‘Chúng tôi rất suy nghĩ khi bỏ phiếu cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến’
Chia sẻ với báo, giáo sư (GS) Phạm Gia Khánh, Chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành y, cho biết trường hợp ứng viên GS Nguyễn Thị Kim Tiến rất được các thành viên hội đồng ngành y cân nhắc khi bỏ phiếu.
Mấy tháng nay, dư luận không ngớt bàn tán về trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS ngành y học đợt xét năm 2017. Nhiều ý kiến cho biết họ không nghi ngờ năng lực nghiên cứu khoa học của bà Tiến trước khi bà là Bộ trưởng Bộ Ytế, tuy nhiên, việc bộ trưởng một bộ quá nhiều vấn đề liên quan tới dân sinh lại có thời gian tham gia đào tạo đại học và làm nghiên cứu ở mức độ chất lượng là một thực tế khó tin.
Hồ sơ của bà Tiến có đạt tiêu chí đặc biệt xuất sắc?
Chia sẻ với Thanh Niên, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch hội đồng chức danh GS ngành y cho biết: ngành y bỏ phiếu tán thành hồ sơ của bà Tiến đạt các tiêu chí xét công nhận GS ở mức xuất sắc là bởi về đào tạo, bà Tiến hướng dẫn chính 3 nghiên cứu sinh, hướng dẫn phụ 1 nghiên cứu sinh (và họ đều bảo vệ thành công), hướng dẫn 4 cao học đã bảo vệ, hiện tại hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh.
Về viết sách, bà Tiến viết 10 cuốn, trong đó 2 cuốn chuyên khảo, 3 cuốn giáo trình, 3 cuốn tham khảo và 2 cuốn sách hướng dẫn. Về nghiên cứu, bà Tiến có 2 đề tài cấp nhà nước, trong khi đó, thông thường đề tài cấp nhà nước hiếm người được thực hiện, kể cả các GS (nên tiêu chuẩn GS chỉ yêu cầu ứng viên chủ trì đề tài cấp bộ), 6 đề tài cấp bộ, 15 đề tài cấp cơ sở. Thành tích về đào tạo và viết sách như thế là tốt.
Về công trình, bà Tiến có 91 bài báo khoa học, trong đó 14 bài đăng ở tạp chí ISI. Tổng điểm quy đổi rất cao, hơn 34 điểm (tiêu chuẩn là 20).
Theo quy định hiện hành, đối với những người đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục đại học thì phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao, được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Vậy, yếu tố xuất sắc trong hồ sơ của bà Tiến là gì?
GS Phạm Gia Khánh: Theo hướng dẫn của Hội đồng nhà nước, xét tính xuất sắc của hồ sơ có nhiều mức độ. Mức độ cao là được giải thưởng cao của quốc tế, hoặc giải thưởng trong nước (ví dụ giải thưởng Hồ Chí Minh, giả thưởng Nhà nước, giải thưởng Kovalebskaia…). Nhưng những tiêu chí này khó đạt lắm. Mức độ thấp hơn là có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín (tạp chí ISI). Bà Tiến đạt mức độ này khi có 14 bài ISI. Nếu không có bài báo ISI thì ứng viên có các công trình khoa học cấp bộ được đánh giá xuất sắc khi nghiệm thu cũng sẽ được liệt vào diện xuất sắc, mà bà Tiến cũng có mấy công trình cấp bộ được nghiệm thu xuất sắc. Như vậy, bà tiến đạt 2 tiêu chí xuất sắc.
Hồ sơ của bà Tiến còn có các điểm mạnh khác như là bà đã và đang là GS thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH Oxford (Anh), 2013 – 2017 và 2017 – 2021. Ngoài ra, bà Tiến được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, Thủ tướng Việt Nam phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.
Vì thế, Hội đồng chức danh giáo sư ngành y học chúng tôi đánh giá bà Tiến xứng đáng được công nhận đạt tiêu chuẩn GS.
Trước đây, Bộ trưởng Tiến từng làm hồ sơ xét giáo sư nhưng bị trượt, trong khi đó, những thành tích mà GS kể trên thì trước đây bà Tiến cũng đã đạt. Cũng chất lượng hồ sơ đó thì tại sao lần trước không được thông qua mà lần này lại được thông qua?
Theo trí nhớ của tôi, lần đầu bà Tiến làm hồ sơ xét GS là cách đây khoảng 4 năm. Hồi ấy, bà Tiến đã qua được hội đồng ngành, nhưng lên đến Hội đồng nhà nước thì không được. Trước đây, việc xét GS với ứng viên ngành y đang làm ở các cơ quan quản lý nhà nước là rất khó. Ví dụ cho việc khó này là ông Nguyễn Viết Tiến, một ứng viên có hồ sơ khoa học thực sự mạnh. Khi đó, ông ấy là Thứ trưởng Bộ Y tế.
Trước đó, ông Tiến là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Trong suốt quá trình đó, ông ấy vẫn làm Chủ nhiệm bộ môn sản của Trường đại học y Hà Nội trong suốt 20 năm. Thành tích khoa học của ông ấy rất cao, là chuyên gia số 1 của miền Bắc về sản khoa, đặc biệt trong ngành hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm). Nhưng ngay năm đầu, ông Tiến nộp hồ sơ xét GS thì hội đồng vẫn không ủng hộ, năm sau ông ấy mới đạt. Trường hợp bà Tiến cũng tương tự thôi. Tôi cho rằng, có thể các thành viên trong hội đồng nhận thấy thành tích khoa học của bà ấy đã khá hơn 4 năm trước đó.
Ngoài trường hợp bà Tiến ra, ngành y còn xem xét lại nhiều trường hợp nữa không?
Ngành y xem xét lại khá kỹ, tập trung vào các hồ sơ diện sau: diện có đơn khiếu nại, diện được tổ công tác của Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát, ứng viên là cán bộ quản lý (ví dụ như bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, phó vụ trưởng). Tổng cộng có 19 hồ sơ được rà soát, nhưng đối chiếu với các tiêu chí trong quy định hiện hành đều đạt. Vì thế, Hội đồng ngành y đã họp và lấy ý kiến chung của hội đồng là bảo lưu kết quả xét năm 2017.
Các trường đào tạo ngành y quá thiếu GS
Năm nay, tổng số ứng viên của ngành y học là bao nhiêu và rốt cuộc có bao nhiêu ứng viên được hội đồng nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS?
Video đang HOT
Tổng số ứng viên mà các cơ sở đề xuất là 208 người, được Hội đồng nhà nước thông qua 192 ứng viên, tỷ lệ đạt khoảng 92,3%. Năm ngoái là 125 ứng viên được thông qua. Như vậy, năm nay tăng 1,53 lần so với năm ngoái. Con số này là bình thường so với thời gian nhận hồ sơ kéo dài thêm 6 tháng so với thông lệ, chứ không phải là đột biến.
Về những con số trên, xã hội nói sao mà số GS, PGS ngành y nhiều thế, còn tôi thì cho rằng sao mà ít thế! Quá ít so với nhu cầu. Một cơ sở đào tạo y tối thiểu phải có 50 GS, tương ứng với trên 50 bộ môn (nước ngoài thì họ còn yêu cầu mỗi trường y phải có trên trăm GS). Chúng ta hiện quá thiếu GS ở các cơ sở đào tạo y. Như Trường đại học y Hà Nội có lịch sử 116 năm mà cũng chỉ có 16 GS. Trường đại học Y dược TP.HCM chỉ có 12 GS. Các trường Y khác như Hải Phòng, Thái Bình, Cần Thơ mỗi nơi chỉ có 1 GS…
Nếu tính số sinh viên trên/GS thì tỷ lệ của chúng ta thấp một cách đáng sợ. Ví dụ, một trường đại học ở Đức mà tôi đã từng đến làm việc cách đây mấy năm, họ có 28.500 sinh viên thì có 450 GS, riêng khoa y của trường này có 4.000 sinh viên thì họ có 109 GS, như vậy là 37 sinh viên/GS. Việt Nam thì sao? Trường Y Hà Nội, con chim đầu đàn, tỷ lệ là 670 sinh viên/GS, bằng 1/18 của họ. Giờ mỗi năm tăng thêm vài chục GS, khoảng trăm GS thì bao giờ chúng ta đuổi kịp họ?
Mình thiếu GS như thế vậy tại sao không ưu tiên phát triển đội ngũ GS cho những người đang làm việc cơ hữu tại các trường đào tạo y, thay vì xét cho GS cho những cán bộ quản lý, đối tượng mà thực ra thời gian dành cho đào tạo và nghiên cứu rất ít?
Chúng tôi rất muốn ưu tiên chứ, nhưng khổ nỗi họ không đủ tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn GS là phải hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh thành công, phải có đề tài cấp bộ, phải viết sách chuyên khảo, nhưng họ không làm được! Trong khi đó người khác họ làm được thì phải công nhận người ta.
“Án tại hồ sơ”?
Xét về mặt hồ sơ, bà Tiến đạt các yêu cầu của ứng viên GS, chẳng hạn như là phải tham gia đào tạo. Trong hồ sơ, bà Tiến giảng dạy tại hai nơi là Trường đại học Y dược TP.HCM và Viện Dinh dưỡng, trong đó có một cơ sở cách nơi làm việc chính của bà Tiến (Bộ Y tế) 2.000 km. Theo GS, xét về thời gian vật chất, liệu một bộ trưởng có thể đảm bảo hoạt động đào tạo có chất lượng ở những nơi quá xa nhau về khoảng cách địa lý vậy hay không?
Đúng là làm bộ trưởng thì rất bận. Nhưng giờ dạy của GS thì ngoài giờ đứng lớp trực tiếp còn có giờ hướng dẫn nghiên cứu sinh. Một nghiên cứu sinh sẽ được quy đổi tương ứng là bao nhiêu tiết đó, mà bà Tiến thì hướng dẫn khá nhiều nghiên cứu sinh. Khi xét tiêu chuẩn thì chúng tôi căn cứ vào hồ sơ. Ứng viên đạt yêu cầu thì chúng tôi tiến hành bỏ phiếu. Còn thực hư ra sao thì phải làm việc với trường.
Theo quy định thì minh chứng giảng dạy của hồ sơ ứng viên là gì?
Ứng viên phải có hợp đồng giảng dạy với nhà trường, căn cứ trên số lượng nghiên cứu sinh mà ứng viên hướng dẫn thì quy đổi. Theo tôi nhớ, mỗi nghiên cứu sinh được quy đổi thành khoảng 45 – 50 tiết chuẩn. Ứng viên có bao nhiêu nghiên cứu sinh thì cứ thế nhân lên.
Nghĩa là hồ sơ không đòi hỏi phải có minh chứng để chứng tỏ là ứng viên giảng dạy thực, như lịch lên lớp, lịch báo giảng hoặc các công cụ tương tự?
Minh chứng chỉ yêu cầu là có hợp đồng, có thanh lý hợp đồng.
Chúng tôi biết trường hợp ứng viên Nguyễn Thị Kim Tiến rất được dư luận xã hội quan tâm, nên rất cân nhắc khi xét GS. Nhưng việc xét GS là “án tại hồ sơ”. Chỗ nào của quy định không hợp lý thì mình góp ý để điều chỉnh. Còn với một hồ sơ quá chuẩn như vậy, điểm rất cao, thì phải xét, bỏ phiếu đạt thì phải công nhận. Tiêu chuẩn GS, ngoài phần cứng còn phần mềm là số phiếu tín nhiệm. Bà Tiến dù không đạt 100% số phiếu thông qua, thành viên hội đồng ngành y có 21 người thì có khoảng 2 – 3 người không thông qua, nhưng cũng quá 2/3 số phiếu, thì theo quy định là đạt.
Thực sự là chúng tôi cũng rất suy nghĩ khi bỏ phiếu cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà Tiến được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, danh hiệu cao quý nhất của ngành y. Với một ứng viên như vậy thì cho dẫu có thành viên nào đó không muốn bỏ phiếu cũng rất phải cân nhắc.
Cảm ơn GS!
Theo TNO
Rà soát GS, PGS: Hãy xem xét lại ở những ứng viên bị đánh trượt
Cần rà soát lại các ứng cử viên đã bị trượt chức danh GS, PGS cấp ngành và liên ngành thay vì chỉ ra soát danh sách những người đạt chức danh GS, PGS.
ảnh minh họa
Đầu tháng 2/2018, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017.
Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 là 1.226 người (trong đó có 85 người đạt tiêu chuẩn GS, 1.141 người đạt tiêu chuẩn PGS). Số lượng này đã tăng khoảng 60% so với năm trước.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận đang xôn xao là về chất lượng đội ngũ GS, PGS thực sự có đồng đều và tất cả những người được vinh danh thực sự xứng đáng hay chưa.Vì có thông tin đưa ra là khoảng 34% GS và trên 53% PGS được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế.
Đặc biệt, trong số các GS, PGS được phong tặng năm nay có nhiều người làm quan chức, không tham gia vào công tác giảng dạy. Đặc biệt, có ý kiến còn cho rằng, có tiêu cực trong việc bỏ phiếu ở hội đồng cấp ngành, liên ngành. Chính những điều này đã khiến cho những người trước đây được công nhận chức danh GS, PGS cảm thấy chưa phục và khiến dư luận hoài nghi về "vàng thau" lẫn lộn.
Sau những thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả việc rà soát bước đầu cho thấy, một số hội đồng ngành, liên ngành không phát hiện GS, PGS thiếu tiêu chuẩn và vẫn giữ nguyên quyết định như công bố ban đầu.
Số lượng chức danh giáo sư, phó giáo sư từ năm 2009 đến 2017
Hãy rà soát lại ứng cử viên không đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
Nhận định về kết quả trên, ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, các thành viên ở hội đồng liên ngành A,B chưa chắc đã hiểu rõ những ứng viên chức danh GS, PGS ở ngành C nên rất dễ có khả năng người đứng ngành C nói là ứng cử viên nào đó của ngành mình không đạt "về mặt đạo đức", là các thành viên ở ngành A, B dễ bị nghe theo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiện tượng lây lan và nạn nhân là các ứng viên.
Do đó, nếu có tiêu cực thì chỉ có thể xảy ra đối với các ứng viên bị trượt chứ khó xảy ra đối với ứng viên đã đạt đủ phiếu bầu. Vì vậy, việc rà soát theo tiêu chuẩn cứng chắc chắn sẽ khó có thể phát hiện sai sót, vì tất cả các ứng viên đều đạt tiêu chuẩn cứng mới được đem ra bỏ phiếu.
Ông Hào Quang tin rằng, cả 28 hội đồng ngành, liên ngành sẽ báo cáo không có tiêu cực vì thực tế các Hội đồng đã xét các tiêu chuẩn cứng rất kỹ.
Theo ông Vũ Hào Quang, để rà soát lại các ứng cử viên có đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hay không thì Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh GS nhà nước cần xem xét lại các ứng cử viên đã bị trượt. Đặc biệt là năm nay, những người trượt chức danh GS có nhiều ý kiến.
Chúng ta sẽ thấy, có nhiều ứng viên bị trượt chức danh GS nhưng lại có đầy đủ công trình nghiên cứu khoa học, đạo đức nhà giáo theo đúng quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, vì quan hệ và ứng xử cá nhân với một số thành viên hội đồng ngành, liên ngành có thể "không tốt" nên bị trượt. Các hội đồng ngành, liên ngành cần trả lời câu hỏi vì sao không bỏ phiếu cho các ứng cử viên đạt đủ tiêu chuẩn xét đạt chức danh GS, PGS.
Ông Vũ Hào Quang khẳng định, bất cập trong việc phong chức danh GS, PGS vẫn còn là ở cơ chế "nhiệm kỳ". Có người tham gia Hội đồng chức danh GS ngành có nhiệm kỳ không chỉ 5 năm mà có thể lên đến 10 năm,15 năm.
Nếu người ngồi lâu như vậy trong Hội đồng mà lại có tư tưởng "cá nhân chủ nghĩa", bỏ phiếu vì quan hệ riêng tư cá nhân chứ không phải vì khoa học thì sẽ "khốn cùng cho các ứng viên" đặc biệt là những ứng viên có quan điểm khoa học độc lập, có lối sống thẳng thắn.
Thực tế, các nhà khoa học chân chính thường là người có bản lĩnh, dám bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình nên đôi khi không được lòng nhiều người.
Đặc biệt, cơ chế bỏ phiếu ở Hội đồng ngành liên ngành là bỏ phiếu kín với số phiểu tối thiểu là 3/4 ủy viên Hội đồng, do đó khả năng trượt là rất cao. Nếu chúng ta thống kê số người trượt chức danh GS ở cấp ngành và liên ngành từ năm 1985 đến nay sẽ thấy hiện tượng trượt GS ở cấp này nhiều như thế nào.
Việc nhiều người bị trượt GS 2,3,4 lần đã nói lên tính khốc liệt của "cuộc xét duyệt này". Việc bỏ phiếu kín với tỷ lệ tối thiểu 3/4 số ủy viên Hội đồng ngành, liên ngành không nói lên chất lượng của các công trình khoa học mà chỉ nói tới một phạm trù "mơ hồ về đạo đức" theo đánh giá cá nhân, chủ quan của ủy viên Hội đồng.
Do vậy, các nhân tố gọi là "đạo đức" cần phải thao tác để đo đạc bằng các điểm số thì mới khách quan và minh bạch.
Năm 2017 là năm có số lượng ứng viên cao nhất tính từ năm 1985 đến nay, và cũng là năm cuối theo tiêu chuẩn cũ nên nó bộc lộ những bất cập trong cơ chế xét duyệt và bỏ phiếu trong việc phong chức danh GS, PGS khiến nhiều người có ý kiến.
Ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
"Tôi có bằng chứng về tiêu cực trong xét chức danh PGS, GS. Bằng chứng của tôi là: Điểm khoa học và đào tạo xét trong Hội đồng chức danh GS liên ngành đạt 40,6; có 3 bài báo quốc tế trong đó có 1 bài ISA, chưa kể 3 bài khác đăng trong kỷ yếu các hội thảo quốc tế, điểm thi tiếng Nga, tiếng Anh đều tốt.
Tôi tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1993, được phong PGS năm 2004, làm cán bộ giảng dạy ĐH từ 1984, làm phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm khoa Xã hội học trường ĐH học Khoa học Xã hội & Nhân văn hơn hai nhiệm kỳ, làm Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Dư luận xã hội năm 2007 đến năm 2014, là thương binh chống Mỹ cứu nước hạng 3/4, nhưng bị bỏ phiếu trượt ở Hội đồng liên ngành.
Vậy tôi thiếu điểm đạo đức gì? Những người gạch tên tôi khỏi danh sách GS liệu có phẩm chất đạo đức cách mạng và đóng góp cho khoa học hơn tôi không? Ngoài ra, tôi được biết, một số người khác (đồng nghiệp của tôi) rất giỏi chuyên môn, đạo đức cũng không có vấn đề gì bị phê phán, thế mà vẫn trượt trong các Hội đồng 2,3, 4 lần.
Tôi cho rằng, cơ chế nhiệm kỳ Hội đồng 5 năm cùng với việc bỏ phiếu kín với 3/4 số phiếu là cơ hội cho một số người suy thoái đạo đức, lối sống thực hiện hành vi tiêu cực. Mặc dù tôi vẫn thừa nhận đa số trong Hội đồng là những người tốt, xứng đáng là ủy viên Hội đồng liên ngành", ông Hào Quang tiết lộ.
Nên bỏ hội đồng ngành, liên ngành mà giao về các trường ĐH
Để việc phong tặng chức danh GS, PGS đúng thực chất, ông Vũ Hào Quang cho rằng, GS, PGS là những người có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực GD-ĐT nên Nhà nước không nên nhất thiết đề bạt cán bộ quản lí phải gắn liền với học hàm, học vị. Vì hai lĩnh vực quản lí và khoa học là khác nhau. Người làm khoa học giỏi nhưng làm quản lí chưa chắc đã tốt.
Nhiều người không có chức danh GS, PGS nhưng vẫn có phát minh sáng kiến có ứng dụng tốt trong sản xuất, có ích cho xã hội. Nhiều người có chức danh GS, PGS, làm nhiều đề tài hàng tỷ đồng nhưng chẳng có ứng dụng gì, "đề tài nghiệm thu xong cho vào ngăn kéo".
Việc phong chức danh GS, PGS không công bằng, minh bạch không chỉ làm tổn thất tiền của của Nhà nước mà quan trọng hơn nó làm méo mó nền giáo dục và khoa học, mất lòng tin của các nhà khoa học chân chính.
Theo ông Hào Quang, không nên để Hội đồng liên ngành và ngành mà chỉ để Hội đồng hai cấp là cơ sở và Nhà nước và mỗi năm thành lập một Hội đồng khác nhau. Những người được vào Hội đồng cần được tham khảo ý kiến các tiến sĩ, PGS, GS cấp cơ sở. Ai phiếu cao hơn sẽ được chọn vào thành viên Hội đồng. Hội đồng cấp Nhà nước chỉ giám sát và bỏ phiếu thông qua danh sách các ứng viên được bầu từ Hội đồng cơ sở với số phiếu quá bán.
Để nâng cao chất lượng GS, PGS cần nâng cao tiêu chuẩn điểm khoa học và thâm niên khoa học lên từ 2 đến 2,5 lần. Số lượng các bài báo khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISI, Scopus và tương đương) ít nhất là 2 đối với ứng viên PGS và 5 đối với GS. Số công trình khoa học quốc tế của các khoa học tự nhiên và kỹ thuật, công nghệ phải cao hơn khoa học xã hội 1,5 lần.
Số năm thâm niên đối với ứng viên khoa học xã hội phải cao tối thiểu 6 năm (thay vì 3 năm như hiện nay) đối với PGS; 8 năm thâm niên PGS đối với ứng viên GS, vì khoa học xã hội cần trải nghiệm xã hội. Số phiều tín nhiệm chỉ cần quá bán để hạn chế "những quan hệ xã hội phức tạp" làm mất đi sự trong sáng của các lá phiếu.
Hiện nay, việc phong tặng chức danh GS, PGS được thực hiện ở 3 hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; hội đồng cấp ngành, liên ngành; hội đồng cấp Nhà nước.
Ông Vũ Hào Quang cũng đề nghị, việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS phải phù hợp với số lượng học viên đào tạo sau ĐH. Việc phong tặng chức danh GS, PGS nên đưa về các trường ĐH, các học viện đủ tiêu chuẩn chất lượng thực hiện sau 5 năm nữa. Còn từ năm 2018 nên tổ chức mô hình Hội đồng hai cấp là cơ sở và Nhà nước.
Bởi hội đồng cấp cơ sở là nơi hiểu rõ nhất những người nào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, có đủ năng lực phẩm chất tốt để bình bầu. Sau đó, trường ĐH, học viện sẽ đề xuất ứng viên đạt chức danh GS, PGS lên Hội đồng cấp Nhà nước để thẩm định lần cuối.
Số phiếu ở cả hai cấp chỉ cần quá bán, những tiêu chí khoa học và thâm niên khoa học phải tăng từ 2 đến 2,5 lần so với hiện nay. Chúng ta nên bỏ qua quy trình bình bầu ở hội đồng cấp ngành, liên ngành vì những tiêu cực về quy trình bỏ phiếu và "quan hệ xã hội" như đã đề cập ở trên
Theo Soha
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc phong chức danh GS, PGS năm 2017 Công văn hỏa tốc của Văn phòng Chính phủ xuất phát từ băn khoăn của dư luận về con số giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm qua tăng đột biến, trước thời điểm những thay đổi về quy chế phong giáo sư, phó giáo sư với những tiêu chuẩn mới khắt khe hơn được ban hành. Công văn hỏa tốc...