực?
Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, chương trình theo hướng mở trao quyền tự chủ cho giáo viên. Do đó, tùy vào trình độ của học sinh, giáo viên có phương pháp và cách dạy phù hợp.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại bậc tiểu học đối với lớp 1. Thay vì chỉ có một bộ sách như trước, chương trình mới cho phép các trường chọn lựa các bộ sách gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống. Sau một tháng triển khai chương trình, phụ huynh và giáo viên đều có những tâm tư về chương trình.
Nhiều ý kiến trái chiều
Gần một tháng cùng con học chương trình mới, chị DT, sống tại Hà Nội, cảm thấy rất mệt mỏi. “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khá nặng. Nghe lời khuyên của mọi người nên tôi không cho con đi học lớp tiền tiểu học, chỉ dạy con học thuộc bảng chữ cái. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi thấy đó là quyết định sai lầm. Từ tuần học thứ hai con đã phải đọc được một câu trong khi con chưa biết ghép vần. Mỗi tối học cùng con, tôi thấy rất áp lực. Nếu không ép con thì không theo kịp các bạn” – chị T. nói thêm.
Chị T. cho biết mỗi tối hai mẹ con viết xong bài đã khuya, đến đọc không có thời gian thì thời gian đâu học các môn khác. Giờ muốn cho con đi học các môn năng khiếu cũng không biết sắp xếp như thế nào.
Cùng tâm trạng, chị Ánh Dương ở TP.HCM cũng chia sẻ năm nay có con vào lớp 1 và qua một tháng học cùng con có thể thấy chương trình nặng. Thứ nhất, về độ khó của chương trình. Thứ hai, các con phải học quá nhiều môn và thứ ba việc sắp xếp tiết học không khoa học, có những hôm con phải học hai tiết toán, tiếng Việt, tiếng Anh liên tục.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác lại cho biết con mình thích thú với việc học.
Chị Lê Thị Linh có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 8, TP.HCM cho hay dù trước đó con chưa học chữ nhưng khi vào năm học bé vẫn theo kịp các bạn. Đến nay, bé về nhà nhận biết được mặt chữ của mỗi bài học trên lớp. Ngày nào đi học về kể chuyện cũng bảo ở lớp học rất vui.
Đồng quan điểm, chị TN có con đang học tại một trường tiểu học ở quận 3, TP.HCM cho hay trước khi bé vào học lớp 1, tháng 5 chị cho bé đi học thêm để nhận biết mặt chữ. “Thực tế có một số phụ huynh than nặng nhưng đến thời điểm này tôi thấy con vẫn tiếp thu bài khá tốt. Trong bộ sách Cánh diều không dạy từng chữ theo kiểu đọc ê a như trước, thay vào đó cho các bé phân biệt. Cụ thể như cho hình con vật, các con nhìn hình tự đọc và phân loại thuộc từ nào. Con học khá thú vị”.
Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Giáo viên than nặng
Liên quan đến vấn đề này, cô TC, giáo viên một trường tiểu học tại tỉnh Gia Lai, cho hay trường chọn lựa bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống. Chương trình mới có nhiều hình ảnh phong phú, hấp dẫn giúp các em hứng thú với việc học. Học nhiều âm, vần giúp học sinh phát triển hiệu quả năng lực ngôn ngữ.
Tuy nhiên, chương trình mới nặng hơn trước. Như môn tiếng Việt, chỉ ba bài đầu, mỗi ngày học một âm, còn từ ngày thứ tư trở đi các em học hai âm cộng thêm các dấu thanh. Trong khi đó trước đây các dấu thanh học riêng. Đưa tiếng và từ vào các bài học cũng nhiều hơn trước.
Sang học kỳ 2, các bài tập đọc tương đối dài, gần ngang các bài tập đọc của lớp 2. Môn toán tương tự, do đó giáo viên rất áp lực trong khi học sinh mới mẫu giáo lên, tiếp xúc với môi trường mới, các em còn bỡ ngỡ, khó tập trung.
Đồng quan điểm, cô TV, giáo viên một trường tiểu học ở quận 8, TP.HCM, cho hay trường chọn bộ sách Chân trời sáng tạo. Chương trình năm nay khó hơn ở chỗ một bài học ngoài âm thường, giáo viên còn phải dạy thêm âm hoa, trong khi ở chương trình cũ những kiến thức này sẽ dạy sau. Ví dụ, dạy bài có âm m, n thì giáo viên sẽ phải giới thiệu chữ in hoa của âm m, n. Do đó, một tiết học các em phải nhớ bốn âm. Bên cạnh đó, môn toán các em phải làm nhiều bài tập hơn. Đối với học sinh lớp 1, để các em hiểu được yêu cầu bài đã khó. Do đó, cứ một bài giáo viên phải lặp lại rất nhiều lần và mất rất nhiều thời gian.
Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh
Video đang HOT
Có quan điểm khác, cô Nguyễn Hoàng Ngọc Phượng, giáo viên Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, cho hay chương trình mới là sự kế thừa chương trình hiện hành, chỉ thay đổi một số nội dung để tạo cho giáo viên có cơ hội thực hiện những phương pháp về dạy học tích cực. Phụ huynh lo lắng có thể nó là chương trình mới, hơn nữa cũng có những phụ huynh tự tạo áp lực cho con mình.
Chương trình cũ có bài riêng về giới thiệu chữ in hoa, còn hiện nay cô sẽ dạy âm thường và giới thiệu thêm phần in hoa. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nhỏ trong bài và trong các tiết ôn luyện ở buổi hai sẽ ôn luyện thêm.
Cô Nguyễn Hoàng Ngọc Phượng, giáo viên Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, hướng dẫn học sinh trong một tiết học. Ảnh: NQ
“Sách giáo khoa hiện nay không phải là pháp lệnh, nó chỉ là một tài liệu tham khảo. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trao quyền chủ động cho giáo viên. Qua việc nắm tình hình học tập của lớp, giáo viên sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Đối với những lớp tiếp thu nhanh, giáo viên sẽ tổ chức nhiều hoạt động, phương pháp học tập như mảng ghép, dạy học theo góc. Còn những lớp bình thường thì chỉ ở mức độ thảo luận nhóm. Trong sách giáo khoa hiện nay đưa ra rất nhiều hoạt động nên nhiều khi phụ huynh và giáo viên nhìn vào sẽ thấy ngộp. Tuy nhiên, giáo viên không nhất thiết phải dạy hết tất cả các hoạt động, miễn sao học sinh nắm kiến thức” – cô Phượng nhấn mạnh.
Cô Phượng chia sẻ thêm, đối với chương trình này đòi hỏi sự phối hợp rất lớn từ phụ huynh. Bởi trong chương trình mới có một số nhiệm vụ học tập còn cần phải làm ở nhà với sự trợ giúp của cha mẹ.
“Hiện nay chúng tôi đang ở mức độ chuyển giao từ việc dạy học truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh. Do đó, nhiều khi chúng tôi cũng lúng túng trong việc chọn lựa phương pháp và hình thức dạy sao cho phù hợp. Chúng tôi đang ở trong trạng thái vừa dạy vừa rút kinh nghiệm. Sau những buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới, giáo viên sẽ rút kinh nghiệm mỗi lớp có nét đặc trưng riêng, từ đó có cách dạy hợp lý” – cô Phượng nêu thêm.
Tương tự, cô Huỳnh Thị Thanh Huê, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9, cho biết hầu hết mọi người đều có tâm lý cái nào mới đều khó dù chưa tìm hiểu kỹ chương trình. Thực tế, trước đó phụ huynh của lớp cũng khá hoang mang. “Thế nhưng sau buổi họp đầu năm, khi được tôi chia sẻ về chương trình mới, về việc hướng dẫn làm bài ở nhà, về việc phối hợp với giáo viên trong giờ tự học, phụ huynh đều cảm thấy yên tâm. Bởi với chương trình này, phụ huynh phải đồng hành, cùng học và cùng tìm hiểu với con” – cô Huê nhấn mạnh.
Thành lập hội đồng tư vấn
Bà Nguyễn Thị Kim Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9, cho biết ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập hội đồng tư vấn bao gồm ban giám hiệu, đại diện phụ huynh lớp 1, tổ trưởng chuyên môn các khối, nhân viên tin học và nhân viên thư viện. Hội đồng này có nhiệm vụ lắng nghe những tâm tư của giáo viên, từ đó có sự hỗ trợ về chuyên môn, phương pháp giảng dạy cũng như mặt kỹ thuật để giúp chương trình hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, trường cũng đã tổ chức một tiết học mở để phụ huynh có thể thấu hiểu được hoạt động của con tại lớp, từ đó có sự chia sẻ và đồng hành cùng giáo viên.
Chương trình mới không nặng như phản ánh
Hiện chúng ta đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, quy định đầu ra cho từng môn học khi kết thúc năm học. Khi ban hành khung chương trình đã tổ chức rất nhiều công đoạn như thực nghiệm, lấy ý kiến, đã được hội đồng quốc gia thống nhất. Do đó, chỉ một số nhận định ban đầu từ phụ huynh như vậy là chưa có căn cứ xác đáng.
Chương trình có độ mở, linh hoạt trong quá trình điều chỉnh nên nhận định chương trình nặng là chưa đủ căn cứ và chưa đủ bằng chứng. Có thể phụ huynh nhìn vào số lượng tiết học mà cho rằng nặng, phụ huynh đang tiếp cận từ hướng khác.
Ông THÁI VĂN TÀI, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT
Tràn lan "dạy chui" sách giáo khoa lớp 1 mới cho trẻ mầm non
Dù bị cấm nhưng nhiều nơi vẫn tổ dạy trước các bộ sách lớp 1 mới như Chân trời sáng tạo, Cánh diều... cho trẻ mầm non, thu hút nhiều phụ huynh cho con theo học.
Dạy chữ trước lớp 1 theo sách mới
Trên các diễn đàn, các hội về học hành, bỉm sữa..., rất nhiều người giới thiệu, quảng cáo lớp dạy chữ cho trẻ lớp 1. Đây chủ yếu các lớp nhỏ tự phát do giáo viên dạy trước mở ra tại một địa điểm nào đó, có người nhận đến tại nhà kèm trẻ.
Nhiều người giới thiệu, việc học chữ cho trẻ sẽ cùng với học chương trình theo các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới như bộ Chân trời sáng tạo, Cánh diều...
Nhiều nơi còn đăng tải hình ảnh, clip các học trò nhỏ viết chữ, đọc sách, làm phép tính thành thạo để tăng sức hấp dẫn với phụ huynh.
Tràn lan các lớp chiêu sinh dạy trước chương trình cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1
Chưa kể, trong bài quảng cáo, có nơi có hẳn những bài viết "hù dọa" đủ kiểu về hậu quả trẻ không học trước khi vào lớp 1, đánh đúng tâm lý lo lắng của phụ huynh như không theo kịp bạn bè, bị cô giáo mắng vốn...
Chúng tôi liên hệ theo số điện cô Nh., một điểm dạy trước cho trẻ vào lớp 1 tại Quận Thủ Đức, TPHCM nơi giới thiệu có những giáo viên đang dạy tại các trường tiểu học đứng lớp. Và hiện tại đang dạy cho trẻ theo chương trình hai bộ sách được dùng nhiều nhất là Chân trời sáng tạo và Cánh diều.
Giới thiệu dạy Toán, Tiếng Việt, luyện chữ cho bé vào lớp 1 của một trung tâm luyện chữ có nhiều chi nhánh tại TPHCM
Cô Nh. cho biết, lớp tổ chức dạy chữ từ lâu, dạy theo sách thì mới gần đây nhưng cũng đã xong học kỳ 1. Hiện tại, lớp không nhận thêm trẻ nhưng giáo viên vẫn nhận kèm tại nhà cho trẻ vào lớp 1 với phụ huynh trong khu vực có nhu cầu. Chi phí là 250.000 đồng cho tiết học 60 phút.
Dạy chữ, dạy trước chương trình cho trẻ lớp 1 bất chấp lệnh cấm
Năm 2013, Bộ GD&ĐT có chỉ thị 2325 về chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1, nhấn mạnh việc chấm dứt tình trạng dạy trước chương trình lớp 1.
Thế nhưng, bất chấp lệnh cấm việc dạy chữ, dạy trước chương trình cho trẻ lớp 1 vẫn diễn ra khắp nơi với đủ hình thức. Giáo viên tổ chức theo nhóm nhỏ, tổ chức tại nhà hoặc đến dạy tại nhà học sinh.
Việc cho con học chữ, học trước chương trình vào lớp 1 là lựa chọn của phụ huynh (ảnh minh họa)
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, việc dạy chữ, dạy trước chương trình cho trẻ mầm non là không được phép, những nơi tổ chức đều là dạy trốn, dạy chui trái với quy định.
Quản lý một trường tiểu học ở Đà Nẵng cho biết, bà gặp rất nhiều trường hợp, sang học kỳ 2, nhiều phụ huynh cho con lớp Lá nghỉ học hoặc nghỉ theo buổi ở trường mầm non để đi học chữ, đi học trước chương trình lớp 1.
Việc dạy trước cho trẻ vào lớp 1 là phản khoa học với tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ. Trẻ có thể ảnh hưởng đến thể chất như tay cầm bị lệch, tư thế ngồi bị sai.
Việc mới trẻ vào lớp 1, theo bà Điệp, điều quan trọng không phải là chữ viết, kiến thức mà cần nhất là chuẩn bị tâm thế giúp các em hào hứng, hứng thú với một môi trường mới, với việc học về lâu dài.
Bà Điệp nêu quan điểm, con vào lớp 1, hãy dành cho con bộ sách mới nhất, yêu quý bộ sách... để các em thích thú, bắt nhịp.
"Chúng ta có bắt con học trước thì yêu cầu đối với lớp 1, cũng chỉ chạm ở ngưỡng đó. Trẻ thích thú, háo hức, các em đều sẽ bắt nhịp kịp. Vậy sao bố mẹ phải vì nóng vội về điểm số mà tước đi cảm xúc mới mẻ, háo hức của trẻ", bà Điệp bày tỏ.
Lớp Lá tổ chức theo mô hình tiểu học
Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM:
Trong chương trình giáo dục mầm non, trẻ sẽ được làm quen với chữ viết. Làm quen ở đây như là cách nhận biết chữ cái chứ không phải là học chữ, viết chữ.
Chúng tôi khuyến khích các trường mầm non tổ chức cho trẻ lớp Lá đi tham quan trường tiểu học để các em làm quen với môi trường học tập nhiều mới mẻ. Tuy nhiên, năm nay vướng dịch Covid-19, hoạt động này không tổ chức được.
Chúng tôi lưu ý các trường mầm non bố trí, tổ chức lớp học ở lớp Lá theo mô hình trường tiểu học. Như cách sắp xếp bàn ghế giúp các em hiểu bàn ghế không còn là đồ chơi.
Nhà trường có thể mời giáo viên tiểu học đến nói chuyện, đứng lớp Còn không giáo viên mầm non có thể "đóng vai" giáo viên tiểu học, tạo một khoảng cách nhất định khi đứng lớp để các em hình dung, làm quen với cách thức ở trường tiểu học.
Phụ huynh cần tỉnh táo
Theo một quản lý trong ngành Giáo dục ở TPHCM, việc cấm dạy thêm cho trẻ tiểu học không đơn thuần là cấm giáo viên. Qua đó, ngành Giáo dục muốn gửi thông điệp đến phụ huynh, việc dạy thêm, dạy trước cho trẻ ở bậc tiểu học là không cần thiết, nếu không muốn nói là nguy hại cho trẻ.
Điều này rất cần sự tỉnh táo, chủ động từ phía phụ huynh. Vì phụ huynh đã muốn cho con học trước, thì không ai có thể cấm được triệt để.
Chương trình lớp 1 mới ra sao mà 'ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo'? 'Mấy bữa nay, ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo: Cô giáo chê con viết đã chậm còn sai ô li, đọc chữ thì cứ bị vấp hoài. Các bạn cũng chê con dở quá...' - chị Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 1 ở một quận nội thành TP.HCM, bày tỏ. Nhiều trường năm nay than phiền...