Chương trình GDPT mới: Khó triển khai học 2 buổi/ngày
Cơ sở vật chất không đảm bảo, dân số đông…là những trở ngại khiến nhiều tỉnh thành khó thực hiện việc học 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT mới.
Sáng 20-5, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu từ năm 2020-2021.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở GD&ĐT 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) chủ trì hội thảo. Ảnh: TT
Phát biểu tại hội thảo, TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết cấp thiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày. Mục đích là để tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa- nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm…
Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều địa phương, việc triển khai học 2 buổi/ngày đang gặp khó vì nhiều lý do.
Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ việc tăng dân số cơ học tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất, khó thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhất là ở một số quận, huyện có tỷ lệ dân nhập cư cao như Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12…
Hiện nay mới có 70,6% học sinh tiểu học trên địa bàn TP.HCM được học 2 buổi/ngày. So với năm học 2017-2018, năm học 2018-2019 toàn TP đã tăng thêm 42.613 học sinh tiểu học.
Tương tự, ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Biên Hòa, Đồng Nai cho hay, toàn tỉnh mới có 36,5% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, trong đó TP Biên Hòa hiện có tỷ lệ rất thấp với 11,9%. Hàng năm tỉnh này tăng thêm từ 4.000-5.000 học sinh tiểu học, sĩ số bình quân hiện nay đang phải duy trì ở mức cao với 42,8 học sinh/lớp. Dù công tác xây dựng trường lớp được tăng cường đẩy mạnh nhưng mới đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản của người dân.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng khi triển khai chương trình GDPT mới, trong đó có thêm 2 môn bắt buộc là tiếng Anh và tin học sẽ tạo nên những thách thách không nhỏ cho các địa phương trong tuyển dụng nhân sự.
Nội dung giáo dục địa phương mang tính mở
Việc thực hiện nội dung giáo dục của địa phương trong chương trình GDPT mới sẽ mang tính mở cả về thời lượng, nội dung kiểm tra cũng như đánh giá. Nếu ở hai bậc THCS và THPT, nội dung này được xem như một môn học, triển khai rộng khắp thì ở bậc tiểu học, nội dung này không triển khai độc lập mà sẽ tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm và môn học.
Video đang HOT
(Ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới)
Theo PLO
Áp dụng đồng thời 6 biện pháp giảm tải cho học sinh
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm tải 0,9 tiết/buổi học với bậc tiểu học nhờ học 2 buổi/ngày, giảm 54 tiết với bậc trung học phổ thông nhờ tích hợp; giảm từ 262 đến 315 tiết ở bậc trung học phổ thông nhờ học phân hóa.
Sáu biện pháp giảm tải sẽ được áp dụng đồng thời, từ giảm tải số môn học, số tiết học đến nội dung học, phương pháp dạy, áp lực thi cử.
Đây là thông tin vừa được giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới tại buổi họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 27/12.
Thời lượng học của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp
Theo ông Thuyết, từ hình ảnh chiếc cặp quá nặng của học sinh tiểu học đến chương trình thiên về lý thuyết, thời gian học tập lấn át giờ vui chơi và lịch kiểm tra, thi cử quá dày đều được phụ huynh học sinh và báo chí nêu lên như những điển hình về sức ép học hành đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học, điều chỉnh cách kiểm tra, thi cử, nhưng việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình, sách giáo khoa phải thực hiện giảm tải nhiều hơn nữa.
"Sự thực thì thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước," ông Thuyết nói.
Đưa ra con số cụ thể, ông Thuyết cho biết, theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh từ 7 đến 15 tuổi ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ).
Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và trung học cơ sở theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 2.051 giờ.
Nội dung học tập của học sinh Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước. Ví dụ, ngay những tuần đầu học lớp 1, học sinh Canada đã phải thực hiện phỏng vấn các bạn cùng lớp về số lượng, chủng loại vật nuôi trong nhà và trình bày kết quả thống kê thành biểu đồ. Mỗi ngày, học sinh phải đọc 1 cuốn sách với cha mẹ; mỗi tháng tối thiểu đọc 20 cuốn. Từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi năm học sinh bang California (Mỹ) phải đọc số lượng sách tương đương 500.000 từ...
Thấp nhưng vẫn quá tải
Thời lượng học thấp hơn, yêu cầu thấp hơn, vì sao việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải? Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng có 6 nguyên nhân chính, cả từ trong và ngoài nhà trường.
Thứ nhất là nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết. Nhiều nội dung không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh.
Thứ hai là phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.
Thứ ba là thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập. Trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.
Thứ tư là học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó phải học nhiều.
Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi.
Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
Sáu giải pháp giảm tải trong chương trình mới
Theo vị Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình mới sẽ áp dụng tới 6 biện pháp giảm tải.
Thứ nhất là giảm số môn học. Theo đó, bằng việc dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, Chương trình mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành.
Cụ thể, ở lớp 1 và lớp 2 giảm 3 môn, từ 10 môn học hiện nay xuống còn 7 môn. Lớp 3, 4, 5 giảm một môn. Lớp 6, 7, 11, 12 giảm 4 môn, từ 16 môn hiện nay xuống 12 môn. Lớp 8, 9, 12 giảm 5 môn, từ 17 môn xuống 12 môn.
Thứ hai là giảm số tiết học. Theo chương trình mới, ở cấp tiểu học, tổng thời lượng học của học sinh sẽ tăng lên, từ 2.353 tiết như hiện nay lên 2.838 tiết. Tuy nhiên, số thời gian học mỗi buổi của học sinh lại giảm 0,9 tiết.
Cụ thể, do chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), nên tính trung bình học sinh học 2,7 tiết /lớp/buổi học. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 tiết /lớp/buổi học, giảm 0,9 tiết /lớp/buổi học. Với việc giảm số tiết học, ông Thuyết cho rằng học sinh sẽ có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn.
Ở bậc trung học cơ sở, theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.124 tiết, chương trình mới sẽ còn 3.070 tiết, giảm 54 tiết, nhờ dạy tích hợp.
Ở bậc trung học phổ thông, trong chương trình mới, học sinh học sẽ học 2.284 tiết, giảm so với chương trình hiện hành từ 262 đến 315 tiết (hiện học sinh Ban cơ bản học 2.546 tiết; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 tiết)
Thứ ba là giảm kiến thức hàn lâm. Theo ông Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thiên về trang bị kiến thức cho học sinh, do đó chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Thứ tư là tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn. Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp trung học phổ thông) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, ngược lại sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.
Thứ năm là thực hiện phương pháp dạy học mới. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng vào đời sống. Thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh. Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.
Thứ sáu là đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Cụ thể, mục tiêu của việc kiểm tra đánh giá sẽ thay đổi, không phải vì điểm số mà là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.
"Các giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm. Các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường," giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Tuyết Mai
Theo ngaynay
Ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục xây dựng nhiều mô hình mới Tại lễ "Lễ Tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2018-2019" diễn ra ngày 18/5, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, không chỉ phát triển về quy mô, số lượng trường lớp và học sinh, mà các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và...