Chương trình GD phổ thông mới: GD thể chất có nhiều lựa chọn cho nhà trường và học sinh
Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, thời lượng học Giáo dục thể chất chiếm tỉ lệ từ 6% đến 7% tổng thời lượng học; tăng 35 tiết so với chương trình hiện hành. Bên cạnh đó, ở cấp THPT, học sinh còn được học Giáo dục quốc phòng và an ninh, một môn học có tác dụng hỗ trợ giáo dục thể chất.
Ảnh minh họa/internet
Môn học bắt buộc trong 12 năm phổ thông
Theo chương trình môn Giáo dục thể chất Bộ GD&ĐT mới công bố, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.
Giai đoạn giáo dục cơ bản: Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể dục thể thao. Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường để tiếp tục phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, đồng thời giúp những học sinh có năng khiếu thể thao tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp
Mạch nội dung môn học gồm: Kiến thức chung về Giáo dục thể chất (từ lớp 1 đến lớp 12); Vận động cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9); Thể thao tự chọn (từ lớp 1 đến lớp 12).
Video đang HOT
Nhiều lựa chọn dành cho nhà trường và học sinh
Chương trình môn Giáo dục thể chất có nhiều lựa chọn dành cho nhà trường và học sinh. Đầu năm học, giáo viên và nhà trường căn cứ kết quả kiểm tra sức khỏe tại trường hoặc giấy chứng nhận sức khoẻ của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp cho học sinh, tổ chức cho học sinh học môn Giáo dục thể chất bảo đảm tất cả học sinh đều được học tập, rèn luyện với nội dung phù hợp, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình.
Các môn thể thao tự chọn trong chương trình môn Giáo dục thể chất là hệ thống các môn thể thao được tổ chức trong Hội khoẻ Phù đổng các cấp, trong hệ thống giải thi đấu quốc gia, quốc tế và các môn thể thao truyền thống của địa phương.
Ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3, nội dung thể thao tự chọn chủ yếu là trò chơi vận động gắn với một số môn thể thao phù hợp với thể lực của học sinh và khả năng tổ chức của nhà trường.
Từ lớp 4 đến lớp 9, học sinh được hướng dẫn luyện tập và tham gia thi đấu các môn thể thao phù hợp.
Ở cấp trung học phổ thông, nội dung thể thao tự chọn gồm 3 nhóm: (a) Nhóm kĩ thuật cơ bản, dành cho lớp 10; (b) nhóm kĩ thuật nâng cao, dành cho lớp 11, (c) nhóm vận dụng, thi đấu, dành cho lớp 12.
Tuỳ theo khả năng tổ chức của nhà trường, học sinh có thể lựa chọn một môn thể thao cho cả ba năm học hoặc mỗi năm học lựa chọn một môn thể thao.
Những học sinh học một môn thể thao trong cả ba năm học thì được học đầy đủ ba nội dung (a), (b) và (c). Những học sinh chọn học hai môn thể thao thì được học các nội dung (a) và (b) ở một môn thể thao, môn thể thao còn lại chỉ học nội dung (a). Những học sinh chọn học ba môn thể thao thì chỉ học nội dung (a).
Giáo viên được quyền tham gia xây dựng và chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục của môn học phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, nhà trường và lớp học mà mình phụ trách trên cơ sở bảo đảm mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt của chương trình đối với cấp học, lớp học.
Đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học
Môn Giáo dục thể chất vận dụng phương pháp giáo dục tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, thực hiện chuyển quá trình giáo dục thành tự giáo dục; giáo viên là người thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn hoạt động tập luyện cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện để khuyến khích học sinh tích cực tham gia các hoạt động tập luyện, tự mình trải nghiệm, tự phát hiện bản thân và phát triển thể chất.
Giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học đặc trưng như: trực quan, sử dụng lời nói, tập luyện, sửa sai, trò chơi, thi đấu, trình diễn,…; sử dụng nguyên tắc đối xử cá biệt, phù hợp với sức khoẻ học sinh; kết hợp dụng cụ, thiết bị phù hợp, sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ thông tin để tạo nên giờ học sinh động, hiệu quả.
Đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học, cân đối giữa hoạt động tập thể lớp, hoạt động nhóm nhỏ và cá nhân, giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn, để đảm bảo vừa phát triển năng lực thể chất, vừa phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc,… để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, làm cho học sinh yêu thích và đam mê tập luyện thể thao.
PV
Theo giaoducthoidai
Học sinh được học 70 tiết giáo dục thể chất mỗi năm
Ngoài các kỹ năng vận động cơ bản, học sinh được lựa chọn các môn thể thao, định hướng nghề nghiệp theo năng khiếu.
Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 với nội dung chủ yếu là rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như: các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, trò chơi vận động, môn thể thao và kỹ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao.
Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM) tập võ trên nền nhạc Vovinam. Ảnh: Lê Bình
Nội dung giáo dục thể chất được chia thành hai giai đoạn. Ở giáo dục cơ bản, môn học này giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao. Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được lấy làm trung tâm, giáo viên được yêu cầu vận dụng linh hoạt phương pháp như trực quan, sử dụng lời nói, tập luyện, sửa sai, trò chơi, thi đấu, trình diễn. Đồng thời, giáo viên phải biết cách sử dụng nguyên tắc đối xử cá biệt, phù hợp với sức khỏe của học sinh.
Môn Giáo dục thể chất cũng sẽ tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, tạo hứng thú cho học sinh.
Thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Ví dụ ở bậc tiểu học, nội dung vận động cơ bản với các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, tư thế và kỹ năng vận động chiếm 65% thời lượng. Còn ở cấp THPT, nội dung trên không còn. Thay vào đó, các môn thể thao tự chọn chiếm 90% thời lượng; thời gian còn lại dành cho đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Tối 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với chương trình tổng thể và chi tiết 27 môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).
Bộ Giáo dục sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.
Dương Tâm
Theo VNE
Tự chọn môn học từ 2020: Giáo viên một số môn sẽ thất nghiệp? Nhiều giáo viên và chuyên gia cho rằng khi áp dụng chương trình mới một số môn sẽ không được học sinh lựa chọn và việc giáo viên có thể thất nghiệp do không ai lựa chọn dễ xảy ra. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố, ở cấp THPT, các môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ...