Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cấp THPT giảm đến 315 giờ học
Chiều 27/12, Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Theo Bộ GD&ĐT, chương trình GDPT mới sẽ có thay đổi so với chương trình hiện hành. Trong đó, vừa kế thừa vừa phát triển những ưu điểm của chương trình GDPT hiện hành.
Những điểm mới của chương trình GDPT mới
Cụ thể, những điểm cần khắc phục cũng chính là những khác biệt chủ yếu của chương trình mới so với chương trình hiện hành, cụ thể như sau:
Chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Theo mô hình này, kiến thức vừa là “chất liệu”, “đầu vào” vừa là “kết quả”, “đầu ra” của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.
Do đó, Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Chương trình GDPT hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng.
Nhưng ở Chương trình GDPT mới, phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, thực hiện yêu cầu của các Nghị quyết về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.
Trong Chương trình GDPT hiện hành, sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với học sinh phổ thông.
Chương trình GDPT mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng Chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.
Video đang HOT
Chương trình GDPT hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả SGK và giáo viên.
Cho nên ở Chương trình GDPT mới, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Chương trình GDPT hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả SGK và giáo viên. (Ảnh: Mỹ Hà)
Tiết kiệm 315 giờ ở cấp THPT
Theo Bộ GD&ĐT, chương trình hiện hành, học sinh tiểu học học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.
Ở cấp THCS, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh học 3.124 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THCS giảm 53,5 giờ.
Đối với bậc THPT, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THPT giảm mạnh, từ 262 giờ đến 315 giờ.
Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: Tin học và công nghệ, Ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.
Ở cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất; môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.
Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.
Về phương pháp giáo dục, phương pháp giáo dục mới phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều.
Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn. (Ảnh: Mỹ Hà)
Hệ thống môn học của chương trình mới:
Cấp Tiểu học:
-Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
-Môn học mới: Tin học và Công nghệ.
Cấp THCS:
-Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học (trở thành bắt buộc, khác với trước đây là tự chọn)
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Cấp THPT:
-Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
-Các môn học lựa chọn: theo nhóm Khoa học xã hội (gồm các môn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Bàn về đổi mới giáo dục phổ thông
Theo một số giáo viên, để đào tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu trong tương lai, học sinh cần tăng cường học tập Ngoại ngữ, Tin học để đón đầu những tiến bộ công nghệ thông tin và khả năng giao tiếp.
Ngày 27/10, hội thảo "Đổi mới giáo dục phổ thông trước yêu cầu đào tạo thế hệ công dân toàn cầu" đã được tổ chức tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Các chuyên gia đều chỉ ra rằng, trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng trong mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, ngành giáo dục và đào tạo của mỗi quốc gia đứng trước yêu cầu cấp bách đối với những thay đổi căn bản nhằm hình thành nguồn nhân lực ưu tú, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Sự ra đời của thế hệ "công dân toàn cầu" là nền tảng vững chắc giúp quốc gia tiến nhanh và tiến xa trên lộ trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa.
Theo TS Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội), công dân toàn cầu là khái niệm tương đối đa dạng và có nhiều cách diễn giải khác nhau.
Nhìn chung, thế hệ công dân này là những người sẽ sống và làm việc trong một cộng đồng rộng lớn hơn, thường là vượt qua khuôn khổ biên giới một quốc gia; chú trọng tính nhân văn và sự giao thoa văn hóa, kết nối giữa con người với nhau, các quốc gia này với quốc gia khác...
Vì vậy, trong thế kỉ 21, giáo dục không chỉ đơn thuần là đào tạo cho người học để "biết đọc, biết viết, biết đếm" nữa. Thay vào đó là sẽ hướng tới năng lực toàn diện và trách nhiệm hơn, giúp cho người học có thể đối mặt với những thách thức phức tạp của hiện tại và tương lai.
Các khách mời tại buổi hội thảo. (Ảnh: Thiên An)
"Thệ công dân toàn cầu cần phải xác định rất sớm định hướng nghề nghiệp, từ đó có sự lựa chọn ngành học đúng đắn và phát huy hết tiềm năng của người học. Do vậy, việc đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác mang tính "cộng sinh" giữa trường phổ thông với trường đại học là thực sự cần thiết.
Từ đó, các em học sinh được các chuyên gia của trường đại học với các chuyên ngành khác nhau tới trao đổi để hình thành định hướng nghề nghiệp; giúp các đại học giới thiệu được hình ảnh của mình để phục vụ tuyển sinh", ông Đảm cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nêu quan điểm, việc chủ động cập nhật các chương trình giáo dục tiên tiến hướng tới phát triển năng lực học sinh là rất quan trọng. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tin học là giải pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất, giúp người lao động tự chiếm lĩnh tri thức tiến bộ của nhân loại.
"Năm học 2015 - 2016, trường chúng tôi đã đưa chương trình Tin học quốc tế MOS vào giảng dạy chính khóa cho học sinh khối THPT. Tới năm học 2017 - 2018, khoảng 99,5% học sinh khối 11 của trường thi đỗ chứng chỉ Tin học quốc tế MOS. Do vậy, từ năm học 2018 - 2019, trường tiếp tục triển khai chương trình Tin học quốc tế IC3 cho học sinh khối THCS.
Nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh trong hội nhập quốc tế, từ năm học 2014 - 2015 trường tổ chức cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ do tổ chức IIG Việt Nam cung cấp. Học sinh đã chủ động và tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.
Năm học 2018 - 2019, chương trình Tiếng Anh học thuật được triển khai cho khối THCS nhằm tạo cơ hội để học sinh học Tiếng Anh gắn liền với các môn khoa học, được làm thí nghiệm và thuyết trình bằng Tiếng Anh...", bà Thu Anh nói thêm.
Bà Lê Mai Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An - ngôi trường có thâm niên 110 năm tuổi của Hà Nội, cũng cho rằng, nhà trường sẽ nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, độc lập, khả năng kết nối học tập.
Trường Chu Văn An sẽ tăng cường khả năng ngoại ngữ, đáp ứng mục tiêu hội nhập, phát triển và đào tạo công dân toàn cầu.
Được biết từ năm học 2017 - 2018, Trường THPT Chu Văn An chính thức đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (chứng chỉ A - Level). Đây là chứng chỉ được công nhận và đánh giá cao bởi rất nhiều trường đại học trên thế giới như ĐH Harvard, ĐH Cambridge...
Qua đây đã định hướng bước đầu cho học sinh nâng cao kiến thức, kĩ năng hoạt động và tương lai các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu với kĩ năng và trí tuệ đạt chuẩn quốc tế.
Thiên An
Theo Dân trí
Kim chỉ nam cho giáo dục tiểu học ở Tây Nguyên Trong các năm học qua, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, chất lượng học tập và hiệu quả giáo dục đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có chuyển biến tích cực. Cần có giải pháp...