“Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng không chuyển Học viện CNBCVT về Viettel”
ICTnews – Sau khi Bộ Quốc Phòng có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Viettel. Ngày 6/5, Học viện đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành không chuyển Học viện về Viettel
TS Vũ Văn San, Phó Hiệu trưởng phụ trách Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Cán bộ chủ chốt của Học viện không đồng ý chuyển về Viettel
TS Vũ Văn San, Phó Hiệu trưởng phụ trách Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện) cho biết, Ngày 5/5/2015, Học viện nhận được công văn của Bộ TT&TT lấy ý kiến về việc chuyển Học viện về Viettel. Ngay trong ngày 5/5/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện đã họp hội nghị mở rộng; tiếp đó, ngày 6/5/2015, Học viện đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt (gồm Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Giám đốc, Ban Chấp hành công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng/Phó và Chủ tịch công đoàn các đơn vị có con dấu trực thuộc Học viện, Trưởng/Phó các Khoa, Phòng, Ban, Trung tâm chức năng của Học viện) để nghiên cứu về đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc chuyển Học viện về Tập đoàn Viễn thông Quân đội và ý kiến của tập thể Ban chấp hành Đảng bộ, các đoàn thể và cán bộ chủ chốt của Học viện về việc này.
Video đang HOT
TS Vũ Văn San cho hay, thảo luận tại các hội nghị này, 100% đại biểu tham dự Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Học viện mở rộng và 100% đại biểu tham dự Hội nghị cán bộ chủ chốt của Học viện không đồng ý chuyển Học viện về Viettel để xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, CNTT và vũ khí quân sự như đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc chuyển nguyên trạng Học viện thuộc Bộ TT&TT về Viettel.
“Tập thể Ban chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo và các đoàn thể cũng như toàn thể cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên của Học viện không đồng ý với đề xuất Học viện chuyển về Tập đoàn Viettel và tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT và các Bộ, ngành liên quan quan tâm, xem xét để Học viện được tiếp tục là trường đại học công lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trực thuộc Bộ TT&TT như hiện nay”, ông Vũ Văn San nói.
Ông Vũ Văn San còn chia sẻ, Học viện đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, giới thiệu một cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học khác có các điều kiện phù hợp chuyển giao cho Tập đoàn Viettel để xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, viễn thông, CNTT và vũ khí quân sự như đề xuất của Bộ Quốc phòng.
Vì sao Học viện kiến nghị không chuyển về Viettel?
Theo ông Vũ Văn San, trên thực tế, khi mới được thành lập, vai trò, vị thế của một trường đại học (Học viện) nằm trong doanh nghiệp có thể phù hợp với giai đoạn hình thành và phát triển do được đầu tư, hỗ trợ theo các cơ chế thông thoáng hơn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mô hình này đã bộc lộ những hạn chế, Học viện sẽ khó tiếp tục phát triển, vươn lên tầm cao hơn trong nghiên cứu, giáo dục đại học. Nếu Học viện trực thuộc doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mục đích, quan điểm về hiệu quả sản xuất kinh doanh và các thay đổi chính sách của doanh nghiệp nên dễ bị tác động, làm xa rời tôn chỉ mục đích của trường vốn có tính chất xã hội và lâu dài hơn.
Cũng theo đó, trong quá trình tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã có các quyết định điều chuyển Học viện từ Tập đoàn VNPT về trực thuộc Bộ TT&TT kể từ ngày 1/7/2014. Các quyết định này đã được tập thể cán bộ, giáng viên và học sinh, sinh viên Học viện vui mừng đón nhận và tin tưởng vào sự tạo điều kiện của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ TT&TT cho sự đổi mới và phát triển ổn định của Học viện.
Ông Vũ Văn San phân tích tiếp, khi Học viện trực thuộc doanh nghiệp, cơ hội và khả năng thu hút các nguồn lực từ bên ngoài doanh nghiệp chủ quản của trường đại học là rất hạn chế so với những trường công lập khác. Trong khi trên thực tiễn của quá trình hoạt động khách quan, đòi hỏi Học viện phải có thêm các nguồn lực mang tính xã hội để tiếp tục đầu tư vào tiềm lực cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó mới cung cấp được các sản phẩm nghiên cứu, đào tạo và có chất lượng cho xã hội. Nếu Học viện chuyển về Viettel – Bộ Quốc phòng, các đối tác quốc tế hiện có các chương trình hợp tác với Học viện có thể sẽ dừng hoạt động hợp tác với Học viện, đặc biệt là những chương trình về nghiên cứu và đào tạo về an toàn thông tin, truyền thông đa phương tiện.
“Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động được quản trị bởi doanh nghiệp sẽ không phù hợp với mô hình quản trị và các quy chế, quy định có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo như các trường đại học nói chung, dẫn tới mô hình tổ chức của Học viện không được linh hoạt, không được đa dạng để qua đó có thể phân công hợp lý các chức năng nhiệm vụ của một trường đại học theo các loại hình tổ chức tương ứng”, ông San nói.
Ông Vũ Văn San cho rằng, trên thế giới và thực tế Việt Nam cho thấy có rất ít tổ chức giáo dục đại học nào do một doanh nghiệp lớn trực tiếp quản trị, điều hành chi phối hoạt động: thông thường các doanh nghiệp chỉ tham gia đóng góp, tài trợ và hỗ trợ các trường đại học và cơ sở nghiên cứu. Tại Việt Nam cho đến nay, hầu như không còn có trường đại học công lập nào trực thuộc doanh nghiệp nhà nước ví dụ như Trường Đại học Điện lực chuyển về Bộ Công thương, Trường Đại học Dầu khí đang chuyển đổi mô hình và tạm dừng tuyển sinh. Do đó, mô hình trường đại học công lập trực thuộc doanh nghiệp nhà nước hiện không còn phù hợp với điều kiện của giáo dục đại học ở Việt Nam.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Học viện chuyển về Viettel là không phù hợp với tâm tư, tình cảm
Vẫn theo ông Vũ Văn San, với bề dày trên 60 năm hình thành và phát triển, Học viện có được sự phát triển như hôm nay chính là nhờ sự gắn bó, đầu tư các nguồn lực (con người, kinh phí, chính sách) của ngành Bưu điện, Tập đoàn VNPT và Bộ Bưu chính Viễn thông (trước đây) – Bộ TT&TT hiện nay. Do đó, tập thể cán bộ, giảng viên và các thế hệ học sinh, sinh viên Học viện luôn có bề dày lịch sử gắn bó tình cảm trong hoạt động học tập, công tác của ngành Bưu điện, với Tập đoàn VNPT và ngành TT&TT của đất nước.
“Hiện với trên 20.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại Học viện, nếu Học viện chuyển về Tập đoàn Viettel sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm tư, tình cảm của học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh. Vì ngay từ đầu nếu muốn các gia đình, các bậc phụ huynh đã cho con em được thi, học tại các trường trong lực lượng vũ trang”, ông San nói.
Trong bối cảnh nhiều trường đại học gặp khó khăn về tài chính thì Học viện đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và không sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ chế tự chủ về tài chính cũng là động lực để Học viện phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo. “Với cơ chế của Học viện hiện nay hoàn toàn có thể đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp BCVT – CNTT. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng không điều chuyển về Viettel nhưng chúng tôi cũng có thể đào tạo tốt theo đơn đặt hàng của Viettel để có nguồn nhân lực CNTT – Viễn thông chất lượng cao”, ông Vũ Văn San nhấn mạnh.
Theo Zing