Chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C đã bị khai tử từ lâu
Sau khi chứng chỉ ngoại ngữ hệ A, B, C bị khai tử, việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ sẽ thực hiện theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc đã thay thế các chứng chỉ A,B,C
Ông Nguyễn Công Hinh- Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngày 29 tháng 9 năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Trong đó, chứng chỉ ngoại ngữ được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ bậc 1 đến bậc 6.
Mẫu chứng chỉ ngoại ngữ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.
Như vậy Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã thay thế chứng chỉ chỉ ngoại ngữ A,B,C được quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Công Hinh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT)
Việc Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thay thế cho các chứng chỉ ABC từ lâu đã được thừa nhận vì không thể tồn tại song song 2 loại chứng chỉ.
Tuy nhiên Thông tư 23 lại chưa nhắc đến việc sẽ thay thế Quyết định 30 nên Bộ GD&ĐT đã tiếp tục ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT.
Hiện nay có 9 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Vinh.
An Nhiên
Theo GDTĐ
Việc thi đánh giá năng lực ngoại ngữ sẽ như thế nào sau khi chứng chỉ ngoại ngữ A-B-C bị "khai tử"?
Những quy định cũng như các loại hình bằng cấp, văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ trong thời gian qua gây không ít khó khăn cho những người đang sử dụng các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ này để thi hoặc xét tuyển vào các cơ quan nhà nước, đơn vị hay trong quá trình nâng hạng, chuyển ngạch công chức viên chức.
Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 06/6/2008 ban hành quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên, có hiệu lực từ ngày 15/01/2020. Nhiều người tỏ ra lo lắng về những tấm văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ mà mình đang sở hữu và không biết sắp tới, khi Thông tư này có hiệu lực thì việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ sẽ như thế nào?
Theo tìm hiểu thực tế, hiện trong hệ thống văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, ngoài những người đã và đang học các chương trình giáo dục đào tạo theo các trình độ cao đẳng, đại học khối ngành đào tạo ngoại ngữ, sẽ được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học tương ứng thì các chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C vẫn còn tồn tại, các chứng chỉ này được cấp theo Quyết định 177/QĐ-TCBT ngày 30/01/1993 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C. Cùng đó còn có các kỳ đánh giá tiếng Anh theo các chương trình thi IELTS, TOIEC, TOEFL... các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ này cũng được quy đổi tương đương sang khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng các vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng khung năng lực cho vị trí việc làm... do Bộ Nội vụ thực hiện cũng quy định các trình độ, văn bằng, chứng chỉ, trong đó có quy định về trình độ ngoại ngữ theo khung ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Việc còn tồn tại nhiều bất cập trong các loại hình văn bằng, chứng chỉ đối với các vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp... cũng liên tục được đề cập trong các kỳ họp Quốc hội.
Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C từng là văn bằng không thể thiếu trong hồ sơ xin việc của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam
Trong kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, "Vấn đề kiểm soát thì có nhiều cách, tin học, ngoại ngữ chỉ cần thi sát hạch, không cần có văn bằng gì cả. Sắp tới chúng tôi sẽ làm phương pháp này để giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết".
Trong Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp tùy theo từng vị trí việc làm. Có nghĩa là khi tuyển dụng, chúng ta đã quy định văn bằng, bằng cấp ngoại ngữ là như nhau, từng vị trí phải có bằng cấp ngoại ngữ khác nhau.
Cũng trong kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, liên quan tới những đổi mới về tuyển dụng, đặc biệt là nâng hạng tiêu chuẩn nghề nghiệp có quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho rằng, qua thực tiễn đối với giáo viên, viên chức giáo dục, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết vì đã lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trong chuẩn giáo viên đã quy định.
Điều đáng nói là kể từ năm 1993 tới nay đã 26 năm, gần hơn là sau khi Bộ GDĐT ra Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT quy định khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, theo đó khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam được chia làm 3 cấp Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp với 6 bậc tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR. Đến năm 2017, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 23 ban hành quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, và từ đó tới nay đã 2 năm.
Chính việc tồn tại nhiều loại hình văn bằng, chứng chỉ nên tình trạng lộn xộn, tiêu cực trong việc thi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ đã xảy ra một thời gian dài dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ ở một số trường đại học lớn tại Việt Nam.
Mặc dù gần đây, Bộ GDĐT đã tiến hành rà soát, thanh tra, phát hiện ra hàng loạt sai phạm tại các cơ sở giáo dục, đơn vị tổ chức thi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, hàng trăm cơ sở, đơn vị buộc phải dừng việc tổ chức thi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, tuy nhiên cũng không thể đảm bảo không còn tiêu cực, sai phạm.
Như vậy, sau khi Thông tư 20 có hiệu lực sẽ hạn chế bớt những tiêu cực trong việc thi và cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ tại Việt Nam, giảm bớt những loại hình văn bằng, chứng chỉ không còn phù hợp tiến tới thống nhất các loại hình này trong quá trình tuyển dụng. Tuy nhiên cũng nhiều người đặt câu hỏi, tại sao tới giờ Bộ GDĐT mới ban hành Thông tư này, lẽ ra việc này phải làm sớm hơn.
Được biết, việc ban hành Thông tư 20 cũng không ảnh hưởng tới việc đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm ngoại ngữ đã được cấp phép trước đó. Tuy nhiên, ngoài việc bồi dưỡng, đào tạo thì việc thi và cấp phát văn bằng mới là đích cuối cùng của các đối tượng theo học, vì vậy các cơ quan liên quan cần phải kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực hiện khâu cuối này để làm sao đảm bảo chất lượng của văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, hạn chế tối đa những tiêu cực như đã xảy ra trong thời gian qua.
Tới thời điểm này, cả nước có 9 trường ĐH đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc tại Việt Nam gồm: Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế; Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Hà Nội; ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Cần Thơ; Trường ĐH Vinh.
Phương Anh
Theo toquoc
Bộ GD&ĐT công bố các đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và tin học Theo đó, cả nước có 8 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, 176 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, chủ yếu là các trường đại học và Sở GD&ĐT các tỉnh. Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy ở một trường đại...