Chương trình giáo dục mới: Cần đánh giá đúng để triển khai phù hợp
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá sát thực tế về một năm thực hiện chương trình giáo dục mới để có chỉ đạo phù hợp, nhất là khi học sinh lớp 1 sẽ phải học trực tuyến.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Sau năm đầu tiên dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá học sinh mạnh dạn và tự tin hơn, đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1.
Tuy nhiên, từ kết quả học tập của học sinh và con em của mình, nhiều ý kiến phụ huynh và giáo viên cho rằng đánh giá của Bộ có phần lạc quan. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá đúng để triển khai các hoạt động giáo dục phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh học sinh lớp 1 sẽ phải học online ngay từ đầu năm học mới.
Đánh giá “lạc quan”?
Theo chị Lê Quỳnh Liên (Thanh Trì, Hà Nội), con chị đã học xong lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới . “Hết lớp 1, con đã biết đọc, biết viết, nhưng để nói con đọc thông viết thạo ngay từ học kỳ 1 thì chắc chắn là không thể vì đến bây giờ có khi con vẫn còn nhầm giữa dấu huyền và dấu sắc,” chị Liên chia sẻ.
Đây cũng là ý kiến của chị Nguyễn Thị Quyên (Gia Lâm, Hà Nội): “Đã kết thúc năm học nhưng con tôi vẫn còn lập bập khi đọc.”
Theo cô Nguyễn Hồng Minh, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội, đánh giá “học sinh đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1″ của Bộ Giáo dục và Đào tạo “có chút lạc quan.”
Đánh giá chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm tích cực và đẩy tốc độ học môn Tiếng Việt lên nhanh hơn, nhưng theo cô Minh, đa số các học sinh đạt được kết quả như vậy đều phải nhờ vào phụ huynh rất nhiều, từ việc phải cho con đi học trước, biết đọc ráp vần cơ bản, biết viết nét trước khi vào lớp 1, phải kèm cặp sát sao ở nhà, không hẳn do chương trình mới.
Theo chị Lê Quỳnh Liên, năm học 2020-2021 là một năm học nhiều khó khăn của ngành giáo dục, nhất là với lớp 1, khi vừa là năm đầu tiên triển khai chương trình mới và không tránh khỏi những lúng túng, vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
“Trong quá trình học, các con có thời gian phải học trực tuyến. Cuối năm lại phải nghỉ học rất dài mới thi hết năm học. Vì thế, để đánh giá chính xác hiệu quả của chương trình mới là rất khó và chưa hoàn toàn công bằng. Tuy nhiên, có thực tế là trong giai đoạn đầu của năm học, dù học trực tiếp, gia đình tôi và con cũng chịu nhiều áp lực khi chương trình mới dạy môn Tiếng Việt rất nhanh,” chị Liên cho hay.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới tăng 70 tiết môn Tiếng Việt so với chương trình cũ. Thời lượng môn học này vì thế tăng với 12 tiết mỗi tuần. Việc này nhằm giúp học sinh nhanh biết đọc, biết viết, từ đó có thể học tốt các môn học khác. Tuy nhiên, giáo viên được quyền chủ động điều chỉnh kế hoạch học tập phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
Video đang HOT
Học sinh ở nhiều địa phương sẽ phải học trực tuyến ngay từ đầu năm học mới. (Ảnh: TTXVN)
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nguyên nhân việc phụ huynh, học sinh bị áp lực do cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình mới. Giáo viên và nhà trường còn lúng túng, thiếu tự tin khi lần đầu tiên được tự chủ trong kế hoạch xây dựng chương trình học phù hợp với từng đối tượng học sinh
Điều chỉnh phù hợp với dạy trực tuyến
Theo cô Minh, ý tưởng để học sinh sớm biết đọc của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tốt. Tuy nhiên, nếu dồn chương trình sẽ khiến cho học sinh vất vả.
“Bản thân tôi, năm học vừa qua, khi dạy chương trình mới được hai tuần, tôi thấy chương trình đi quá nhanh, học sinh không đủ thời gian thực hành để kịp ghi nhớ âm này đã chuyển sang âm khác, khiến các con bị nhầm lẫn. Vì thế, tôi đã chủ động kéo dãn chương trình học, đi chậm hơn, san bớt sang học kỳ 2. Học sinh học trực tiếp còn thấy nhanh, học trực tuyến sẽ còn áp lực hơn,” cô Minh cho hay.
Cũng theo cô Minh, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên được phép chủ động về kế hoạch nhưng sẽ xảy ra hiện tượng trường này dạy nhanh gấp rút, trường kia lại từ từ.
Cùng quan điểm này, cô Lê Thu Hương (giáo viên dạy lớp 1 tại Hà Nội) cho rằng dạy lớp 1 không thể vội vàng. Học trực tuyến lại càng phải từ từ, tỷ mỷ. “Năm ngoái, trong học kỳ 1, học sinh học trực tiếp nhưng đã có áp lực, năm nay có dịch bệnh, phải học trực tuyến sẽ càng dễ bị áp lực hơn do thời lượng học ít hơn, giáo viên không thể sát sao với học sinh bằng học trực tiếp. Vì thế, tốc độ lại càng phải giảm,” cô Hương nói.
Đánh giá chương trình mới, sách giáo khoa mới, cô Minh cho rằng có rất nhiều điểm mới tích cực, với phương pháp giảng dạy tích cực hơn, vật liệu cho bài giảng phong phú hơn, hay hơn. Các bài học được thiết kế theo hướng mở và từ đó, học sinh được mở rộng tư duy theo nhiều hướng, nhiều chiều thay vì khuôn mẫu như trước đây. Học sinh vì thế mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Giáo viên được quyền chủ động, linh hoạt trong kế hoạch dạy và học.
“Tuy nhiên, để giáo viên có thể chủ động theo kế hoạch riêng phù hợp với phương pháp dạy học của mình, khả năng tiếp nhận của học sinh mình, giáo viên cũng cần sự đồng hành của cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh để không bị áp lực vì những khác biệt trong chương trình dạy học,” cô Minh nói.
Cùng chia sẻ này, cô Lê Thu Hương cho rằng theo quy định, giáo viên được quyền chủ động trong kế hoạch dạy học, chỉ cần cuối năm học sinh đạt yêu cầu đặt ra của chương trình.
“Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá học sinh đọc thông, viết thạo ngay từ học kỳ 1 sẽ vô tình dễ khiến phụ huynh so sánh đồng thời gây áp lực cho giáo viên phải đạt mục tiêu này, nhất là trong bối cảnh lớp 1 năm học tới sẽ thêm nhiều khó khăn khi phải dạy và học trực tuyến ngay từ đầu năm,” cô Hương nói./.
Con lớp 1 học online được 5 phút đã mất tập trung: 1 điểm cực quan trọng quyết định sự "thành bại" của buổi học
Con chuẩn bị học trực tuyến, nhiều phụ huynh ngổn ngang trăm mối âu lo.
Mệt mỏi vì con trai sắp lên lớp 1 mãi không viết được nét móc dưới, bên tai lại nghe tiếng con 1 tuổi khóc ngằn ngặt đòi mẹ, chị Mỹ Anh (quận 5, TP.HCM) tự hỏi: "Mấy nữa học online biết làm sao?".
Theo khung thời gian năm học 2021-2022 của TP.HCM, còn hơn 2 tuần nữa con trai chị sẽ bước vào lớp 1. Không đăng ký được lớp tiền tiểu học vì dịch bệnh bùng phát từ cuối tháng 4, lại nhận thông báo có thể sẽ học online cả học kỳ 1, người mẹ như ngồi trên đống lửa. Tranh thủ vừa làm việc vừa kèm con ở nhà, nhưng bé cũng học chữ được chữ mất và mới chỉ nhận biết vài số trong phạm vi 10.
Con chị Mỹ Anh chỉ học được 5 phút nghiêm túc...
Sau đó ngay lập tức vẽ đủ thứ không liên quan...
"2021-2022 là năm học hoàn toàn khác vì rất ít học sinh được học tiền tiểu học đầy đủ, bài bản. Con tôi lại hay bị phân tâm. Thực sự các cháu quá nhỏ, khả năng tập trung khi nghe giảng gián tiếp rất kém. Cứ đà này không biết học online thế nào", chị Mỹ Anh lo lắng.
Tốn thời gian, không hiệu quả?
Theo kế hoạch, bậc tiểu học ở TP.HCM bắt đầu từ ngày 20/9 thực hiện giảng dạy theo chương trình năm học. Cô Thy Dung, giáo viên tại một trường tiểu học ở Bình Chánh, TP.HCM cho biết, hiện tại giáo viên vẫn đang soạn bài để chuẩn bị cho việc dạy online.
Trước lo lắng của phụ huynh, cô Dung trấn an, các trường sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên internet từ ngày 8 đến 19/9 nên các con sẽ không quá bỡ ngỡ. Dù là thế nhưng với đối tượng học trò "mới toanh" trong chuyện học trực tuyến, nhiều phụ huynh cũng như chị Mỹ Anh, không thể yên lòng.
Nhiều người có kinh nghiệm kèm con vào lớp 1 cho rằng, việc học online ở lứa tuổi này là tốn thời gian, không hiệu quả: "Các bạn lớp 1 phải học online thì mỗi nhà thêm bố hoặc mẹ học cùng mà cũng không có tác dụng gì. Bạn nhà em năm lớp 1 vừa rồi cũng có 2 đợt dịch phải học online, gọi là ngồi có mặt đó thôi chứ không tập trung, 2 tiếng mỏi hết cả lưng, cả cổ mà hầu như ngồi chơi. Năm nay lại tiếp tục một đứa vào lớp 1. Nghĩ mà nẫu ruột gì đâu luôn" , một phụ huynh tâm sự.
Chị Bích Thủy (quận Phú Nhuận, TP.HCM) thì cho rằng, mặc dù con đã được học kiến thức cơ bản lớp 1 ở trường mầm non nhưng bản thân chị vẫn lo lắng khi nghe con học online suốt cả học kỳ. Đơn giản, trẻ nhỏ dưới 10 tuổi tiếp xúc với màn hình điện thoại, ipad, máy tính trong thời gian dài rất có hại cho mắt, cột sống, thần kinh. Đây là điều lo ngại nhất.
Con chị Thủy năm nay vào lớp 1.
Lớp 1 học trực tuyến - hoàn toàn khả thi
Với kinh nghiệm dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1, cô Lê Thị Nhung (Đà Nẵng) nhận định, dạy và học online có nhiều mặt hạn chế hơn so với học trực tiếp, tuy nhiên không phải là không thể thực hiện. Với học sinh lớp 1, cô Nhung cũng đã triển khai dạy online và bước đầu thu được kết quả tốt.
Cô Nhung cho rằng, chỉ cần phối hợp tốt giữa cô, phụ huynh và học sinh thì việc học online sẽ gần như giống 1 tiết dạy trực tiếp. Tuy nhiên, cần phải chia thời gian học hợp lý để các con vừa được học mà vẫn đảm bảo độ an toàn cho mắt. Học sinh lớp 1 mới từ mầm non nên chưa thể làm quen với nề nếp của lớp học, giáo viên sẽ phải lồng ghép các trò chơi, trả lời những câu hỏi liên quan đến bài học để tạo hứng thú và không gây nhàm chán cho các con.
Cô Lê Thị Nhung cho rằng, vấn đề dạy và học online có nhiều mặt hạn chế hơn so với học trực tiếp, tuy nhiên không phải là không thể thực hiện được.
Đối với lớp 1, thường cô Nhung dạy 1 buổi 90 phút, chia nhỏ thời gian cho các con nhìn màn hình xem và nghe cô hướng dẫn, rồi theo dõi trong sách và viết bài, 40 phút học thì có 20 phút giải lao trao đổi trò chuyện. Phải có 1-2 buổi hướng dẫn cho phụ huynh kỹ năng cơ bản cho việc kèm cặp các con.
"Nên nhờ phụ huynh thời gian đầu ngồi cạnh để bày các con bật tắt mic khi cần, điều chỉnh ngồi xa màn hình máy tính hoặc điện thoại và hỗ trợ các con nét chữ đầu tiên cho đúng, cách lấy sách vở của các môn cần học khi nghe hiệu lệnh của cô" , cô Nhung cho biết.
"Ngoài cách dạy của cô giáo để học sinh tiếp thu tốt, hợp tác tốt thì thái độ của phụ huynh là yếu tố quyết định việc học trực tuyến của con có được thành công hay không. Cần phải kiên nhẫn đi từng bước chậm và từng nhịp cùng con. Khi phụ huynh cùng bắt nhịp kịp thời với con thì hiệu quả học sẽ được nâng cao."
Cô Lê Thị Nhung
Để có một buổi học thành công, theo cô Nhung, ngoài cách dạy của cô giáo để học sinh tiếp thu tốt, hợp tác tốt thì thái độ của phụ huynh là yếu tố quyết định việc học trực tuyến của con có thành công hay không. Cần phải kiên nhẫn đi từng bước chậm và từng nhịp cùng con. Chỉ khi phụ huynh cùng bắt nhịp kịp thời với con thì hiệu quả học sẽ được nâng cao. Và nếu được, các trường nên chia nhỏ sĩ số ra để dạy hơn là dạy 1 lúc 40 học sinh như lớp trực tiếp.
Đồng quan điểm này, cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng , chúng ta không biết dịch bệnh sẽ kéo dài đến khi nào, vậy nên chủ động trong mọi việc, mọi hoàn cảnh, không nên chờ đợi lâu hơn vì sẽ bỏ lỡ nhiều giai đoạn quan trọng của con.
Trường cô Ngọc Anh triển khai dạy học online từ đầu tháng 8 và học sinh hợp tác khá tốt. Tuần đầu tiên các em chỉ học 2 buổi, mỗi buổi 1 tiếng. Đây là tuần làm quen, học các thao tác qua zoom để học sinh tự nắm được các thao tác phòng học. Tuần thứ 2 bắt đầu học 3 buổi/ tuần, mỗi buổi 2 tiết, các môn chính, để làm quen với các tiết học. Tuần thứ 3 học 5 buổi/ tuần, mỗi buổi 3 tiết để học sinh quen dần với thời khóa biểu và nề nếp học tập. Trong 1 tháng đầu tiên này, lớp chia 2 ca sáng tối để học sinh có bố mẹ ngồi cạnh nhắc nhở, đôn đốc kịp thời.
"Nếu có thời khoá biểu hợp lý, góc ngồi đủ tiêu chuẩn thì cũng không có gì quá lo ngại. Cần sự phối hợp từ người lớn vì trẻ con lớp 1 khả năng tập trung rất kém. Thầy cô cần soạn bài giảng sinh động, phong phú, hấp dẫn, gây sự chú ý.
Cả thầy cô và bố mẹ cần tạo ra cho con những nhiệm vụ học tập, để con có hứng thú, quyết tâm thực hiện. Và đặc biệt, người lớn phải động viên, khích lệ thường xuyên và khen thưởng kịp thời để con luôn giữ được niềm vui, háo hức trong học tập" , cô Ngọc Anh chia sẻ.
TP.HCM tổ chức học trực tuyến đến hết học kỳ 1 năm học 2021-2022 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không tổ chức tựu trường, không khai giảng tập trung, học sinh các bậc từ Tiểu học đến THPT sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trực tuyến đến hết học kỳ 1. Học sinh học trực tuyến. (Nguồn: TTXVN) Chiều 19/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông...