‘Chương trình giáo dục địa phương ở Nghệ An cần mang đặc thù riêng’
Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Nghệ An cần được xây dựng trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, an sinh xã hội, kinh tế – chính trị,… của địa phương.
Sáng 9/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chương trình Giáo dục địa phương tỉnh Nghệ An trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ, giáo viên và đông đảo đội ngũ tri thức của tỉnh nhà.
Các đại biểu phát biểu, góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục địa phương. Ảnh: Mỹ Hà
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Trần Đình Thuận – Cố vấn nội dung Giáo dục địa phương, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục địa phương tỉnh Nghệ An đã cho biết: Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là một trong số các nội dung mới được ban hành và như là một bộ phận “cấu thành” của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, ở cấp Tiểu học, giáo dục địa phương được tích hợp chủ yếu trong hoạt động trải nghiệm và một số môn học khác như: Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý… Ở cấp Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT), nội dung giáo dục địa phương được quy định với thời lượng 35 tiết/năm học.
Nội dung giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương, bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc địa phương, xây dựng văn hóa, kinh tế – xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Học sinh Nghệ An tổ chức phiên chợ Tết tái hiện lại hình ảnh Tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Mỹ Hà
Để đáp ứng các mục tiêu đã đề ra, việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương cần phải được cân nhắc và lựa chọn kỹ càng. TS.Trần Đình Thuận cũng cho rằng: Với đặc thù riêng, việc xây dựng chương trình Giáo dục địa phương là một thách thức mới vì Nghệ An có tất cả các vùng miền với nhiều dân tộc khác nhau. Hơn thế, Nghệ An là tỉnh có nhiều nét đặc sắc, tiêu biểu nên cần phải xem xét kỹ càng khi lựa chọn các nội dung để xây dựng chương trình.
Video đang HOT
Phát biểu tại hội thảo nhiều ý kiến cũng khẳng định: Việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương là cần thiết để góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh, đó là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống và biết vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường của đất nước và ở địa phương.
Tuy nhiên, để việc triển khai hiệu quả thì chương trình giáo dục địa phương không nên ôm đồm, nặng về kiến thức hàn lâm mà cần phải có tính khái quát, chọn lọc kỹ càng. Chương trình cũng cần được xây dựng theo hướng mở để dễ học, dễ hiểu, mang đặc thù của từng địa phương để dàng vận dụng ở mọi vùng miền, mọi đối tượng và quan trọng nhất là phải phát triển được năng lực học sinh theo như mục tiêu đã đề ra.
Mỹ Hà
Theo baonghean
Bồi dưỡng 500 tổ trưởng chuyên môn về thực hiện chương trình GD phổ thông mới
Sáng ngày 29/10, tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An), Bộ GD&ĐT tổ chức khóa Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc khóa Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông
Dự khai mạc khóa bồi dưỡng có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đại diện Vụ Giáo dục Trung học, các cục, vụ liên quan thuộc Bộ cùng hơn 500 tổ trưởng chuyên môn các trường phổ thông của 9 tỉnh khu vực phía Bắc.
Chuẩn bị triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên cốt cán và tiếp đến là tổ trưởng bộ môn các trường phổ thông của cả nước.
Có hơn 500 giáo viên là tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông của 9 tỉnh phía bắc tham gia bồi dưỡng tại Trường ĐH Vinh
Tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là những giáo viên đã qua thực tiễn giảng dạy, có năng lực chuyên môn tốt, được đồng nghiệp tôn vinh và đi đầu trong thực hiện đổi mới dạy - học tại đơn vị giáo dục.
Phát biểu khai mạc bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và đánh giá cao đội ngũ giảng viên nguồn của ĐH Vinh có năng lực, mạnh mẽ, tâm huyết, xây dựng tài liệu công phu.
Thứ trưởng đề nghị các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn dùng hết tư duy, năng lực của mình ngay từ khóa bồi dưỡng này. Lấy mục tiêu chất lượng là mục tiêu số 1 trong lớp học, học tập cách thức tổ chức lớp học, triển khai ở thực tế tốt hơn.
Sau khóa học, các tổ trưởng chuyên môn phải đạt được 3 yêu cầu: Nắm được chương trình giáo dục phổ thông mới; nắm được chương trình bộ môn mình phụ trách cùng với phương pháp giảng dạy; nắm được cách đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học. Từ đó, góp phần bồi dưỡng giáo viên đại trà, để khi thực hiện chương trình mới không thấy bị động, mà tự tin chờ đón.
Ngoài bồi dưỡng tập trung, giáo viên sẽ được chia thành từng nhóm lớp để được bồi dưỡng theo môn
Khóa bồi dưỡng kéo dài từ 29 - 31/10, do chuyên gia của Bộ GD&ĐT và giảng viên nguồn của Đại học Vinh đứng lớp.
Tại khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh với đội ngũ nhà giáo: Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là văn bản pháp lý quan trọng đối với sự phát triển giáo dục Việt Nam.
Trong đó, đặc biệt có 5 thay đổi quan trọng về tư duy giáo dục. Thứ nhất, chuyển tư duy từ việc chú trọng phát triển số lượng sang chú trọng phát triển chất lượng. Đem chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, nền giáo dục không chất lượng thì coi như không có giáo dục
Thứ 2, chuyển tư duy dạy học theo hướng chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ nội dung kiến thức, nền giáo dục bằng cấp, sang nền giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Từ thay đổi tư duy này sẽ kéo theo thay đổi về mục tiêu, phương pháp dạy học.
Thứ 3, thay đổi tư duy dạy học trong 4 bức tường qua dạy học mở rộng qua nhiều hoạt động.
Thứ 4 là đổi mới đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học. Thời gian qua, thực hiện đổi mới này, Bộ đã ban hành thông tư 30, sau đó là thông tư 22 đối với Tiểu học và thông tư 58 đối với THCS.
Thứ 5, đổi mới tư duy từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu xã hội.
Nhiều trường học đã chú trọng giáo dục kỹ năng cho học sinh, không giới hạn không gian học tập trong 4 bức tường
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn giáo viên nắm rõ 5 thay đổi tư duy quan trọng này để phát huy trách nhiệm của mình, nhận thức được mình cần phải làm gì trong thực hiện chương trình phổ thông mới và thay sách giáo khoa.
Về chương trình phổ thông tổng thể bắt đầu triển khai từ năm học 2020 - 2021, tuy nhiên những năm qua các bậc học cũng đã có những bước chuẩn bị, áp dụng các mô hình tiên tiến tiệm cận với chương trình phổ thông mới, đặc biệt là bậc tiểu học.
Với THCS, THPT, Bộ GD&ĐT cũng chủ trương không để các thầy cô bất ngờ. Trong đó, Bộ đã ban hành văn bản 4612 yêu cầu dạy học theo hướng tiếp cận năng lực ngay trong chương trình giáo dục hiện hành.
Hồ Lài
Theo GDTĐ
Nghệ An tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ Dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông được ngành giáo dục Nghệ An quan tâm đầu tư song hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Chất lượng môn Ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) vẫn là "vùng trũng" so với các môn học khác và thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Hội nghị bàn giải pháp nâng cao...