Chung tay vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 – Bài cuối: Vì mầm xanh tương lai
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 cao nhất nước với trên 10.000 em, trong đó, nhiều nhất ở bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở, cùng với gần 3.400 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục bị nhiễm.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là những con số cuối cùng khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Một mái ấm hạnh phúc cho trẻ
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm trẻ em có mẹ mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: TTXVN phát
Theo Bộ Y tế, tính từ đến ngày 25/9, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 367.000 người mắc COVID-19, trong đó hơn 14.000 người tử vong. Như vậy, số trẻ em mồ côi vì COVID-19 cũng sẽ còn cao hơn con số 1.500 người, cao nhất nước hiện nay, cho thấy hậu quả nặng nề của đại dịch càn quét qua Thành phố trong 5 tháng qua.
Trước những mất mát quá lớn, nhất là với trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, các cấp chính quyền, đoàn thể, cùng các tổ chức xã hội và nhiều cá nhân đã và đang san sẻ, lan tỏa yêu thương; tìm nhiều giải pháp chăm lo, nuôi dưỡng nhằm bù đắp một phần sự thiếu hụt, mất mát của trẻ. Nhiều địa phương, tổ chức đoàn thể đã triển khai nhanh và thường xuyên các túi an sinh xã hội, nhu yếu phẩm cần thiết cho trẻ; trao tặng dụng cụ học tập, sách, vở, máy tính học online, học bổng ngay từ đầu năm mới 2021-2022; đồng thời triển khai nhiều giải pháp đỡ đầu cho các trẻ về lâu dài đến khi 18 hoặc 22 tuổi.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn này thật sự quan trọng để giúp trẻ tích cực hơn; cần có sự giải thích cho trẻ rõ ràng, dễ hiểu về COVID-19. Cách thức gần gũi, truyền đạt cần đơn giản phù hợp với trẻ nhỏ, thậm chí giải thích theo hướng các câu chuyện để trẻ nắm bắt và chấp nhận một cách tích cực, nhất là trẻ còn nhỏ.
Những người thân trong gia đình thiết lập với trẻ lịch trình, thời khóa biểu ở nhà phù hợp để trẻ cảm nhận sự thoải mái, hài lòng nhưng cũng cần được duy trì những nguyên tắc thói quen hàng ngày. Trường hợp trẻ nhỏ, các nguyên tắc này cần được khích lệ, trao tặng phần thưởng để trẻ thấy việc duy trì dễ dàng và rèn luyện được các hành vi tích cực.
Video đang HOT
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong giai đoạn này, người thân cần đồng hành, cùng làm điều gì đó trẻ yêu thích hoặc cùng thảo luận về dự án có ý nghĩa. “Những việc làm này sẽ giúp trẻ gia tăng cảm nhận hạnh phúc và giúp trẻ phát triển các giá trị tích cực trong cộng đồng xã hội”, Tiến sỹ Công khẳng định.
Qua phân tích tâm lý của trẻ, Tiến sỹ Công cũng khuyến khích gia đình dành cho trẻ các cơ hội kết nối, trò chuyện cùng người quen, nhất là các bạn trong lớp; tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận, tham gia các khóa học, câu lạc bộ trực tuyến nhằm giúp trẻ gia tăng tri thức, kỹ năng, cảm xúc và kết nối xã hội tốt hơn. Đặc biệt, vào năm học mới, gia đình cần dành thời gian hỗ trợ trẻ nhiều hơn; giúp trẻ chuẩn bị sách vở, kết nối đường truyền, tham gia nhóm lớp… để trẻ tự tin hơn trong quá trình học tập.
Tiếp cận ở góc độ quyền trẻ em và cũng là người gắn bó lâu năm với công tác trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích. “Quyền rất đặc thù của trẻ em là được sống trong môi trường gia đình và các con chỉ phát triển tốt nhất, hài hòa nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ và người thân thích, ruột thịt của mình…”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Đặng Hoa Nam, trường hợp trẻ mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ, thì cần cho các em một gia đình khác thay thế để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em, hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em. “Giải pháp đưa các em đến với môi trường chăm sóc tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú… chỉ là giải pháp cuối cùng khi không thể tìm cho các em một môi trường gia đình”, ông Nam nhấn mạnh.
Xây dựng chính sách chăm lo lâu dài cho trẻ mồ côi
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu thăm hỏi và tặng quà cho các em mồ côi vì COVID-19 tại Quận 4. Ảnh: Thu Hương/TTXVN
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dịch COVID-19 khiến trẻ em thành phố phải đối mặt với các vấn đề về tâm lý, sức khỏe và nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể. Nhằm trợ giúp cho mọi trẻ em vượt qua giai đoạn dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng, thực hiện và phối hợp triển khai các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để hỗ trợ cho trẻ mồ côi và cả trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 về lâu dài, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo địa phương xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn. Kết nối các dịch vụ xã hội sẵn có từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và đàm phán với các dự án để chuyển đổi hoạt động sang hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em, cho gia đình trẻ đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp.
Sẻ chia cùng các trẻ em, nhất là trẻ mồ côi vì dịch COVID-19, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu chính quyền các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, lập danh sách cụ thể; tổ chức thăm hỏi, động viên, nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng để thành phố xây dựng chính sách chăm lo, nuôi dưỡng, hỗ trợ các trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các em nhân dịp Tết Trung thu và năm học mới 2021-2022. Đồng thời, có kế hoạch khảo sát, xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu mồ côi lâu dài và tốt hơn.
Chia sẻ về cách thức, phương hướng hỗ trợ đối với trẻ em rơi vào cảnh mồ côi do dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tính toán chu toàn nhất để các em nhỏ có chỗ dựa, phát triển lâu dài, không phải chịu thiệt thòi. Một số trường hợp các em mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch, gia đình, người thân chưa ai kịp về để lo các công việc tiếp theo. Do đó, chính quyền cần phải là điểm tựa nhằm lo lắng, tính toán những kế hoạch chi tiết về việc quản lý, giữ gìn tài sản trước mắt cho các em nhỏ.
Theo các chuyên gia, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 là vấn đề tiếp tục kéo dài, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định, Thành phố cũng cần nghiên cứu thêm các chủ trương, chính sách phù hợp để tiếp tục đồng hành, giúp đỡ học sinh mồ côi. Bên cạnh đó, học sinh không may bị mồ côi cũng rất cần được quan tâm về dinh dưỡng, giáo dục, y tế, sức khỏe tinh thần, thể chất…
Có thể nói, đồng hành với trẻ em mồ côi vượt qua mất mát, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất theo chính sách của Nhà nước, những chương trình an sinh của các địa phương đã và đang thực hiện, những hỗ trợ về văn hóa, tinh thần từ cộng đồng với các em không thể đo đếm, định lượng, đồng thời đòi hỏi có tính khoa học và thực tiễn lâu dài. Vấn đề này đặt ra cho tất cả mọi người và cộng đồng những suy nghĩ, hành động nhằm đồng hành với các em và bằng cách nào đó tốt nhất để các em có thể vượt qua mất mát quá lớn lao lúc này, lớn lên, trưởng thành, hội nhập với cộng đồng.
Cần Thơ: Khẩn trương hoàn thành hỗ trợ người lao động gặp khó khăn
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 148/KH-UBND của UBND thành phố Cần Thơ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thành phố đã và đang khẩn trương thực hiện chi hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn.
Trao tiền hỗ trợ cho người bán vé số tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN phát
Tính đến ngày 20/9, toàn thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ cho 3.663 người sử dụng lao động, với 99.492 lượt người, tổng kinh phí trên 84,5 tỷ đồng, đạt 76,1% so với số lượng được phê duyệt.
Thành phố đã hoàn thành việc hỗ trợ 3.653 người sử dụng lao động/74.717 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với số tiền trên 36,8 tỷ đồng. Cần Thơ đã thực hiện việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, nhưng đến nay chưa phát sinh hồ sơ đề nghị.
Trên địa bàn đã có 10 doanh nghiệp được giải ngân để trả lương ngừng việc cho 1.678 người lao động với số tiền cho vay là trên 6,5 tỷ đồng... Thành phố đã chi hỗ trợ tiền mặt cho 23.143 lượt người với trên 41,5 tỷ đồng, đạt 40,69% so với số lượng được phê duyệt.
Ngoài ra, thành phố Cần Thơ đã triển khai các chính sách hỗ trợ khác đối tượng và người dân gặp khó khăn do đại dịch như: Hỗ trợ suất cơm miễn phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; tặng quà là lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; duy trì mô hình Chợ 0 đồng, Bếp yêu thương, Chuyến xe yêu thương, Chuyến xe Dân vận, Công trình 650 Túi thuốc yêu thương, ATM gạo... để san sẻ khó khăn cùng nhau vượt qua đại dịch...
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố còn phối hợp với Ủy ban MTTQ thành phố, UBND thành phố sử dụng Quỹ Vì người nghèo thành phố Cần Thơ để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với mức từ 500.000 đến 900.000 đồng/hộ. Thành phố đã tổ chức đón 1.122 người dân thành phố Cần Thơ sinh sống, học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương trở về quê an toàn...
Theo ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến khá phức tạp, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các ngành, cấp trong toàn thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nên ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Mặt khác, tiến độ chi hỗ trợ sau khi có quyết định phê duyệt ở một số chính sách còn chậm do một số đối tượng đang cách ly y tế tập trung, đang trong khu phong tỏa. Nhiều người dân, doanh nghiệp có tâm lý chờ hết dịch bệnh mới thực hiện, chưa chủ động kê khai qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, nên số lượng người ở một số chính sách còn ít hoặc chưa phát sinh. Người lao động và sử dụng lao động cũng chưa thật sự hiểu hết các chính sách, chưa tích cực gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ với các cơ quan địa phương...
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đang cùng với các địa phương khẩn trương chi hỗ trợ các đối tượng còn lại; cố gắng sớm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt để giúp các doanh nghiệp, người lao động giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Hà Nam: Đẩy nhanh thực hiện gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 Chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho 4/12 nhóm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg. UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các địa phương cần khẩn trương đốc thúc, rà soát để kịp thời phê duyệt, hỗ trợ kinh phí cho các...