Chúng tôi đã từng chấm những sáng kiến… lạ đời!
Có những giáo viên copy sáng kiến 100% từ mạng Internet và quên luôn việc sửa tên… cơ quan chủ quản.
Vì sao phải có sáng kiến?
Từ ngày 15/9/2017, “Sáng kiến kinh nghiệm” được rút ngắn thành “Sáng kiến” theo Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
Có thể hiểu, “Sáng kiến” có nội hàm rộng hơn “Sáng kiến kinh nghiệm” bởi “nó” có thể được giáo viên viết ra từ kinh nghiệm hoặc đưa ra một giải pháp nào đó mang lại lợi ích thiết thực trong công việc.
Nghị định 88 đã bỏ tiêu chí “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” khi phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành nhiệm vụ.
Chiếu theo Nghị định trên, viên chức muốn được xếp loại mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẫn phải có sáng kiến.
Nếu thiếu sáng kiến thì sẽ không đạt viên chức xuất sắc, kéo theo không được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Vì quy định như thế cho nên hàng năm ở đơn vị trường học có nhiều giáo viên đăng kí viết sáng kiến để được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.
Khi giáo viên được công nhận danh hiệu thi đua thì sẽ được nâng lương trước thời hạn (6 tháng hoặc 1 năm). Đó cũng chính là “động lực” khiến nhiều giáo viên tham gia viết sáng kiến.
Cho nên mới có chuyện giáo viên chẳng có kinh nghiệm, thậm chí không có giải pháp gì cũng đăng kí viết sáng kiến.
Có những sáng kiến lạ đời. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Những sáng kiến lạ đời!
Hàng năm, trường chúng tôi (trường trung học phổ thông) có nhiều giáo viên, nhân viên đăng kí viết sáng kiến.
Sau đó Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng khoa học chấm sáng kiến để chấm thẩm định những đề tài này.
Chúng tôi đã nhiều năm tham gia chấm sáng kiến, được đọc nhiều sản phẩm của đồng nghiệp và có những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Chúng tôi chỉ cần nhìn những sáng kiến mà hình thức trình bày “chưa sạch nước cản” là thẳng tay trừ hết điểm phần này (0 điểm).
Đó là những sáng kiến không có mục lục, thiếu lời mở đầu, vắng bóng tài liệu tham khảo và trình bày các tiểu mục không đúng quy chuẩn.
Tiếp đến, chúng tôi copy một số đoạn của sáng kiến nhờ Google tìm kiếm từ Internet để kiểm tra có đạo văn hay không.
Và chúng chúng tôi đã từng bắt gặp một “sáng kiến” của đồng nghiệp ghi tên cơ quan chủ quản là “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau”, trong khi giáo viên đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Video đang HOT
“Sáng kiến” này được sao chép từ Internet không sai một dấu chấm, dấu phẩy, kể cả lỗi chính tả.
Cũng có “sáng kiến” copy tinh vi hơn là cóp nhặt nhiều đoạn trên mạng mạng, biến thành sản phẩm của riêng mình mà tác giả không thèm trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo.
Loại sáng kiến này, chúng tôi không khó để nhận ra, cũng không cần kiểm tra từ Internet, bởi khi đọc mỗi đoạn có một… giọng văn khác nhau.
Gặp những “sáng kiến” như thế, chúng tôi thất vọng vô cùng vì tác giả đã trắng trợn lừa dối giám khảo và hơn hết là thiếu liêm chính học thuật.
Những “sáng kiến” đó, chúng tôi phê ngắn gọn là “đạo văn” và đánh trượt ngay vòng đầu (dưới 5 điểm).
Tuy nhiên, cũng có sáng kiến chúng tôi biết chắc mười mươi không phải của tác giả viết ra (vì yếu kém chuyên môn) nhưng vẫn không có cơ sở để trừ điểm.
Bởi, sáng kiến đó được xin từ những tỉnh/thành khác nhưng chưa được… đưa lên mạng, buộc lòng chúng tôi phải chấm loại khá để tránh… kiện cáo về sau.
Và giám khảo cũng lạ kì!
Đơn vị chúng tôi có một Hiệu phó làm việc đã qua 2 nhiệm kì (10 năm), chưa bao giờ viết một Sáng kiến nào cả nhưng năm nào cũng làm giám khảo chấm cho đồng nghiệp.
Trong khi, có những sáng kiến mang tính học thuật rất cao, khác với chuyên ngành của Hiệu phó nhưng giám khảo này không hề từ chối mà vẫn… chấm tất.
Giám khảo này chấm điểm không mất lòng ai, bởi Sáng kiến lúc nào cũng trên… 9 điểm.
Tuy vậy, năm học 2018-2019, giám khảo này chấm sáng kiến của chúng tôi chỉ 8,0 điểm. Chúng tôi thắc mắc hỏi giám khảo có chỗ nào không ổn, nhờ góp ý thì được trả lời “Sáng kiến sai… 4 lỗi chính tả và viết còn… ít trang”.
Bên cạnh đó, đa số giám khảo chấm sáng kiến là thành viên Ban Giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn nên việc thẩm định cũng thiếu khách quan.
Gặp những sáng kiến mà tác giả là giáo viên ruột, giáo viên thân cận của Ban Giám hiệu thì được cho qua dễ dàng, có khi điểm số cao ngất.
Hoặc tổ trưởng chuyên môn nào gặp sáng kiến của tổ viên mình thì cũng thường có tâm lí chấm nhẹ tay hơn và cho điểm cũng cao hơn.
Đơn vị chúng tôi công tác năm nào cũng có nhiều giáo viên tham gia viết sáng kiến nên Hội đồng chỉ lấy số lượng theo đúng quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Và thế là mới có chuyện… bỏ phiếu để chọn ra 15% sáng kiến trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định để cơ quan này ra quyết định công nhận danh hiệu thi đua.
Những sáng kiến được bỏ phiếu đầu tiên là thành viên Ban Giám hiệu, sau đó đến tổ trưởng chuyên môn và cuối cùng mới đến giáo viên/nhân viên.
Cho nên có những sáng kiến rớt… oan nhưng tác giả không làm gì được vì “án” tại… lá phiếu.
Chúng tôi không phủ nhận việc viết sáng kiến theo quy định hiện hành. Nhưng như những gì đã phân tích, rõ ràng việc viết sáng kiến còn quá bất cập.
Hi vọng ngành Giáo dục lắng nghe tiếng nói của giáo viên chúng tôi để có những giải pháp khả thi hơn trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
//thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-88-2017-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-56-2015-ND-CP-danh-gia-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-357228.aspx
Ánh Dương
Theo giaoduc.net
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nên quy định giá "trần" và "sàn" cho SGK mới
Chỉ còn thời gian rất ngắn nữa sẽ áp dụng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, có 4 điểm cần rốt ráo triển khai mới kịp tiến độ.
Theo kế hoạch, Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông qua vào tháng 12/2018.
Sau khi có chương trình, các nhà xuất bản (NXB) tập hợp tác giả để viết sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Hiện có 5 bộ sách được Hội đồng quốc gia thông qua để áp dụng.
Đây là những kết quả rất tốt đẹp nhưng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, mới đạt nhiều lắm khoảng 30% Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Phía trước còn rất nhiều việc quan trọng. Nếu không tổ chức tốt các công việc trước mắt, tác dụng của chương trình mới và SGK sẽ hạn chế.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Đ.T).
Giáo viên "chăm chăm" đợi tập huấn SGK
Chia sẻ với PV Dân trí, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, hiện Bộ GD&ĐT đang tập huấn giáo viên về chương trình trên quy mô toàn quốc.
Nếu trước đây, chúng ta tập huấn dạy các cuốn SGK cụ thể thì hiện nay, chương trình mới quan trọng và là cái gốc - trên thế giới cũng như thế. SGK chỉ là tài liệu tham khảo.
"Từ trước đến nay, chúng ta chỉ có một bộ SGK do NXB Giáo dục ấn hành. Do đó, cuốn SGK bị "thổi" vai trò quá lớn nên "át" luôn chương trình, thi cử hoặc kiểm tra đánh giá cũng theo SGK nên giáo viên chỉ biết đến SGK.
Hiện, giáo viên đang được Bộ GD&ĐT tập huấn về chương trình. Tuy nhiên, tôi được biết, hiện tâm lý của giáo viên là chờ đợi tập huấn SGK, không chú ý đến tập huấn chương trình", GS Thuyết cho hay.
Cũng theo vị Tổng chủ biên này, giáo viên dạy theo đúng SGK đã đạt "sàn" của chương trình mới. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu chỉ có thế thì rất khó đẩy chất lượng giáo dục lên.
"Vì vậy, tôi mong muốn các báo cáo viên đả thông tư tưởng của giáo viên phải năng động chứ không như trước đây nữa", GS Thuyết đề xuất.
Hiện, giáo viên đang được Bộ GD&ĐT tập huấn về chương trình nhưng tâm lý chờ đợi tập huấn SGK. (Ảnh: Minh hoạ).
Tránh "chỉ đạo ngầm" trong lựa chọn SGK
Sở dĩ GS Thuyết nhấn mạnh việc "khách quan, công bằng" trong lựa chọn SGK bởi hiện có 5 bộ SGK. Vì thế, địa phương phải được giới thiệu kĩ về các bộ SGK, để nghiên cứu.
Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng, Nghị quyết 88 giao quyền lựa chọn SGK cho các trường phổ thông là rất đúng và chính xác. Ở nước ngoài, quyền này được đưa đến từng giáo viên. Muốn làm được điều này, họ phải có thông tin, hạn chế cầm tay chỉ việc của các cơ quan quản lý giáo dục.
"Trước hết phải thay đổi quan điểm về SGK. Khi kiểm tra chuyên môn, các nhà quản lý cần đánh giá theo chương trình chứ không phải dò theo từng chữ trong SGK. Quan niệm ấy cổ lắm rồi, bởi giờ quản lý đầu ra chứ không phải đầu vào. Có những bài đáng ra dạy 3 tiết nhưng học sinh ở đó quá rành nên chỉ dạy một tiết và ngược lại", GS Thuyết cho hay.
Việc giao các trường và giáo viên lựa chọn SGK là có lý, tôn trọng quyền dân chủ nhưng làm được việc này, theo GS Thuyết, các SGK phải đến tay giáo viên. Chẳng hạn, các Sở Giáo dục mua sách hoặc các NXB đưa chế bản SGK lên mạng nếu kinh phí quá eo hẹp.
Thứ hai, các Sở Giáo dục giới thiệu từng bộ sách, tổ chức hội thảo cho các nhà trường để phân tích và đánh giá các bộ SGK phù hợp với địa phương. Trên cơ sở đó, các trường sẽ có cách lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, các NXB phối hợp để sớm lên giá cho từng bộ sách, thấp nhất bao nhiêu, cao nhất bao nhiêu, tránh việc cạnh tranh kiểu "cá lớn nuốt cá bé". Cần có chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp chỉ đạo ngầm, hoặc xử lý vận động hành lang khi lựa chọn sách.
Các NXB phối hợp để sớm lên giá cho từng bộ sách, thấp nhất bao nhiêu, cao nhất bao nhiêu, tránh việc cạnh tranh kiểu "cá lớn nuốt cá bé".
Cực hiếm giáo viên ngoại ngữ
Để triển khai thành công chương trình phổ thông mới, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất rất quan trọng.
Mặc dù vài năm tới chúng ta mới dạy môn Ngoại ngữ bắt buộc nhưng khó khăn lớn nhất, hiện giáo viên ngoại ngữ cực hiếm.
Nguyên nhân không phải các đại học đào tạo thiếu mà theo GS Nguyễn Minh Thuyết, do lương của ngành giáo dục không hấp dẫn được người có ngoại ngữ.
"Người có tiếng Anh không thiếu việc nhưng thử nghĩ xem, họ vào trường để dạy lấy lương 3 triệu hay đi làm công ty du lịch lương mười mấy triệu?" - GS Thuyết băn khoăn.
Ngoài ra theo chuyên gia này, không chỉ giáo viên Ngoại ngữ mà giáo viên Tin học cũng sẽ khó khăn. Như vậy, làm thế nào để đủ biên chế giáo viên cho dạy 2 buổi/ngày?
Tỉ lệ học sinh trên lớp quá tải - nhất là trường điểm, sẽ rất khó cho việc dạy chương trình mới.
Sớm đổi mới thi cử
Và cuối cùng, theo GS Thuyết, để đảm bảo chương trình mới thành công, phải nghiên cứu đổi mới thi cử vì nếu thi cử như hiện nay, chương trình mới rất khó thành công.
Chương trình mới đòi hỏi học sinh thực hành, phải trải nghiệm thực tế. Do đó, cô trò phải khảo sát thực tế xem tình hình ô nhiễm ra sao, người ta giải quyết thế nào.
"Nhưng thi như hiện nay chỉ trên giấy, nghĩa là chỉ có thể kiểm tra kiến thức và kĩ năng làm bài tập của các em. Điều này khiến giáo viên chỉ tập trung dạy kiến thức kĩ năng giải bài tập để ứng phó với các đề thi lắt léo nên khó theo chương trình thực hành", GS Thuyết lo ngại.
Mỹ Hà
Theo dantri
Tổ trưởng chuyên môn, anh là ai? Tổ trưởng chuyên môn giỏi, năng động, mạnh toàn diện thì chất lượng giảng dạy của nhà trường sẽ luôn được giữ vững, nâng cao. Tổ trưởng chuyên môn tất nhiên là một người giỏi rồi! Chưa chắc đâu, ông giáo. Vì thế, câu hỏi "Tổ trưởng chuyên môn, anh là ai?" thì chúng ta phải cất công đi tìm câu trả lời...