Chương trình lớp 1: Cô giáo và phụ huynh giằng co một đứa trẻ ở cổng trường
‘Nếu không quá tải thì tại sao học sinh học đến nay được hơn 20 âm mà 1/2 lớp nhầm âm loạn xị, 1/3 ngọng dấu và âm, 1/3 nhầm dấu sắc/ huyền…’, cô giáo dạy lớp 1 tại trường tiểu học quận Hà Đông nói thẳng
(Ảnh minh họa: VTC news)
Với chương trình lớp 1 mới, trong khi phụ huynh hoang mang cho rằng chương trình nặng với trẻ thì giáo viên cũng than khổ chẳng kém. Nhiều đồng nghiệp của cô giáo L. Anh (giáo viên một trường tiểu học ở Quận Hà Đông) than phiền: SGK lớp 1 năm nay khó và vội.
Từng có nhiều năm được phân công đứng lớp 1, cô L. Anh cho biết, môn Tiếng Việt trước đây tuần 24 kết thúc phần vần thì nay rút xuống ở tuần 18.
“Mặc dù, chương trình tăng hai tiết nhưng là 2 tiết luyện đọc và luyện viết nâng cao, điều này khiến không đủ thời gian cho học sinh ôn tập lại âm vần đã học chứ nói gì là nâng cao”, cô L.Anh chia sẻ.
Hiện tại lớp 1 không có phân phối chương trình như các năm trước nhưng kế hoạch được tổ trưởng tổ 1 lên và cả tổ cùng thực hiện.
Ở lớp cô L. Anh đang giảng dạy, ngoại trừ các em học chữ trước thì thành thạo bài đọc, còn lại những em học sinh khác đang đánh vật với đọc, viết cả trên lớp và ở nhà.
Không đồng tình với cách giải thích của Bộ GD&ĐT cho rằng giáo viên được hoàn toàn chủ động nội dung dạy, chương trình không nặng, cô L. Anh nêu thẳng thực trạng: Nếu không quá tải thì tại sao học sinh học đến nay được hơn 20 âm mà 1/2 lớp nhầm âm loạn xị, 1/3 ngọng dấu và âm, 1/3 nhầm dấu sắc/ huyền… còn chưa kể cá biệt học sinh không thể phát âm một số âm? Nếu giáo viên cứ dạy chậm lại trong khi chỉ có 1 tuần trống cuối kì với 12 tiết học thì làm sao bù cho kịp chương trình?
“Chương trình thực sự nhẹ nhàng với học sinh đọc thông viết thạo thôi. Còn các em có nền nếp tốt, tác phong nhanh nhẹn, không bị ngọng, thuộc bảng chữ cái… thì vẫn đang phải cố gắng mỗi ngày để hoàn thành bài.
Chưa nói đến những em chữ cái chưa thuộc, ngọng, chưa quen nền nếp học tập thì hôm nào cũng đánh vật tới 23h đêm. Có phụ huynh lớp tôi đánh con vì ngọng dấu ngã thành dấu sắc…”, cô L. Anh cho biết.
Video đang HOT
Theo cô L. Anh, với mục tiêu của chương trình sách giáo khoa mới đòi hỏi giáo viên tạo mọi điều kiện để học sinh được chủ động chiếm lĩnh kiến thức, người giáo viên phải thực sự sáng tạo tùy theo đối tượng học sinh.
“Tuy nhiên với cơ sở vật chất và cách quản lý vẫn như cũ thì sự trao quyền này hầu như không xảy ra. Lấy vở sạch chữ đẹp để đo lường trình độ chuyên môn của giáo viên sẽ bóp nghẹt sự sáng tạo vì giáo viên đâu còn thời gian tổ chức hoạt động khác thay cho nắn chỉnh chữ nghĩa đúng ô li, dòng kẻ….”, cô L. Anh bày tỏ.
Với chương trình mới này, nhiều phụ huynh cho rằng nếu không cho con học trước sẽ rất khó theo kịp. Về vấn đề này, cô L. Anh nhận định, học trước cũng ở hai mức độ. Mức độ 1, học sinh học thuộc bảng chữ cái, chữ ghép, làm quen cách đánh vần, thuộc và thành thạo các nét, thuộc mặt số, tập đếm đúng đến 100. Những học sinh này sẽ bắt nhịp dần và chắc chắn ổn.
Nhóm học trước thứ hai là đọc viết thành thạo thì khi lên lớp, học sinh rất chủ quan. Cá nhân cô L. Anh không ủng hộ việc học trước này.
Mặc dù sĩ số lớp chưa đầy 30 học sinh nhưng cô L. Anh cũng “không có thời gian nghỉ”.
“Trước 7h30 tôi phải có mặt ở trường, vào lớp ổn định trật tự lúc 7h40 và kết thúc giờ học vào 16h40. Về lý thuyết là đủ 8h/h ngày nhưng trên thực tế, trưa cũng không được nghỉ vì còn lau lớp bán trú, khi học sinh ngủ hết thì lại ngồi chấm bài, viết mẫu cho học sinh. Buổi chiều khi học sinh về hết thì có hôm lại sinh hoạt chuyên môn. Có hôm gần 7h tối mới về đến nhà.
Công việc kín thời gian nên việc chăm sóc, đưa đón con đi học một tay ông bà lo hết. Lắm lúc cũng thấy có lỗi với gia đình nhưng đã là nghề rồi, đành chấp nhận”, cô L. Anh ngậm ngùi chia sẻ.
Với tình hình thực tế hiện nay, giáo viên này kiến nghị cần cho học sinh một năm đệm trước khi vào lớp 1. Nội dung không phải nhiệm vụ dạy như lớp 1 mà dạy các con thói quen nền nếp, tự giác, tự lập, tự học… biết học thuộc bảng chữ cái, chữ ghép, làm quen cách đánh vần, thuộc và thành thạo các nét, thuộc mặt số, tập đếm đúng đến 100. Những nội dung này sẽ được thực hiện năm cuối ở bậc học mầm non.
“Nghĩa là trẻ được chuẩn bị mọi thứ cần thiết và thực sự sẵn sàng để vào lớp 1. Tránh tình huống như hôm cuối tuần trước, trời mưa mà cô và phụ huynh vẫn phải giằng co một đứa trẻ ở cổng trường vì trẻ đòi về mà không chịu vào lớp”, giáo viên này nói.
Chương trình lớp 1 mới: Giáo viên mệt nhoài dạy học và... nghe điện thoại phụ huynh
Học sinh nông thôn không đi học trước cũng không được bố mẹ hướng dẫn nên đi học vài tuần vẫn viết ngược số, ngược chữ cái mà chương trình thì vẫn cứ chạy rất nhanh và nhiều.
(Ảnh minh hoạ)
Là giáo viên dạy lớp 1, khi thấy những than phiền trên mạng xã hội của phụ huynh có con đi học cho rằng chương trình môn Tiếng Việt quá nặng so với năm trước, tôi rất chia sẻ với tâm lý này.
Cũng có ý kiến cho rằng, chương trình không nặng như ý kiến các phụ huynh đã nêu, lỗi là ở giáo viên chưa biết điều tiết chương trình, ép học sinh học nhiều... Lại có ý kiến cho rằng còn quá sớm để đánh giá chương trình có nặng hay không, thậm chí có ý kiến lại đổ lỗi cho bố mẹ học sinh tạo áp lực lên con quá...
Dường như mọi ý kiến đều có căn cứ xác đáng nhưng với tư cách là một giáo viên đang dạy lớp 1 ở một vùng nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc tôi chỉ xin nêu những vấn đề, những công việc mà bản thân những giáo viên đứng lớp như chúng tôi đang ngày ngày đối diện.
Năm học này, tôi được giao nhận lớp 1 với sĩ số 35 học sinh. Bộ sách được nhà trường lựa chọn dạy được đánh giá là nhẹ nhất trong số 5 bộ sách được áp dụng trong năm học này.
Tuần đầu tiên tôi kiểm tra bảng chữ cái nhưng chỉ có 15/ 35 học sinh nhận diện được tất cả các chữ cái, các học sinh còn lại chưa nhận biết được. Đầu vào học sinh như thế đã là một "lực cản" lớn đối với tôi.
Hết tuần đầu tiên có học sinh chưa viết đúng nét ngang và nét sổ thẳng chứ chưa nói đến các nét khó.
Theo kế hoạch 5 tiết làm quen với các nét cơ bản, các chữ số, bảng chữ cái, dấu thanh, yêu cầu học sinh biết đọc hết các chữ cái, nhận biết số và dấu thanh khiến cho cả giáo viên và học sinh khổ sở vật lộn với tuần đầu tiên khi các em chưa được học trước chữ (theo đúng quy định của Bộ không dạy trước lớp 1).
Nhiều học sinh vào tuần 1 giáo viên không cầm tay không viết nổi hình chữ cái. Ấy thế mà, sách giáo khoa từ bài chữ "B b" tiết 3,4 tuần 2 học sinh đã phải viết được từ 1 tiếng, từ 2 tiếng. Chương trình Tiếng Việt nặng, học nhanh khiến nhiều học sinh kĩ năng đọc, viết chậm càng thêm chậm.
Mặc dù Bộ giải thích giáo viên được chủ động trong việc dạy nhưng khung chương trình quy định cứng môn Tiếng Việt học 12 tiết/tuần. Hiện tại học 2 âm/1 bài ở 2 tiết, 1 tuần học sinh học từ 6- 10 âm mới. Những học sinh chưa đi học chữ trước thực sự gặp khó khăn để các em đọc, viết.
Chương trình yêu cầu hết kì 1 học sinh học hết các vần, dựa theo phân phối chương trình 12 tiết Tiếng Việt/ tuần thì hợp lí, tuy nhiên thực tế năng lực học sinh lại thì có lẽ chưa phù hợp, ở tuần 8 (cuối tháng 10) đã có bài 4 vần trong 1 bài 2 tiết.
Với tốc độ 1 tuần các con phải học từ 13 đến 15 vần mới, các con liệu có ghi nhớ được hết các âm, vần mới hay không và liệu chương trình mới đang giảm tải hay tăng tải?
Đặc biệt, trong sách Tiếng Việt dành cho buổi 2 có dạng bài tập nối hình với chữ cái hay dấu thanh ở tuần 1.
Tuy nhiên học sinh lớp 1 nhiều em chưa có khả tự năng phân tích tiếng để biết trong tiếng đó có âm hay dấu thanh đó hay không. Chẳng hạn có học sinh đánh vần tiếng "cà": cờ - a -ca- huyền - bà.
Vậy thay vì cho hình không thì có thể cho thêm chữ để học sinh nhận biết chữ cái và dấu thanh.
Học sinh nông thôn không đi học trước cũng không được bố mẹ hướng dẫn nên đi học vài tuần vẫn viết ngược số, ngược chữ cái mà chương trình thì vẫn cứ chạy rất nhanh và nhiều.
Không chỉ dừng lại ở một môn Tiếng Việt với chương trình học nặng, khi đặt môn Tiếng Việt trong mối liên kết với môn học khác cũng chưa có sự thống nhất.
Theo đó, khi Tiếng Việt tuần 3 học sinh chưa học âm "nh" và các vần thì Vở bài tập Toán đã yêu cầu học sinh điền từ "nhiều hơn" hoặc "ít hơn" vào chỗ chấm.
Thực tế việc nhìn chép kí tự của học sinh đầu lớp 1 chưa tốt, khả năng viết lại tên của bản thân còn kém vậy yêu cầu học sinh viết lại từ "nhiều hơn" và "ít hơn" vào chỗ chấm khá khó cho học sinh ở tuần 3.
Vậy là, giáo viên chúng tôi cả buổi đứng dạy, đến giờ ra chơi thì lại ngồi lại lớp viết mẫu hướng dẫn các em chưa biết viết số, chữ cái.
Còn trong giờ học thì tôi khô cổ, rát họng, quên thời gian đi uống nước, đi vệ sinh để hướng dẫn các em. Bởi vì học sinh lớp một lại ở vùng quê, các em vẫn quen với nếp sinh hoạt tự do, chưa tập trung học.
Thường thì trong những tiết học đầu năm, ngoài chuyện dạy các em học thì tôi còn phải hướng dẫn nhiều vấn đề khác, uốn nắn tác phong, rèn kỷ luật lớp học. Ví dụ, đang giờ học, các con thưa gửi các chuyện xích mích với nhau, hoặc chốc chốc lại có bạn xin đi vệ sinh... Mặc dù ngay từ đầu, tôi đã dặn các em không đi vệ sinh trong giờ học nhưng các em vẫn chưa quen. Thậm chí, có em đi vệ sinh mãi không thấy trở lại khiến tôi lại phải đi tìm. Hoá ra trên đường đi,en ấy tranh thủ ngó nghiêng các lớp khác mà chậm chễ quay lại lớp học.
Giáo viên lớp một luôn vất vả hơn các khối lớp khác ở bậc tiểu học, nay lại thêm chương trình nặng khiến ngày nào chúng tôi cũng mệt nhoài.
Hết giờ dạy về nhà tưởng được nghỉ lại là thời gian nghe điện thoại, trao đổi với phụ huynh. Người thì trăm sự nhờ cô, người khác lại lo sốt vó khi con chậm biết đọc, biết viết, lại có người dằn hắt sao cô bắt con học nhiều thế... Có những tối tôi chỉ nghe điện thoại thôi cũng đã thấy mệt rồi chứ đừng nói còn phải trả lời, phải giải thích. Có ai thấu hiểu cho chúng tôi?
Học lớp 1, không chỉ con mà cha mẹ cũng căng thẳng Tôi nhớ ngày xưa khi đi học lớp 1, chúng tôi được cô giáo dạy cách cầm bút, học và tập tô các nét chữ như nét ngang, nét thẳng, nét móc, nét xiên... Sau đó thì tập viết các nét cho thuần thục rồi mới đến giai đoạn học chữ. Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3,...